Ông Nguyễn Văn Xuân, Công ty Cổ phần năng lượng Resa (sinh năm 1960, trú tại phường Phước Hòa, thành phố Nha Trang) mới đây đã “trình làng” sản phẩm ghế đá, đá lát đường được tái chế từ rác thải nhựa, ni-lông.
Sản phẩm ghế đá từ nhựa được ông Xuân nghiên cứu và chế tạo dựa trên công thức vụn nhựa, ni-lông kết hợp với xi măng, chất phụ gia. Mỗi ghế đá có thể chịu sức nặng khoảng 300 kg và hoàn toàn thân thiện với môi trường, ước tính tồn tại trên 50 năm và hiện đang được bố trí, lắp đặt ở công viên bãi biển Nha Trang, như một cách tuyên truyền về bảo vệ môi trường đến người dân và du khách.
Nói về ý tưởng tái chế rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng, ông Xuân cho rằng bê tông là sản phẩm được sử dụng khá phổ biến trên thế giới. Rác thải nhựa cũng có mặt khắp nơi. Do đó, giải quyết được bài toán về bê tông cùng rác thải nhựa thành công sẽ bảo vệ môi trường rất hữu hiệu.
Có được ý tưởng, ông Nguyễn Văn Xuân bắt tay vào nghiên cứu với nhiều phương pháp khác nhau. Đầu tiên là sử dụng các phương pháp nhiệt phân, hóa dẻo sau cùng mới đến phương pháp bê tông rác thải nhựa. Chính phương pháp bê tông rác thải nhựa hay còn gọi là “nhốt nhựa vào bê tông” đã giúp ông thành công khi tính toán giá cả đầu vào, đầu ra hợp lý, có lãi. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là làm bê tông từ rác thải nhựa không gây ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa sẽ được xử lý nguội (nghiền nhỏ rác nhựa). Cùng với đó, máy nghiền rác nhựa không kén rác, có thể xử lý với mọi loại rác, không yêu cầu phải phân loại rác nhựa như những phương pháp tái chế nóng khác. Chi phí đầu tư thấp nên sản phẩm làm ra hoàn toàn có thể cạnh tranh với dòng sản phẩm truyền thống cùng loại. Tùy thuộc vào công năng sử dụng, sản phẩm tái chế bê tông nhựa có thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đời sống xã hội. Bê tông rác nhựa có thể làm hàng nội ngoại thất, làm vật liệu xây dựng, làm đường giao thông tải trọng thấp, làm kênh mương nội đồng…
Nói về công thức tái chế rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng, ông Xuân cho rằng rất đơn giản: Chỉ cần kết hợp các hạt nhựa cùng bê tông được sản xuất từ xi măng, cát, đá, cốt liệu, nước… Tuy nhiên, nhựa với thuộc tính trơn, rất khó kết dính bền với xi măng nên bê tông với nhựa không đạt được cường độ chịu nén cần thiết. Do đó, ông Xuân đã tìm ra giải pháp thêm chất phụ gia phù hợp để kết nối các vật liệu với nhau. “Chất phụ gia được đội ngũ kỹ sư của công ty nghiên cứu, phối thuộc và chính chất phụ gia này tạo nên sự kết dính giữa bê tông và nhựa”, ông Xuân nói về bí quyết.
Để có nguồn nhựa làm tái chế, ngoài việc thu gom tại gia đình và hàng xóm xung quanh, ông Xuân đặt mua từ các vựa thu mua bán phế liệu. Chi phí mỗi kg nhựa mua vào giá thấp. Theo tính toán của ông Xuân, để tạo nên một cái ghế đá có trọng lượng 150 kg cần 50 kg nhựa, giá thành bán ra khoảng 1,5 triệu đồng/cái. Giá này so với ghế đá bằng bê tông 100% sẽ rẻ hơn từ 20 -30%. Hiệu quả là thế, nhưng rất ít các doanh nghiệp mặn mà, bởi nguyên nhân chính là do đầu vào rác nhựa chưa thực hiện được việc phân loại sạch, rác nhựa trộn hỗn hợp với rác hữu cơ làm cho quá trình nghiền nát, trộn không có hiệu quả, dẫn đến tốn kém chi phí. Mặc khác, chúng ta chưa có chính sách khuyến khích cụ thể cho việc sử dụng sản phẩm tái chế, trong khi tâm lý người tiêu dùng còn e ngại sản phẩm làm ra từ rác, việc cạnh tranh về giá với dòng sản phẩm truyền thống cùng loại là rất khó…
Khó khăn là vậy, tiến bước đi lên ông Xuân cùng những cộng sự đã đưa ra được các sản phẩm mẫu và những sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn. Theo ông Xuân, từ một người làm có chuyên môn về ngành điện đến việc những sáng kiến, phát minh liên quan đến khoa học kĩ thuật môi trường là cả một sự nỗ lực lớn của bản thân, là nỗi đau đáu về việc môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến người thân. Điều ông Xuân mong muốn lớn nhất bây giờ là có thêm nhiều đơn vị, cá nhân cùng đồng tái chế rác thải nhựa. Ông Xuân và các cộng sự sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao công nghệ miễn phí hoặc hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm…một khi giải pháp thành công. “Dẫu còn nhiều khó khăn, chúng tôi quyết tâm vững bước trên con đường mình đã chọn. Chúng tôi muốn đi xa với công cuộc góp phần làm sạch môi trường. Do đó, chúng tôi rất cần sự đồng hành của tất cả người dân trong việc phân loại rác thải nhựa”, ông Xuân tâm huyết nói.
Trong buổi nói chuyện với đoàn viên, thanh niên thành phố Nha Trang về vấn đề tái chế rác thải nhựa mới đầu tháng 6, ông Xuân đưa cả hệ thống máy móc đến để các bạn trẻ cùng quan sát cả quy trình “ biến” rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng. Em Nguyễn Trần Minh Tâm, Trường Trung học Phổ thông Phạm Văn Đồng, thành phố Nha Trang cảm thấy rất kỳ diệu, khó tin được từ những chai nhựa, vỏ ni-lông cũng biến thành những viên gạch một cách thần kỳ. Qua đây, em sẽ khuyên mọi người trong gia đình tiến hành phân loại rác trước khi đưa vào thùng rác, để những rác thải nhựa còn tái chế sẽ trở thành những vật dụng có ích cho xã hội, tiết kiệm các chi phí cho việc bảo vệ môi trường.
Trải nghiệm trên sản phẩm ghế đá được tái chế bằng rác thải nhựa đặt ở công viên bãi biển Trần Phú, đoạn gần Quảng trường 2/4, chị Nguyễn Thị Hải (45 tuổi, du khách Hà Nội) rất bất ngờ khi biết nguồn gốc ghế đá được làm từ rác thải nhựa và cho rằng những sản phẩm như thế này sẽ góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách. “ Ngồi trên ghế đá này, nhiều người không có cảm giác khác biệt so với ghế đá bê tông, rất chắc chắn và an toàn”, chị Hải cho biết.
Anh Trần Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với ông Nguyễn Văn Xuân – người tái chế rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng để cùng thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa như: xây dựng đoạn đường bê tông rác thải nhựa, mô hình, vật dụng lưu niệm bê tông từ rác thải nhựa…. Đặc biệt, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa đẩy mạnh việc triển khai phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường trong đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn tỉnh.
Bài, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)