cach-su-dung-den-cos-va-den-pha-cho-tai-moi

Cách sử dụng đèn cos và đèn pha cho tài mới

Sử dụng đèn cos, đèn pha một cách hợp lý là điều mà lái xe nào cũng cần lưu ý nhằm đảm bảo an toàn và sự văn minh.

Hệ thống đèn trên ô tô rất cần thiết vì tăng khả năng quan sát cho người lái xe, giúp đảm bảo sự an toàn. Trong đó, đèn cos và đèn pha đóng vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng biết cách sử dụng đèn cos, đèn pha một cách an toàn và văn minh, nhất là “lái mới”. Do đó, trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách sử dụng 2 loại đèn này trên ô tô.

Đèn pha, đèn cos là gì?

Đèn cos (đèn cốt) và đèn pha được đặt ở vị trí đầu xe, có tác dụng chiếu sáng. Cụ thể, đèn cos giúp người điều khiển quan sát đường phía trước ở khoảng cách gần. Trong khi đó, đèn pha có khả năng chiếu sáng vật thể ở khoảng cách xa với tầm chiếu cao hơn bình thường và cường độ ánh sáng lớn.

Sử dụng đèn cos, đèn pha an toàn và văn minh là điều mà các tài xế ô tô cần biết

Sử dụng đèn cos, đèn pha an toàn và văn minh là điều mà các tài xế ô tô cần biết (ảnh minh họa)

Cách sử dụng đèn cos/đèn pha

Nút bật đèn cốt/pha thường được đặt ở cần gạt điều khiển bên trái vô-lăng hoặc núm xoay tích hợp trên táp-lô, gần ghế lái, với các chế độ bật, tắt hoặc tự động (auto). Để bật đèn xe, bạn quay đầu cần gạt về nấc ghi chữ ON; muốn tắt sẽ quay về nấc OFF; những xe có chế độ tự động thì bạn để nấc Auto.

Vị trí bật đèn pha/cos thường gặp trên ô tô

Vị trí bật đèn pha/cos thường gặp trên ô tô (Ảnh: Đánh giá xe)

Khi người lái bật ON, đồng hồ sau vô-lăng sẽ hiển thị thông báo sáng màu xanh lá cây hoặc xanh nước biển. Ở chế độ Auto, đèn xe sẽ tự bật khi trời tối hoặc không đủ ánh sáng và tự tắt khi xe chạy trong vùng có điều kiện ánh sáng tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, bạn chỉ nên sử dụng chế độ này khi đi ban ngày (ví dụ như đi vào đường hầm/hầm gửi xe), còn ban đêm thì không nên để chế độ Auto.

Muốn chuyển từ đèn pha sang đèn cos, bạn gạt cần điều khiển đèn về phía mình. Nếu muốn trở lại về chế độ pha thì bạn đẩy cần điều khiển ra xa mình.

Cần gạt chỉnh đèn trên ô tô

Cần gạt chỉnh đèn trên ô tô

Cách chỉnh đèn cos, đèn pha

Để điều chỉnh đèn pha, đèn cốt có độ chụm đèn và luồng sáng như ý muốn, bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây.

Đèn halogen và projector

Đối với đèn halogen và projector, bạn có thể chỉnh đèn pha, đèn cos bằng cách tháo các con vít 3 ke ở sau chóa đèn. Trong đó, con vít có ký hiệu U-D là điều chỉnh luồng sáng lên xuống, còn con vít có ký hiệu L-R là điều chỉnh luồng sáng qua trái/phải. 

Vị trí con vít để điều điều chỉnh đèn lên/xuống, sang trái/phải theo ý muốn.

Vị trí con vít để điều chỉnh đèn lên/xuống, sang trái/phải theo ý muốn.

Cách điều chỉnh:

– Để việc điều chỉnh luồng sáng chính xác, bạn cần đảm bảo độ cân bằng của xe bằng cách bơm lốp xe đúng và đủ áp suất tiêu chuẩn.

– Xác định luồng sáng: 

  • Đỗ xe trên nền phẳng, cách bức tường một khoảng 5 – 7 m, kẻ một đường dọc chính giữa và vuông góc với nền lên bức tường.
  • Căn đường tim của xe đối diện với đường kẻ trên tường. 

– Đo tim xe và chiều cao từ mặt đất đến tim đèn. Kẻ 1 đường cắt trên tường sao cho chúng thấp hơn chiều cao đèn xe khoảng 2,5 – 5 cm.

Đo tim xe và chiều cao từ mặt đất đến tim đèn

Đo tim xe và chiều cao từ mặt đất đến tim đèn

– Cho xe khởi động và bật đèn, chỉnh sáng sao cho độ chụm sáng khoảng 10 – 15 độ và chiều cao của chùm sáng phải cân bằng với chiều cao của tim đèn xe. 

– Điều chỉnh đèn ở cả bên lái và bên ghế phụ, sau đó bật cả 2 bên đèn để thấy được độ cân bằng của ánh sáng. Cuối cùng, chạy thử và kiểm tra xem hệ thống đèn hoạt động ổn định chưa.

Hai chùm sáng có độ cao và độ chụm bằng nhau là được.

Hai chùm sáng có độ cao và độ chụm bằng nhau là được.

Lưu ý:

– Khi điều chỉnh độ tụ của đèn pha thì phải để ở chế độ cốt.

– Để kiểm tra độ chụm của đèn pha một cách chính xác, cần che đèn cos ô tô lại hoặc ngắt giắc nối.

– Lúc điều chỉnh đèn pha ở bên lái thì che đèn bên ghế phụ (không che quá 3 phút để tránh làm cháy kính đèn), làm tương tự với bên còn lại.

Đèn Xenon

Đối với các dòng xe được trang bị loại đèn Xenon thì thao tác đơn giản hơn, bạn có thể điều chỉnh luồng sáng của đèn theo trọng tải hoặc tốc độ của xe bằng cách sử dụng nút điều khiển đánh số từ 0-1-2-3-4, tùy theo số lượng người ngồi và hành lý trên ô tô. 

Lưu ý khi sử dụng đèn pha, đèn cốt

– Khi đi trên đường cao tốc, tài xế có thể dùng đèn pha nhưng khi gặp xe ngược chiều thì cần chuyển về chế độ đèn cos để tránh gây ảnh hưởng đến người lái khác.

– Ở trong nội đô, khu dân cư có đông phương tiện qua lại, bạn buộc phải dùng đèn cos. 

– Nên nháy pha, chuyển cos-pha liên tục khi sang đường hoặc muốn vượt lên xe khác, cách này nhiều khi đem lại hiệu quả hơn việc sử dụng còi xe.

– Nếu thấy xe ngược chiều nháy đèn pha, bạn cũng nên kiểm tra đèn xe của mình có đang ở chế độ pha hay không. Đó có thể là dấu hiệu mà xe đối diện muốn nhắc nhở bạn vì đã gây lóa mắt cho người khác.

– Bảo dưỡng, vệ sinh đèn thường xuyên để có được độ sáng an toàn, hiệu quả nhất khi sử dụng. 

Sử dụng đèn pha không đúng cách có bị phạt không?

Như đã đề cập ở trên, trong nội đô, khu dân cư có đông phương tiện, người lái xe buộc phải dùng đèn cos, không được sử dụng đèn pha. Nếu vi phạm, bạn sẽ bị xử phạt, cụ thể như sau:

– Tài xế ô tô sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư: Phạt tiền từ 800.000 đồng – 1.000.000 triệu đồng (trước đây phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng).

– Người điều khiển xe máy sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng.

Ngoài ra, với hành vi không bật đèn xe khi trời tối, người điều khiển phương tiện cũng bị nặng hơn so với trước đây. Cụ thể:

– Tài xế ô tô Không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn: Phạt tiền từ 800.000 đồng – 1.000.000 triệu đồng (trước đây phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng).

– Người điều khiển xe máy không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng

Tài xế ô tô bật đèn pha không đúng quy định sẽ bị phạt 800.000 - 1.000.000 đồng.

Tài xế ô tô bật đèn pha không đúng quy định sẽ bị phạt 800.000 – 1.000.000 đồng (ảnh minh họa)

Trên đây là những thông tin được Tinxe cập nhật về đèn cos, đèn pha, cách sử dụng chúng và những điều cần lưu ý để bạn tham khảo. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình điều khiển phương tiện và tham gia giao thông.

Tịnh Tâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *