ĐẠI CHIẾN HY LẠP – BA TƯ (kỳ 2)

II. GIỮA MUÔN TRÙNG VÂY

Năm 486BC, Darius đại đế băng hà tại Sousa, sau khi đã chỉ định Xerxes, con trai của ông với hoàng hậu Atossa, con gái của Cyrus đại đế, làm người kế vị. một năm sau khi đè bẹp cuộc nổi loạn của Ai Cập năm 485BC. Xerxes quyết định huy động một lực lượng thủy bổ khổng lồ với quyết tâm xử lý một lần và mãi mãi đám dân ngoan cố ở bán đảo Hy Lạp. Toàn châu Á ngoan ngoãn thực hiện những ý tưởng ngông cuồng nhất của Xerxes: các kho lương thực và đồ hậu cần to lớn được lập ở Thrace và Macedonia, một cây cầu phao bắt trên các con thuyền cắt ngang qua eo Hellespont để nối liền Âu-Á, một con kênh được đào xuyên qua bán đảo Khersonesos để hạm đội Ba Tư khỏi phải đi vòng qua mũi Athos, là nơi mà một cơn bão đã hủy diệt hạm đội Ba Tư 12 năm trước đó.

Thể hiện một vài dấu hiệu loạn thần kinh rõ ràng tại Hellespont, Xerxes cho thấy rằng: Nếu một người do ngẫu nhiên, mà phần nhiều là do dòng dõi, được ngồi vào vị trí quyền lực gần như tuyệt đối, được hầu hết mọi người răm rắp tuân theo mọi ý tưởng và lệnh truyền của hắn, thì dần dà, với việc thấy quen thuộc với chuyện được tuân phục, sẽ đến lúc hắn ta cho là sự tuân phục đó là một điều đương nhiên xuất phát từ quyền lực tối thượng hắn đang nắm giữ, để rồi hắn sẽ đi đến chỗ tự cho là sự tuân phục đó đến từ sự công nhận của mọi người đối với tính đúng đắn và hợp lý đơn thuần trong các ý tưởng và lệnh truyền hắn ban ra. Đó là nẻo đường mà tất cả các bạo chúa to nhỏ đều đi qua, và nẻo đường đó, dẫn thẳng tới sự diệt vong. Sử gia Dalberg-Acton khi nói: 'Quyền lực có khuynh hướng sụp đổ', chính là nói cái ý này.

Xerxes dẫn đại quân Ba Tư băng qua Hellespont vào khoảng tháng 5 năm 480BC. Đạo quân bộ hành quân qua Thrace và Macedonia rồi xuôi xuống phía nam, băng qua Thessalia mà không gặp mấy sự chống đối, hạm đội Ba Tư tiến lên song song với đạo quân bộ, các bờ một khoảng cách không xa. Toàn thể đại quân Ba tư, bao gồm cả bộ binh, kỵ binh, hạm đội, cùng với phu phen tạp dịch đủ các kiểu, theo Herodotus, là một con số rợn người: năm triệu.

Toàn Hy Lạp rúng động!

Các sứ giả của Ba Tư được cử đến tất cả các thành bang Hy Lạp để đòi đất và nước, dấu hiệu thần phục, trừ Sparta và Athens là hai tên chống đối đầu sỏ trong mắt người Ba Tư vì không những đã từ chối quy phục mà còn sỉ nhục và giết các sứ giả mười năm trước. Thông điệp đã quá rõ ràng.

Động thái đầu tiên của người Athens là ra một đạo luật, do Themistocles khởi xướng, cho phép bất kỳ ai bị trục xuất trước đó đều được trở về để cùng quê hương dốc sức vào công cuộc cứu nguy Hy Lạp. Đạo luật này cốt yếu nhắm vào trường hợp Aristides, vì người Athens lo ngại ông sẽ vì giận họ mà có thể chạy sang hàng ngũ người Ba Tư và xúi giục nhiều người làm theo ông, nhưng quả là 'lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử', họ đã hiểu sai trầm trọng về ông. Aristides cấp tốc quay về với cái quê hương đã vô cớ ruồng bỏ ông, về với Themistocles, cái người trước đó đã luôn kình địch và chống đối ông, và ông làm điều đó với tất cả sự chân thành đáng ngưỡng mộ nơi con người ông.

Đáp lại việc động binh của Ba Tư, người Athens và người Sparta gửi các sứ giả tới các thành bang trong thế giới Hy Lạp thúc giục họ gia nhập liên minh quân sự chống lại Ba Tư. Nhưng lần lượt các thành bang và thuộc địa hải ngoại như Aiolia, Crete, Corkyra, Syracusa, đều từ chối gửi quân, thậm chí hai thành bang hùng mạnh trên bán đảo Peloponnese là Argos và Achaea cũng không đáp lại lời hiệu triệu. Người Hy Lạp gửi hai điệp viên về phía đông để thu thập tin tức về lực lượng và chuyển quân của Ba Tư, hai người này bị bắt, nhưng Xerxes cho thả họ ra và cho người dẫn họ đi xem quy mô tất cả các đạo quân và kho hậu cần khổng lồ của Ba Tư, với dự tính cũng không phải là sai lầm là mong rằng thông tin họ mang về sẽ khiến người Hy Lạp choáng ngợp và chịu quy phục.

Themistocles, ngay khi tiếp nhận quyền thống lĩnh quân lực Athens, bước đầu tiên ông làm là yêu cầu các công dân cung cấp thủy thủ cho các chiến thuyền và giục họ rời khỏi thành phố để đối mặt với quân Ba Tư trên vùng biển cách Hy Lạp càng xa càng tốt. Nhưng kế hoạch này bị cực lực phản đối, vì vậy ông hợp lực với quân Sparta và đưa một đạo quân lớn đế thung lũng Tempe, nơi họ dự định làm thành một phòng tuyến đầu tiên, vì lúc bấy giờ không ai biết là Thessalia sắp tuyên bố ủng hộ Xerxes. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, quân đội đã rút khỏi vị trí này mà không đạt được bất kỳ thành quả nào, và ngay sau đó người Thessalia chạy sang hàng ngũ kẻ thù cùng với tất cả người Hy Lạp từ nơi đó cho đến mãi tận Boeotia. Kỵ binh Thessalia và Kỵ binh Thân hữu Macedonia sau này sẽ là hai cánh kiêu hùng của đạo quân bách chiến bách thắng của Alexander Đại đế, nhưng đó là chuyện của 150 năm sau, còn lúc đó, sự buông kiếm của họ đã đẩy các thành bang Hy Lạp còn lại ở phía nam rơi vào tình thế rất ngặt nghèo.

Lúc này, người Athens rút cuộc đã nghe theo lời khuyên của Themistocles tổ chức các phòng tuyến từ xa, và đã cử một hải đội hỗn hợp 271 chiến thuyền trieres đến trấn giữ tại eo biển Artemisium. Chính tại đây, những người Hy Lạp còn lại đã đề nghị Eurybiades, một người Sparta lên làm tổng tư lệnh, nhưng người Athens đã từ chối phụng mệnh người khác, vì họ cho là họ đã cung cấp chiến thuyền hơn tất cả các đồng minh cộng lại. Themistocles lập tức nhận ra mối nguy của sự bất hòa này, vì vậy ông đã trao quyền chỉ huy lại cho Eurybiades và vỗ về lòng kiêu hãnh của người Athens bằng cách hứa là nếu họ tỏ ra dũng cảm trong chiến trận, ông sẽ bảo đảm rằng những người Hy Lạp còn lại về sau sẽ chấp nhận sự lãnh đạo của họ, và lịch sử đã cho thấy mọi chuyện đã xảy ra đúng như vậy. Vì hành động này mà Themistocles nói chung được coi là người có công trực tiếp nhất trong việc cứu vãn Hy Lạp, đồng thời đem lại cho người Athens danh tiếng là dũng cảm hơn kẻ thù và khôn ngoan hơn các đồng minh.

Cách Artemisium không xa là hẻm núi Thermopylae với chỗ thắt cổ chai hẹp tới mức chỉ một cỗ xe đi lọt. Đây là địa danh đã đi vào thi ca và huyền thoại rồi được các nhà làm phim Hollywood truyền lại cho các thế hệ thanh niên hiện đại với bộ phim xem mà rạo rực từ đầu đến cuối và từ dưới lên trên: Ba trăm chiến sĩ. Trấn giữ ở Thermopylae, hẳn nhiên là 300 soái ca Sparta, mà thủ lĩnh là Leonidas, con trai Anaxandridas, vua Sparta, cùng với khoảng 4000 quân đồng minh.

Đối đầu với hai cánh quân thủy bộ Hy Lạp là một lực lượng, mà nếu ta bám sát theo từng lời của Herodotus, là 2.000.000 bộ binh, 100.000 kỵ binh, 1327 thuyền trieres và 3000 thuyền nhỏ pentekonteroi (chứa được 80 người). Khi Dienekes, một trong 300 chiến binh, được một người Trakis cho hay rằng khi quân Ba Tư bắn tên, chúng sẽ làm che khuất cả ánh mặt trời, Dienekes không hề lo ngại trước chuyện này, mà lại coi thường quân số Ba Tư, nói rằng vị khách Trakis đã mang đến tin tốt lành, vì nếu quả thực tên của người Ba Tư có thể che khuất cả mặt trời, thì người Sparta sẽ được chiến đấu trong bóng râm.

Đêm trước trận đánh, thiên nhiên đã đổ xuống đầu quân Ba Tư một trận bão kinh hồn táng đởm, mà người Hy Lạp cho là do thần linh ngứa mắt trước thanh niên Xerxes, kẻ chỉ là một người phàm mà dám đòi làm chủ cả hai châu lục. Sấm dội vang trời, biển gào sóng thét, và trong phim thì trung niên cứng Leonidas sướng rơn vì tưởng quả này trúng đậm, sớm về nhà với vợ. Sáng ra, hơn 400 thuyền trieres của hạm đội Ba Tư neo đậu tại Sepias tan tành xác pháo, nhưng đạo quân bộ, chỉ hong áo quần một buổi sáng là khô.

Trận Thermopylae diễn ra vào khoảng tháng 8 năm 480BC, và một cú sốc với toàn thể quân đội Ba Tư. Những chiến binh Sparta vỡ nghệ siêu quần do được liên tục trui rèn từ thuở bé, lại thêm tinh thần quyết tử, đã chứng tỏ cho tất cả mọi người thấy, rằng người thì nhiều mà nam tử thì ít. Một chiến binh Sparta được trang bị một ngọn giáo 'dory' dài hơn 2m bằng sắt rèn, một tấm khiên 'aspis' to và nặng, khoảng tầm 8kg, chiến đấu trong đội hình 'phalanx' chặt chẽ và mang tính đồng đội rất cao. Leonidas chia toàn quân ra làm hai tốp chiến đấu luân phiên. Quân Hy Lạp liên tục đẩy lùi tất cả các đợt xung phong của bộ binh và kỵ binh Ba Tư, kể cả đội quân thiện chiến nhất là 'Bất tử quân'. Sau nhiều ngày chiến đấu ác liệt, tên Hy lạp phản bội là Ephialtes tiết lộ cho Xerxes còn đường mòn vòng qua hẻm núi Thermopylae. Leonidas biết cứ điểm không thể trụ vững được nữa, đã ra lệnh cho các đồng minh rút lui, để ông và người Sparta chặn hậu. Toàn quân Sparta đã hi sinh anh dũng, chỉ trừ Aristodemos đươc jgiao về báo tin là sống sót, anh này sẽ là người hùng chói sáng của trận chốt hạ Plataea diễn ra vào năm sau. Kết quả trận Thermopylae, trước sau đã có 20.000 quân Ba Tư ngã gục, tức là trung bình cứ 1 mạng Sparta đổi 70 mạng Ba Tư. Hoàn toàn có thể thông cảm cho sự run sợ của Xerxes khi ông được biết, trên đường tới Sparta, quân Ba Tư còn phải vượt qua một nút thắt cổ chai khác là eo Corinth, mà chờ đợi ông ở đó, ít nhất là 8000 chính binh Sparta khác.

Về trận hải chiến Artemisium, hải đội Hy Lạp dưới sự chỉ huy tài tình của Themistocles đã giao chiến 3 trận với hạm đội Ba Tư đông hơn gấp ba lần, tiêu diệt được 15 chiến thuyền địch, và xoay xở rút lui thành công với hầu như đầy đủ quân số. Trong khi đó, hạm đội Ba Tư đuổi theo lại bị một trận bão tại Aphetai đánh đắm hơn 200 chiến thuyền trieres. Những trận chiến diễn ra tại Artemisium với hạm đội Ba Tư đã không quyết định kết quả sau cùng của chiến tranh, nhưng kinh nghiệm có được từ chúng là vô giá với người Hy Lạp. Học đã học hỏi được từ chính hành động đương đầu với hiểm nguy của mình rằng người giỏi đánh giáp lá cà và quyết tâm chiến đấu thì không sợ gì hết, từ số lượng thuyền, hình ầu người trang trí lòe loẹt ở mũi thuyền, tiếng hò reo khoác lác, đến những bài ca xung trận man rợ. họ đơn giản là phải tỏ vẻ khinh miệt mấy chiêu trò gây rối trí đó, đương đầu trực diện với kẻ thù và chiến đấu đến cùng.

Hải đội Hy Lạp rút lui về đảo Salamis, tại đó, họ được tăng cường thêm một số chiến thuyền từ Laconia, Aegina, Megara, Khalkis… Tổng số chiến thuyền trieres của Hy Lạp là 380, trong đó phần đóng góp của Athens là 180 chiếc. Quyền chỉ huy hạm đội vãn thuộc về Eurybiades, người Sparta. Về phía Ba Tư, sau hai trận bão tại Sepias và Aphetai, cùng với thiệt hại trong trận Artemisium, hạm đội của họ giảm từ 1327 xuống còn khoảng hơn 700 chiến thuyền trieres, cộng thêm khoảng 2000 thuyền pentekonteroi.

Sau khi vượt qua Thermopylae, Xerxes đưa quân vào Phocis, đi đến đâu đốt phá đến đấy, kể cả đền Delphi cũng bị tấn công, nhưng người Hy Lạp vẫn án binh bất động. Sự thật là người Athens đã hối thúc họ gắng sức phòng thủ ở Boeotia và giữ lấy vùng Attica, nhưng chính họ đã ra biển chiến đấu tại Artemisium để bảo vệ toàn cõi Hy Lạp, nhưng không ai chịu nghe họ, thay vì vậy, những đồng minh còn lại đã từ chối nhích nhân khỏi Peloponnese. Họ nóng lòng muốn tập trung tất cả lực lượng về phía tây eo Corinth và bắt đầu xây dựng một bức trường thành chắn ngang Eo đất. Quả là cay đắng muôn phần, như lời Thánh vịnh gia trong Kinh Thánh đã nói: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!”

Người Athens tức giận vì sự phản bội này, đồng thời cảm thấy thất vọng và buồn chán vì bị bỏ mặc cho số phận. Họ không thể nghiêm túc nghĩ tới việc giao chiến với một đạo quân hùng hậu đến thế, nhưng bấy giờ sự lựa chọn duy nhất còn lại với họ có vẻ rất khó chấp nhận, đó là từ bỏ thành phố và phó thác sự tồn vong của mình cho hải đội. Đa số cảm thấy họ không muốn chiến thắng với cái giá này, và rằng sự an toàn vô nghĩa với họ nếu nó đòi hỏi họ phải bỏ lại những đền thờ và mồ mả cha ông cho quân thù.

Khi đó, chính Cimon, người hùng của Hy Lạp trong những cuộc phản công những năm về sau, đã là người đầu tiên nêu gương trước công chúng. Ông đã vui vẻ dẫn đầu một đoàn quân lên tới Acropolis, tay cầm dây cương ngựa dâng lên nữ thần Athena, là dấu hiệu rằng điều mà thành phố cần vào lúc ấy không phải là lòng quả cảm mã thượng, mà là nhân lực để chiến đấu trên những hải đội. Sau khi dâng sợi dây cương, ông lấy một trong những tấm khiên đang treo quanh đền, thốt lên lời cầu nguyện với nữ thần, đoạn đi xuống biển, và nhờ hành động này mà nhiều đồng hương của ông bắt đầu lấy lại được khí thế.

Trước đó một thời gian, từ miệng nữ tư tế Pythia tại Delphi có tên là Aristonike, người Athens đã được nghe lời sấm truyền như sau:

“Pallas không thể xoa dịu Zeus Olimpios

dù nàng khẩn cầu thần bằng vô vàn lời lẽ và sự xảo quyệt

Nhưng ta sẽ nói cho các ngươi tin này, chắc cú:

Khi tất cả đã bị tướt đoạt trong biên giới của Kekrops,

và tất cả những gì Kithairon linh thiêng chở che,

lúc đó Zeus theo lời khẩn cần của Athena sẽ

ban cho các ngươi và con cái

bức tường gỗ để chống đỡ.

Chớ lặng lẽ đợi bầy ngựa và bộ binh

mà hãy quay lưng về kẻ thù mà triệt thoái,

sẽ đến ngày các ngươi gặp hắn trong trận chiến.

Hỡi Salamis thần thánh,

ngươi sẽ khiến con trai của những người phụ nữ phải chết,

khi hạt được gieo hoặc vụ mùa được thu hoạch.

Apollo đã nói như thế qua miệng nữ tư tế của ổng, hoặc Herodotus đã tự chế, và viết ra như thế.

(Đón đọc tiếp phần 3 ĐÊM CỦA HÃI HÙNG, ĐÊM CỦA CHÍNH TRỰC)

Lạc Vũ Thái Bình

Huế, 2-2020

Thư mục

1. Lịch Sử – Herodotus

2. Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens – Plutarch

3. Lịch sử chiến tranh Peloponnese – Thucydides

4. Bách khoa toàn thư về chiến tranh – Robin Cross

5. Biên niên sử các loại vũ khí – John O’Bryan

6. Lịch sử văn minh Phương Tây – Mortimer Chamber

7. Lịch sử thế giới, chân dung nhân loại theo dòng sự kiện – Viện Smithsonian

Hình ảnh

1. Các trận chiến vào năm 480BC trong Đại chiến Hy Lạp – Ba Tư

2. Trận Thermopylae, tháng 8 năm 480BC

3. Leonidas, vua Sparta, hình vẽ lý tưởng hóa (và sexy hóa?)

4. Xerxes, hoàng đế Ba Tư, phù điêu

5. Eurybiades, đô đốc Sparta





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *