Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, tiếp nối hiệu quả Chương trình phối hợp giai đoạn 2017 – 2020 (Chương trình 526), xác định vai trò nòng cốt, quan trọng của lực lượng phụ nữ, nông dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm, Chính phủ đã tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp số 01 giai đoạn 2021 – 2025 nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Hội Phụ nữ và Hội Nông dân trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm.
Từ những nội dung chính của Chương trình này, các cấp Hội Phụ nữ chủ động, trách nhiệm, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đạt kết quả nổi bật. Công tác chỉ đạo các cấp Hội tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm chú trọng theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là tập trung vào hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trong mùa dịch, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Chương trình còn góp phần bổ sung thông tin, kiến thức về an toàn thực phẩm và kỹ năng tuyên truyền, vận động, giám sát cho cán bộ Hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ và người dân về an toàn thực phẩm, có chuyển biến về thói quen sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.
Ở cấp địa phương, 51/63 tỉnh, thành phố ký kết hoạt động phối hợp để thực hiện Chương trình. Từ đó, các cấp Hội chủ động phối hợp với Hội Nông dân, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động và giám sát về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức, mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng. Các cấp Hội đã tham gia hiệu quả, tích cực, thiết thực hưởng ứng chiến dịch “Nâng niu giá trị nông sản Việt – Kết nối nông sản – san sẻ yêu thương” trong mùa dịch bệnh.
Theo bà Hà Thị Nga, bên cạnh những kết quả nêu trên, một số vấn đề còn khó khăn, tồn tại như: công tác phối hợp giữa các cơ quan ở các cấp chưa thường xuyên, đồng đều; 12 tỉnh, thành phố chưa ký kết chương trình phối hợp cấp tỉnh. Nhận thức của một bộ phận hội viên, phụ nữ, tiểu thương về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa thật sự đầy đủ; từ đó chưa nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng…
Đây là những vấn đề mà Chính phủ, các ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo; đồng thời cũng là những nội dung Ban Chấp hành Trung ương Hội cần nghiên cứu, nắm bắt để có giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội và các lực lượng phụ nữ, cùng với các cấp chính quyền để thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Tại Hội nghị sơ kết, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về đảm bảo an toàn thực phẩm, thảo luận về những giải pháp để thực hiện hiệu quả 3 nhóm chỉ tiêu, 6 nội dung đến năm 2025 của Chương trình phối hợp số 01. Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố cũng chia sẻ sáng kiến truyền thông nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phối hợp, hỗ trợ mô hình và giám sát an toàn thực phẩm.
Tin, ảnh: Minh Thu (TTXVN)