Vào những năm cuối đời, Martin Luther King đã nhận ra giá trị của bạo lực

Vào những năm cuối đời, Martin Luther King đã nhận ra giá trị của bạo lực

Mùa hè năm 1967, Martin Luther King, Jr. chỉ còn gần một năm để sống. Ta không thể cho rằng ông đã đoán biết trước điều này, nhưng ông hẳn cũng cảm nhận được sẽ có một điều khủng khiếp xảy ra trong tương lai gần. Là một người da đen với sự tồn tại đặc biệt nổi trội và tầm ảnh hưởng to lớn đến tình hình chính trị năm đó đồng nghĩa với việc viên đạn đã bay về phía ông rồi. Khi ấy, ông đã phần nào thoả hiệp với sự thật rằng bạo loạn là cần thiết để tiếp tục cuộc đấu tranh.
Chỉ mới một năm trước, trong cuộc phỏng vấn 60 phút đầy căng thẳng với Mike Wallace, ông đã nhấn mạnh rằng đa số người da đen ở Mỹ vẫn ưu tiên việc đấu tranh trong hoà bình, nhưng cũng thừa nhận một nhóm nhỏ trong cộng đồng này đã bắt đầu kêu gọi dùng bạo lực. Cuộc phỏng vấn này là nơi ông đã có những câu nói nổi tiếng như “bạo loạn là ngôn ngữ của những người không được lắng nghe”, bình luận về căng thẳng leo thang trong cộng đồng người da đen. Chỉ trong vài câu sau, điều thường được mọi người lãng quên khi trích dẫn câu trước, King đã cảnh báo rằng mùa hè tới có thể sẽ bùng nổ nhiều cuộc bạo loạn, nhưng ông vẫn ấp ủ hy vọng mọi người sẽ đấu tranh trong hoà bình. “Tôi cho rằng mọi mùa hè ta sẽ phải đối mặt với những cuộc biểu tình mãnh liệt thế này”, ông nói với Wallace. “Tôi chỉ hy vọng chúng sẽ diễn ra trong hoà bình. Tôi mong rằng chúng ta có thể tránh tình trạng bạo loạn, vì bạo loạn là hành vi mang tính tự huỷ diệt lẫn nhau và huỷ diệt xã hội. Tôi mong rằng ta có thể tránh bạo loạn, nhưng vẫn chiến đấu một cách kiên cường và mạnh mẽ trong mùa hè và đông sắp tới, như cách ta đã làm trong mùa hè này vậy.”
Mùa hè nói trên chính là Mùa Hè Nóng Bỏng (Long Hot Summer), và Martin Luther King bị dồn vào một vị trí ngày càng khó xử. Đạo luật Dân Quyền 1964 và Đạo luật Bầu Cử 1965 chỉ còn là những ký ức xa xôi. Những người cầm quyền nhắm mắt làm ngơ trước yêu cầu đòi quyền lợi của tầng lớp dưới. Sự cống hiến của King trong phong trào đấu tranh dân quyền vô cùng quan trọng, nhưng những thành công ấy đã phần nào che khuất đi gốc rễ ung nhọt của mọi vấn đề: nền móng của nước Mỹ được tạo dựng nên từ sự đàn áp đối với người nghèo, người yếu thế và người da màu.
Nỗ lực của King hướng đến bình ổn và mong muốn dùng sự mềm mỏng để thuyết phục cộng đồng da trắng của ông dần trở nên trái ngược với đường lối của nhóm đấu tranh mới. Ông đã đúng về việc vào năm 1966, một phần cộng đồng người da đen quay sang ủng hộ chính sách dùng bạo lực như một phương tiện để đàm phán. Tuy nhiên ông có vẻ lưỡng lự hơn, hoặc không thể nhìn nhận số lượng người ủng hộ chính sách này ngày càng gia tăng và càng có sức ảnh hưởng. Lớp người đấu tranh trẻ tuổi hơn, được tiếp lửa bởi những lời dạy của Malcolm X, người đã bị ám sát chỉ hai năm trước, đang dần chen lên đi đầu trong những cuộc đối thoại mang tầm vóc quốc gia về vấn đề sắc tộc và kháng chiến.
Có một điều gì đó rất đau lòng khi nhìn một kỷ nguyên khép lại để một kỷ nguyên khác mở ra. Vào năm 1967, những điều King muốn làm còn rất nhiều, nhưng công việc mà ông đảm nhiệm lại khác trước. Ông tập trung hơn vào những vấn đề mang tính quốc tế, ví dụ như việc kịch liệt phản đối chiến tranh Việt Nam. Ông cũng quan tâm nhiều hơn đến công bằng kinh tế và đã xây dựng nền tảng cho chiến dịch giúp đỡ người nghèo sau này (Poor People’s Campaign). Nhưng trong khu vực thành thị, nơi con người ta đang bị phản bội bởi những thể chế đáng lẽ ra phải giúp đỡ họ, thời điểm đã rất cấp bách, và khát vọng được lắng nghe trở nên vô cùng cháy bỏng.
Mùa hè năm đó, nước Mỹ chìm trong biển lửa. Không phải mọi nơi, tất nhiên rồi, chỉ ở một số tụ điểm nhất định. Bạo loạn nổi lên ở những thành phố như Detroit, Milwaukee, Buffalo, Cincinnati và Newark. Ý chí của cộng đồng da đen đã sôi sục suốt những năm 60, và bây giờ họ quyết định đứng lên đấu tranh, đầu tiên là ở những vùng phía Nam, rồi lan ra các nơi khác. Họ chống lại bạo lực của lực lượng cảnh sát, sự thiếu thốn nhà đất với giá cả hợp lý, những dự án đổi mới đô thị, sự bất bình đẳng kinh tế, và quan trọng nhất là sự phân biệt chủng tộc.
Vào tháng 9 năm 1967, Martin Luther King đã có một bài phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ ở Washington, DC. King lúc này gần 40 tuổi, và hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ những thắng lợi quan trọng nhất của ông; hiện giờ, ông có thể được ví như ánh dương đang dần lặn xuống nơi chân trời. Trong mắt đám đông, ông chỉ còn là một vị lãnh đạo hữu danh vô thực của một chiến dịch không lấy ông làm đầu nữa. Ông phải đối mặt lựa chọn chống lại, hay thuận theo đà phát triển của một thế hệ đấu tranh trẻ hơn và hỗn loạn hơn. Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông kể từ khi mùa hè đẫm máu kết thúc, và có vẻ như giờ đây ông đã thay đổi ý kiến của mình về vấn đề cướp bóc và bạo loạn. Ông nói về bạo loạn như một hành động cần thiết, điều hoàn toàn khác biệt với những gì ông đã phát biểu gần một năm trước đấy. Ông từng cam chịu cho rằng bạo loạn là một điều không thể tránh khỏi, nhưng giờ đây ông bắt đầu hiểu về chúng như một thước đo của tự do.
“Bạo loạn cần được nhìn nhận như một hiện tượng xã hội bền lâu”, ông nói với đám đông gồm đa số học giả và bác sĩ da trắng. “Bạn có thể không thích bạo loạn, nhưng chúng luôn hiện hữu và cần được hiểu rõ. Bạo loạn là một hình thức bạo lực đặc biệt. Đám đông bạo loạn không có nghĩa là họ đang nổi dậy. Những người bạo loạn không tìm cách chiếm giữ đất đai hay cướp lấy quyền điều khiển của các bộ phận chính quyền. Bạo loạn chỉ nhằm gây sốc cho cộng đồng da trắng. Đó là một hình thức phản kháng xã hội có phần méo mó. Cướp bóc, khía cạnh chủ yếu của việc này, nhằm vào nhiều mục đích. Nó giúp cho những người da đen tức giận và thiếu thốn có được những sản phẩn tiêu dùng với sự dễ dàng như khi người đàn ông da trắng trả tiền bằng ví của anh ta. Thường thì người da đen còn không thực sự muốn có được những gì họ lấy; họ chỉ muốn trải nghiệm quá trình này”
Một trong những quan điểm nổi bật của chính sách hoà bình là con người ta cần cư xử tốt, chăm chỉ làm việc, và tuân theo luật lệ xã hội thì mới có thể được tôn trọng. Vấn đề ở đây là từ khi bắt đầu có những cuộc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, người da đen đã làm việc chăm chỉ và tuân theo luật lệ một cách nghiêm chỉnh hơn bất cứ ai khác ở Mỹ. Tuy vậy, họ vẫn ở trong một hoàn cảnh nghèo khó không thể tưởng tượng nổi. King có thể không theo chính sách bạo lực được như đường lối mới mong muốn, và có thể ông đã dồn quá nhiều tập trung cho những vấn đề quốc tế dù những thành phố ở chính đất nước ông đang nổi lửa, nhưng khi ông phát biểu vào mùa thu năm 1967, ông đã chấp nhận rằng việc biểu tình một cách ôn hoà, tốt đẹp và nhân nhượng không còn hiệu quả nữa. Người ta không thể thắng cuộc trong một trò chơi mà đối phương không chơi theo luật lệ. King đã kết thúc bài phát biểu với một sự thật đanh thép:
“Tôi có thể mạnh dạn nói rằng nếu những điều người đàn ông da trắng đã vi phạm trong suốt những năm qua được tính toán ra và so sánh với những điều cộng đồng da đen đã phạm phải trong vài ngày bạo loạn vừa qua, kẻ phạm tội ở đây sẽ là người da trắng. Điều này thường khó để nói ra, nhưng tôi cho rằng sự thật này ngày càng cần thiết được phô bày để ta có thể đối mặt với những vấn đề còn tồn tại trong xã hội này.”
Nếu việc chiếm đoạt tài sản chỉ nhằm mục đích trải nghiệm sự vui vẻ khi tưởng tượng ra, dù chỉ trong phút chốc, rằng bạn đứng ở cùng một vị trí với những kẻ đàn áp bạn, thì King kết luận rằng không hề có hy vọng cho một cuộc đấu tranh không bao lực. Không hề có hy vọng vào thời điểm đó, cũng như không hề có hy vọng vào thời điểm này. Martin Luther King, vào giai đoạn cuối đời của ông, đã bắt đầu hiểu được những hạn chế của việc đấu tranh hoà bình khi kẻ địch của bạn là những kẻ đàn áp bạo lực và không có lương tâm. Con người ta cũng chỉ có thể cố sức dập lửa trong một giới hạn nhất định. Sự chuyển đổi trong suy nghĩ của King vào mùa hè năm 1966 đến mùa hè năm 1967, là từ hy vọng chống lại bạo lực đến chấp nhận nó như một công cụ xã hội, một điều không thể tránh khỏi đối với những người ông từng cam đoan sẽ dẫn dắt họ đến một miền đất hứa, điều ông đã không thành công.
Đằng sau những câu trích nhầm lẫn, những memes thiếu tìm hiểu và sự thiếu logic mà người ta sử dụng dưới cái tên của ông, bi kịch thật sự của di sản mà Martin Luther King để lại chính là những người da trắng thường nhắc lại những lời của ông để kêu gọi hoà bình nhưng lại hoàn toàn biến đổi thông điệp ông muốn đưa ra. Chủ nghĩa đấu tranh không bạo lực – thường được sử dụng khi người nghèo và những cộng đồng yếu thế đứng lên đấu tranh – được lôi ra để đàn áp họ. Bạo loạn là một loại ngôn ngữ, nhưng cách người ta phản ứng với bạo loạn cũng lại là một loại ngôn ngữ khác lươn lẹo hơn. Người ta kêu gọi hoà bình và tình yêu, nhưng điều họ thật sự muốn là sự im lặng. Một cầu thủ NFL quỳ một gối không nói gì cũng bị đe doạ và căm ghét, phỉ báng rằng anh ta là một kẻ bạo lực và phân biệt chủng tộc. Vì là người da màu, dù họ biểu tình bằng bất cứ cách nào cũng được cho là không đủ ôn hoà.
Cách thế giới này hoạt động thật buồn cười. Những người có quyền được tức giận, được nổi dậy nhất thường là những người bị bảo hãy bình tĩnh lại, hãy giữ hoà khí. Họ được ủng hộ làm theo tấm gương của một người đàn ông đã chết vì viên đạn bắn ra từ khẩu súng của một kẻ phân biệt chủng tộc.
__________
Tác giả: Hanif Abdurraqib
https://timeline.com/by-the-end-of-his-life-martin-luther-king-realized-the-validity-of-violence-4de177a8c87b

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *