Học gì để không thất nghiệp: Câu hỏi chưa bao giờ dễ trả lời

Rất nhiều năm sau này, khi nhìn lại quãng đường “học hành” đã qua, tôi thấy chính bản thân mình đã mất quá nhiều thời gian lạc lối vì đã không có một chiếc la bàn đúng ngay từ đầu.

Năm 18 tuổi, tôi và những người bạn của mình rời khỏi trường cấp ba để bước vào khoảng thời đại học. Lúc đó, đứng trước kỳ thi chọn lọc căng thẳng, chúng tôi đều hoang mang với câu hỏi: “Mình nên đăng ký thi ngành gì?”. Rất nhiều gợi ý từ gia đình, thầy cô và thậm chí giữa chính chúng tôi với nhau. Cuối cùng, mọi quyết định đi theo hai tiêu chí:

1. Ngành học đó có phải là ngành nghề đang “hot” trong xã hội không (Điểm này thì căn cứ theo thông tin thời sự báo đài. Nghiễm nhiên cũng sẽ có một số nghề luôn luôn được đánh giá là “hot” như: bác sĩ, kỹ sư,…

2. Điểm tuyển sinh ngành đó mình nhắm có thi nổi không. (Đây là tiêu chí quan trọng. Nếu học lực tầm tầm thì đa số đều bỏ cửa trên chọn cửa dưới, cũng có rất nhiều người chọn một ngành học “không biết để làm gì” nhưng cơ hội đậu vào trường đại học là khả dĩ).

Rất ít người trong chúng tôi hỏi “bản thân mình thích gì?” và càng ít ỏi hơn nữa số người hỏi “nhà tuyển dụng trong tương lai cần gì ở mình?”. Thực sự thì, đa phần chúng tôi những ngày ấy đã là những con tàu mất lái. Rất nhiều năm sau này, khi nhìn lại quãng đường “học hành” đã qua, tôi thấy chính bản thân mình đã mất quá nhiều thời gian lạc lối vì đã không có một chiếc la bàn đúng ngay từ đầu.

“Học gì để không thất nghiệp?” là câu hỏi mà thanh niên 18 tuổi nào theo đuổi con đường học vấn đều sẽ tự hỏi mình. Và đó cũng là câu hỏi của những bậc cha mẹ muốn hướng dẫn, định hướng cho con mình.

“Học gì để không thất nghiệp?” cũng là tựa đề một cuốn sách cực kỳ hữu ích của tác giả Bill Coplin. Người đã đưa ra lời khuyên rất xác đáng: “Bạn có thể làm được nhiều thứ hơn trong thời gian học đại học thay vì chỉ ngồi đó tích lũy tín chỉ và chờ lấy tấm bằng”.

Cuốn sách này không chỉ cho bạn nên học ngành nghề gì, nhưng giúp cho bạn sáng tỏ rằng: Dù bạn học ngành nghề gì thì có những kỹ năng bạn cần phải bổ túc để có thể làm được việc. Đây là cuốn sách sẽ cho bạn biết ngoài chuyên môn, bạn cần trang bị cho mình những gì để sau cùng, dù làm chuyên môn gì bạn vẫn có thể được đảm bảo một chỗ đứng trong thế giới việc làm.

Những kiến thức đó không phải là cách tính toán khối ngành kỹ thuật hay cách sử dụng ngôn từ của khối ngành xã hội, mà đó là việc bạn cần chú trọng rèn luyện những phẩm chất bên trong như tính chịu trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, thể chất đến những kỹ năng hữu ích như biết giải quyết vấn đề, biết sử dụng các phần mềm phổ biến, biết cách tìm kiếm thông tin.

Đó là những điều cực kỳ quan trọng để đảm bảo rằng bạn sẽ không thất nghiệp khi bước chân ra khỏi trường đại học.

Thế giới luôn thay đổi, những kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp bạn theo học có thể sẽ không còn hữu dụng trong tương lai. Nhưng những kỹ năng nền tảng và linh hoạt được chia sẻ trong “Học gì để không thất nghiệp?” ít nhất sẽ giúp bạn sớm thích nghi được với hoàn cảnh mới. Còn trong trường hợp nghề nghiệp bạn đã chọn phù hợp cả với bạn và cuộc sống thì những kỹ năng này lại giúp bạn thăng tiến.

Vậy nên, nếu bạn đang ngồi trên ghế nhà trường, cuốn sách này sẽ là chiếc la bàn của bạn. Còn nếu bạn đã rời khỏi trường đại học, có lẽ bạn cũng nên đọc cuốn sách này một lần, vì tôi dám chắc con đường “học hành” đã qua của bạn đã bỏ sót rất nhiều thứ.

G

Link đặt sách: https://saigonbooks.vn/r/Gi6

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *