Bạn có đang rửa mặt sai cách không? Xóa bỏ những lầm tưởng về làm sạch da

Sữa rửa mặt là bước đầu tiên để làm quen với dưỡng da, người thường thì dùng thế nào cũng được nhưng người mong manh như mình thì kén nhất là sữa rửa mặt. Nên gửi tới những người cũng mong manh như mình một bài để biết thêm về sản phẩm rất đỗi quen thuộc này nhé =))

Bạn có đang rửa mặt sai cách không? Xóa bỏ những lầm tưởng về làm sạch da.

Bài viết của Labmuffin đăng ngày 19 tháng 7, 2021

Để tôi cảnh báo trước: Đa số câu trả lời sau đây sẽ là “còn tùy”. Biết là nghe có vẻ không thỏa mãn lắm vì các bạn sẽ muốn rạch ròi “đúng” và “sai”, nhưng trong dưỡng da thì có nhiều yếu tố quyết định lắm, nhiều khi các nhà nghiên cứu còn chưa có câu trả lời chính xác cơ. Nên nhiều lầm tưởng thật ra nghe cũng có lý 1 chút.

SỮA RỬA MẶT TẠO BỌT CÓ QUÁ “MẠNH BẠO” VỚI DA?

Có ý kiến là sữa rửa mặt tạo bọt thì không tốt cho da, và sản phẩm tạo bọt thì bào mòn da hơn sản phẩm không tạo bọt.

Điều này đúng với những sản phẩm hồi xưa. Hồi trước, thành phần làm sạch (chất hoạt động bề mặt) duy nhất tạo được nhiều bọt là sodium lauryl sulfate.

Quay về căn bản một chút: Thành phần làm sạch được gọi là chất hoạt động bề mặt. (surfactants. T/N: Gọi thế này trong bài luôn cho ngắn gọn)

Các ẻm có 1 đuôi ưa dầu và 1 đầu ưa nước. Nhờ 2 cái đầu này mà surfactants có thể hút dầu ra khỏi các bề mặt và hòa tan nó vào nước để rửa sạch đi.

Sodium Lauryl Sulfate (SLS) thì khá là mi nhon so với các surfactants khác. Có nghĩa là nó sẽ xâm nhập vào da dễ hơn, ở đó luôn và khó rửa đi hết. Và cái này lại có nghĩa là dễ gây kích ứng da, hoặc gây cảm giác kin kít như sunlight sau khi bạn rửa mặt.

Nhưng mà với các sản phẩm đời mới thì có rất nhiều cách để tạo bọt mà không cần dùng SLS, và cũng rất nhiều cách để khiến SLS bớt gây kích ứng hơn.

TẠO BỌT

Nhiều bọt hơn không nghĩa là làm sạch tốt hơn, cũng không nhất thiết là dễ gây kích ứng hơn. Ba yếu tố này CÓ THỂ ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Như kiểu nuôi mèo và tốn tiền và hạnh phúc vậy – có liên quan đó, nhưng cũng không hẳn.

Khả năng tạo bọt và khả năng làm sạch và khả năng kích ứng đều có liên quan đến surfactants, nhưng mà dưới các điều kiện khác nhau:

  • Tạo bọt tốt liên quan đến việc sản phẩm có ổn định được màng chắn không khí tốt không.
  • Khả năng làm sạch thì dựa trên hiệu quả hút dầu của surfactants.
  • Khả năng kích ứng thì dựa trên việc surfactants xâm nhập da và xáo trộn hàng rào bảo vệ da tới mức độ nào.

(Các nhà khoa học đã từng mất một thời gian khá dài, tin rằng việc rửa sạch ráo trọi dầu trên da là lí do gây kích ứng, nhưng hóa ra đó không phải nguyên nhân chính – mà là do surfactants làm xáo trộn da)

Giờ người ta có nhiều cách để tạo bọt mà không cần dùng nhiều SLS như trước:

  • Nhiều surfactants trong các sản phẩm mới có khả năng tạo bọt tốt mà không gây kích ứng, như là glucosides, betaines, sultaines, ether sulfates, sarcosinates, taurates và isethionates.
  • Cũng có nhiều thành phần không phải là surfactants nhưng có thể được thêm vào để ổn định lượng bọt mà không gây kích ứng như glycerin và các chất làm đặc.
  • Giờ mấy món tạo bọt sẵn cũng phổ biến, nhờ đầu tạo bọt trên chai luôn, không cần tự tạo bọt ra tay nữa.

GIẢM KÍCH ỨNG

Có nhiều thành phần có thể được thêm vào sản phẩm làm sạch để giảm kích ứng.

Sữa rửa mặt tạo bọt có chất làm mềm da sẽ ít gây kích ứng hơn cả sữa rửa mặt không tạo bọt và không có chất làm mềm da. Có nghiên cứu cho thấy sữa rửa mặt không tạo bọt làm khô da hơn sau 5 ngày sử dụng trong khi sữa rửa mặt tạo bọt có chất làm mềm da lại giảm khô da. Nên đúng là sữa rửa mặt tạo bọt thế hệ mới sẽ dịu nhẹ hơn!

Vậy sữa rửa mặt có thể cấp ẩm cho da không?

Cái nghiên cứu đó cũng giải mã một chiếc lầm tưởng khác – kết quả nói là có, một số sữa rửa mặt có thể cấp ẩm cho da thật! Điều này có lý vì sữa rửa mặt thật sự có thể để lại một số hoạt chất trên da, cái này chúng ta sẽ bàn sau. Giờ thì nói về sulfate trước…

THẾ SLS và SLES CÓ XẤU THẬT KHÔNG?

SODIUM LAURYL SULFATE (SLS)

Lại một lần nữa, hồi xưa, SLS được cho rất nhiều vào sản phẩm làm sạch và cũng tẩy rất ghê, nhưng với sản phẩm hiện đại thì có nhiều cách giảm bớt độ ghê của SLS rồi.

Thường người ta sẽ kết hợp nhiều surfactants vào 1 sản phẩm. Đây là công thức khá phổ biến – hình như tôi chưa từng thấy sữa rửa mặt nào chỉ chứa 1 mình SLS.

Công thức này giúp thay đổi cách các micelles hình thành. Khi trộn sp làm sạch với nước thì sẽ xuất hiện nhiều phân tử surfactant và micelles đơn lẻ, cùng với các cụm surfactants.

Nhắc lại bài ban nãy: Lí do sp làm sạch dễ gây kích ứng là vì surfactants xâm nhập vào da, và SLS thì có phân tử khá nhỏ nên xâm nhập tốt. Đương nhiên cháu nó sẽ không thể dễ dàng xâm nhập được nữa nếu dính chùm cùng micelles, vì micelles thì quá to. Nên chính những cháu phân tử đơn lẻ kia mới là thủ phạm gây kích ứng.

Nếu bạn kết hợp nhiều loại surfactants với nhau, thì sẽ tạo ra những cụm micelles lai. Và cách này giúp túm đầu các cháu surfactants đơn lẻ, bắt chúng bám vào cụm micelles hiệu quả hơn, đồng nghĩa với ít SLS xâm nhập da hơn, đồng nghĩa với giảm kích ứng.

Kết hợp nhiều loại surfactants cũng có nghĩa là giảm tỉ lệ nồng độ của các surfactants gây kích ứng xuống.

Ngoài cách này ra thì cũng có nững công nghệ khác như là còng chuỗi polymer đặc biệt vào đầu các cháu đơn lẻ ban nãy, và cũng tương tự hình thành các cụm micelles to to như thế.

Và không quên kể đến các thành phần làm dịu da như polymers, chất làm mềm da, protein thủy phân, glycerin và chất chống oxy hóa. Những thành phần này sẽ bám lên da để giảm kích ứng.

Nói chung là không phải cứ thấy “sodium lauryl sulfate” trong bảng thành phần là có nghĩa cái sữa rửa mặt đấy sẽ gây kích ứng. Nếu bạn đang dùng 1 chiếc sữa rửa mặt yêu thích nhưng có chứa SLS thì cũng cứ yên tâm tiếp tục.

Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm sữa rửa mặt và da bạn thì siêu nhạy cảm hoặc siêu khô thì chắc tốt nhất vẫn nên né SLS ra.

SODIUM LAURETH SULFATE (SLES)

Xong phần SLS rồi, thế SLES thì sao?

Thật ra thì tôi nghĩ SLES chỉ bị lạc đạn từ mớ lùm xùm của SLS thôi, vì nghe giống giống nhau, mà từ “sulfates” cũng dễ đọc dễ tìm nữa.

Hồi trước có một nghiên cứu tìm hiểu về mức độ gây kích ứng của nhiều surfactants mà chúng ta vẫn đang sử dụng tới hôm nay, và SLES là thành phần dịu nhẹ nhất trong đó.

BẠN CÓ CẦN RỬA MẶT TRONG MỘT KHOẢNG THỜI GIAN NHẤT ĐỊNH KHÔNG?

Người ta khuyên đủ kiểu về thời gian dùng sữa rửa mặt, nhưng tôi được hỏi nhiều nhất ở 3 mốc 30 giây, 1 phút và 2 phút. Có nhất thiết phải lâu thế không?

Câu trả lời là không, không nhất thiết. Da bạn không cần phải đẫm trong sữa rửa mặt để thấy tác dụng làm sạch! Nhưng rửa lâu hơn cũng có thể làm sạch hiệu quả hơn một chíu…Để tôi giải thích…

Như hồi nãy có nói thì sữa rửa mặt có surfactants trỏng và tụi nó sẽ dính chùm thành các cụm micelles. Để rửa sạch mặt thì dầu và bụi bẩn cần được hút vào trong các micelles đó.

Một khi dầu đã nằm trong micelles (lúc này trở thành các hạt emulsion) thì bạn có thể rửa trôi chúng đi bằng nước, như kiểu dầu được hòa tan vào nước vậy.

Rồi, để surfactants dính chùm vào với nhau thành micelles thì bạn phải trộn chúng tới lui. Các phân tử cũng thích dính vào với nhau nên nếu bạn “trộn” đủ lâu thì tất cả đều đạt mục đích, không còn phân tử đơn lẻ nữa.

Bạn có thể tác động bằng tay, hoặc là cọ rửa mặt, hoặc là bất kì cái gì bạn thích để rửa mặt. Các phân tử cứ được di chuyển ngẫu nhiên thôi, và nếu bạn chờ đủ lâu thì các cháu nó sẽ tự dính chùm vào với nhau đến khi đủ để tạo thành hạt emulsion. Nhưng nếu bạn tự tác động thêm lên bằng cách xoa xoa sữa rửa mặt trên da thì không phải chờ lâu vậy nữa.

Như kiểu rửa cái chén dính dầu mỡ ấy, có thể ngâm nước rửa chén 1 tiếng đồng hồ, hoặc là chà luôn thì xong ngay.

Nên là thời gian bao lâu không quan trọng. Quan trọng là sữa rửa mặt phải được tác động vật lý đầy đủ để các phân tử có thời gian hình thạnh cụm. Đương nhiên là bạn không thể chà kĩ càng toàn bộ mặt trong vòng 2 giây được, nên là cần nhiều thời gian hơn chút thôi.

Đó là lí do người ta khuyên dùng tầm 30 giây, 1 phút hay 2 phút gì đó. Cũng giống như khuyên “đánh răng trong vòng 2 phút” hay “dọn nhà trong 15 phút” vậy á – nếu bạn dành nhiều thời gian để làm gì đó hơn thì tự nhiên bạn cũng sẽ làm kĩ hơn thôi, dù là thời gian không trực tiếp ảnh hưởng đến điều đó.

Giờ nói về vấn đề nếu để sữa rửa mặt trên da quá lâu – tức dùng sữa rửa mặt như đắp mặt nạ và trong hdsd không khuyên làm thế – là có thể gây kích ứng. Sữa rửa mặt là để rửa trôi. Thời gian tiếp xúc với da càng lâu thì cơ hội cho các thành phần chuyển hóa từ sản phẩm vào da càng lớn, và với một số thành phần thì điều này không hề tốt. Ví dụ như surfactants trong sữa rửa mặt thường dễ gây kích ứng, nên là để chúng lại trên da lâu có nghĩa là chúng có nhiều thời gian để xâm nhập da hơn. Đây cũng là nguyên tắc để định lượng 1 số thành phần đặc biệt trong sản phẩm rửa trôi hoặc sản phẩm để dưỡng, như là hương liệu, chất bảo quản và tinh dầu. Sản phẩm rửa trôi được chứa nhiều các thành phần này hơn sản phẩm dưỡng.

Túm lại là: Đừng chỉ để sữa rửa mặt lên da. Hãy tác động gì đó trong vòng 30 giây hay 60 giây hay bất kì cái giây nào mà bạn thấy ổn. Còn không thì đắp sữa rửa mặt lên cũng không có ích lợi gì thêm cả.

Thế một số trường hợp đặc biệt như là sữa rửa mặt có chứa hoạt chất thì nhà sản xuất có thể yêu cầu để trên da trong 1 khoảng thời gian nhất định. Trường hợp này thì mong là họ đã kiểm tra để chắc chắn là thời gian đó an toàn với đa số làn da, nên là cứ yên tâm dùng.

HOẠT CHẤT TRONG SỮA RỬA MẶT CÓ TÁC DỤNG GÌ KHÔNG?

Rõ ràng là sữa rửa mặt thì không ở trên da lâu như sản phẩm dưỡng, nên các hoạt chất sẽ khó có thể đến được nơi nó cần hoạt động. Vậy nên thử thách đặt ra là người ta cần phải làm cho hoạt chất đó bám lên da tốt hơn là bám vào sản phẩm, để nó không bị rửa trôi cùng với sản phẩm.

Nhưng vẫn có một vài hoạt chất đã được chứng minh là được truyền tải lên da khá tốt chỉ với sữa rửa mặt, như là benzoyl peroxide hay salicylic acid.

Nếu nhìn vào các thể loại sản phẩm làm sạch khác, ta cũng dễ dàng nhìn thấy nhiều ví dụ về việc sản phẩm làm sạch để lại chất gì đó trên da. Những thành phần gốc dầu như stearic acid, lanolin alcohol, hay dầu từ thực vật đều có thể được truyền tải qua sữa tắm, à người ta còn có cả sữa tắm nhuộm nâu da của hãng Josie Maran. Dầu gội trị gàu cũng để lại vừa đủ hoạt chất trên da đầu để tiêu diệt gàu tốt hơn, dầu gội tím thì để lại vừa đủ màu để hiệu chỉnh sắc tố cho tóc, hay dầu gội 2 trong 1 thì có cả thành phần xả ở trỏng.

Nên là sản phẩm làm sạch hoàn toàn có thể truyền tải hoạt chất lên da chứ không phải toàn bộ đều được rửa trôi đi. Tôi chắc là cũng có nhiều hoạt chất khác làm được thế này, chỉ là chúng chưa có dữ liệu công khai thôi.

Có điều là, thường bạn sẽ cần một hệ nền đặc biệt để thuyết phục hoạt chất bám lên da. Vấn đề của người dùng tụi mình là ta không biết được sữa rửa mặt nào thì có hệ nền tốt, trừ khi hãng nói cho bạn biết. Và để sữa rửa mặt trên da lâu thì cũng không ổn.

Nên tôi vẫn khuyên bạn để sữa rửa mặt trên da theo thời gian hãng khuyến cáo thôi. Đừng có để hẳn 5 phút và hi vọng nhiều hơn – lợi bất cập hại đấy ạ.

Nói chung là với hoạt chất thì tôi vẫn khuyên tin tưởng vào sản phẩm dưỡng hơn là làm sạch. Sản phẩm dưỡng có nhiều bằng chứng khoa học hơn và đáng tin hơn chút, và không cần phải lo lắng về việc cần phải để trên da bao lâu.

Nhưng trong một số trường hợp thì sữa rửa mặt có hoạt chất lại là lựa chọn tốt hơn! Nếu da bạn nhạy cảm với một hoạt chất nhất định thì bạn có thể lựa chọn sử dụng nó ở dạng sữa rửa mặt. Bạn cũng có thể dùng sản phẩm dưỡng rồi rửa đi sau tầm 10-30 phút để giảm khả năng gây kích ứng. Đây cũng được gọi là liệu pháp tiếp xúc ngắn, có tác dụng khá tốt với retinoids.

Tôi cũng thấy cách này khá ổn cho benzoyl peroxide. Không nói đến khả năng gây kích ứng thì benzoyl peroxide cũng làm mất màu vỏ gối nằm hay quần áo. Benzoyl Peroxide cũng phản ứng với kha khá hoạt chất khác trong các sản phẩm dưỡng của bạn, nên nếu bạn rửa sạch chúng đi thì không cần phải lo nghĩ về cách sắp xếp thứ tự dưỡng da nữa.

Và đây là toàn bộ những lầm tưởng về làm sạch da mà tôi được hỏi thường xuyên! Cũng còn đó nhưng mà hẹn lần sau nhé.

Theo: Minh Quân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *