“Quân khu Nam Đồng” kể về thuở hoa niên của những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nhà binh – những “ông tướng con” trưởng thành giữa mảnh đất thủ đô năm tháng mưa bom bão đạn. Từ đó, mang lại cho độc giả một góc nhìn khác, đa sắc, đa chiều về chiến tranh, về tuổi trẻ.
“Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay …”. Thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Nhưng có thật là tuổi thơ của họ chỉ toàn là những năm tháng mưa bom bão đạn, những đau thương mất mát?
Họ cũng có một thời niên thiếu thú vị, một thuở hoa niên tươi đẹp với những trò nghịch ngợm “nhất quỷ nhì ma”, với những tình bạn trong sáng, những rung động đầu đời ngây ngô, vụng dại. Tác phẩm “Quân khu Nam Đồng” của Bình Ca đã mang lại cho người đọc một góc nhìn khác, đa sắc, đa chiều về tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nhà binh – những “ông tướng con” trưởng thành trong thời chiến.
Quay ngược thời gian về những năm 60 của thế kỷ trước, khu tập thể Nam Đồng là khu gia binh lớn nhất thủ đô Hà Nội – một khu gia binh điển hình thời chiến. Đây là nơi sinh hoạt của hơn 500 gia đình cán bộ quân đội trung, cao cấp, hơn 70 vị tướng đã từng sinh sống và trưởng thành từ Khu tập thể Nam Đồng, nhiều gia đình có cả hai thế hệ cùng làm tướng. “Quân khu Nam Ðồng” thực chất không phải một quân khu đúng nghĩa mà là “quân khu” do những “ông tướng con” thời bấy giờ tự phong. Bởi vậy, địa danh này hoàn toàn vắng bóng trên bản đồ quân sự, nhưng lại chiếm giữ vị trí quan trọng không thể thay thế trên bản đồ ký ức của cả một thế hệ thanh thiếu niên Hà Nội xưa.
Đúng với tên gọi “tập thể”, tòa nhà này có rất nhiều không gian chung: bếp chung, nhà vệ sinh chung, nhà tắm chung. Chính những cái chung nhỏ bé ấy đã góp phần gắn kết con người nơi đây, với những buồn vui của tình làng nghĩa xóm, với những nét tương đồng trong hoàn cảnh, số phận, cuộc sống của những người vợ lính, con lính. Cũng vì vậy, “Quân khu Nam Đồng” mang dáng dấp một cuốn hồi ký tập thể, góp nhặt những mảng ký ức muôn năm cũ của những thanh niên nay đã thành ông thành bà. Trong đó, tác giả là nhân chứng sống, vừa là nhân vật trực tiếp tham gia vào các sự kiện; vừa là người đánh thức những câu chuyện đã nhuốm màu thời gian.
Truyện không tập trung vào một nhân vật chính, mà là tổng hợp những câu chuyện, những góc thanh xuân, những non nớt, vụng dại nhưng đầy thông minh, quả cảm của những cô, cậu bé lớn lên từ quân khu Nam Đồng. Ở đó có Hòa, Việt, Anh Sơn, Ngọc, Hà Tư, Khanh, Mai Hương, Hoàng Yến và cô Ninh, cô Cúc, thầy Toàn… những cư dân của quân khu. Tác giả đã khắc họa chân thực, khách quan mỗi nhân vật với một số phận, một tính cách, một nỗi niềm riêng. Mỗi chương sách, mỗi chi tiết như một lát cắt tuổi trẻ độc nhất vô nhị.
Đó là những buổi chào cờ của lớp 8D, là những trò nghịch ngợm nô đùa, những hành động hào hiệp, nghĩa khí với bạn bè, là những lần chống đối thầy cô, là những trận đánh nhau oanh liệt đến sứt đầu mẻ trán, là những bộp chộp, nông nổi, “có dại thì mới nên khôn”. Đó là những mối tình học trò vô tư, trong sáng, những rung động đẹp đẽ đầu đời, những lời tỏ tình ngây ngô, vụng dại nhưng rất đỗi chân thành, những lá thư mùi mẫn vắt óc mãi mới ra, những buổi hò hẹn ngượng ngùng mà lại gieo vấn vương. Đó còn là những nuối tiếc một thời sôi nổi, nồng nhiệt, những lời hẹn ước dang dở, những viễn cảnh tương lai không bao giờ xảy ra, những nỗi day dứt, những nhớ nhung khắc khoải ngày hôm qua.
Tác phẩm không tránh né sự tàn khốc của chiến tranh, sự dữ dội của bom đạn, cũng không tô hồng cho những mối tình tuổi trẻ, cho hiện thực màu buồn. Dẫu có những mất mát, hy sinh, những nuối tiếc, câu chuyện vẫn không vắng bóng những tiếng cười hồn nhiên, trong sáng, những rung động đầu đời của các cô, cậu học trò nghịch ngợm, quậy phá mà cũng rất đỗi tình cảm, trưởng thành. Như tác giả đã từng chia sẻ: “Tôi không thích đi sâu miêu tả những số phận đầy bi kịch. Tôi luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp và hướng về phía trước, cho dù cuộc sống có đau buồn tới đâu”.
Bình Ca khéo léo dẫn dắt người đọc đi qua đủ các cung bậc cảm xúc để hòa mình vào câu chuyện của nhân vật. Lối kể chuyện cuốn hút, giọng văn hóm hỉnh, ngôn từ dung dị chạm đến trái tim độc giả, càng đọc càng thấy thấm thía. Tác giả đã thành công “kể cho mọi người câu chuyện về một giai đoạn có vẻ bị văn chương nước nhà bỏ quên: Tuổi thơ trong các khu gia binh những năm đất nước chưa thống nhất”. Đọc “Quân khu Nam Đồng”, ta như được sống trong không khí của một Hà Nội hào hùng mà bình dị, thân thương. Qua từng nhân vật mà cảm được tâm tư của một thế hệ trưởng thành từ chiến tranh.
Tuổi trẻ bồng bột rồi cũng qua đi, thanh xuân của họ đã trở thành một phần của lịch sử. Ai rồi cũng phải đối diện với hiện thực, trưởng thành với cuộc đời, số phận của mình. Một cái kết chứa đựng nhiều cảm xúc mang đến cho người đọc sự thương cảm, xót xa về những nhân vật xuất hiện trong sách. Có người mãi mãi ở tuổi đôi mươi, có người nay đã lên ông, lên bà. Những ký ức về một thời nông nổi, những kỷ niệm không bao giờ nhạt phai, những tấm chân tình nảy nở thời hoa niên, những đau thương, mất mát to lớn, tình yêu, tình bạn, tình đồng chí,… họ để lại ngày xưa ấy, để lại “Quân khu Nam Đồng”.
Tác giả Bình Ca tên thật là Trần Hữu Bình, sinh trưởng trong một gia đình có bố là nhà văn quân đội Trần Hữu Mai, có em là nhà văn/nhà báo Trần Hữu Việt. Khu gia binh Nam Đồng – nơi gia đình ông sống – cũng có nhiều cây bút văn chương nổi tiếng. Bình Ca tự nhận mình là một tác giả không chuyên, nhưng có lẽ, cái duyên văn chương cứ chực chờ với ông. Trước khi chính thức phát hành ”Quân khu Nam Đồng’, Bình Ca chỉ định viết “cho vui” và chia sẻ với bạn bè, vì ”những cái mình kể ra cũng nhiều người biết, chả có gì đáng gọi là giá trị văn chương cả’’. Bình Ca tếu táo cho rằng, thành công đầu tay đấy là “chó ngáp phải ruồi”.
Nguyên Hạnh