hanh-trinh-day-nuoc-mat-tim-cong-ly-cho-con-trai-7-thang-tuoi-khi-gui-nha-bao-mau-tu-vong

Hành trình đầy nước mắt tìm công lý cho con trai 7 tháng tuổi khi gửi nhà bảo mẫu tử vong

Nỗi đau người mẹ mất con 7 tháng tuổi sau 1 đêm gửi bảo mẫu

Mới đây Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Chu Uyển Vân (27 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội vô ý làm chết người quy định tại khoản 1 điều 128 bộ luật Hình sự. Bị can Chu Uyển Vân được cho tại ngoại trong quá trình điều tra do nuôi con nhỏ, nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.

Hành trình đầy nước mắt của người mẹ trẻ tìm công lý cho con trai 7 tháng tuổi tử vong khi gửi nhà bảo mẫu - Ảnh 1.

Cho đến bây giờ sau hơn nửa năm mất con, chị N.B.H vẫn đau đớn khôn nguôi. Ảnh: Gia Khiêm

Vân là bảo mẫu được chị N.B.H (29 tuổi, trú tại quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) gửi bé trai N.B.K (7 tháng tuổi) ở cùng tòa chung cư với giá 250.000 đồng/ngày. Tuy nhiên chỉ sau một đêm, bảo mẫu bất ngờ gọi điện thông báo bé trai bị sặc sữa và đưa cháu bé đi cấp cứu. Tuy nhiên, bé trai đã không qua khỏi. Sau 6 tháng, chị H. đấu tranh giành công lý, cuối cùng bảo mẫu cũng đã phải chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình.

Chúng tôi gặp chị H trong căn phòng trọ tại KĐT Oceanpark (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vào một chiều đầu tháng 7. Sau nửa năm mất đi người con đáng yêu người mẹ tiều tuỵ đi rất nhiều. Xung quanh căn phòng, mọi thứ của bé K vẫn được chị H giữ lại làm kỷ niệm. Mỗi lần nhìn thấy những đồ đạc đó chị luôn nghĩ bé Táo (tên thường gọi ở nhà của bé) vẫn hiện hữu đâu đây. 

Hành trình đầy nước mắt của người mẹ trẻ tìm công lý cho con trai 7 tháng tuổi tử vong khi gửi nhà bảo mẫu - Ảnh 2.

Những đồ đạc thường ngày của con chị vẫn giữ như con trai vẫn hiện hữu trong nhà. Ảnh: Gia Khiêm

“Nhiều người khuyên tôi chuyển đi và cất đồ của con đi. Nhưng nếu chuyển đi rồi thì lấy nơi đâu làm kỷ niệm để tôi nhớ về con. Căn phòng này là từ lúc tôi mang thai Táo đều ở nơi đây, tất cả của con tôi đều muốn giữ lại. Với tôi ký ức về con là cả bầu trời kỷ niệm”, chị H bật khóc khi nhắc về con và sờ lên cái gối con trước đây vẫn thường nằm.

Chị kể mang thai và sinh K một mình. Từ lúc sinh ra chỉ 2 mẹ con quẩn quanh bên nhau. Bé K rất ngoan và kháu khỉnh và luôn hiểu những gì chị H nói. Đặc biệt, từ khi sinh ra đến lúc 7 tháng tuổi bé K không hề ốm đau, hay bệnh tật gì. Cho đến ngày 9/1, sau hơn 1 tuần chị H ốm và không thể điều trị ở nhà được nữa. Chị H bắt buộc phải nhập viện khám và điều trị. Vốn kéo dài thời gian điều trị bệnh ở nhà lâu là do chị H không có ai chăm sóc K và chị cũng không an tâm khi giao con cho ai.

Hành trình đầy nước mắt của người mẹ trẻ tìm công lý cho con trai 7 tháng tuổi tử vong khi gửi nhà bảo mẫu - Ảnh 3.

Bé trai 7 tháng tuổi tử vong sau khi ở với bảo mẫu. Ảnh: B.H.

Tuy nhiên, đến ngày 9/1, do sức khoẻ không cho phép nếu cứ tiếp tục kéo dài chị H liên hệ với Vân để nhờ trông con giúp chị qua đêm với giá 250.000 đồng. 

Trước khi giao con chị cũng đã biết và tìm hiểu Vân từ mấy tháng trước. Thấy cùng tòa nhà và Vân cũng đã trông nhiều em bé khác nên nghĩ là có kinh nghiệm. Trước khi đưa con cho Vân, người mẹ cẩn thận pha sữa sẵn, xem xét con có bị thương ở những chỗ nào hay không. Nhưng cẩn thận đến mấy, sự việc đau lòng vẫn đã xảy ra. 

Trong quá trình đi viện, chị H liên tục cập nhật tình hình của con. Đến khoảng 7h ngày 10/1, chị H được Vân cập nhật tình hình là đang cho bé K uống sữa đã pha sẵn. Bé uống được khoảng 100ml thì ngủ.

Tuy nhiên đến khoảng 8h15, chị H nhận được điện thoại của Vân trong tình trạng Vân gào thét trong điện thoại: “Chị ơi con sặc sữa rồi”. Ngay khi đó, chị H yêu cầu Vân bế con xuống sảnh để nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, Vân cho biết đã gọi xe cấp cứu và chờ xe đến mới đưa bé xuống.

“Khi đó tôi vẫn ở trong bệnh viện, người tôi như phát điên lên. Tôi vội vàng bắt xe về chung cư nhìn thấy con trên xe cấp cứu, người thằng bé đã lạnh cứng lại rồi. Chỉ chưa đầy 40 phút, thì tại sao thân thể con đã lạnh cứng như vậy được. Tôi phải đi viện, chẳng thể nhờ ai giữ con tôi mới nhắm mắt gửi con theo giờ. Thế nhưng lần đầu tiên tôi để con xa mình và tôi đã đánh mất con…”, chị H. nói trong nước mắt.

Sau đó, bé K được đưa đến Bệnh viện đa khoa Gia Lâm nhưng không qua khỏi. Đó là cú sốc không thể nào lớn hơn xảy ra với chị H. Chị yêu cầu chuyển con mình sang bệnh viện Đức Giang nhưng cũng không còn hy vọng. Tại đây, chị được yêu cầu giám định pháp y cho con. Tuy nhiên, với thiên chức là người làm mẹ, chị không muốn con mình mất đi lại thêm đau đớn, nên chị quyết định không thực hiện.

Hành trình đầy nước mắt tìm công lý cho con

Tuy nhiên, điều khiến chị H bức xúc đó là trong hai ngày lo tang lễ của chỉ có chồng Vân xuống chứng kiến sự việc, chỉ ngồi một chỗ và không có một lời xin lỗi với gia đình tôi. 

“Lời xin lỗi tôi nhận được duy nhất, là sau lúc tôi quyết định không làm pháp y cho con ở bệnh viện. Sau công việc an táng cho con, tôi có đăng tải sự việc lên mạng xã hội. Ngay sau đó, bạn Vân cũng đăng bài tố ngược lại tôi với nội dung: “Nếu bạn ấy có làm điều sai, công an đã bắt bạn ấy rồi…Bạn ấy sẽ kiện ngược lại tôi nếu tôi đăng tải nội dung không đúng sự thật” khiến tôi rất bức xúc, chính từ thái độ của bảo mẫu, chị H quyết định tìm công lý cho con mình bằng được. 

Hành trình đầy nước mắt của người mẹ trẻ tìm công lý cho con trai 7 tháng tuổi tử vong khi gửi nhà bảo mẫu - Ảnh 4.

Sau hơn nửa năm chị H. đã tìm được công lý cho con trong nước mắt khổ đau. Ảnh: Gia Khiêm

“Ban đầu, tôi nghĩ rằng con đã mất thì không thể cứu vãn được, mình cũng làm mẹ tôi không muốn có thêm đứa trẻ khác thiếu vắng đi tình thương của mẹ. Nên tôi mới quyết định không làm pháp y và kiện cáo. Nhưng từ những thái độ của Vân, không những không thành ý nhận lỗi khi lời xin lỗi tôi chỉ nhận qua tin nhắn, bạn ấy chưa từng đến thắp cho con một nén nhang,… bạn ấy còn đổ lại lỗi do con tôi ốm, tôi ốm nên mới dẫn đến vụ việc đau lòng trên. Tôi quyết định phải tìm ra lẽ phải cho bằng được”, chị H kể lại.

Một nguyên nhân nữa khiến bà mẹ quyết tâm đấu tranh đến cùng, đó chính là vào buổi chị gửi con cho bảo mẫu, người này còn nhận thêm một em bé 3 tháng tuổi khác. Trong cùng một buổi sáng, một bé mất, bé còn lại đi cấp cứu với nhịp tim rất cao, tiên lượng tử vong cao.

7 ngày sau khi bé K mất, chị H quyết định giám định pháp y. Mặc dù đau đớn cõi lòng khi con đã được chôn cất rồi lại đưa lên nhưng đó là giải pháp cuối cùng chị làm để con không chết trong oan tủi. Có lúc chị vì quá suy nghĩ đã từng nghĩ đến việc chấm dứt cuộc sống của mình. 

Đặc biệt, là cách đây 2 tháng, khi nhận được giấy tạm đình chỉ vụ án, chị H rơi vào tuyệt vọng. Chị đã nghĩ không còn hy vọng gì và quyết định đi theo con. Thế rồi chị lại trấn an bản thân mình không được gục ngã. Người làm hại con mình nhất định phải chịu cái án thích đáng, chị lại mạnh mẽ vượt qua.

Thời gian đầu đi tìm công lý, chị như mất phương hướng, nơi nào có thông tin hướng dẫn giúp, chị lại bắt xe ôm đến để được tư vấn. Cuối cùng ông trời cũng không phụ lòng người. Đó cũng là chuỗi ngày hành trình trong đau đớn người mẹ trải qua khi đi tìm công lý cho con.

Sau khi có kết quả giám định pháp y, kết luận bé K tử vong do suy hô hấp tuần hoàn. Cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố vụ án. Cách đây vài ngày khi nhận được tờ khởi tố từ cơ quan điều tra trên tay chị H vỡ òa vì sau bao ngày đấu tranh mòn mỏi, cuối cùng bước đầu chị đã tìm lại công bằng cho con.

“Mặc dù đây chưa phải là kết quả tôi mong đợi nhưng phần nào an ủi linh hồn con trai tôi ở bên kia. Tôi sẽ đấu tranh đến cuối cùng, nếu có thể để kẻ gây nên tội phải được đền tội thích đáng với bản án mà họ đã gây ra”, chị H nói và cho biết thêm, thời gian qua hầu như với chị là những đêm không ngủ, thậm chí phải dùng thuốc để ổn định tinh thần. Nhưng có thể, thời gian tới chị cũng sẽ phần nào dịu bớt những khúc mắc trong lòng bấy lâu nay…

Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *