ha-noi:-giam-sat-chat-cac-co-so-giet-mo-gia-suc-gia-cam

Hà Nội: Giám sát chặt các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm

Chú thích ảnh
Phân loại thịt lợn đã chế biến và treo trên giá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh (tư liệu) minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tổng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của thành phố khoảng 800-900 tấn/ngày, tổng lượng thịt gia súc, gia cầm từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố đạt trên 400 tấn/ngày, cộng thêm nguồn thịt nhập vào Hà Nội được kiểm dịch khoảng trên 150 tấn/ngày, tương đương 60% nhu cầu tại thị trường Hà Nội được kiểm soát nguồn gốc ngay từ cơ sở. Số còn lại do các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ cung cấp ra thị trường.

Hiện nay, thành phố Hà Nội có 726 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng đa số hoạt động chưa hết công suất. Có cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại chỉ hoạt động 15-30% công suất thiết kế; có cơ sở phải tạm ngừng hoạt động giết mổ hoặc chuyển sang giết mổ trên sàn (giết mổ bán công nghiệp) để duy trì hoạt động. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tồn tại số lượng lớn, hoạt động giết mổ rất đa dạng, phương thức chủ yếu là thủ công…

Nhằm giúp các hộ nông dân hiểu rõ hơn về quy trình bảo đảm vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã đưa ra một số hướng dẫn. Cụ thể, trong quy định chung về kiểm tra vệ sinh thú y, việc kiểm tra vệ sinh thú y phải được thực hiện trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện kiểm tra, giám sát yêu cầu vệ sinh thú y đối với các đối tượng có trong danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y; phân tích nguy cơ, truy xuất nguồn gốc đối với động vật, sản phẩm động vật.

Về yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung, địa điểm phải theo quy hoạch của chính quyền địa phương; thiết kế các khu vực riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo. Trang thiết bị, dụng cụ, nước cho việc giết mổ động vật phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ.

Đối với cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, địa điểm phải tách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm. Trang thiết bị, dụng cụ phù hợp để giết mổ, không gây độc hại, ô nhiễm cho sản phẩm động vật. Các cơ sở giết mổ phải đủ nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y phục vụ cho việc giết mổ động vật. Đồng thời, có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *