- Hiệu ứng ngựa hoang.
Trên thảo nguyên châu Phi có một loài dơi hút máu, sống dựa vào hút máu các loài động vật khác, chúng thường nhắm vào chân ngựa mà hút máu, cho dù ngựa hoang có sửng cồ và chạy lồng lộn lên thì cũng chẳng làm được gì “anh bạn nhỏ” này, đám dơi có thể hút no bụng rồi mới bỏ đi một cách thong thả, song không ít ngựa hoang lại bị đày đoạ chết tại chỗ. Các nhà động vật học phát hiện lượng máu mà dơi hút máu hút cực kì ít, không đủ để khiến ngựa hoang chết, nguyên nhân cái chết của chúng là do nổi điên lên và chạy điên cuồng.
Đối với ngựa hoang mà nói, dơi hút máu chỉ là một thử thách của thế giới bên ngoài, một nguyên nhân bên ngoài, còn nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của ngựa hoang là thái độ phản ứng kịch liệt của nó đối với tác nhân bên ngoài. Trong cuộc sống con người cũng khó mà tránh khỏi gặp phải những chuyện không thuận lợi, ví như không thể đối xử một cách khoan dung, cảm xúc nhất thời kích động, thậm chí nổi cơn tam bành, nộ khí xung thiên, gây hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của bản thân. Những người hay cáu bẳn rất khó mà sống khoẻ mạnh, sống thọ, kỳ thực khá nhiều người đã bị “tức chết”. Do đó hiện tượng những người vì chuyện bé xé ra to nổi trận lôi đình, vì những sai lầm của người khác mà tổn hại đến bản thân, cũng được gọi với cái tên “kết cục ngựa hoang”.
- Hiệu ứng nổi bật.
Hiệu ứng nổi bật (Spotling Effect) là một thuật ngữ được ThomasGilovich và Kenneth Savitsky đưa ra năm 1999. Đôi khi chúng ta vô ý làm to vấn đề của bản thân, ví như lúc trải qua những tình huống lúng túng chúng ta thường cho rằng mọi người sẽ chú ý, thật ra không phải như vậy, có thể ngay lúc đó họ có để ý thấy nhưng chẳng mấy chốc đã quên bẵng đi. Không có ai bận tâm đến bản thân bạn nhiều như bạn đâu.
Biểu hiện của hiệu ứng này là chúng ta thường đánh giá quá cao mức độ quan tâm của người khác với mình, nói cách khác, chúng ta bận tâm nhiều về việc mình sẽ để lại ấn tượng gì trong mắt người khác, kết quả chúng ta thường có xu hướng lầm tưởng mức độ quan tâm của người khác đối với mình nhiều hơn rất nhiều so với sự quan tâm người đó dành cho bạn trên thực tế.
- Hiệu ứng bầy đàn.
Nhà côn trùng học người Pháp Jean Henri Fabre từng thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng được gọi là “thí nghiệm sâu róm”: ông đặt một đàn sâu róm lên rìa của một bồn hoa, con nọ nối đuôi con kia thành vòng tròn, cạnh rìa bồn hoa. Sau đó Henri Fabre rải một ít lá thông mà sâu róm rất thích ăn vào trong bồn hoa. Đàn sâu róm bắt đầu nối đuôi nhau bò vòng quanh bồn hoa hết vòng nọ đến vòng kia. Chúng đi liền 7 ngày 7 đêm, và rồi đàn sâu róm đã chết dần do mệt và đói. Một điều đáng thương là, chỉ cần một con sâu róm trong đàn thay đổi một chút lộ trình là có thể ăn được lá thông ở ngay bên cạnh.
Khi công việc của chúng ta gặp phải trục trặc hoặc phải tạm dừng, chớ đừng bỏ ra những nỗ lực vô nghĩa giống như đám sâu róm kia, mà hãy thay đổi cách nghĩ và cách tiếp cận vấn đề, để rồi làm việc một cách có kĩ năng hơn, có hiệu quả hơn, từ đó đạt được hiệu quả làm ít được nhiều.
- Hiệu ứng Matthew.
Hiệu ứng Matthew (Matthew Effect) chỉ hiện tượng kẻ mạnh sẽ ngày càng mạnh, kẻ yếu thế sẽ ngày càng yếu thế, phản ánh hiện tượng xã hội là phân hoá hai cực, người giàu sẽ càng giàu hơn, người nghèo sẽ càng nghèo hơn. Hiệu ứng Matthew bắt nguồn từ một đoạn trong kinh Tân Ước: “Với những ai được trao tặng từ trước, anh ta sẽ có ngày một nhiều hơn; nhưng kẻ chẳng có gì lúc ban sơ sẽ bị tước dần đi thứ anh ta gầy dựng”.
Muốn duy trì ưu thế ở một lĩnh vực nào đó thì buộc phải nhanh chóng mở rộng lĩnh vực này. Vả lại, khi rơi vào tình huống lĩnh vực mục tiêu xuất hiện một đối thủ mạnh, thì phải tìm cách tiếp cận khác, tìm đúng điểm yếu của đối thủ và thế mạnh của bản thân.
- Hiệu ứng bánh đà.
Hiệu ứng bánh đà (Flywheel Effect) để chỉ hành động bánh đà đang đứng im bắt đầu chuyển động, lúc đầu bạn buộc phải sử dụng rất nhiều sức, đẩy từng vòng từng vòng lặp đi lặp lại, xoay mỗi vòng đều tốn rất nhiều sức, song nỗ lực sau mỗi vòng không hề uổng phí, bánh đà sẽ chuyển động càng lúc càng nhanh.
Mỗi khi bước vào một nơi xa lạ hoặc một lĩnh vực mới nào đó, đều phải trải qua quá trình này. Nếu như muốn để bánh đà chuyển động mà không phải tiêu tốn quá nhiều sức, thì điều kiện là bạn phải có đủ kiên trì, cũng có nghĩa là phải dùng đủ số thời gian để bảo đảm. “Hiệu ứng bánh đà” khiến chúng ta trông thấy bình minh của sự thắng lợi, chỉ cần chúng ta kiên trì đẩy bánh đà của sự nghiệp không lười nhác, thì rồi cũng có một ngày nó cũng sẽ tự xoay nhanh như bay, mà chẳng cần phí nhiều sức lực.
- Hiệu ứng nho chua.
“Hiệu ứng nho chua” để chỉ những lúc chúng ta sản sinh ra cảm giác thất bại vì không có cách nào để làm hài lòng nhu cầu của bản thân, để giũ bỏ sự bất an trong nội tâm, chúng ta bèn tạo ra một vài “lý do” để tự an ủi chính mình hòng giải toả căng thẳng, giảm bớt áp lực, khiến bản thân thoát khỏi những trạng thái tâm lý tiêu cực như không thoả mãn, bất an, bảo vệ bản thân nhằm tránh chịu tổn thương. Ví dụ: khi người khác sở hữu một món đồ tốt mà bạn lại không có, bạn thực sự rất muốn có nó, nhưng trên thực tế bạn lại không thể có được. Lúc này đừng ngại sử dụng tâm lý “nho chua”, cố gắng tìm những điểm không tốt ở món đồ đó trong lòng, nói “những lời xấu” về món đồ đó, khắc phục nhu cầu không hợp lý của chính mình.
“Trăm năm cõi người, khó tránh trắc trở.” Công dụng của phòng vệ tâm ly thật sự có thể giúp chúng ta thích ứng với cuộc sống, với xã hội tốt hơn, song chìm đắm vào nó lại có tác dụng phụ rõ rệt đối với tâm lý và cuộc sống.
- Hiệu ứng cửa sổ vỡ.
Nếu một tòa nhà với một cửa sổ bị phá vỡ và không được sửa chữa sẽ có xu hướng thu hút những kẻ phá hoại phá thêm vài cửa sổ khác. Dần dà, những cánh cửa sổ này sẽ gây ra một cảm giác hỗn loạn cho những người khác, kết quả tội phạm sinh sôi và hung hăng ngang ngược trong tình trạng không ai quan tâm, không ai chịu trách nhiệm này.
Thuyết cửa sổ vỡ (Broken Windows) là một lý thuyết của tội phạm học do James Q.Wilson và George L.Kelling đưa ra, đồng thời được phát hành trong tờ The Atlantic Monthly tháng 3 năm 1982 với tiêu đề Broken Windows.
Để một thứ tốt trở thành xấu, thường xuất phát từ một hành vi rất nhỏ. Giống như lần thứ nhất đến trễ, không bị trừng phạt, mới hình thành thói quen đến trễ; lần thứ nhất hạ thấp yêu cầu đối với chính mình, cuối cùng đối với mình không còn muốn yêu cầu nữa. Cho nên, đừng bỏ mặc cơ hội lần thứ nhất, đừng phá vỡ cánh cửa sổ đầu tiên.
- Hiệu ứng Veblen.
Khi giá của hàng hoá càng cao thì càng nhận được nhiều sự coi trọng của người tiêu dùng, phản ánh tâm lý mong muốn tiêu dùng một cách phung phí của mọi người. Nhà kinh tế học người Mỹ Thorstein Veblen là người đầu tiên phát hiện nên mới được đặt tên là hiệu ứng Veblen. Phát hiện của ông đã cho thấy ảnh hưởng về mặt cảm xúc của con người trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Ông thực hiện khảo sát mức độ hạnh phúc và độ hài lòng của các cá nhân khi mua các sản phẩm có giá trị. Kết quả nhận được là người ta hạnh phúc hơn khi mua các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền. Không chỉ vậy, hành vi mua hàng hóa cũng chịu sự tác động của những người mua hàng khác, đặc biệt ở các mặt hàng có giá trị lớn.
Cre: Crystal Chen (Weibo Việt Nam)