Võ Diệu Thanh, nhà văn của miền Tây sông nước

Võ Diệu Thanh, nhà văn của miền Tây sông nước
Cây bút nữ khởi đầu văn nghiệp với tác phẩm Đứa con gái ngỗ ngược, cuốn sách đã giành được giải Nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ IV. Tiếp theo đó, chị liên tục ra mắt những tác phẩm mới mà cuốn nào cũng như đi trong trận cùng nỗi bĩ cực đời người. Ấn tượng nhất có lẽ là hai cuốn sách viết về chiến tranh biên giới Tây Nam, một trang sử khủng khiếp thấm đẫm máu và nước mắt: Về từ hành tinh ký ức và Muôn dặm sầu giăng.
Hai cuốn này đều có chung chủ đề, tiếp nối nhau, như một dạng hồi kí, là những ghi chép của tác giả về nỗi đau của người dân Ba Chúc (An Giang) được nói lên từ chính miệng người trong cuộc. Trong 11 ngày chiếm đóng, máu nhuộm đỏ Ba Chúc bởi vô số những trò tra tấn man rợ của Polpot. Sau đó, chúng thẳng tay tàn sát dã man: thường dân bị chúng bắn, bị cắt họng hoặc bị đánh đập bằng gậy cho tới chết. Trẻ em bị tung bổng lên không sau đó bị chém bằng lưỡi lê. Phụ nữ bị hiếp dâm tập thể và đóng cọc vào cơ quan sinh dục cho tới chết. Những người sống sót nhanh chóng trốn vào chùa Tam Bửu và chùa Phi Lai ẩn náu, nghĩ rằng ở nơi cửa Phật thì bọn chúng sẽ tha. Nhiều người chạy lên núi Tượng để trốn, tuy nhiên không mấy ai thoát khỏi trận tàn sát của quân Khmer Đỏ. Cùng với việc diệt chủng, đám quân tàn ác ấy triệt để thực hiện khẩu hiệu “Đốt sạch, giết sạch, phá sạch”. Đi đến đâu, chúng cướp bóc tài sản đến đó và vận chuyển về bên kia biên giới. Chúng phá huỷ, đốt sạch, từ nhà dân đến các công trình công cộng. Sau cuộc thảm sát, không một ngôi nhà nào ở Ba Chúc còn nguyên vẹn. Theo tài liệu thống kê, chỉ trong vòng 11 ngày đêm, bọn Pol Pot đã giết chết 3.157 người trong vụ thảm sát Ba Chúc. Trên 100 hộ bị chúng giết sạch không người sống sót, hơn 200 người chết và bị thương, cụt tay chân do đạp nhằm mìn và lựu đạn của quân Pol Pot gài lại. Chỉ có ba người sống sót sau vụ thảm sát! Ám ảnh biết bao khi người ta mường tượng lại khung cảnh ngày ấy, nhìn người thân chết tức tưởi trước mắt mà không làm gì được.
Xác bác tôi phơi quỳ trong cái nắng tháng Ba đổ lửa như vậy. Tôi nhìn vào cái dáng quỳ bất động của bác thấy như bác đang rất mỏi. Tôi cứ muốn với tay sửa lại nhưng rồi lại thôi. Cho tới ba ngày sau, chịu đựng hết nổi, khi ít nghe tiếng lùng sục của chúng, tôi liều gan lật bác lại sửa xác bác cho ngay ngắn. Nhưng cô hình dung thử coi, người chết ba ngày, tay chân bác tôi đã đơ cứng với dáng quỳ chổng khu trên đất. Tôi kéo mấy lần nhưng tay chân vẫn đơ cứng, nắm tới đâu da bị tuột tới đó… Ba tôi nói: “Thôi con, đừng sửa nữa, tụi nó trở lại thấy mất dấu lại tìm kiếm kỹ là chết hết.” Tôi buộc phải để bác trở về vị trí quỳ mọp như lúc bác bị giết…
Tôi luôn luôn kinh ngạc bởi sự phi nhân của người đối với người – Primo Levi
Primo Levi là nhà văn nổi tiếng với tác phẩm Có được là người, mô tả một cuộc sống không khác gì địa ngục trần gian ở trại tập trung người Do Thái mà Đức Quốc xã dựng nên. Những gì Hitler và Polpot đưa ra để mị dân, cho rằng mục tiêu cao cả của họ đang hướng tới về một thế giới đại đồng đã được đám binh sĩ thấm nhuần và áp dụng triệt để. Một người thợ săn với những con thú lại càng không phải. Nhìn những con thú đỡ đạn cho đàn con, những người thợ săn còn cảm thấy mủi lòng. Người lính Pol Pot thì không hoặc buộc phải giấu đi cảm giác chùn tay. Tôi hiểu hoàn cảnh những người lính Pol Pot. Khi bước vào hàng ngũ, họ không còn nghĩ đến chữ lương tâm được. Vì ai có lương tâm là sẽ bị giết. Chỉ còn sống để giết người hoặc là chết.
Tôi không nhớ gì nhiều. Chỉ nhớ lưng cõng con, chân không, tôi giẫm lên nền chùa đầy máu. Những dòng máu còn nóng, giống như ai vừa kho cá, đổ nước cá kho dưới nền chùa. Máu của bốn, năm chục người vừa chết mà. Lúc đó tá hỏa luôn chớ không thấy gì. Khói nghi ngút. Chân tôi giẫm lên nền chùa tràn máu nóng như vậy. Tôi cứ cõng con chạy về phía chùa Bà. Trên đường tôi chạy, pháo nó dội nổ bung bung, miểng phang lạc xạc xung quanh. Tôi nói chắc mình chết. Nghĩ vậy nhưng cứ cõng con chạy. Lúc này chỉ là đạn tránh mình chớ mình tránh đạn đường nào được nữa.
Cuốn sách là là một cố gắng, dù có phần vô vọng, để giải tỏa những thắc mắc tưởng chừng như vô tận. Để tái dựng lại một khoảng lặng của kí ức, để những tiếng nói vẫn còn cất lên từ lòng đất có thể được lắng nghe và để kể những câu chuyện luôn cần được kể…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *