Ước đến cuối năm 2023, chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội tại TP.HCM đạt 1%/GRDP; bình quân giai đoạn 2021-2023 ước chi đạt 0,88%/GRDP.
Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt 1%/GRDP
UBND TP.HCM vừa có văn bản về kết quả thực hiện nhiệm kỳ Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố giai đoạn 2021-2025 (Đề án 672).
Ở giai đoạn 2021-2022, TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như: Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ ươm tạo, phát triển các dự án khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm…
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, TP.HCM đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 5.063 doanh nghiệp, đạt 168,8% so với chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025. Đề án 672 ươm tạo, phát triển 693 dự án, đạt 69,3% so với chi tiêu của cả giai đoạn và hỗ trợ 236 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, đạt 236% so với chi tiêu của cả giai đoạn và nhiều hoạt động khác.
Nhờ đó, trước năm 2020, các startups tập trung chủ yếu ở lĩnh vực TMĐT, công nghệ tài chính thì đến năm 2022 đã có sự đa dạng hơn với công nghệ giáo dục, y tế, chuỗi khối…
Ngoài ra, tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP của doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu ở TP.HCM giai đoạn 2021-2022 bình quân đạt trên 47,2%. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19, lao động giảm và tăng trưởng vốn thấp thì kết quả đóng góp TFP vào tăng trưởng cao là nhờ các doanh nghiệp có ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo, áp dụng các công cụ quản trị chất lượng. Có thể thấy, trong số 4 kỳ lân hiện nay của Việt Nam là VNG, VNLife, Sky Maivs và Momo đều có trụ sở làm việc và hoạt động tích cực trên địa bàn TP.HCM.
Vì vậy, ước đến cuối năm 2023, chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội tại TP.HCM đạt 1%/GRDP; bình quân giai đoạn 2021-2023 ước chi đạt 0,88%/GRDP.
TP.HCM tiếp tục đầu tư vào các giải pháp thực hiện Đề án 762 trong năm 2023. |
Đầu tư để bắt kịp với sự phát triển của kinh tế – xã hội
Trong giai đoạn năm 2021-2023, UBND TP.HCM đã triển khai 8 nhóm nhiệm vụ (23 dự án thành phần) của Đề án 672 với 76 nội dung cụ thể. Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành 9 nội dung và đang tiếp tục thực hiện 53 nội dung. Các nội dung tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo của nhiệm kỳ là 14 nội dung.
Cũng trong giai đoạn này, tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ là 4.863,53 tỷ đồng, trong đó chi sự nghiệp khoa học và công nghệ là 2.661,17 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 54,7% và chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ là 2.202,36 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 45,3%. Thu hút nguồn lực ngoài ngân sách chỉ cho khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2022 ước đạt khoảng 23.245 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian qua tại TP.HCM dù có sự đầu tư và nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và quản lý đô thị của TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, đầu tư của xã hội cho khoa học và công nghệ vẫn chưa tương xứng, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để phát triển sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Ngoài ra, mối quan hệ giữa trường – viện và doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa thật sự chặt chẽ và bền vững.
Do đó, trong năm 2023, TP.HCM tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Đề án 762 như: Thành lập và triển khai hoạt động Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc theo mô hình tiên tiến của thế giới; tập trung nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ và xây dựng các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ phục vụ Đề án Đô thị thông minh…