Bạn có thể mất mạng nếu đọc “Lolita” ở Tehran. Có những lý do ngoài văn chương để đọc một cuốn sách. Người ta không ngừng tìm kiếm tự do, nhưng đôi khi không thể định nghĩa về nó.
Tình dục vẫn còn là điều tối kị ở các quốc gia theo đạo Hồi, nơi mà phụ nữ có thể bị ném đá tới chết nếu phạm tội ngoại tình hoặc có thai trước hôn nhân. Sẽ ra sao nếu người ta định đọc tiểu thuyết của Nabokov ở đây. Không phải cuốn sách nào khác mà chính là Lolita, câu chuyện về người đàn ông trung niên có những ám ảnh tình dục với một cô bé chỉ mới 12 tuổi.
Azar Nafisi đã quyết định làm điều điên rồ ấy, không những thế bà còn đọc cuốn tiểu thuyết đó với những sinh viên của mình. Văn chương và những câu chuyện ngoài văn chương kết nối họ lại với nhau. Đọc Lolita ở Tehran là một cuốn hồi ký thú vị và đầy ắp cảm xúc. Để có được tự do thực sự, người ta cần phải hiểu tự do là gì.
Đối với những giá trị tinh thần vô giá, cuộc trao đổi ấy thường lớn hơn những gì ta có thể tưởng tượng.
Lớp học đặc biệt của vị giáo sư táo bạo
Mùa thu năm 1995, giáo sư văn chương Anh- Azar Nafisi quyết định thôi giảng dạy ở trường đại học. Giờ đây, là lúc bà có thể toàn tâm, toàn ý thực hiện những giấc mơ của mình để nuông chiều bản thân. Một lớp học đặc biệt vào sáng thứ năm hàng tuần được mở ra tại nhà riêng của nữ giáo sư. Bà và những sinh viên ưu tú sẽ cùng đọc sách và bàn luận với nhau về văn chương.
Có những cuốn tiểu thuyết mà người ta không thể đọc thoải mái trên giảng đường của Đại học Tehran. Giáo sư Azar Nafisi và các học trò của mình sẽ đọc và nói chuyện một các cởi mở về nó tại nơi mà nhà trường không thể xâm phạm. Một lớp học có cả nam và nữ, mọi người sẽ cùng nhau thảo luận về những tiểu thuyết có liên quan đến tình dục hay ngoại tình ở ngay giữa thủ đô Tehran của Iran… Đã có lúc vị nữ giáo sư cũng cho rằng bản thân đang làm một việc điên rồ, nhưng văn chương và sự say mê khám phá của một người nghiên cứu về văn học đã cho bà lòng can đảm.
Những sinh viên tham gia lớp học của giáo sư Azar Nafisi đều là người quen. Bà đều đã từng giảng dạy họ và hiểu được phần nào về con người của những cô gái trẻ ấy. Manna, Mahshid, Nassrin,Yassin, Azin, Mitra, Sanza và Nima, chàng trai không mời mà tới. Họ đã tạo nên những buổi học đặc biệt. Những buổi học không thể có trên giảng đường của Đại học Tehran.
Họ cùng nhau đọc những cuốn sách bị cấm ở Iran thời đó như: Bà Bovary hay mạo hiểm hơn là Lolita. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu người ta tách bạch giữa tôn giáo và văn chương, học thuật và đức tin. Nhưng khi những giá trị ấy bị đánh đồng thì tự do của một nhà nghiên cứu, tự do của một người đọc sẽ không được bảo toàn.
Cùng nhau đọc Lolita và nhiều tác phẩm kinh điển khác, là cơ hội để giáo sư Azar Nafisi hiểu rõ hơn về những sinh viên của bà. Thường ngày, họ vẫn gặp nhau trên giảng đường. Những cô gái trẻ người Iran giấu mình trong bộ đồ màu đen, chỉ để lộ mắt và bàn tay. Giờ đây, khi xuất hiện trong phòng khách của giáo sư, những màu sắc cá nhân của họ mới có cơ hội được bộc lộ. Bên ngoài áo choàng màu đen là những sắc màu rực rỡ, biểu thị cho con người tràn đầy sức trẻ của họ.
Lúc này, là thời điểm mà những mong muốn cá nhân được tỏ bày. Ước muốn được kết hôn với người mình yêu, được nhận một lời cầu hôn ngọt ngào khi mà bản thân thấy sẵn sàng. Mong muốn được nắm tay người mình yêu và cùng đi dạo trên phố.
Lolita đã làm được nhiều điều hơn chức phận của một cuốn tiểu thuyết, nó trở thành cầu nối để con người ta xích lại gần nhau hơn, dù những câu chuyện họ kể không liên quan đến tình dục hay ham muốn thể xác.
Những bức tường đứng sau văn chương
Đọc Lolita ở Tehran không chỉ là câu chuyện về lớp học đặc biệt của giáo sư Azar Nafisi. Tác phẩm còn là cuốn hồi ký sống động về một phần tuổi trẻ của người phụ nữ cá tính và kiên cường. Người đã dám gạt bỏ thứ danh vọng rỗng tuếch để theo đuổi những giá trị đích thực làm cho bà đam mê.
Khi Azar Nafisi còn là sinh viên đại học, bà đã chứng kiến những người bạn của mình bị tử hình vì dám ủng hộ những tư tưởng phương Tây. Trong cáo trạng của tòa án có ghi “bị Tây hóa, lớn lên trong gia đình bị Tây hóa, ở lại phương Tây học quá lâu”. Vì sao đó là những lý do khiến người ta phải chết. Phương Tây và quê hương của bà trở thành hai thế giới không thể dung hòa hay sao?
Là một giáo sư văn học, là một người nghiên cứu, nhưng Azar Nafisi không được thoải mái bày tỏ những quan điểm của mình ngay cả dưới góc độ khoa học. Văn chương với bà dần dần bị bó hẹp trong những cuốn sách được phép đọc. Azar Nafisi là một nhà phê bình có tư tưởng cấp tiến và bà cảm giác như đang bị cầm tù một cách hoa mỹ bởi đám trí thức có tư tưởng bảo thủ, lạc hậu.
Nhà phê bình người Đức Hans Robert Jauss đã cho rằng: “Lịch sử văn học là lịch sử của những cách đọc”. Khi thưởng thức Đọc Lolita ở Tehran độc giả sẽ thấy được những cái nhìn hoàn toàn mới mẻ của Azar Nafisi về các tác phẩm văn học kinh điển. Những khám phá thiếu chút nữa đã bị giết chết bởi sự cố chấp và bảo thủ. Lớp học đặc biệt của nữ giáo sư không chỉ là nơi để những cô sinh viên trẻ nói lên suy nghĩ của chính mình. Nó còn là “chiếc phao cứu sinh” mà tác giả đã tự tạo cho chính mình.
Chúng ta có thể gọi Đọc Lolita ở Tehran bằng nhiều cái tên: một cuốn hồi ký, hay một cuốn tiểu luận phê bình đầy thú vị. Món quà của một người phụ nữ sắc sảo dành tặng cho những ai còn do dự trước quyết định thay đổi bản thân.
Bạn đọc sẽ tìm thấy những gì ở một cuốn sách nói nhiều về văn chương. Bên cạnh những câu từ chuẩn xác đầy tính học thuật là những tâm sự giàu cảm xúc, cùng sự châm biếm sâu cay mà hài hước về đời sống. Nếu muốn được sống với ước mơ, hãy tìm cách đập bỏ những nhà tù của tinh thần.
Mua sách: Tại đây.
Theo News.zing.vn