42 tuổi, làm qua 4 công ty, đi xin việc không ai nhận, nghỉ hưu không xong
Từng ra Bắc, vào Nam làm việc cho nhiều công ty, chị Nguyễn Thị Lâm (44 tuổi) ở Thanh Hóa đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khó khăn.
Chị Lâm kể, năm 18 tuổi chị vào làm công nhân trong Bình Dương, làm được 2 năm thì bố mẹ ốm xin ra Hà Nội làm cho gần nhà, tiện có việc còn về quê. Làm được 7 năm thì lấy chồng rồi 2 vợ chồng chuyển về quê.
Về quê chị xin vào làm công nhân da giày tại Khu công nghiệp Hoàng Long (Thanh Hóa). Làm được 7 năm thì chị xin nghỉ việc. Lý do là bởi công việc quá vất vả, sức khỏe bị suy giảm, mắc nhiều bệnh nghề nghiệp.
Chị Lâm kể: “Công việc của một công nhân trong xưởng giày rất vất vả, thường xuyên phải ngồi liên tục từ 5-6 tiếng đồng hồ. Một ngày chỉ được nghỉ giải lao đi vệ sinh 2-3 lần. Đó là chưa kể mùa hè nắng nóng, làm việc ngay mấy cạnh lò hấp giày nhiệt độ trong xưởng có khi phải lên tới 37-40 độ C”.
Nhiệt độ tăng cao, mùi keo, mùi hóa chất bốc lên nồng nặc có lúc khiến hàng loạt công nhân ngất xỉu khó thở. Sau một thời gian làm việc, mắt chị mờ, thoái hóa đốt sống lưng… vì thế chị Lâm xin nghỉ việc.
35 tuổi xin nghỉ việc, chị xin đi làm phục vụ cho các nhà hàng. Ngỡ đâu vậy là thoát cảnh khổ, ai ngờ “tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa”, kinh tế khó khăn nhà hàng cũng ít khách.
“Tôi bị nợ lương đã 3 tháng nay, mỗi tháng chủ nhà hàng chỉ trả 1/3 tiền lương và cứ khất lần. Tôi muốn nghỉ việc đã đi rải hồ sơ ở mấy khu công nghiệp nhưng giờ ở đâu cũng kêu khó khăn, không tuyển lao động”, chị Lâm kể.
Đặc biệt ở độ tuổi như chị Lâm thì rất khó xin việc làm, nếu có thì công ty cũng chỉ tuyển dụng lao động dưới 30 tuổi. Vừa đỡ chi trả tiền thâm niên, lại vừa tận dụng lao động trẻ, khỏe.
“Đóng BHXH gián đoạn, đến nay mới đóng được 15 năm. Muốn xin đi làm công nhân thêm chục năm, đóng đủ BHXH, đợi đến tuổi về hưu nhận lương hưu mà khó quá”, chị Lâm than.
Không chỉ chị Lâm, đa phần những công nhân từ sau tuổi 40 khi mất việc thường rất khó xin việc lại.
Từng làm công nhân ép nhựa ở Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Nga (42 tuổi, Phú Thọ) xin nghỉ việc vì cơ thể phản ứng với mùi nhựa. “Khi mới đi làm, ngửi mùi nhựa tôi rất khó chịu nhưng lâu dần cũng quen. Từ ngoài 40 tuổi, ngửi mùi nhựa tôi thường bị chóng mặt, đau đầu. Sau đó tôi quyết tâm xin nghỉ việc” – chị Nga nói.
Rời chỗ làm cũ, chị Nga muốn xin vào công ty may mặc hoặc những nơi có môi trường dễ chịu hơn, nhưng đi xin việc ở 4 công ty đều bị từ chối với lí do không tuyển dụng lao động ngoài 40 tuổi.
Hiện tại, chị Nga cảm thấy mệt mỏi khi cầm hồ sơ đi xin việc, có những doanh nghiệp viết rõ yêu cầu chỉ tuyển công nhân dưới 35 tuổi, vậy là “chưa đến vòng gửi xe tôi đã bị loại” – chị Nga chia sẻ.
Theo chị Nga, có công ty chấp nhận hồ sơ nhưng sau khi phỏng vấn, người tuyển dụng vẫn từ chối, họ cho rằng, lao động nữ ngoài 40 không thể đảm bảo sức khỏe, sự nhanh nhẹn để làm việc theo dây chuyền. Trong khi chị Nga cũng là công nhân ở khu công nghiệp hơn 10 năm, có thừa kinh nghiệm và kĩ năng xử lí công việc.
Chị Nga cho biết, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, ở độ tuổi 42, chị lại bị từ chối thẳng.
Không chỉ vậy, nhiều lao động đóng đủ năm BHXH nhưng vì chưa đủ tuổi về hưu mà sức khỏe không cho phép lại phải xin nghỉ hưu sớm, chờ đủ tuổi mới nhận được lương hưu. Việc chờ 5-10 năm mới được nhận lương hưu khiến nhiều lao động bơ vơ, không có nguồn thu nhập để sinh sống.
Đồng loạt kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho công nhân, lao động trực tiếp
Mới đây, Ban Dân nguyện (Quốc hội) cũng gửi tới Chính phủ kiến nghị của cử tri 10 tỉnh/thành, đề nghị xem xét giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam cho công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non… Lý do là nhằm hạn chế rút BHXH một lần và người lao động có cơ hội nhận lương hưu khi về già.
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tuổi nghỉ hưu của nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi, lộ trình mỗi năm tăng thêm bốn tháng cho đến năm 2035; nam tăng từ 60 tuổi lên 62 tuổi, lộ trình mỗi năm tăng thêm ba tháng cho đến năm 2028.
Chia sẻ với Pv Báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội (nay Ủy Ban Xã hội) cho rằng, tuy bộ Luật lao động có điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn mở ra cơ hội nghỉ hưu sớm cho những nhóm lao động đặc thù.
Luật đã quy định những lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những lao động có sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động 61%) có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy trường hợp). Lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
“Dù quy định là như vậy, nhưng về mặt khách quan Chính phủ phải nghiên cứu đánh giá với những nhóm lao động đặc thù. Nếu thực tiễn phát sinh những nhóm đối tượng mới cần phải xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì Bộ LĐTBXH cùng các đơn vị khác cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ giải quyết”, ông Lợi nói.
Ông Lợi cũng cho rằng, vấn đề không phải là nghỉ hưu trước 5 năm hay sau 5 năm, vấn đề là Chính phủ nên xem xét việc nghỉ hưu trước 5 năm thì trừ tỷ lệ % thế nào. Nên trừ 1 hay 2% là phù hợp.
Theo ông Lợi nếu lao động đã suy giảm khả năng lao động rồi thì đừng trừ 2% mà chỉ nên trừ 1%. Không trừ thì không nên, để tránh việc nhiều lao động vẫn còn khả năng lao động nhưng chạy chọt để về hưu sớm.
Bà Vũ Thùy Trang – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe cho biết, căn cứ Khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động hiện hành thì phân biệt tuyển dụng trong lao động là một tập hợp con của phân biệt đối xử trong lao động. Dưới góc độ pháp lí thì dấu hiệu phân biệt trong lao động này được thể hiện qua hành vi loại trừ hoặc ưu tiên người lao động dựa trên các tiêu chí, trong đó có giới tính, độ tuổi.
Việc người sử dụng lao động có hành vi, dấu hiệu phân biệt đối xử trong lao động hay phân biệt tuyển dụng trong lao động là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, bị pháp luật cấm và hoàn toàn bị xử phạt theo quy định.