kinh-te-kho-khan,-nguoi-lao-dong-ha-tieu-chuan-tien-luong,-khong-con-“ken-ca-chon-canh”

Kinh tế khó khăn, người lao động hạ tiêu chuẩn tiền lương, không còn “kén cá chọn canh”

Tiền lương giảm 1/3 so với trước, lao động vẫn chấp nhận

Thất nghiệp đã 5 tháng, đang nhận trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhưng chị Lương Thị Huế (32 tuổi) vẫn chưa thể xin được việc làm.

Chị Huế tâm sự: “Đi làm được 10 năm tôi đã phải đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp 2 lần. Lần này chỉ được nhận trợ cấp thất nghiệp 5 tháng, tôi đã nhận 3 tháng rồi, chỉ còn 2 tháng, nếu sau đó không xin được việc làm thì không biết sẽ phải sống thế nào”.

Chị Huế cho biết, trước đây chị làm kế toán nội bộ cho một công ty nước ngoài, tiền lương hàng tháng có lúc lên tới 18-20 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể chị nhận thêm việc ngoài về làm thêm, mỗi tháng cũng được tầm 3-4 triệu đồng nữa. Thế nhưng, từ ngày xuất hiện dịch Covid-19, công ty khó khăn rồi giải thể, công việc làm thêm cũng không còn. Chị thất nghiệp, xin việc làm suốt 3 tháng mà không được nên đành nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sống qua ngày.

lao động hạ kỳ vọng tiền lương

Chị Huế đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: NN

“Tôi chấp nhận mức lương giảm, chỉ cần tháng được 10-12 triệu đồng là được. Ngoài kế toán tôi cũng ứng tuyển cả các vị trí thu ngân, quản lý quầy… nhưng sau nhiều tháng tìm việc vẫn chưa tìm được công việc nào ưng ý. Đa phần các công việc đều có mức tiền lương thấp chỉ từ 7-8 triệu đồng/tháng”, chị Huế tâm sự.

Chị Huế cho biết, nếu hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, không tìm được đúng công việc có kinh nghiệm, với mức lương cao như kỳ vọng thì dù lương có thấp chỉ bằng 1/3 so với trước, chị vẫn phải chấp đi làm.

Cùng chung suy nghĩ như chị Huế, nhiều lao động đã phải hạ tiêu chuẩn về tiền lương khi đi xin việc. Một phần là bởi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng. Phần khác là bởi, mặt bằng tiền lương đang có xu hướng giảm do nhiều tác động.

Kỳ vọng tiền lương cao của lao động đang có xu hướng giảm

Khảo sát mới nhất của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi, trực thuộc Sở LĐTBXH TP.HCM) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ người đề xuất lương cao hơn 20 triệu đồng/tháng giảm mạnh so với năm 2022.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, trung tâm đã thực hiện khảo sát nhu cầu tuyển dụng của 43.000 lượt doanh nghiệp với gần 154.000 vị trí làm việc và hơn 76.000 lao động đang có nhu cầu tìm việc.

Kết quả cho thấy, nhu cầu tìm việc của người lao động chủ yếu tập trung ở mức lương 10-15 triệu đồng/tháng (chiếm 44,26%), kế tiếp là mức tiền lương 15-20 triệu đồng/tháng (chiếm 24,51%), mức lương trên 20 triệu đồng/tháng cũng chiếm 19,06%, mức lương 5-10 triệu đồng/tháng chỉ có 11,49% số người tìm việc đề xuất, mức tiền lương thấp nhất là dưới 5 triệu đồng/tháng chỉ có 0,68% người tìm việc đề xuất.

Kết quả khảo sát trong năm 2022 của Falmi cho thấy, nhu cầu tìm việc của người lao động tập trung cao nhất ở mức tiền lương trên 20 triệu đồng tháng (chiếm 38,97%). Năm nay, nhóm lao động tìm việc đề nghị mức tiền lương cao này đã giảm rất mạnh, xuống còn 19,06%, tức là giảm chỉ còn 1/2 so với năm 2022.

Không chỉ thế, nhóm nhân lực tìm việc mức tiền lương khá (15-20 triệu đồng/tháng) trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng không tăng nhiều, chỉ cao hơn năm 2022 gần 7%.

tiền lương

Lao động đã hạ kỳ vọng vào tiền lương. Nhóm lao động tìm việc đề nghị mức lương cao này đã giảm rất mạnh, xuống còn 19,06%, tức là giảm chỉ còn 1/2 so với năm 2022. Ảnh: NN

Tăng mạnh nhất là nhóm nhân lực tìm việc mức lương trung bình (10-15 triệu đồng/tháng), tỷ lệ tăng so với năm 2022 đến hơn 18%.

Điều này cho thấy sự thay đổi này của người lao động có nhu cầu tìm việc đã giúp cán cân cung cầu lao động về mức lương cân bằng hơn so với năm 2022. Tỷ lệ người tìm việc theo mức lương đã sát với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Cụ thể, ở mức tiền lương cao (trên 20 triệu đồng/tháng), doanh nghiệp cần tuyển hơn 28.000 chỗ làm việc, chiếm 18,51% tổng nhu cầu nhân lực, gần bằng tỷ lệ tìm việc (19,06%).

Tương tự, ở mức lương khá (15-20 triệu đồng/tháng), doanh nghiệp cần gần 25.000 chỗ làm việc, chiếm 15,99% tổng nhu cầu nhân lực, cũng không quá thấp so với nhu cầu của người lao động tìm việc (khoảng 24%).

Chỉ có ở nhóm tiền lương thấp (dưới 5 triệu đồng/tháng) vẫn có sự chênh lệch lớn giữa cung và cầu. Doanh nghiệp cần hơn 23.000 chỗ làm việc, chiếm 15,01% tổng nhu cầu nhân lực nhưng chỉ có 0,68% người tìm việc chọn mức lương này.

Với nhóm lương thấp, doanh nghiệp chủ yếu trả cho các vị trí lao động phổ thông như nhân viên phục vụ, phụ bếp, phụ xe, nhân viên tiếp thị, tạp vụ, bảo vệ, bán hàng siêu thị… Tuy nhiên, ở nhóm công việc này, nhiều lao động tìm việc yêu cầu mức lương cao hơn 5 triệu đồng/tháng.

Không chỉ ở TP.HCM, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, các lao động cũng đã phải hạ tiêu chí và thực tế hơn khi tìm việc. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *