TRẬN MIDWAY – TRẬN CHIẾN LẬT NGƯỢC TÌNH THẾ TẠI THÁI BÌNH DƯƠNG

BỐI CẢNH.

Sau cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng, gây ra thiệt hại nặng nề cho Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, các lực lượng vũ trang của Nhật đã thực hiện một loạt các chiến dịch quân sự trên biển và trên không quy mô lớn khắp châu Á-Thái Bình Dương và gặt hái được nhiều chiến thắng lớn trước lực lượng quân đội châu Âu và Mỹ. Quân Nhật đã khiến Anh phải chịu một thất bại nhục nhã nhất lịch sử ở Malaysia, Singapore và Miến Điện. Tại Philippines, quân Nhật đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Mỹ-Philippines. Ở Đông Ấn Hà Lan, quân Hà Lan nhanh chóng bị Nhật đánh bại. Trên biển và trên bầu trời, tàu chiến và máy bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản làm chủ tất cả, tiêu diệt tất cả các tàu chiến địch của hải quân Hà Lan, Anh và Mỹ với tổn thất không đáng kể. Trong cuộc Không kích Ấn Độ Dương, Hải quân Nhật đã đánh chìm 2 tuần dương hạm lớn, 1 tàu sân bay cộng với các tàu nhỏ hơn của Anh, trong đó họ chỉ mất duy nhất khoảng 20 máy bay.

Nói chung, quân Nhật đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu quân sự ban đầu trong kế hoạch xâm lược của họ mà chỉ thiệt hại rất nhẹ, trong khi gây ra thương vong lớn lên quân địch.

Quân Nhật chỉ phải chịu 2 trở ngại nhỏ duy nhất trước Midway:

1/ Trong chiến dịch đánh chiếm Đảo Wake lần thứ 1: Quân đồn trú nhỏ của Hoa Kỳ đã chiến đấu một cách kiên cường, gây ra thiệt hại đáng kể cho lực lượng tấn công của Nhật. Tuy nhiên, đó chỉ là một trở ngại nhỏ, trong chiến dịch tấn công lần thứ 2, quân Nhật đã thành công chiếm Đảo Wake và buộc lực lượng đồn trú của Mỹ phải đầu hàng.

2/ Trong trận Hải chiến Biển San Hô: Đây là trận solo đầu tiên giữa tàu sân 2 bên trong Chiến tranh Thái Bình Dương. Cũng là lần đầu tiên lực lượng các tàu chiến của Nhật và Mỹ không chạm mặt mà sử dụng máy bay từ các tàu sân bay đánh nhau.

Với việc đánh chìm 1 tàu sân bay hạm đội của Mỹ – USS Lexington (CV-2) – mà chỉ mất 1 chiếc tàu sân bay hạng nhẹ Triển Phụng (Shōhō), quân Nhật giành được thắng lợi chiến thuật. Tuy nhiên, Đệ ngũ Hàng không Chiến đội bao gồm Tường Hạc (Shōkaku) và Thuỵ Hạc (Zuikaku) cũng chịu thiệt hại nặng nề. Bị trúng 3 quả bom làm hư hỏng nặng thang máy và sân bay, Shōkaku phải được đưa về chính quốc Nhật để sửa chữa. Trong khi bản thân chiếc Zuikaku không bị hư hại nặng, nhóm không quân của tàu sân bay này lại tổn thất nghiêm trọng. Bởi vì trong hải quân Nhật Bản, nhóm không quân được coi là một bộ phận của tàu sân bay mẹ, Zuikaku cũng không được đưa ra chiến trường. Bởi thất bại trong việc chiếm giữ Port Moresby – quân Nhật đã chịu một thất bại chiến lược.

TUY NHIÊN.

Dù có 2 trở ngại nhỏ ở Biển San Hô và Đảo Wake, sự thật vẫn là quân Nhật đang thắng thế và quân Mỹ đang bị đẩy lui. Ở Hoa Kỳ, tinh thần chiến đấu của người dân đã giảm sút không phanh.

Nhưng tình hình sẽ hoàn toàn thay đổi kể từ sau Trận Midway.

______

TRẬN HẢI CHIẾN MIDWAY.

Bất chấp những thiệt hại nặng nề lên thiết giáp hạm của Mỹ ở Trân Châu Cảng, Đô đốc Isoroku Yamamoto vẫn không hài lòng với việc các tàu sân bay của Mỹ vẫn còn chưa bị tiêu diệt. Là một trong số ít sĩ quan có tầm nhìn và nhận ra tiềm năng quân sự của tàu sân bay và không lực hải quân, Yamamoto luôn tìm cơ hội để tiêu diệt được lực lượng tàu sân bay của Mỹ. Ông cho rằng muốn hoàn thành được điều này, Nhật phải mở một trận đánh quyết định buộc Mỹ phải sử dụng hết tất cả những gì mà hải quân của họ có để chiến đấu với Nhật – bao gồm tất cả những tàu sân bay mà Nhật muốn đánh chìm.

Nơi mà Yamamoto chọn lựa để mở trận đánh? Rạn san hô vòng Midway – một tiền đồn chiến tuyến của quân đội Hoa Kỳ nằm ở phía tây bắc Hawaii.

Vào chiều ngày 27 tháng 5 năm 1942, lực lượng lớn Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã rời Biển nội địa để thực hiện Chiến dịch MI – một trong những chiến dịch hải quân lớn nhất trong lịch sử. Nhật Bản đã huy động hầu như tất cả các tàu chiến và tiêu thụ một lượng nhiên liệu không lồ. Như tất cả các kế hoạch chiến tranh khác của Nhật, họ thường phức tạp hoá vẫn đề lên. Tóm lại, chiến dịch này có 2 mục tiêu chính:

1/ Dụ quân Mỹ vào một trận chiến lớn trong đó Nhật sẽ tìm cách phá huỷ các tàu chiến còn lại của Hải quân Hoa Kỳ – đặc biệt là các tàu sân bay của họ.

2/ Chiếm giữ Midway và biến nơi này thành một pháo đài giúp mở rộng phạm vi phòng thủ của Đế quốc Nhật để bảo vệ chính quốc khỏi các cuộc tấn công sau này của Mỹ.

Dẫn đầu chiến dịch tham vọng này là một lực lượng lớn gồm khu trục hạm, tuần dương hạm, thiết giáp hạm, và đặc biệt là Đệ nhất Hàng không Chiến đội và Đệ nhị Hàng không Chiến đội của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Đệ nhất Hàng không Chiến đội bao gồm tàu sân bay Xích Thành (Akagi) và Gia Hạ (Kaga). Đệ nhị Hàng không Chiến đội bao gồm tàu sân bay Phi Long (Hiryū) và Thương Long (Sōryū). Các tàu sân bay này nằm ở trung tâm lực lượng, được bảo vệ bởi khu trục hạm, tuần dương hạm và thiết giáp hạm. Tổng tư lệnh của lực lượng này là Đô đốc Chūichi Nagumo – một chỉ huy dày dặn kinh nghiệm nhưng hơi khó tính, máy móc và thiếu sáng tạo.

Bốn tàu sân bay này và nhóm không quân của chúng là niềm tự hào của Hải quân Nhật. Cùng với đó là những binh lính có kinh nghiệm đã tham gia tất cả các chiến dịch hải quân của Nhật (trừ Biển Sân Hô). Các phi công hải quân trên các tàu sân bay này là một trong những phi công tốt và có kinh nghiệm nhất thế giới (phi công thuộc Đệ ngũ Hàng không Chiến đội ít có kinh nghiệm hơn). Trên tàu lực lượng của Nagumo, tinh thần chiến đấu của quân Nhật cực kỳ cao. Niềm tin vào chiến thắng cuối cùng là tuyệt đối và không thể lay động. Bởi vì trước chiến dịch này họ vẫn chiến thắng liên tục trước quân Anh và Mỹ. Về tàu sân bay, ngư lôi, kỹ năng tác chiến của phi công và thủy thủ thì quân Nhật luôn tự tin rằng mình hơn cả Mỹ. Không có lý do gì để nghĩ rằng chiến dịch này sẽ có kết quả khác so với những trận đánh trước đây.

Một điều mà quân Nhật không thể biết được là họ sắp gặp một bất ngờ vô cùng lớn, các nhà giải mã của Mỹ, đứng đầu là Joseph Rochefort đã phá được mã hoá của Hải quân Đế quốc Nhật Bản và phát hiện ra kế hoạch tấn công của Midway của Nhật. Mặc dù thông tin được giải mã vẫn chưa đầy đủ, nhưng bên phía Mỹ đã có thể suy luận chính xác kế hoạch của Nhật, khi nào và ở đâu hạm đội Hải quân Nhật sẽ tiến hành cuộc tấn công, cũng như số lượng và bố trí lực lượng tàu chiến của Nhật.

Dựa trên những thông tin có được này, Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Charles W. Nimitz đã xem xét tình hình. Ông quyết định đánh cược một phen và đưa lực lượng của mình – bao gồm tất cả các tàu sân bay đang hoạt động – để chiến đấu với quân Nhật. Ông chỉ định Đô đốc Raymond A. Spruance và Frank Jack Fletcher làm chỉ huy đội tàu sân bay của Mỹ.

Quân Mỹ sử dụng cả 3 tàu sân bay chiến hạm trong trận đánh – chiếc USS Enterprise (CV-6), USS Yorktown (CV-5), USS Hornet (CV-8). Trong số này đáng chú ý nhất là Yorktown, con tàu sân bay bị hư hại nặng sau trận Biển Sân Hô. Thiệt hại trên diện rộng được tính là phải mất hàng tháng trời để sửa chữa. Tuy nhiên, qua một nỗ lực thần kỳ và quyết tâm giành được một chiến thắng, quân Mỹ làm việc không nghĩ suốt nhiều ngày đêm và sửa được con tàu này chỉ trong 1 tuần.

Tính toán đến các yếu tố như phạm vi của các tàu sân bay Mỹ và vị trí của lực lượng Hải quân Nhật Bản, 2 Đô đốc quyết định bố trí tàu sân bay của họ ở Point of Luck phía bắc và đông Bắc Midway để mai phục quân Nhật. Song song với việc mai phục của hải quân là việc tăng cường phòng thủ ở Midway. Mỹ đã dồn nhiều lính thủy đánh bộ, vũ khí phòng không, máy bay ném bom và máy bay chiến đấu đến hòn đảo này để ngăn chặn cuộc tấn công của Nhật.

Quân Mỹ đã chuẩn bị kỹ càng để đón chờ Nhật Bản.

10 PHÚT QUYẾT ĐỊNH TẤT CẢ.

Bỏ qua một vài chi tiết cụ thể của trận đánh vào ngày 4 tháng 6 năm 1942, quân Nhật đã vấp phải một loạt trở ngại bất ngờ do các cuộc không kích thành công từ sân bay trên đảo Midway và tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Mặc dù các cuộc không kích của Mỹ vẫn còn chưa hiệu quả do phi công thiếu kinh nghiệm, ít máy bay hộ tống và thiếu sự phối hợp, họ thành công trong việc làm hỏng kế hoạch máy móc và phức tạp của quân Nhật, khiến toàn bộ đội hình quân Nhật rơi vào rối loạn. Nagamo và bộ chỉ huy quân Nhật thiếu sự quyết đoán trước những yếu tố bất ngờ này.

Đỉnh điểm của cuộc chiến là vào khoảng từ 10:20 đến 10:30 buổi trưa – khoảng thời gian 10 phút quyết định nhất trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương.

Vào khoảng 10:22, các quan sát viên trên Kaga phát hiện một loạt máy bay ném bom bổ nhào Douglas SBD Dauntless. Quân Nhật lập tức la lên: “Máy bay ném bom bổ nhào của địch kìa.” Trong khi quân Nhật đã thành công chống trả lại đợt ném bom đầu tiên của Mỹ do phi công thiếu kinh nghiệm. Đợt ném bom sau đó Hải quân Hoa Kỳ đã tung ra tất cả những phi công loại tốt nhất mà họ có.

Cuộc tấn công xảy ra quá đột ngột khiến quân Nhật Hoàng mang và không kịp phản ứng. 3 tàu sân bay của Nhật Bản: Akagi, Kaga và Sōryū đều bị trúng bom ở kho đạn dược và nhiên liệu, khiến vụ nổ và cháy lan rộng khắp tàu sân bay. Vào khoảng 5:00 chiều, chiếc Hiryū cũng chịu chung số phận dưới máy bay ném bom bổ nhào của Mỹ. Cả 4 tàu sân bay của Nhật đều chìm dưới đáy đại dương.

Chỉ trong một ngày, cả 4 tàu sân bay của Nhật đều bị loại khỏi vòng chiến. Chiến dịch MI thất bại thảm hại.

Mặc dù cả 4 tàu lúc đó vẫn chưa chìm hẳn, vụ cháy đã lan rộng ra khắp con tàu mà Nhật khi ấy lại không có phương tiện để kéo tàu sân bay chiến hạm về sửa chữa nên thay vì để nó nổi trên mặt nước, họ đã phóng ngư lôi vào các tàu sân bay này cho chìm hẳn, ngăn Mỹ dùng nó vào mục đích tuyên truyền.

(Sẵn tiện thì Mỹ có mất chiếc Yorktown, nhưng bài này chỉ tập trung nói về Nhật).

ẢNH HƯỞNG CỦA TRẬN ĐÁNH.

Ngoài mất 4 tàu sân bay ra, Trận Midway còn để lại một số ảnh hưởng đến Nhật Bản.

Về mặt vật chất thì tổn thất này là vô cùng lớn và khó thay thế. Cả 4 tàu sân bay có một hệ thống vũ khí vô cùng đắt đỏ, tiêu tốn một khoảng tiền và tài nguyên đáng kể để chế tạo và bảo trì. Chi phí xây dựng của Agaki và Kaga là 53,000,000 yên mỗi chiếc. Việc tái thiết kế chúng để trở thành tàu sân bay khiến giá tiền còn tăng hơn. Mỗi chiếc Sōryū và Hiryū mất khoảng 42,000,000 yên để xây dựng. Đó là còn chưa kể số tiền khổng lồ chính phủ Nhật bỏ ra hàng năm để hiện đại hoá, thiết kế lại, bảo trì và vận hành cả 4 chiếc tàu sân bay và nhóm không quân của nó. Nói chung, toàn bộ khoảng chi phí khổng lồ của ngân sách quốc gia Nhật đã chìm xuống biển cùng với 4 chiếc tàu sân bay đó. Trong khi máy bay rất rẻ và dễ chế tạo, tàu sân bay thì không.

Quan trọng hơn là tổn thất về chiến lược và khả năng thực hiện chiến dịch tấn công của quân Nhật.

Không quân là thứ không thể thiếu trong việc giành kiểm soát bầu trời, ưu thế quan trọng quyết định kết quả của các trận đánh trên bộ và trên biển. Giá trị của các tàu sân bay là nó có khả năng hỗ trợ không quân ở bất kỳ đâu trên thế giới nằm ngoài tầm với của sân bay trên đất liền. Các tàu sân bay cho phép hải quân lựa chọn thời điểm và vị trí để tấn công. Điều này giúp có được một lợi thế chiến lược, chiến dịch và chiến thuật to lớn, đặc biệt là ở vùng Thái Bình Dương rộng lớn. Phe nào có nhiều tàu sân bay hơn sẽ nắm được một lợi thế to lớn trong các cuộc hải chiến.

Vì vậy, bởi vì mất đi 4 tàu sân bay chiến hạm, khả năng tác chiến và tấn công của Hải quân Đế quốc Nhật Bản bị suy giảm nghiêm trọng. Sau đó, họ chỉ có thể dựa vào 2 tàu sân bay chiến hạm còn lại, các tàu sân bay hạng nhẹ và các sân bay trên đất liền hoặc đảo. Họ không thể tấn công bất cứ nơi nào họ muốn như trước. Thêm vào đó, phạm vi hoạt động của họ bị giới hạn trong tầm của các sân bay mặt đất. Đây là một bất lợi cực lớn trong Chiến tranh Thái Bình Dương.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *