Vụ cơm bụi 160.000 đồng ở Hà Nội: Quán ăn từng nhiều lần bị tố “chặt chém”?
Ngày 11/7, trao đổi với PV Dân Việt, bà Bùi Thị Hằng Nga, Chủ tịch UBND phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, UBND phường vừa có văn bản đề nghị đóng cửa quán cơm bình dân bị tố “chặt chém” suất cơm 160.000 đồng gần cổng Bệnh viện Bạch Mai ở ngõ 4 phố Phương Mai mới đây gây xôn xao dư luận.
Theo bà Nga, quyết định được thực hiện kể từ ngày 8/7 để chủ quán này là bà Võ Thanh H. và chồng tên C. hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục, thiếu gì phải bổ sung hoàn thiện.
Cụ thể, thời điểm kiểm tra cuối tháng 6 vừa qua, quán cơm xuất trình được giấy phép kinh doanh do quận cấp nhưng chưa trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Khi nào quán ăn này hoàn thiện đầy đủ giấy tờ liên quan mới được phép hoạt động trở lại.
Đáng chú ý, năm 2019, quán cơm bình dân này cũng bị tố bán suất cơm có miếng sườn, rau xào, hai miếng đậu rán với giá 70.000 đồng.
Trao đổi với chúng tôi, chủ quán Võ Thanh H. cho rằng “suất cơm đến 16-17 miếng thịt chưa kể thịt băm và rau, như vậy là không đắt”. Người phụ nữ nói đã bán hàng tại đây nhiều năm trên tinh thần “thuận mua vừa bán, không chặt chém khách”. Quán luôn yêu cầu khách trả tiền trước khi vào bàn ăn.
Ngay sau khi Báo Dân Việt đăng tải thông tin đã thu hút sự quan tâm và nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả. Bạn đọc Lê Tuấn chia sẻ: “Mình sống ở Hà Nội mà ăn suất cơm 50.000 đồng là đã thấy đắt rồi, đằng này chém dã man quá”.
Còn bạn đọc Hoa Vũ thốt lên: “Trời ơi người ta đã phải đi chữa bệnh, chăm người nhà ốm mới đến quán này ăn, ấy vậy mà vẫn nỡ lòng nào bán giá cắt cổ như vậy”. Bạn đọc Tuấn Kiên bình luận: “Người bệnh đã khổ rồi, vì vậy hãy làm vì cái tâm…”
Độc giả Đỗ Ngọc Huyền cho rằng: “Chúng ta là khách hàng, cách để loại bỏ những hàng quán này hiệu quả nhất là tẩy chay mạnh mẽ thôi, chứ đóng cửa quán này xong dăm ba tháng mở quán khác thì không làm được gì họ”.
Bạn đọc Đức Vinh chia sẻ: “May mà dư luận lên tiếng chứ không biết bao nhiêu người bệnh khổ vì quán cơm như thế này… Nhiều quán cơm kiểu này lắm, mong chính quyền địa phương mạnh tay xử lý”.
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Hiền Nhân cho rằng: “Nên có chế tài thật nặng và có cảnh báo rộng rãi với những quán chặt chém thì họ mới thay đổi”.
“Cơm bình dân mà giá không bình dân chút nào”
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoan nghênh việc UBND phường Phương Mai đã quyết định tạm dừng hoạt động đối với quán ăn bị tố chặt chém trên. Đây là việc làm rất cần thiết.
“Từ vụ việc trên, chúng ta thấy rõ có sự tác động của công chúng, truyền thông đại chúng đối với chính quyền trong việc vào cuộc xác minh, xử lý. Tôi cho rằng những người buôn bán như vậy là thiếu lương tâm, lợi dụng người nghèo, xa lạ để bán giá cắt cổ, không trung thực, bán giá trời ơi!… Cơm bình dân mà giá không bình dân chút nào. Đó là điều biểu hiện cho con người thiếu tình thương với đồng loại, lợi dụng nỗi vất vả, khó khăn của người khác”, PGS.TS Lê Quý Đức bày tỏ quan điểm.
Cũng theo ông Đức, người dân ở các địa phương lên bệnh viện khám, điều trị hoặc chăm sóc người bệnh thường không thể đi xa ăn được. Họ thường tìm đến những quán ăn ven cổng bệnh viện để thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, một số quán ăn “bắt chẹt” để bán suất cơm như vậy.
“Đó là biểu hiện thiếu lương tâm, thiếu lòng nhân ái, từ bi… Ở văn hoá Việt Nam có tâm niệm, nếu làm điều thiện sẽ được phúc thiện, còn làm điều ác sẽ nhận lấy kết quả xấu. Đó cũng là điều mọi người truyền tai và dăn dạy nhau hãy sống có phúc, có đức và lương tâm. Việc quán ăn bị lên án là biện pháp có thể trừng phạt người buôn bán không trung thực”, ông Đức nhấn mạnh.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho hay, hiện nay có một bộ phận nhỏ không tôn trọng khách hàng. Ngay cả những người là khách hàng bị “chặt chém” cũng không có thái độ mạnh mẽ tích cực. Ở các nước nhiều người tẩy chay, thậm chí viết bảng tẩy chay công khai với cộng đồng, không ai đến ăn nghĩa là quán sẽ không thể tồn tại…
“Tôi cho rằng phải có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan hành chính địa phương. Lực lượng chức năng cứ căn cứ quy chế, nếu sai xử phạt, thậm chí tước giấy phép nếu vi phạm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thông tin đại chúng trong đó có báo chí cần lên án, nhiều đoàn thể xã hội có thể gây ra áp lực với quán ăn, nhà hàng sai phạm. Đó là cái chúng ta tạo ra sức ép của dư luận, sức mạnh xã hội, có sự giáo dục với những cửa hàng đó hoặc cảnh tỉnh, khơi dậy tình thương với gia đình bệnh nhân để ít nhất trong họ có lương tâm. Chúng ta hãy đánh thức, thức tỉnh lương tâm của họ”, PGS.TS Lê Quý Đức nói thêm.