50-nam-quan-he-viet-nam-–-anh:-tang-cuong-doi-moi,-sang-tao-trong-hop-tac-giao-duc

50 năm quan hệ Việt Nam – Anh: Tăng cường đổi mới, sáng tạo trong hợp tác giáo dục

Chú thích ảnh
Chủ tịch VIS, Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn trình bày về Hội VIS tại sự kiện. Ảnh: Hải Vân/TTXVN

Diễn ra trong khuôn khổ chương trình Năm hữu nghị Việt Nam – Vương quốc Anh 2023: Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sự kiện thu hút sự tham dự của các giáo sư, giảng viên và sinh viên các trường đại học Anh quốc, các thành viên VIS, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Anh.

Sự kiện gồm các hoạt động đề cao đổi mới sáng tạo trong hợp tác giáo dục giữa hai nước, nổi bật là triển lãm về đổi mới, giáo dục và quan hệ Việt Nam – Anh với sự tham gia của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Anh và Việt Nam; bài thuyết trình “Lãnh đạo trong đại dịch COVID-19: Bài học về đổi mới và giáo dục” của Giáo sư Jonathan Van-Tam, Cố vấn chiến lược cao cấp, Trường Y Đại học Nottingham; và phiên thảo luận về Vai trò lãnh đạo đối với đổi mới trong giáo dục đại học: Các yếu tố trong hợp tác Việt Nam – Anh.

Chủ tịch VIS, Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn, cho biết sự kiện nhằm đánh giá những thành tựu trong hợp tác giáo dục, đào tạo Việt Nam – Anh và khám phá các cơ hội tăng cường hợp tác giữa hai nước trong giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới. Sự kiện cũng giới thiệu về Việt Nam như một quốc gia đổi mới trong các lĩnh vực như công nghệ mới nổi, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đồng thời đánh giá về vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy hợp tác về đổi mới, sáng tạo và trong hỗ trợ trao đổi nguồn lực giữa các trường đại học, các ngành và doanh nghiệp hai nước. Sự kiện cũng nhằm tăng cường kết nối giữa các cơ quan chính phủ, các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức liên quan của hai nước để tạo nên sự khác biệt trong giáo dục đại học và đổi mới.

Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn cho biết là điểm nhấn trong hoạt động của VIS trong năm 2023 khi hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, sự kiện thu hút sự tham dự của đại diện từ nhiều tổ chức khác nhau, từ chính phủ tới các trường đại học và doanh nghiệp, là cơ hội để các bên chia sẻ, kết nối, tạo các kênh hợp tác hợp tác về giáo dục đại học, đặc biệt về nghiên cứu khoa học. Giáo sư Nguyễn Xuân Huấn hy vọng thông qua các hoạt động cụ thể như sự kiện này, tiềm năng hợp tác giáo dục rất lớn giữa hai nước sẽ được khai thác hiệu quả.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh trong 7 trụ cột hợp tác Việt Nam-Anh, giáo dục, khoa học, công nghệ, nghiên cứu và đổi mới là những lĩnh vực quan trọng và có tiềm năng lớn để phát triển. Anh là đối tác số 1 của Việt Nam về giáo dục đại học với hơn 100 chương trình hợp tác giữa các đối tác hai nước. Hợp tác giáo dục hiện cũng được mở rộng sang giáo dục phổ thông trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, trong đó có dạy và học tiếng Anh, một lĩnh vực hợp tác đã và phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hội đồng Anh.

Đại sứ khẳng định Việt Nam coi Anh, quốc gia với chất lượng giáo dục và nghiên cứu hàng đầu thế giới, là đối tác quan trọng trong giáo dục, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Đại sứ quán Việt Nam tại Anh mới khai trường Văn phòng khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này trong bối cảnh Chính phủ Anh xác định 5 lĩnh vực hợp tác chủ chốt về khoa học công nghệ.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhận định hợp tác trong nghiên cứu sẽ là bước phát triển mới trong hợp tác giáo dục giữa hai nước, bày tỏ hy vọng số lượng nghiên cứu sinh Việt Nam trẻ tại Anh, hiện vẫn rất hạn chế, sẽ tăng trong tương lai.

Chú thích ảnh
Các diễn giải thảo luận về Vai trò của Đổi mới trong giáo dục Đại học và sau Đại học – Các nhân tố trong hợp tác giữa Việt Nam – Anh. Ảnh: Hải Vân/TTXVN

Về phần mình, Giáo sư Nic Beech, Hiệu trưởng Đại học Middlesex, cho biết Đại học Middlesex xác định 3 mục tiêu: chuyển đổi sáng tạo, nghiên cứu các biện pháp giải quyết những thách thức toàn cầu và trao đổi văn hóa giáo dục giữa các quốc gia. Giáo sư Beech khẳng định trường luôn khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, chấp nhận thách thức của sinh viên và hỗ trợ các dự án nghiên cứu của sinh viên với cộng đồng doanh nghiệp. Giáo sư bày tỏ mong muốn tăng số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại trường và trường sẽ xem xét khả năng hỗ trợ một phần học phí, tài trợ học bổng cho sinh viên Việt Nam.

Là diễn giả chính của sự kiện, Giáo sư Jonathan Van-Tam, Chủ tịch danh dự VIS, đã có bài thuyết trình về Vai trò lãnh đạo trong đại dịch COVID-19: Những bài học về đổi mới và giáo dục, trong đó vị giáo sư gốc Việt chia sẻ những thách thức, khó khăn và kinh nghiệm của Chính phủ Anh trong kiểm soát dịch COVID-19 và những bài học rút ra trong ứng phó với bất ổn và những thách thức mang tính toàn cầu.

Giáo sư Van-Tam đã chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Anh trong việc ứng phó với các thách thức này, trong đó có các vấn để như thông tin tới công chúng về bệnh dịch; huy động mọi nguồn lực chuyên môn từ khu vực tư nhân tới chính phủ, hợp tác với doanh nghiệp và các nhà khoa học để nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine; tiến hành chương trình tiêm chủng… Giáo sư cũng chỉ ra tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo trong quá trình giải quyết khủng hoảng, với các nhà lãnh đạo trước khi quyết định các vấn đề quan trọng cần kết hợp giữa tư vấn khoa học với các vấn đề kinh tế xã hội và dựa trên những đánh giá có bằng chứng rõ ràng.

Sau bài thuyết trình, Giáo sư Van-Tam tham gia phiên thảo luận về Vai trò lãnh đạo đối với đổi mới trong giáo dục đại học: Các yếu tố trong hợp tác Việt Nam – Anh dưới sự điều phối của Tiến sĩ Yến Trần, Đại học Heriot Watt University. Ba diễn giả khác tham gia phiên thảo luận là Đại sứ Nguyễn Hoàng Long; Giáo sư Sean Wellington, Hiệu phó Đại học Middlesex; và ông Jamie Bettles, Sáng lập và Giám đốc điều hành dự án Pagoda.

Các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận các cơ hội, triển vọng hợp tác về đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực như công nghệ mới nổi, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng; giáo dục đại học hướng tới phát triển bền vững; quản lý những thay đổi và bất ổn, duy trì hệ sinh thái giữa chính phủ, các ngành công nghiệp và các trường đại học…

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long chỉ ra rằng để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, bản thân các nước phải rất cởi mở và hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Anh là nước rất cởi mở trong nghiên cứu và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với Anh trên tinh thần này. Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam có dân số trẻ và nhiều tài năng đã đến Anh và tham gia vào các dự án nghiên cứu. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ giới hạn trong nhóm nhỏ các cá nhân xuất sắc và Việt Nam có thể làm được nhiều hơn khi hai bên bắt tay vào hợp tác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *