tao-dung-nen-tang-truyen-hinh-so-quoc-gia,-canh-tranh-voi-nen-tang-xuyen-bien-gioi

Tạo dựng nền tảng truyền hình số quốc gia, cạnh tranh với nền tảng xuyên biên giới

Theo Quyết định số 1361/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TTTT phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia, Bộ TTTT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia. Để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và cung cấp nội dung giải trí đến người dân, Bộ TTTT đã chủ trì phối hợp với các đơn vị có kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia (kênh truyền hình thiết yếu quốc gia) để thống nhất phương án, thời gian, lộ trình đưa các kênh này lên nền tảng truyền hình số quốc gia.

Chú thích ảnh
Dữ liệu người dùng nền tảng truyền hình VTVgo được giới thiệu tại Bộ TTTT.

Ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, VTV cho biết, sự phát triển của VTVgo đến nay đã trải qua hơn 9 năm. Việc đầu tư này đáp ứng sự chuyển dịch của khán giả truyền hình từ tivi truyền thống lên Internet và từ màn hình tivi lên màn hình điện thoại di động.

Trên nền tảng này, sau khi có Quyết định của Bộ TTTT, nền tảng VTVgo định hình là nền tảng truyền hình số quốc gia. Theo đó trên nền tảng phải có đầy đủ các kênh truyền hình của VTV, kênh thiết yếu quốc gia và 63 kênh truyền hình địa phương. Trong đó, 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia gồm: Kênh thời sự – chính trị tổng hợp (VTV1) của Đài Truyền hình Việt Nam; Kênh thời sự – chính trị tổng hợp (VTC1) của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam); Kênh truyền hình Thông tấn (Vnews) của Trung tâm Truyền hình Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam); Kênh truyền hình Công an nhân dân (ANTV) của Truyền hình Công an nhân dân (Bộ Công an); Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN) của Trung tâm Phát thanh, Truyền hình Quân đội (Bộ Quốc phòng); Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam (QHVN) của Truyền hình Quốc hội Việt Nam (Văn phòng Quốc hội); Kênh truyền hình Nhân Dân (Nhân Dân) của Báo Nhân Dân.

Trước đó, sau khi tích hợp, vào cuối năm 2022, Bộ TTTTT đã ban hành Quyết định số 2297/QĐ-BTTTT công nhận nền tảng truyền hình số (VTVgo) của Đài Truyền hình Việt Nam đạt tiêu chí nền tảng số phục vụ người dân. Hiện nền tảng VTVgo đã được cài đặt trên 28,5 triệu thiết bị điện tử, có tới gần 10 triệu người theo dõi và sử dụng, với trung bình 450 triệu lượt xem hằng tháng và có hơn 1 triệu kiều bào Việt Nam trên toàn thế giới sử dụng.

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TTTT cho biết, sau 11 tháng phối hợp với VTV thì đến tháng 6/2023, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo mới chính thức được ra mắt gồm các kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia, gần 20 kênh truyền hình thiết yếu địa phương phục vụ đông đảo người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

“Việc ra mắt việc ra mắt nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo hết sức có ý nghĩa, là hy vọng để người dân Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ truyền hình quảng bá trong nước một cách rộng rãi. Từ đó, góp phần giảm tình trạng sử dụng các nền tảng truyền hình xuyên biên giới khó kiểm soát”, ông Nguyễn Hà Yên cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm, nền tảng truyền hình số quốc gia được VTV xây dựng trên nguồn lực của mình khi chưa có sự đầu tư của ngân sách Nhà nước đã giải quyết câu chuyện số hoá và đưa các nội dung của VTV lên nền tảng số. Bây giờ ở bước cao hơn là đưa các kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia, địa phương lên chung 1 nền tảng. Để tới đây sẽ thực hiện được mục tiêu chỉ 1 nút bấm có thể xem tất cả các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia tại Việt Nam.

“Nút bấm đó sẽ được tích hợp lên trên các điều khiển tivi và ứng dụng đó sẽ được cài sẵn trên các nền tảng tivi thông minh trên thị trường Việt Nam như mong muốn”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *