BINH LỰC NHÀ JOSEON (NHÀ TRIỀU TIÊN)

Joseon a.ka nhà Triều Tiên là triều đại cuối cùng trog lịch sử Hàn Quốc và Triều Tiên tồn tại từ năm 1392 khi tướng Lý Thành Quế (Yi Songgye) cướp ngôi vua cuối cùng của Cao Ly là Cung Nhượng vương sau khi đã loại bỏ tất cả các đối thủ có đủ khả năng ngăn cản mình đoạt vị của Cao Ly như Choi Yeong (Thôi Oánh), Trịnh Mộng Chu (Jeong Mongju) để rồi tới bị Nhật Bản xâm lược và đô hộ vào cuối thế kỷ 19 cũng như việc đổi tên thành đế quốc Đại Hàn năm 1897 nhằm tách khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc cho tới khi hoàn toàn bị sát nhập vào bản đồ đế quốc Nhật vào ngày 29 tháng 8 năm 1910

Tiền nhiệm của nhà Triều Tiên chính là Cao Ly được Vương Kiến thành lập năm 918 từ tàn cục hậu Tam Quốc Triều Tiên

Cao Ly trải nhiều năm tồn tại đã đánh nhau với các tộc người phía Bắc và Đông Bắc Trung Quốc như Khiết Đan (lập ra nhà Liêu), Nữ chân (lập ra nhà Kim) cho tới khi họ thúc thủ trước vó ngựa Mông Cổ sau nhiều lần bị tấn công

Thất bại trong cuộc chiến với người Mông Cổ đã khiến Cao Ly phải cắt các vùng đất phía bắc để người Mông Cổ lập thành Song Thành tổng quản phủ cùng Đông Ninh phủ và phái các viên quan trấn thủ Đạt Lỗ Hoa Xích (Daruhaci) sang trấn trị và tiện thể nhòm ngó luôn cả chính sự Triều Tiên trong khi khu đảo Jeju phía Nam thì được người Mông Cổ biến thành khu chăn ngựa của mình cũng như họ còn buộc các vua Triều Tiên phải thông hôn lấy các công chúa Mông Cổ để trở thành con rể hoàng thất Bột Nhi Chỉ Cân

Dưới ách thống trị của Mông Cổ thì Cao Ly dần nội bộ rối loạn và bước vào giai đoạn suy yếu

Năm 1351, vua Cao Ly là Cung Mẫn vương lên ngôi và tận dụng lúc Nguyên triều ở Trung Nguyên đang vướng bận khởi nghĩa bọn Hồng Cân (Khăn Đỏ) đã đưa quân tiến đánh ngừơi Mông Cổ ở Song Thành Tổng quản phủ và Đông Ninh phủ nhằm thu hồi quốc thổ

Đoàn quân Cao Ly với nội ứng là cha con tướng Lý Tử Xuân (Yi Ja-chun) và Lý Thành Quế là người Triều Tiên đang phục vụ trong quân đội Mông Cổ ở đây đã nhanh chóng thắng thế và đuổi hết tàn dư Mông cổ chạy về nước

Tuy vậy thế nước vẫn đang đà suy khi phía nam có Uy khấu (hải tặc Nhật) tung hoành trong khi mạn bắc có quân Hồng Cân mù quáng xem Cao Ly là đồng minh kiêm con rể Mông Cổ nên tràn qua tấn công

Lý Thành Quế đã gánh vác trong nhiệm chống lại các thế lực ngoại bang như 2 lần xâm lược của quân Khăn Đỏ cũng như đánh nhau với Uy khấu

Cũng qua các trận chiến này thì uy tín và tên tuổi Lý Thành Quế càng lên cao giữa lúc nội bộ chính trường Cao Ly vẫn còn kèn cựa nhau

Năm 1388, tướng Cao Ly thân Nguyên là Thôi Vinh cùng vua U vương bức ép Lý Thành Quế mang binh tiến đánh Minh triều mới thành lập với mục đích thu hồi vùng Liêu Đông xưa của Cao Câu Ly

Lý Thành Quế đã đưa ra 4 lý do nổi tiếng để kháng nghị gồm nước nhỏ không nên phang nước lớn; không nên vác hết quân bắc thượng trong khi Uy kháu vẫn còn lảng vảng ở vùng biển phía nam; việc động binh sẽ mang tất cả trai tráng đi khỏi vụ thu hoạch vốn diễn ra vào thời điểm động binh khiến mùa màng thất bát trễ nãi cũng như vũ khí chính của quân Cao Ly bấy giờ là cung phức hợp gặp các trận mưa tầm tã sẽ bị vô hiệu

Dù lý do không thể chê vào đâu nhưng rốt cuộc Lý Thành Quế bị buộc phải đem quân đi và trên đảo Uy Hóa (Wihwado) ở sông Áp Lục thì sau khi chứng kiến binh lực Minh triều hùng hậu ở bờ bên kia thì Lý Thành Quế nhất quyết học theo Triệu Khuông Dẫn tại trạm dịch Trần Kiều là tổ chức binh biến, quay về kinh tạo phản , hạ bệ vua tôi U vương cùng Thôi Oánh trong sự biến diễn ra từ ngày 22 tháng 5 đến 3 tháng 6 năm 1388 mà sử cũ gọi là Uy Hóa Đảo hồi quân (Rút quân từ đảo Uy Hóa hay Binh biến đảo Uy Hóa)

Với 50,000 binh sỹ thiện chiến trong tay thì Lý Thành Quế nhanh chóng đánh bại quân giư hoàng cung cũng như hạ bệ vua tôi Cao Ly, giành lấy quyền thao túng chính trường Cao Ly

Sau khi đã thủ tiêu hết các phần tử có khả năng trở thành kỳ đà cản mũi mình thì Lý Thành Quế đã phế quốc chủ cuối cùng của Cao Ly là cung Nhượng vương để tự mình đăng cơ, khai mở nhà Triều Tiên vào năm 1392

Lý Thành Quế sau khi lên ngôi đã tiến hành các chính sách thư sức dân, cải tổ lại đất nước, giảm thuế, khuyến khích nông nghiệp cũng như nhận làm chư hầu nhà Minh

Tuy nhiên, Lý Thành Quế về sau lại có chút sai lầm giống Viên Thiệu Bản Sơ thời Tam quốc là có ý định “ phế trưởng lập thứ” khi vì sủng ái vợ sau là Khang vương phi nên định lập con trai của mình với Khang vương phi vốn khi ấy còn nhỏ tuổi làm tự quân nên bị bọn vương tử với con bà trước tới lúc ấy đã trưởng thành như Lý Phương Quả (Yi Bang Gwa), Lý Phương Cán (Yi Bang Gan) và nhất là vương tử thông minh, nguy hiểm nhất bọn Tĩnh An quân Lý Phương Viễn (Yi Bang-won)…

Quan đứng đầu triều đình joseon buổi đầu là Jeong Do-jeon (Trịnh Đạo Tuyền) đã nhằm gia tăng thục lực của thế tử Lý Phương Thạc đã ra nhiều chính sách nhằm hạn chế sự can thiệp chính trường cũng như quyền lực của các vương tử nên bị họ căm ghét

Năm Mậu Dần (1398), ngày 16 tháng 2, lợi dụng khi phụ vương Lý Thành Quế đang ốm , Lý Phương Viễn phát động cuộc chính biến, đem binh giết Trịnh Đạo Tuyền cùng những người cùng cánh với các con của Khang vương phi (gồm cả thái tử) mà sử gọi là Mậu Dần Tĩnh Xã a.k.a Loạn vương tử lần thứ nhất

Lý Thành Quế bất lực nhìn con trai và đại thần bị tàn sát nên thoái vị và truyền cho con Lý Phương Quả để rồi không lâu sau đó thì Lý Phương Quả lại truyền ngôi cho em là Lý Phương Viễn

Lý Phương Viễn lên ngôi đã trở thành 1 trong vị vua hùng mạnh nhất nhà Triều Tiên

Cùng với sự phát triển các chính sách văn hóa kinh tế thì quân đội nhà Triều Tiên do Lý Phương Viễn cũng nống ra tấn công không chỉ người Nữ Chân phía bắc mà còn kéo rốc qua đánh căn cứ Uy Khấu đặt tại đảo Đối Mã (Tsushima) của Nhật Bản trong cuộc viễn chinh mà Sử gọi là Kỷ Hợi Đông chinh vào năm 1419

Sau khi Lý Phương Viễn qua đời thì các vua Joseon tiếp tục kế vị nhưng nội bộ về sau lục đục cùng tham nhũng khiến quốc lực dần tạm thời xuống dốc tạo cơ hội cho Toyotomi Hideyoshi sau khi tạm thời thống nhất nước Nhật thời Sengoku (thời Chiến quốc) đã 2 lần phát binh thủy bộ kéo sang xâm lược mà sử gọi là chiến tranh Nhâm Thìn

Với khả năng chiến đấu của mình cùng sự sắc bén của các lưỡi kiếm katana (kiếm Nhật) và độ chết người của hỏa mai Tanegashima (chủng tử đảo – hàng công nghệ Bồ Đào Nha nhưng sản xuất tại Nhật) cộng với sự yếu kém lâu ngày không ra trận của quân đội Triều Tiên cũng như sự bỏ bê quốc phòng của giai cấp thống trị mà quân Nhật lần đầu dễ dàng vượt qua đất Triều tiên để vào Mãn châu giao chiến với dân Nữ Chân với bộ phận tộc Kiến Châu Nữ chân bấy giờ do vua khai quốc Thanh triều về sau là Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhaci) cai trị song phải rút lui sau đó

Trên chiến trường Triều Tiên, sau các chiến thắng ban đầu thì người Nhật nhanh chóng gặp các khắc tinh của mình là 3 vị tướng giỏi của Triều Tiên gồm tướng Kim Thời Mẫn (Gim Si-min) – chỉ huy quân Triều Tiên thủ thành Tấn châu và giành thắng lợi trước quân Nhật dù họ Kim sau đó hy sinh do đạn hỏa mai Nhật bay vào đầu, tướng Quyền Lật (Gwon Yul) chỉ huy quân Triều Tiên dùng hỏa xa trút đạn buộc quân Nhật đang công hãm Hạnh Châu phải rút lui và nguy hiểm hơn hết là tướng chỉ huy thủy quân Yi Sun Sil (Lý Thuấn Thuần) – với các trận chỉ dùng 1 tàu Bản ốc thuyền (Panokseon) solo và đánh chìm cả tá tàu Nhật ở eo biển Myeongnyang cũng như các đại thắng tại trận đảo Nhàn Sơn và trận thủy chiến Lộ Lương (Noryang)

Cuối cùng thì Joseon giành thắng lợi chung cuộc đắt giá trong cuộc chiến Nhâm Ngọ (1592-1598) với Nhật Bản với nhiều nhân lực và tài lực bị tiêu hao

Bên cạnh đó thì trong nội bộ triều đình vẫn xảy ra các cuộc thanh trừng bè phái sĩ phu mà ban đầu là cuộc tranh giành giữa 2 phái Sarim (Sĩ Lâm) và Hungu (Huân Cựu) để rồi sau khi phái Sỹ Lâm giành được chính trường thì lần lượt bị phân rã thành 2 cánh lớn là Đông Nhân (Dongin) và Tây Nhân (Seoin) để rồi từ 2 cánh sỹ phu Sỹ Lâm này lại tiếp tục phân liệt thành 4 nhóm khác là Nam Nhân (Nam-in) và Bắc Nhân (Buk-in) tách ra từ đông Nhân và Lão Luận (Noron) với Thiếu Luận (Soron) tách ra từ Tây nhân

Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích sau khi thống nhất hầu hết dân Nữ Chân đã lên ngôi Hãn, lập ra Hậu Kim và tiến đánh Minh triều

Năm 1619, 140,000 quân Minh cùng tộc Diệp Hách thuộc Hải Tây Nữ chân với 30,000 Joseon do Gang Hong-rip (Khương Hoằng Lập) chỉ huy cùng liên thủ chia làm 4 đường tiến đánh kinh thành Hách Đồ A Lạp ở Liêu Ninh của Nỗ Nhĩ Cáp Xích

Lần lượt 4 lộ quân Minh với Diệp Hách Nữ Chân phụ Bắc Lộ và Joseon ở Đông Lộ bị Nỗ Nhĩ Cáp Xích dùng toàn lực 60,000 quân Bát Kỳ đánh bại từ ngày 14 tới ngày 18 tháng 4 năm 1619

Hoàng Thái Cực (Hongtaiji) sau khi kế nhiệm Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã 2 lần xua quân xâm lược Joseon và buộc nước này thần thuộc mình thay vì làm chư hầu Minh triều như trước

Quân đội nhà Triều Tiên a.k.a Joseon gồm các thành phần bộ binh súng hỏa mai (Po su) , kỵ binh (Gi byeong), pháo binh (Po byeong) và hải quân

Về thành phần tổ chức thì xã hội Joseon có thể chia ra làm nhiều tầng lớp xã hội mà đứng đầu là quý tộc Lưỡng Ban (yangban), dưới họ là các thầy thuốc, thương gia thuộc Trung Nhân (chungin), hạng tráng đinh dân thường thì đứng thứ 3 (Sangmin – Thường Dân) và dưới cùng cả bọn là đám nô lệ nô tỳ (Nobi)

Quyền chỉ huy quân đội Joseon là thuộc về vua và quý tộc lưỡng ban trong khi các hạng dân đinh thì có nghĩa vụ đi lính, phục dịch quân đội

Cơ cấu quân đội có thể phân ra gồm 3 nhóm là vệ binh hoàng cung là lực lượng các chiến binh tinh nhuệ với nhiệm vụ bảo vệ vua, hoàng hậu cùng quan lại có số lượng 200 người do đích thân vua lựa chọn và mặc trang phục màu đỏ, đội cận vệ của riêng vua mặc trang phục đen và lực lượng quân chính quy triều đình mặc trang phục màu xanh lục và có quân số khoảng 50,000 quân

Quân đội Joseon Triều Tiên thời kỳ đầu cũng như bao quân đội các nước đồng văn khác mãi cho đến khi xảy ra cuộc chiến Nhâm Ngọ thì mới được cải cách phiên chế thành các đơn vị nhỏ và đội quân gồm các nhóm lính cận chiến, cung thủ và nhóm hỏa mai

Về vũ khí thì quân Joseon ban đầu có kiếm, giá, cung như các quân đội các quốc gia đồng văn và chỉ duy nhất 1 món mà họ không xài đó chính là súng hỏa mai cho tới khi họ tận mắt thấy các thứ này trong tay quân đội xâm lược người Nhật đã gây cho họ bao nhiêu tổn thất thì lúc ấy hỏa mai mới thực sự được quân đội Joseon sử dụng

Ngoài các món vũ khí trên thì về các vũ khí gây sát thương hang loạt thì quân đội Joseon sở hữu đại bác, hỏa xa…

Vì phải chống lại các cuộc tấn công bằng kỵ binh cơ động và nhanh nhẹn của người Nữ Chân (và cả Mãn châu về sau) nên quân Joseon sử dụng nhiều loại giáo khác nhau là vũ khí khắc chế của kỵ binh với đang ba, trúc trường thương, kỳ thương…

Đang ba của quân Joseon là loại vũ khí như cây định ba nhưng có ngạnh giữa thì dài hơn 2 ngạnh còn lại

Có 2 loại đang ba là loại đang ba bằng gỗ (Mộc ba) gồm các ngạnh đinh ba bằng gỗ nhưng được bọc thép và loại bằng sắt (thiết ba) với 2 ngạnh ở ngoài hơi cong

Ngoài ra thì cuối cán đang ba cũng được gắn 1 cái đầu nhọn

Bên cạnh đang ba thì còn có trường thương tre với chiều dài khoảng 4,2m (Jukjangchang, Trúc Trường Thương) được làm từ thân cây tre nguyên khối hoặc các mảnh từ tre được ghép, kết nối lại bằng keo hoặc các loại trường thương dài 4m làm từ gỗ thủy tùng

Trong quân Joseon ngoài trường thương các loại thì có món kỳ thương (cờ gắn trên ngọn giáo ngắn), loại giáo gắn cờ thuộc loại giáo ngắn khoảng 2,75m với lưỡi dài 23cm

Các loại vũ khí giáo dài ngắn thường được trang bị cho cả bộ binh và cả kỵ binh

Bên cạnh các vũ khí cán sào như thương và giáo thì quân Joseon cũng có trang bị vũ khí dạng néo (dân dã hơn là côn nhị khúc) như tiên côn (pyeongon) gồm 2 khúc gỗ với 1 khúc dài (187 cm) được gắn bằng xích hoặc bằng thừng với 1 khúc ngắn hơn (47 cm)

Quân Joseon cũng sử dụng gươm đao các loại như hiệp đao (hyeopdo) với cán sào dài 1,5m gắn vào lưỡi đơn 63cm

Bên cạnh các vũ khí cận chiến thì vũ khí tầm xa ban đầu quân đội Joseon có cung phức hợp làm từ sừng trâu nước và gân được gắn bằng keo (Giác cung, Gakgung) có tầm bắn khoảng 500 yard (457,20m)

Quân đội Joseon cũng như tiến bối là Cao Ly đều những xạ thủ bắn cung cừ khôi

Bên cạnh cung phức hợp thì sau cuộc chiến Nhâm Ngọ thì trước sự thể hiện khả năng bắn súng hỏa mai của các binh sỹ Nhật mà súng hỏa mai đã du nhập vào quân đội Joseon sau đó và dần đóng vai trò quan trọng trong quân

Giáp trụ thời Joseon có thể chia theo giai đoạn và cả tầng lớp mặc nó

Về giáp trụ thì quân Joseon với phần lớn ít được trang bị giáp trụ vì xuất thân là các thành phần thường dân,trừ các tướng lĩnh và kỵ binh trang bị nặng, các binh sỹ chính quy triều đình đóng tại kinh đô thì mới được trang bị giáp nhẹ

Với các binh sỹ Joseon có xuất thân từ tầng lớp thường dân thì chỉ có giáp độn bông bởi vì các binh sỹ thuộc tầng lớp này khi bị trưng dịch thường phải tự lo luôn khoản tự lo quân trang, quân dụng

Trong khi đó thì giáp trụ của các sỹ quan chỉ huy cũng như quân chính quy triều đình thì ban đầu được trang bị giáp kim loại gồm giáp lưới và giáp tấm cũng như giáp đan dạng miếng có từ cuối thời Cao Ly vẫn được sử dụng

Một bộ giáp trụ kim loại hoàn chỉnh thường gồm mũ chiến cao dạng giống mũ dạng ấm của châu Âu có gắn miếng giáp lưới hay giáp đan dạng miếng có tác dụng che và bảo vệ gáy, bộ áo giáp dài tới bắp vế hoặc đùi cùng các tấm giáp vai có tác dụng che chắn bảo vệ luôn cho cả phần chi trên của cánh tay

Vào giai đoạn sau thì giáp trụ chuyển sang loại áo giáp nhẹ dài quá gối bằn kim loại với mũ chiến có dạng hình nón

Tới giữa thế kỷ 19 thì xuất hiện giáp ngực loại nhẹ dùng chống đạn Myeonje Baegab được chế tạo bằng cách vải với 13 tới 30 lớp vải bông

Loại giáp này được Hưng Sơn Đại Viện quân (Heungseon Daewongun) ra lệnh chế tạo và trang bị cho các binh sỹ trong cuộc chiến với quân đội Hoa Kỳ ở Đảo Giang Hoa năm 1871

Trong thời gian xảy ra chiến sự như cuộc xâm lược của quân Nhật trong cuộc chiến Nhâm Ngọ (1592-1598) thì bên cạnh lực lượng triều đình còn xuất hiện lực lượng dân quân a.k.a nghĩa binh (Uibyeong) với 3 loại dựa theo thành phần nhân sự là các tàn quân triều đình bị mất chỉ huy, loại nghĩa dũng tự phát của quý tộc lưỡng ban và dân thường cùng loại thứ 3 là lực lượng từ các tăng sư chùa chiền (sungbyeong- tăng binh)

Lực lượng nghĩa binh đánh nhau cả hỗn chiến lẫn dùng vũ khí tầm xa, chủ yếu là dựa vào chiến thuật du kích để chống giặc

Ngoài bộ binh thì quân Joseon cũng có sở hữu 1 bộ phận nhỏ kỵ binh được trang bị tiên côn hoặc tạ xích cùng trường thương cho cận chiến cũng như cung tên (tinh nhuệ nhất là các kỵ xạ Bắc quân vốn đóng ở biên giới phía Bắc và từng trải qua các cuộc chiến với người Nữ Chân ở Mãn châu song về sau thì trong cuộc chiến tranh với quân xâm lược người Nhật thì các đội kỵ binh hầu như đều bị tan tành trước hỏa mai và kiếm Nhật

Pháo binh cũng là 1 bộ phận khá nguy hiểm và đáng kể của quân Joseon, 1 bộ phận các hỏa pháo xuất hiện trên các tàu chiến hải quân Triều Tiên đã giúp hạm đội Triều Tiên dưới sự chỉ huy tài ba của đô đốc thủy quân Lý Thuấn Thần nhiều lần làm các hạm đội Nhật sợ xanh cả mặt

Pháo binh quân Joseon sử dụng có nhiều là song nổi danh nhất là hỏa xa (Hwacha) có tầm bắn lên tới 200m

Hỏa xa Triều Tiên là loại giàn phóng nhiều mũi hỏa tiễn tương tự như các giàn pháo phản lực Katyusha của Hồng Quân trong Đệ Nhị Thế chiến

Hỏa xa có cấu tạo gồm 1 thân xe di chuyển được cùng giàn phóng (singijeon) được chế tạo từ gỗ thông và đôi khi là gỗ sồi trong khi dây thì được bện bằng sợi gai

Giàn phóng hỏa xa là bệ phóng có lắp khoảng 100- 200 ống phóng hỏa tiễn trong khi đạn dược là các mũi tên dài 1,1m được lắp thêm các ống giấy nhồi đầy thuốc súng gắn ở phần thân tên, ngay bên dưới các đầu mũi tên

Tiền thân các giàn phóng hỏa xa là các bệ phóng lẻ gồm các ống nhồi đầy hỏa dược khi được châm ngòi sẽ phóng đi hỏa tiễn dài khoảng 52 cm có gắn các ống thuốc nổ vốn sẽ phát nổ khi đầu hỏa tiễn va chạm với 1 bề mặt nào đó như da thịt con người, giáp trụ sau khi đã được phóng đi

Có 3 loại giàn phóng hỏa tiễn (singijeon) là nhỏ, vừa và lớn.

Ở mặt phía sau của hỏa xa có 2 cánh tay song song có tác dụng giúp các binh sỹ đang vận hành hỏa xa có thể đẩy hoặc kéo xe giống như cách đẩy hoặc kéo các cỗ xe phá cổng

Ngoài ra hỏa xa còn có cả chân chống dọc giúp hỏa xa có thể được bố trí ở thế đứng bình thường khi chưa được sử dụng hoặc ở thế chuẩn bị khai hỏa

Chống đỡ cho bệ phóng chính là các bánh xe được gắn chặt bằng chốt gỗ cũng như các trục kim loại; các bộ phận thường được bôi trơn bằng hắc ín

Bên cạnh đó thì còn có 1 biến thể có gắn 5 hàng gồm các ống phóng với mỗi ống có khả năng phóng ra 1 bó 4 mũi tên

Hỏa xa được quân đội Joseon sử dụng trong cuộc chiến với người Nhật bởi danh tướng Quyền Lật khi quân Nhật công hãm thành Hạnh Châu

Và với hỏa lực của nó trút xuống đầu quân xâm lược thì có 1 điều chắc chắn đó là các chỉ huy Nhật không hề thích cái thứ này trút hỏa lực xuống quân mình và sát thương hàng loạt quân sỹ đang công hãm Hạnh Châu

Bên cạnh hỏa xa, quân đội Joseon còn sử dụng cả hỏa pháo

Hỏa pháo (hwapo) xuất hiện ở Triều Tiên vào cuối triều Cao Ly ở cuối thế kỷ 14

Tới thời trị vì của Lý Phương Viễn (Yi Bang-won) thì quân Joseon đã sử dụng rất nhiều pháo với kích cỡ và tầm bắn khác nhau gồm Thiên tự hỏa pháo (Cheonja hwapo) có tầm bắn cực đại 500m-620m, các loại Địa tự (jija) và huyền tự hỏa pháo có tầm bắn 620m (500 bộ) và có khả năng bắn đi mũi tên hoặc lao, loại hoàng tự hỏa pháo cũng có tầm bắn 620m trong khi tầm bắn của giá tử hỏa pháo chỉ là 270-350m và tế hỏa pháo là trong khoảng 250m

Các loại pháo này đã được cải tiến tầm bắn cũng như được cải tiến để không chỉ bắn ra các viên đạn tròn mà còn các vật sát thương như tên, lao

Các vũ khí cải tiến để bắn đi tên, lao được gọi là hỏa đồng (hwatong), súng đồng (chongtong)

Các loại hỏa pháo, hỏa đồng vẫn gồm nhiều loại súng như Thiên tự hỏa pháo có kích thước dài 1,31m, cỡ nòng 12,8 cm, có tầm bắn thường sau cải tiến là 1610m với 1 mũi tên hoặc lao trong khi 1 bó 4 mũi thì có tầm là 1240m, thường được trang bị trên Bản ốc thuyền (Panokseon); Địa tự hỏa pháo với kích thước 89,5 -89 cm và cỡ nòng 10 cm có tầm bắn đi 1 mũi tên lửa hay lao 990-1120m và 1 bó 4 mũi là 740-870m, loại này thường được trang bị trên thuyền rùa; huyền tự hỏa pháo thì có chiều dài 75,8 cm với cỡ nòng 6,5 cm và có tầm bắn 400-600m với các hỏa tiễn cũng như 1100-1250m khi dùng đạn chùm nho; hoàng tự thì có chiều dài 50,4cm và tầm bắn với đạn hỏa tiễn là 400-450m trong khi với đạn chùm nho là 1380-1590m…

Ngoài các loại pháo cố định đặt trên bánh xe thì quân Joseon cũng sở hữu các loại hỏa pháo cầm tay như Thắng Tự súng đồng (seungja –chongtong) có chiều dài 56,8cm và tầm bắn 740m với hỏa tiễn và 200-300m với đạn chum nho

Bên cạnh đó thì quân Joseon cũng sở hữu các loại pháo nạp nòng được gắn tên giá có thể xoay của Bồ Đào Nha, các loại súng cối như byeoldae wan’gu, dae-wan’gu (Đại oản khẩu), jung-wan’gu (Trung oản khẩu)…

Ngoài các loại súng trên thì vào cuối thế kỷ 17 cho tới thế kỷ 19 thì Triều Tiên cũng nhập thêm vài khẩu pháo nước ngoài bao gồm Hồng Di đại pháo và được quân Joseon dùng trong các trận chiến chống Pháp và Hoa Kỳ cũng như tự chế tạo thêm các khẩu pháo nạp nòng như Trung pháo (cỡ nòng 124 mm) và Tiểu pháo (cỡ nòng 84mm)

Đạn dược cho các khẩu pháo Triều Tiên đa dạng về hình dạng, chủng loại đến chất liệu.với các viên đạn đại bác dạng tròn bằng kim loại (cheoltanja) hoặc đá (danseok)

Các loại đạn khác như đạn ghém, đạn nổ chậm (bigyeokjincheolloe) cũng như các loại hỏa tiễn dài, lớn bằng gỗ với cánh và đầu bằng thép (daejangunjeon) hoặc loại nhỏ với cánh và đầu bằng da (jangunjeon) cũng được sử dụng cho các khẩu pháo và súng cối

Các khẩu pháo Triều Tiên được vận hành bằng cách dùng khối gỗ (gyeongmok) cùng giấy để làm nút lòng súng nhằm giúp tăng thêm uy lực, tầm đạn cũng như độ chính xác của phát bắn

Bên cạnh giấy và gỗ thì đôi khi cát cũng được nhồi vào chung với các viên đạn ghém (cheorhwa)

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến hải quân Joseon vốn thuộc hàng nguy hiểm của khu vực bấy giờ

Hải quân Joseon có nhiều loại tàu mà trong đó nổi tiếng nhất là Quy thuyền a.k.a thuyền rùa (Kobukson) được bọc giáp tận răng và Panokseon (Bản ốc thuyền)

Bên cạnh 2 loại thuyền trên thì hạm đội Joseon còn có các loại thuyền như hyeopseon dùng để trinh sát, thuyền nhỏ và nhẹ bigeodo cũng như 1 phiên bản cỡ nhỏ với thủy thủ đoàn 15 người của Quy Thuyền là loai thuyền Geomseon (Kiếm thuyền)

Trong số các tàu thì không thể không nói đến Thuyền Rùa

Thuyền rùa của Joseon là loại thuyền 2 cột buồm bọc giáp có đầu rồng có khả năng phun khói ngụy trang, che mờ chiến trường cũng như đủ to để chứa 1 khẩu pháo bên trong cũng như có 1 pháo môn để khi cần thì đẩy pháo ra khai hỏa

Về phần cấu trúc tàu thì thân tàu hình chữ U giúp giữ tàu ổn định khi khai hỏa đại bác.

Ngoài ra thì phía trước tàu còn có treo mỏ neo lớn cũng như phía bên dưới mỏ neo là phần cạnh sống bằng gỗ có trang trí hình gương mặt và được trang bị dùng cho việc tông húc các tàu

Che chắn cho khoang thuyền rùa là mui gồm các tấm lợp hình lục giác bên trên có gắn các que nhọn nhằm ngăn cản các binh sỹ Nhật triển khai lối đánh truyền thống bằng cách quăng dây móc kéo tàu lại gần rồi nhảy qua cận chiến

Về phần khoang thuyền thì thuyền rùa có khoang rộng, 2 phía đầu và đuôi tàu thì mỗi phía có 1 khẩu pháo trong khi số pháo tương tự với pháo môn (cửa pháo trên thành tàu) ở mỗi mạn trái – phải thuyền rùa là 11 khẩu pháocùng 10 tay chèo.

Dù thuyền có trang bị cột buồm và cánh buồm song tay chèo được trang bị trên tàu giúp tàu có thể dễ dàng xoay chuyển ngang dọc cụng như giúp tàu có thể di chuyển nhanh hơn

Tổng số nhân sự trên thuyền rùa thường là 50-60 binh sỹ chiến đấu cùng 70 tay chèo cùng với thuyền trưởng tàu

Với cấu trúc tàu như vậy thì thuyền rùa được dùng cho mục đích giao chiến trên biển bằng súng lớn và cả bằng cách tông húc tàu

Ngoài thuyền rùa thì Bản ốc thuyền với 2 cột buồm cũng là 1 vũ khí nguy hiểm của hải quân Joseon

Bản ốc thuyền cũng có thân tàu hình chữ U như thuyền rùa với đáy bằng giúp tàu có thể ngoặt rẽ 1 cách đột ngột và linh hoạt hơn trên biển

Bản ốc thuyền thường có 2 -3 khoang với khoang thấp nhất là nơi các thủy thủ chèo và lèo lái con thuyền trong khi ở boong trên là nơi chiến đấu của các binh sỹ

Boong thượng tầng, nơi các binh sỹ chiến đấu là boong dạng rộng và phẳng , thích hợp trang bị các khẩu pháo

Ở trung tâm của tàu tại phần boong trên cùng là tháp tàu được dùng làm đài quan sát hoặc chỉ huy trận chiến

Với phần boong phẳng thì Bản Ốc thuyền được trang bị các loại súng lớn bao gồm đại bác nhiều kích cỡ cùng súng cối

Kích thước Bản ốc thuyền của Joseon khá đa dạng với chiều dài 21-30m cùng 8-10 mái chèo mỗi bên

Tựu chung thì nhân sự của Bản Ốc thuyền là 50-60 tay chèo cùng 125 thủy quân

Hầu hết các tàu chiến Joseon đều có điểm chung là dùng mối nối tàu bằng gỗ giúp tàu họ tồn tại được lâu hơn trên biển so với các thuyền dùng đinh ghép bằng sắt như tàu Nhật

Về phần thành lũy thì do địa hình lãnh thổ phần lớn là đồi núi nên thành trì Triều Tiên thường là dạng sơn thành (sansong) chạy quanh uốn lượng theo thế núi như con rắn song các tường thành lại thấp, không có tháp canh cũng như lỗ châu mai để che chắn cho quân phòng thủ khi chiến đấu trên mặt tường thành

Về bố trí thì quân Joseon thường triển khai đội hình chống kỵ binh là theo đội hình tercio phiên bản Hàn với các binh sỹ cận chiến được trang bị thương và khiên đứng tuyến đầu nhằm để che chắn cho các thành phần binh sỹ chiếm số đông trong quân cũng như được bố trí ở tuyến giữa là xạ thủ hỏa mai và tuyến sau là cung thủ

Theo học thuyết này quân sự Joseon thì pháo binh sẽ nhả đạn vào cày đội hình đang xung phong của kẻ thù.

Nếu như quân đối phương vẫn còn trụ lại được và tiếp tục tấn công thì các binh sỹ cận chiến với gươm, thương và khiên hang đầu sẽ đóng vai trò miếng chặn đợt xung phong trong khi các xạ thủ và cung thủ tuyến sau sẽ phát xạ lần lượt theo đúng quy trình xạ thủ hỏa mai khai hỏa trước rồi các cung thủ sẽ phát xạ trong khi các xạ thủ đang nạp đạn để rồi tới khi kẻ thù bỏ chạy thì ẽ bị lực lượng kỵ binh có số lượng ít ỏi ở 2 cánh đuổi theo truy kích

Joseon tiếp tục tồn tại và cũng như các xứ Nho giáo đồng văn khác là đều bị suy yếu và hủ bại dần vào cuối thế kỷ 19 và phải đối mặt với các cuộc xâm lược của ngoại bang

Lần lượt Pháp rồi Mỹ giao tranh với Triều tiên nhưng Triều Tiên vẫn giữ được vị thế tự chủ cũng như chính sách bế quan của mình mãi cho tới khi người Nhật kéo vào

Sự hiện diện của người Nhật tại Triều Tiên đã làm bùng nổ cuộc khởi nghĩa Đông Học (Donghak) do Toàn Phụng Chẩn (Chon Pungjun) lãnh đạo chống triều đình song cuộc khởi nghĩa bị nhà Triều Tiên mời Thanh triều vô đàn áp cuộc khởi nghĩa

Trong triều thì có vương hậu Minh Thành cũng dựa vào sự ảnh hưởng của Nga với Thanh nhằm chống lại sự can thiệp của Nhật nhưng không thành công và bị các sát thủ Nhật cùng nhóm Huấn Luyện đội (Hullyondae) ám sát

Cùng với hiệp ước đảo Giang Hoa 1875 cũng như chiến thắng trong cuộc chiến Giáp Ngọ (1894-1895) trước thủy lục quân Bắc Dương nhà Thanh mà Nhật Bản đã hoàn toàn độc chiếm được Triều Tiên

Tuy vậy thì đó chỉ là cái mác bề ngoài vì trên thực tế Triều Tiên bị lệ thuộc và chiếm đóng bởi người Nhật

Sau khi đàn áp được phong trào Đông Học Đạo thì ngày 13 tháng 10 năm 1897, Triều Tiên chính thức đổi tên nước thành Đế quốc Đại Hàn nhưng dù tên nghe rất kêu thì họ vẫn chỉ là bộ phận bù nhìn nằm dưới sự quản lý của đế quốc Nhật

Ngày 28 tháng 8 năm 1910, Nhật bản bãi bỏ quốc hiệu và sát nhập Triều Tiên vào lãnh thổ đế quốc Nhật Bản

Nhà nước Joseon tới đây là chấm dứt song vua cuối cùng Triều Tiên kiêm hoàng đế duy nhất của Đế quốc Đại Hàn thì vẫn sống và bị người Nhật giam lỏng tại Xương Đức cung cho tới khi mất vào ngày 24 tháng 4 năm 1926 ở tuổi 52

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *