Trao đổi tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vân, giảng viên Khoa Luật Thương mại cho rằng, khái niệm “nhà ở xã hội” theo luật hiện hành đang quá ôm đồm, chung chung. Cụ thể, Luật trong quy định có 10 nhóm đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Ông Vân cho rằng, xem xét kỹ sẽ thấy bất cập. Luật cần phân chia theo nhóm (nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, nhà công vụ, ký túc xá sinh viên…) và quy định phù hợp với từng đối tượng. Hiện, gom hết vào khái niệm nhà ở xã hội, Nhà nước làm không đủ, doanh nghiệp lại gánh.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Hà Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Luật thương mại cho rằng, cần xác định nội hàm khái niệm, xác định lại nhà ở xã hội là gì, phân biệt nhà ở xã hội với các loại khác như: nhà cho người có thu nhập thấp. Nếu xác định nhà ở xã hội là để thực hiện chính sách xã hội sẽ phải hạn chế, giới hạn đối tượng, số lượng,… đồng thời, không nên quy định nhà ở xã hội sau 5 năm được mua bán sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ nhà ở xã hội, khiến nhà ở xã hội không tiếp cận được đúng đối tượng.
Bà Hồ Thị Gái, Tập đoàn Kim Oanh Group cho biết, trên thực tế, để nộp hồ sơ xét duyệt mua nhà ở xã hội, theo quy định, người thu nhập thấp phải có đăng ký tạm trú trên 1 năm, có xác nhận tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên 1 năm; chưa có sở hữu nhà ở, chưa được thuê, mua nhà ở xã hội; không đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên…
Người có thu nhập thấp phải tiếp tục làm các hồ sơ, giấy tờ liên quan để chứng minh, gồm: Đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; mẫu xác nhận về đối tượng, thực trạng nhà ở; xác nhận về điều kiện thu nhập hoặc cam kết về mức thu nhập không thuộc trường hợp đóng thuế thu nhập thường xuyên; giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú và xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên 1 năm.
Theo bà Gái, một số quy định đi vào thực tiễn áp dụng có sự vênh nhau. Chẳng hạn, với điều kiện tạm trú trên 1 năm và có tham gia bảo hiểm xã hội trên 1 năm, có những người lao động như công nhân, lao động tự do buôn bán có thể không đăng ký tạm trú được, hoặc di chuyển thay đổi rất nhiều nơi trong cùng một địa phương. Điều này dẫn tới việc họ không đáp ứng được điều kiện này.
Ngoài ra, việc yêu cầu giấy tờ xác minh nguồn thu nhập thấp không đóng thuế thường xuyên khó tránh khỏi tình trạng “lách luật” để mua nhà. Điều này dẫn tới người thực sự cần lại không mua được, còn người không đúng đối tượng lại được mua nhà ở xã hội.