Manga: Cuộc đổ bộ văn hóa của Nhật Bản

Trong khi nhiều tranh cãi nổ ra về việc manga nên được nhìn nhận như thế nào, không thể không công nhận rằng thể loại truyện tranh Nhật Bản, với đồ họa táo bạo và nội dung sâu sắc, đã đánh cắp trái tim và chiếm đóng trí tưởng tượng của khán giả toàn cầu.

Manga và anime đã là những trụ cột trong văn hóa đại chúng Nhật (pop culture) rất lâu trước khi loại hình nghệ thuật này tìm đường sang phương Tây. Thật vậy, thuật ngữ manga lần đầu xuất hiện cuối thế kỉ 18 tại Nhật, nhưng loại truyện tranh này chỉ bắt đầu phổ biến tại Mỹ những năm 1960, khi loạt anime nổi tiếng Astro Boy được nhập khẩu bởi Mỹ. Đến 2007, một mình thị trường anime ở Mỹ đã chạm nóc giá trị khoảng 4.35 tỉ đô la Mỹ. Con số này giảm mạnh xuống còn mức khiêm tốn ở 400 triệu năm 2010, số liệu của Hiệp hội thương mại bên ngoài Nhật Bản (JETRO).

Sự vươn lên của Manga và Anime

Manga là tên tiếng Nhật của truyện tranh. Từ này lần đầu được dùng năm 1798 để tả cuốn sách tranh Shiji no yukikai. Thuật ngữ xuất hiện lần nữa năm 1814 trong tựa đề cuốn Manga Hyakuji của Aikawa Minwa và Hokusai Manga, sách chứa tranh vẽ của họa sĩ Hokusai.

Manga hiện đại đã phát triển giữa cơn bùng phát sáng tạo nghệ thuật trong thời kì chiếm đóng của Mỹ tại Nhật, từ 1945 đến 1952. Trong giai đoạn này, các binh đoàn Mỹ đã mang truyện tranh và hoạt hình của Mỹ giới thiệu đến người Nhật, chẳng hạn như Mickey Mouse, Betty Boop và Bambi. Các họa sĩ người Nhật từ đó được truyền cảm hứng để phát triển phong cách truyện tranh riêng của họ.

Sau Thế chiến II, một họa sĩ trẻ đầy triển vọng tên là Osamu Tezuka trở thành họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa và ra mắt tác phẩm đầu tiên, Shintakarajima (trong tiếng Anh là “Đảo kho báu mới” (New Treasure Island).” Hồi ấu thơ, Tezuka đã là fan cuồng của những phim hoạt hình thời đầu mang mác Walt Disney. Nhiều người bị ấn tượng bởi phong cách đặc thù của Tezuka, nhưng chỉ đến khi ông cho ra đời tác phẩm để đời Tetsuwan Atomu (Astro Boy) Tezuka mới thật sự đạt được thành công – ông được phong danh hiệu “cha đẻ của Manga và Anime”.

Khi Tezuka đã có một chỗ đứng trong ngành công nghiệp này, ông thành lập được công ty sản xuất riêng năm 1962 – Mushi Productions, nơi Astro Boy ra đời. Astro Boy đưa phong cách đặc biệt của Tezuka đến nhiều người cùng với một hướng tiếp cận hoàn toàn mới với cả ngành công nghiệp. Các hình minh họa và nhân vật đến từ điện ảnh Pháp và Đức. Những nhân vật của ông bùng nổ với sức sống và xúc cảm, và những câu chuyện của ông sẽ tự lật mở trên hàng trăm trang giấy. Đến 1963, Astro Boy vươn ra thế giới, được chiếu giờ vàng trên các đài NBC khắp nước Mỹ và vẫn tiếp tục thành công với người xem Mỹ.

Sau thành công của Astro Boy, Tezuka cho ra đời một tác phẩm khác, Jungle Taitei (Kimba chú Sư tử trắng – Kimba the White Lion). Trong quá khứ có nhiều tranh cãi xung quanh anime này sau khi Disney có một phiên bản tương tự – phim điện ảnh The Lion King, nhân vật chính là sư tử Simba. Dù Disney từ chối điều này, rất nhiều người cho rằng Disney đã trộm ý tưởng từ anime và làm lại nó với cách của họ. (Để biết nhiều hơn về mâu thuẫn giữa Disney và Tezuka, hãy xem Tezuka’s “Jungle King” and Disney’s “Lion King”).

Họa sĩ Osamu Tezuka

Sức hút to lớn của Manga

Trong các nước nói tiếng Anh, manga là một từ chung chung chỉ mọi thể loại tiểu thuyết bằng hình (graphic novels) và truyện tranh (comic books) xuất xứ từ Nhật Bản. Manga được đọc như là truyện tranh dài kì, tạp chí hàng tháng, hoặc tiểu thuyết bằng hình. Mọi hình thức này đều có bản dịch tiếng Anh, nhưng riêng tiểu thuyết là phổ biến nhất và được bán ở cả các những chuỗi cửa hàng sách lớn hay cửa hàng truyện tranh địa phương. Những truyện này đều theo lối “manga-style”, tức là đọc từ phải qua trái.

Khi các tiểu thuyết bằng hình đang ngày càng được tín nhiệm bởi các nhà xuất bản và được chú ý tại Hollywood, đa số người Mỹ vẫn chỉ liên tưởng đến những cột dọc hình trên báo và các siêu anh hùng khi họ nghe từ “truyện tranh”. Thêm nữa, tại Mỹ, nhà sản xuất, người viết, người vẽ và người đọc truyện tranh chủ yếu là nam. Ngược lại thì ở Nhật, manga lại cực kỳ nổi tiếng với cả nam lẫn nữ. Mọi người ở mọi độ tuổi, dù ở đâu trong xã hội, đều tiêu đến hàng tỉ đô cho manga hàng năm ở Nhật. Một lý do là manga có thứ gì đó dành cho tất cả mọi người, với mọi thể loại có thể tưởng tượng ra. Ví dụ: loạt phim (truyện, game, và một tỉ thứ kèm theo nó) Pokemon cực kì thân thiện với trẻ nhỏ. Có manga thuộc về từng thể loại hoặc cho các khán giả trưởng thành hơn, có sách cốt truyện phức tạp và chiều sâu cảm xúc. Độ dài cũng rất đa dạng – từ hai tập đến 20 tập.

Sự bao quát của manga cũng thu hút một lượng không nhỏ họa sĩ và nhà văn. Năm 2004, ca sĩ nhạc rock Courtney Love hợp tác với D.J. Milky, Ai Yazawa, và Misaho Kujiradou cho series Princess Ai. Ai nghĩa là “yêu” trong tiếng Nhật, và cả series được gợi cảm hứng từ cuộc đời Courtney Love, từ mối tình của cô với Kurt Cobain. Manga cho phép nhân vật bộc lộ cảm xúc rõ ràng không cấm đoán là một giải pháp lý tưởng cho Love vốn thẳng tính và nhiều thị phi. Nhiều tập Princess Ai đã được xuất bản.

Những đặc điểm của Manga

Dù Manga bao hàm được rất nhiều thể loại và mỗi họa sĩ đều có một phong cách riêng, manga vẫn có một vẻ ngoài rất đặc trưng. Một sự thể hiện cảm xúc rõ ràng chỉ là một trong rất nhiều đặc điểm đó. Cảm xúc thường được cường điệu để gây hài, chẳng hạn như gân xanh nổi lên trán nhân vật để thể hiện stress, hoặc là mồ hôi tuôn ào ào nghĩa là lo lắng. Một ví dụ khác là nhân vật có mắt hình chữ X tức là đã ngất xỉu hoặc bị ốm.

Manga và anime được vẽ theo cùng phong cách hội họa. Tranh vẽ thường là được hoàn thành với bút và mực, đường nét rõ ràng rất quan trọng. Đa số nhân vật có mắt rất to hình quả hạnh và tỉ lệ cơ thể kì dị. Cả anime và manga đều bị ảnh hưởng bởi thư pháp và nghệ thuật vẽ tranh của Nhật – một đầu cọ tròn dùng để vẽ nét đậm.

Mở rộng tầm mắt chúng ta về văn hóa Nhật Bản

Sự phổ biến của anime và manga đã giúp cư dân phương Tây hiểu rõ hơn văn hóa Nhật. Các fan sưu tập phim anime yêu thích của họ trên DVD. DVD giúp fan có lựa chọn được xem phim vừa có nguyên bản tiếng Nhật vừa có phụ đề tiếng Anh. Cũng nhờ DVD mà fan có thể trải nghiệm bản phim chưa bị cắt (uncut version). (Một số sửa chữa vì lý do khác biệt văn hóa thường có ở những anime show đời cũ, như Voltron, để thu hút những người không thuộc về văn hóa Nhật.)

Các lễ hội anime chẳng hạn như Anime Expo, Otakon, và JACON, khởi đầu từ khoảng đầu những năm 1990 và hiện nay được tổ chức thường niên trong các thành phố khắp châu Âu, châu Á, và châu Mỹ. Nhiều thành viên tham gia cosplay, trong đó họ ăn mặc như các nhân vật anime. Họa sĩ, diễn viên lồng tiếng, đạo diễn phim và nhạc sĩ Nhật đều được mời đến những sự kiện này. Các trường Đại học, cấp 3, và các trung tâm cộng đồng đã bắt đầu có các câu lạc bộ anime như một cách để chia sẻ và trưng bày anime và manga. Khi mà sức ảnh hưởng của manga và anime ngày một tăng, thế giới cũng sẽ ngày một hiểu biết hơn về nền văn hóa xứ sở mặt trời mọc.

Trạm đọc (Read Station) dịch và tổng hợp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *