Những vụ tai nạn đuối nước thương tâm
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước ở nhiều địa bàn trên cả nước. Mới đây nhất, trưa 11/6, bốn học sinh tiểu học đã rủ nhau ra tắm ở con suối ở dưới chân thác 3 tầng, thuộc Thôn 3, xã Lộc Lâm (Bảo Lâm, Lâm Đồng) chơi. Trong lúc chơi đùa, không may hai cháu bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi, nhấn chìm, nên đã tử vong.
Trước đó, vào ngày 20/5, một nhóm học sinh lớp 5 rủ nhau đi hái sen và tắm kênh tại khu vực thôn Phú Sơn, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) không may bị nước cuốn trôi, nên đã tử vong.
Những vụ tai nạn đuối nước thương tâm trên liên tục xảy ra; nhất là mùa hè nắng nóng, trẻ được nghỉ hè, hay tụ tập rủ nhau đi tắm biển, ao hồ, sông ngòi, mà không có người lớn đi kèm.
Theo đại diện Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở trẻ em nhóm 5 – 14 tuổi; trung bình mỗi ngày có 6 – 7 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước.
“Đuối nước là kẻ giết người thầm lặng, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Thông thường, các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt khi học sinh bước vào kì nghỉ hè. Do đó, trước dịp nghỉ hè, Cục Trẻ em đã có nhiều chương trình thông tin, khuyến nghị cha mẹ, những người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nắm được các nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em, các biện pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ.
Tăng cường mô hình quản lý, đào tạo kỹ năng cho trẻ
Để phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng, thì việc tăng cường quản lý học sinh dịp hè từ gia đình, nhà trường, xã hội là hết sức cần thiết. Mô số mô hình phổ cập bơi từ thành thị cho đến nông thôn đang được các cấp, các ngành quan tâm triển khai.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Nhằm tiếp tục phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trong dịp hè, Trung tâm đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy bơi theo 3 hình thức.
Thứ nhất, phát huy nguồn lực xã hội, Trung tâm kết hợp với 50 trường học trên địa bàn để tổ chức các lớp bơi, trong đó Trung tâm đảm trách việc bố trí giảng viên dạy bơi toàn bộ trong 3 tháng hè. Cuối khóa, Trung tâm tổ chức thi, cấp chứng chỉ cho các em hoàn thành tốt lượt bơi 25m bơi trườn sấp, bơi ngửa, bơi ếch, bơi bướm.
Thứ hai, Trung tâm phối hợp Đoàn Thanh niên quận Ba Đình rà soát đối tượng, tổ chức một số lớp bơi miễn phí, tặng kính, mũ, quần áo bơi… dành cho trẻ em thuộc các hộ gia đình khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt tổ chức từ 1 đến 2 lớp với khoảng 100 em dạy liên tục trong 12 buổi. Cuối đợt, Trung tâm tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ cho các em bơi đạt yêu cầu.
Thứ ba, Trung tâm hỗ trợ giảm 50% kinh phí cho các lớp bơi do các trường tổ chức theo hình thức câu lạc bộ, theo đó, giáo viên thể dục của trường trực tiếp quản lý, dạy bơi, Trung tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, chỉ lấy chi phí dịch vụ điện, nước nộp cho các cơ quan của nhà nước theo quy định, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ các trường.
Do đó, dù là quận trung tâm với số lượng bể bơi chưa nhiều, nhưng số học sinh trên địa bàn quận Ba Đình được phổ cập bơi ngay từ tiểu học tăng đều. Bình quân mỗi năm hơn 1000 em được phổ cập bơi.
“Năm 2022, quận Ba Đình cũng quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, như mái che bể bơi nên hoạt động dạy, phổ cập bơi được bố trí nhiều lớp trong ngày. Bên cạnh đó là sự đảm bảo an toàn đồng bộ về đội ngũ nhân lực về kiến thức, kỹ năng, cũng như lực lượng cứu hộ, cứu đuối”, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Còn người dân làng Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã cùng nhau đóng góp 1,3 tỷ đồng, biến ao làng rộng hơn 1.000m2 thành bể bơi miễn phí. Trong dịp hè nóng nực này, bể bơi đã thu hút trẻ em trong vùng đến vui chơi, tắm mát, học bơi.
Từ các mô hình triển khai phổ cập bơi cho thấy, cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người dân. Để giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, nhất là trong dịp hè, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần nâng cao ý thức quản lý, giám sát con thường xuyên. Người lớn không để con trẻ tự do tắm sông, biển, ao hồ mà không có người trông nom; cần thường xuyên cảnh báo trẻ về nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở sông, suối, biển, ao, hồ…; mặc áo phao cho trẻ khi tham gia bất cứ hoạt động đường thủy nào.
Ngành giáo dục các địa phương cần tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục và có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn…
Các cấp, các ngành, đoàn thể cần tăng cường trong việc cắm biển cảnh báo, trang bị loa truyền thanh tuyên truyền tại những khu vực nguy hiểm để trẻ biết và tránh xa; nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân, đặc biệt là trẻ em về an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường trang bị các kỹ năng cứu hộ, sơ cứu người đuối nước đúng cách cho người dân để nhiều người có đủ kiến thức ứng cứu người gặp nạn khi cần thiết…