16 cuốn sách mà Ernest Hemingway khuyên nhà văn trẻ nên đọc

Vào mùa xuân năm 1934, một thanh niên muốn trở thành nhà văn đã đi nhờ xe đến Florida để gặp thần tượng của mình, Ernest Hemingway. Đó là chàng Arnold Samuelson – một thanh niên 22 tuổi ưa phiêu lưu.

Anh sinh ra trong một ngôi nhà cỏ ở Bắc Dakota với cha mẹ là người Na Uy nhập cư. Anh đã hoàn thành khóa học về báo chí tại Đại học Minnesota, nhưng từ chối trả phí 5 đô-la để lấy bằng tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, Samuelson muốn đi khám phá khắp đất nước, vì vậy anh đã gói cây vĩ cầm của mình vào một chiếc ba lô và cưỡi ngựa đến California. Anh đã bán một số câu chuyện về hành trình của mình cho tờ Sunday Minneapolis Tribune.

Vào tháng 4 năm 1934, Samuelson trở lại Minnesota khi đọc một câu chuyện có tựa đề “One Trip Across” (Một chuyến đi đến bờ bên kia) của Hemingway trên tạp chí Cosmopolitan. Truyện ngắn sau này trở thành một phần trong cuốn tiểu thuyết thứ tư của Hemingway, “To Have and Have Not” (Có và không có).

Samuelson (phải) và Hemingway (trái)

Samuelson ấn tượng với câu chuyện đến nỗi ông quyết định đi 2.000 dặm để gặp Hemingway và nhờ ông cho lời khuyên. Samuelson sau này viết: “Đó dường như là một việc làm ngu ngốc, nhưng một thanh niên 22 tuổi lang thang trong thời kỳ Đại suy thoái không cần phải có nhiều lý do cho những gì anh ta làm.” 

Và vì vậy, vào thời điểm khi hầu hết những người vô gia cư đi về phía bắc, Samuelson lại đi về phía nam. Anh quá giang đến Florida và sau đó bắt một chuyến tàu chở hàng từ đất liền đến Key West. Khi Samuelson đến đây, anh phát hiện ra rằng cuộc sống ở đó đặc biệt khó khăn. Hầu hết các nhà máy sản xuất xì gà đã đóng cửa và việc đánh bắt cá cũng không khá khẩm hơn. Đêm đó, anh phải chịu cảnh màn trời chiếu đất tại bến tàu với chiếc ba lô làm gối. Tuy gió biển khiến lũ muỗi tránh xa anh nhưng chỉ vài giờ sau, một cảnh sát đánh thức Samuelson và mời anh ngủ trong chuồng bò của nhà tù thành phố. Samuelson viết: “Tôi bị bắt mỗi đêm và lại được thả vào sáng hôm sau để tìm đường rời khỏi thị trấn. Sau đêm đầu tiên trong nhà tù đầy muỗi, anh đi tìm cư dân nổi tiếng nhất tại đây.

“Khi tôi gõ cửa nhà Ernest Hemingway ở Key West, ông bước ra và đứng ngay trước mặt tôi, nheo mắt khó chịu, chờ tôi cất lời. Tôi chẳng biết nói gì vào lúc ấy. Dù đã chuẩn bị trước nhưng những từ ngữ vẫn không chịu bật ra. Hemingway đứng dang rộng chân, hai vai buông thõng, có thể thấy ông là một người lực lưỡng, hông hẹp, vai rộng. Tư thế của ông hơi đổ về phía trước, dồn trọng lượng lên các đầu ngón chân, tựa như một võ sĩ quyền anh sẵn sàng ra đòn.” 

“Cậu muốn gì?” – Hemingway lên tiếng hỏi. Sau một khoảnh khắc khó xử, Samuelson giải thích rằng mình đã lặn lội từ Minneapolis chỉ để gặp ông. 

“Cháu đã đọc câu chuyện “One Trip Across” (Một chuyến đi đến bờ bên kia) của bác trên tờ Cosmopolitan. Và cháu rất thích nó nên đã đến đây để được nói chuyện với bác.”

Hemingway có vẻ giãn ra. 

“Sao cậu không nói luôn rằng mình muốn tán gẫu? Tôi tưởng cậu muốn đến thăm tôi cơ mà.” 

Lúc này, Hemingway nói với Samuelson rằng ông đang bận nên mời anh quay lại lúc 13h30 chiều hôm sau.

Sau một đêm nữa trong tù, Samuelson trở lại nhà Hemingway và thấy ông đang ngồi trong bóng râm ở mái hiên phía bắc, mặc quần kaki và đi dép lê trong phòng ngủ. Ông đang uống một ly whisky và đọc New York Times. 

Bên hiên nhà, hai người bắt đầu nói chuyện. Samuelson có thể cảm nhận được rằng Hemingway đang giữ khoảng cách an toàn với anh: “Bạn đang ở nhà của Hemingway nhưng lại như thể bạn không ở đó. Nó giống như đang nói chuyện với một ai đó bạn gặp đường vậy.” 

Họ bắt đầu nói về câu chuyện trên tờ Cosmopolitan và Samuelson đề cập đến những thất bại trong việc viết tiểu thuyết. Hemingway đã đưa ra một số lời khuyên cho anh.

Hemingway vừa gõ ngón tay vào cánh tay anh vừa nói: 

“Điều quan trọng nhất mà tôi học được về viết lách là không bao giờ viết quá nhiều vào một lúc. Đừng tự khiến mình bị quá tải, hãy để lại một chút cho ngày hôm sau. Điều chính là biết khi nào nên dừng lại chứ đừng viết hết ra. Khi mọi thứ đang tiến triển tốt, cậu đến một nơi thú vị và biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo thì đó là lúc cậu nên dừng lại. Sau đó, hãy lơ chuyện đó đi và đừng nghĩ về nó mà hãy để tiềm thức của cậu làm công việc đó. Sáng hôm sau, khi cậu đã có một giấc ngủ ngon và cảm thấy sảng khoái, hãy viết lại những gì cậu đã viết ngày hôm trước cho đến khi cậu đến một nơi thú vị nữa và biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Viết một lần nữa và lặp lại trình tự này, tiếp tục ở điểm thú vị tiếp theo. Bằng cách đó, chủ đề của cậu sẽ luôn tràn ngập những địa điểm thú vị. Và khi viết một cuốn tiểu thuyết, cậu sẽ không bao giờ gặp khó khăn mà sẽ thấy càng ngày càng thú vị.”

Hemingway khuyên Samuelson nên tránh xa các nhà văn đương thời và chỉ cạnh tranh với những người đã khuất mà tác phẩm của họ đã trường tồn với thời gian. 

“Khi cậu vượt qua chúng, cậu sẽ biết bản thân đang làm tốt.”

Hemingway hỏi Samuelson rằng anh thích nhà văn nào. Samuelson cho biết anh rất thích cuốn “Kidnapped” của Robert Louis Stevenson và “Walden” (Một mình sống trong rừng) của Henry David Thoreau. Lúc này, nhà văn người Mỹ mới hỏi rằng: 

“Thế cậu đã bao giờ đọc ‘Chiến tranh và Hòa bình’ chưa?” 

 Samuelson trả lời là chưa. 

“Cuốn ấy hay điên lên được. Cậu nên đọc nó đi. Đến xưởng của tôi đi, tôi sẽ lập một danh sách những cuốn nên đọc cho cậu.”

“Xưởng của ông nằm trên ga ra ở phía sau ngôi nhà. Tôi đi theo ông lên một cầu thang bên ngoài để vào xưởng – một căn phòng có sàn lát gạch, có cửa sổ chớp ở ba mặt và dưới cửa sổ là những giá sách dài. Ở một góc là một chiếc bàn rộng và một chiếc ghế kiểu cổ có lưng cao. Hemingway lấy chiếc ghế từ trong góc và chúng tôi ngồi đối diện nhau qua bàn. Ông một cây bút và bắt đầu viết lên một tờ giấy và trong lúc im lặng, tôi rất khó chịu vì như kiểu tôi đang làm mất thời gian của ông vậy. Tôi định kể về những câu chuyện trên hành trình lang thang của mình để góp vui nhưng lại nghĩ chúng quá buồn tẻ nên tôi cứ ngồi im ru. Tôi ở đó để nhận mọi thứ từ ông mà không có gì để trao lại.”

Hemingway đã viết ra một danh sách gồm 2 truyện ngắn và 14 cuốn sách rồi đưa cho Samuelson. Dưới đây là danh sách ấy: 

Bản viết tay danh sách các cuốn sách mà Hemingway khuyên Samuelson nên đọc
  1. “The Blue Hotel” (Khách sạn màu xanh lam) của Stephen Crane
  2. “The Open Boat” (Biển mở) của Stephen Crane
  3. “Madame Bovary” (Bà Bovary) của Gustave Flaubert
  4. “Dubliners” (Dân Dublin) của James Joyce
  5. “The Red and the Black” (Đỏ và đen) của Stendhal
  6. “Of Human Bondage” (Kiếp người) của Somerset Maugham
  7. “Anna Karenina” (Anna Karenina) của Leo Tolstoy
  8. “War and Peace” (Chiến tranh và hòa bình) của Leo Tolstoy
  9. “Buddenbrooks” (Gia đình Buddenbrooks) của Thomas Mann
  10. “Hail and Farewell” của George Moore
  11. “The Brothers Karamazov” (Anh em nhà Karamazov) của Fyodor Dostoyevsky
  12. “The Oxford Book of English Verse” (Sách về câu tiếng Anh của Oxford)
  13. “The Enormous Room” của E.E. Cummings
  14. “Wuthering Heights” (Đồi gió hú) của Emily Bronte
  15. “Far Away and Long Ago” của W.H. Hudson
  16. “The American” của Henry James

Hemingway với tới kệ của mình và chọn một tuyển tập truyện của Stephen Crane và đưa nó cho Samuelson. Ông cũng đưa cho anh một cuốn tiểu thuyết “Giã từ vũ khí” của chính mình. Hemingway nói rằng: 

“Hãy gửi lại nó cho tôi khi cậu đọc xong. Đó là cuốn duy nhất tôi có trong ấn bản lần này.” 

Với lòng biết ơn, Samuelson đã mang những cuốn sách vào nhà tù để đọc tối hôm đó. 

Anh viết rằng: “Tôi không muốn ở lại đó thêm một đêm nào nữa, và chiều hôm sau tôi đọc xong “Giã từ vũ khí”, định bắt chuyến tàu chở hàng đầu tiên đi Miami. Lúc một giờ, tôi mang sách trở lại nhà Hemingway.” Và anh đã rất ngạc nhiên trước những gì Hemingway nói.

“Có chuyện này tôi muốn nói với cậu. Chúng ta hãy ngồi xuống. Hôm qua, sau khi cậu rời đi, tôi đã nghĩ rằng tôi cần ai đó để ngủ trên thuyền của mình. Cậu có kế hoạch gì chưa?”

“Cháu chưa.”

“Tôi có một chiếc thuyền được chuyển đến từ New York. Thứ ba tuần sau, tôi có việc phải đi Miami và cần người chăm sóc cô ấy (chú thích: đây là cách Hemingway gọi chiếc thuyền của mình, tên của chiếc thuyền đó là Pilar). Cũng không có nhiều việc đâu. Nếu cậu muốn công việc này thì chỉ cần dọn dẹp ‘cô ấy’ vào mỗi buổi sáng. Cậu vẫn sẽ có thời gian để mà viết lách.” 

“Thế thì còn gì bằng ạ.”

Samuelson đáp. Và thế là cuộc phiêu lưu trong vai trò trợ lý của Hemingway của anh bắt đầu. Với tiền lương là 1 đô la một ngày, Samuelson đã ngủ trên chiếc tàu tuần dương Pilar và luôn giữ gìn ‘cô ấy’. Bất cứ khi nào Hemingway đi câu cá hoặc đi thuyền đến Cuba, Samuelson đều đi cùng. Anh ấy  viết về những trải nghiệm của mình – bao gồm cả những trải nghiệm được trích dẫn và diễn giải ở đây – thành một cuốn hồi ký mang tên “With Hemingway: A Year in Key West and Cuba”

Cuốn sách“With Hemingway: A Year in Key West and Cuba” của Samuelson

Trong suốt năm đó, Samuelson và Hemingway đã nói chuyện rất nhiều về việc viết lách. Hemingway đã công bố một bài tường thuật về các cuộc thảo luận của họ trong một bài báo trên tờ Esquire năm 1934 có tựa đề “Monologue to the Maestro: A High Seas Letter” (Tạm dịch: Độc thoại với nhạc trưởng: Bức thư trên biển cả). 

Khi đã thu xếp xong công việc, Hemingway lái xe đưa chàng thanh niên trở lại nhà tù để lấy chiếc ba lô và cây vĩ cầm của cậu. Nhớ lại kỉ niệm ấy, Samuelson cảm thấy mình là người chiến thắng khi trở lại cùng với tác giả nổi tiếng. 

“Các cảnh sát ở nhà tù dường như không bao giờ nghĩ đến việc tôi sẽ chuyển từ chuồng muỗi của họ đến nhà của Ernest Hemingway. Họ nhìn thấy chiếc xe mui trần Model A của ông đang đợi tôi ở bên ngoài. Họ đã thấy tôi thoát ra khỏi đó. Họ nhìn thấy Ernest ngồi sau tay lái và họ chẳng nói nổi một lời nào.”

#DD

Theo: Open Culture

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *