Đường đến bình yên chính là thỏa thuận ngừng chiến với chính mình

Trong cuốn sách “Có lẽ bạn nên gặp “bác sĩ” tâm lý” nhà trị liệu Lori Gottlieb chỉ cho độc giả thấy rằng: con đường đến với bình yên chính là thỏa thuận ngừng chiến với chính mình

Những gì bệnh nhân thể hiện ở phiên trị liệu chính là góc cạnh của chính họ và nhà trị liệu phải dựa vào đó để ngoại suy. Bệnh nhân vào đây nếu không có tâm trạng tồi tệ nhất, thì chắc chắn cũng không phải tâm trạng tốt nhất. Họ có thể đang tuyệt vọng hay trong cơ chế phòng thủ, bối rối hay bất ổn. Nói chung, họ đang có tâm trạng rất tệ.

Vì vậy, khi ngồi trong phòng trị liệu, họ mong chờ, hi vọng tìm thấy sự đồng cảm và cuối cùng (mà tốt nhất là ngay lập tức) một phương thuốc chữa trị. Nhưng các nhà trị liệu không thể ngay lập tức có một phương thuốc chữa trị vì đối với chúng tôi, bệnh nhân là những người hoàn toàn xa lạ. Chúng tôi cần thời gian để làm quen với những hi vọng và ước mơ, cảm xúc và mô hình hành vi của họ, đôi khi đào sâu hơn những gì họ biểu lộ.

Nếu điều đang khiến họ đau khổ được hình thành từ khi họ sinh ra đến khi bước chân vào văn phòng của chúng tôi, hay nếu vấn đề đó đã âm ỉ trong nhiều tháng, rõ ràng họ cần nhiều hơn là chỉ một vài phiên-trị-liệu-dài-50-phút để có được sự thanh thản mình mong muốn.

Nhưng nếu tình trạng cực kỳ tệ, họ cần các chuyên gia trị liệu làm điều gì đó. Bệnh nhân muốn chúng tôi kiên nhẫn nhưng có lẽ lại thiếu kiên nhẫn với chính mình. Họ đưa ra yêu cầu rõ ràng hoặc ẩn ý, và – nhất là trong thời gian đầu – họ có thể khiến nhà trị liệu rất đỗi lo lắng.

Vì sao chúng tôi lại chọn một nghề đòi hỏi phải gặp những người không mấy vui vẻ, đau khổ, thô lỗ, hay ý thức kém và tiếp hết người này đến người khác, một mình trong một căn phòng? Câu trả lời là: Vì các nhà trị liệu hiểu rằng lúc đầu, mỗi bệnh nhân chỉ đơn thuần là một góc cạnh, một con người được chụp trong một khoảnh khắc cụ thể.

Lori Gottlieb nhà trị liệu tâm lý, tác giả cuốn sách “Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý”

Giống như bức ảnh mặt bạn cau có được chụp từ một góc không thích hợp. Cũng có thể là bức ảnh bạn đang rạng rỡ mở một món quà hay cười tươi bên cạnh người yêu. Cả hai bức đều vẫn là bạn trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng không phải toàn bộ con người bạn.

Vì vậy, các nhà trị liệu lắng nghe, gợi ý, động viên, dẫn dắt và đôi khi phỉnh phờ để bệnh nhân biểu lộ các bức-ảnh-chụp- nhanh khác, thay đổi cảm giác của họ về những gì đang diễn ra bên trong và xung quanh mình. Chúng tôi lội qua các bức ảnh và sớm nhận ra những bức bề ngoài có vẻ chẳng ăn nhập này rõ ràng đều xoay quanh một chủ đề, mà có thể không nằm trong ý định ban đầu của bệnh nhân khi quyết định đến đây.

Một số bức ảnh khiến ta lo lắng, và nhìn lướt qua, chúng nhắc tôi rằng chúng ta đều có mặt trái. Một số bức khác nhạt nhòa. Con người không phải luôn nhớ rõ các sự kiện hoặc cuộc trò chuyện, nhưng họ nhớ rất chính xác cảm giác của mình với trải nghiệm đó.

Các nhà trị liệu phải là người thông ngôn của những bức ảnh nhạt nhòa này, ý thức được phần nào trong nhân ảnh của bệnh nhân cần làm mờ đi, vì những bức ảnh đầu tiên đó giúp che giấu những cảm giác đau đớn có thể đang xâm chiếm địa phận yên bình của họ. Cuối cùng, họ nhận ra rằng, suy cho cùng, họ đang không trong cuộc chiến nào cả, rằng đường đến bình yên chính là thỏa thuận ngừng chiến với chính mình.

Đó là lý do ngay khi họ đến, chúng tôi hình dung họ ở thời tương lai. Chúng tôi làm vậy không chỉ ở buổi đầu tiên mà ở mọi phiên trị liệu, vì hình ảnh đó cho phép chúng tôi giữ giúp họ hi vọng mà họ chưa ráng sức tự giữ được và cho biết việc điều trị sẽ tiến triển ra sao.

Tôi từng nghe sự sáng tạo được miêu tả là khả năng hiểu thấu bản chất của một điều và bản chất của một điều gì đó hoàn toàn khác, rồi nghiền chúng lại với nhau để tạo ra một thứ hoàn toàn mới. Đó cũng chính là việc các nhà trị liệu làm. Chúng tôi nắm rõ thực chất của bức ảnh ban đầu và thực chất của bức ảnh tưởng tượng rồi nghiền chúng lại với nhau tạo ra một bức chân dung hoàn toàn mới.

Tôi luôn khắc cốt ghi tâm điều này mỗi khi gặp một bệnh nhân mới.

Theo “Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *