“Quyền được lãng quên” của Liên minh Châu Âu (EU) được áp dụng như thế nào?

Kỷ nguyên của sự giám sát- Luật về quyền được lãng quên ở EU

—————————————————————-

Trong phim V for Vendetta, nhân vật Evey do Natalie Portman thủ vai đã hỏi V (Hugh Vallace) [chỗ này OP bị nhầm tên, tên diễn viên là Hugo Wallace Weaving] rằng:

Evey Hammond: “Anh là ai?”

V: “Ai? Ai chỉ là một hình thái mang chức năng của Cái gì, và Cái mà tôi là chỉ là người đàn ông đeo mặt nạ”.

Evey Hammond: “À thì tôi có thể thấy điều đó”.

V: “Tất nhiên cô có thể. Tôi không hề nghi ngờ năng lực quan sát của cô. Tôi chỉ để ý tới nghịch lý, ai lại đi hỏi danh tính một người đeo mặt nạ?

Đã từng có thời mà số đông loài người tin rằng Internet hoạt độngtương tự như một kẻ đeo mặt nạ, chúng ta tra Google một đống câu hỏi tin rằng bản thân đang mang mặt nạ và được bảo vệ bởi sự nặc danh, ta có niềm tin một cách ngớ ngẩn rằng họ sẽ chẳng bao giờ biết mình là ai nếu dùng chế độ ẩn danh hoặc mạng VPN được bảo mật. Chúng ta hỏi trên Google cả tá câu đôi khi ngu ngốc, nhưng cũng có lúc thông minh hoặc thậm chí những câu hỏi mà ta không hề chắc chắn. “Tôi là ai?” “Anh ta là ai?” “Đâu là cách tốt nhất để t.ự v.ẫ.n?” “Hôn gái như thế nào?”

Và rất nhiều người không biết, Google đã lưu giữ thông tin của họ.

Mario Costeja González, một người đàn ông Tây Ban Nha ở độ tuổi 40, cũng đã từng đặt nhiều câu hỏi cho Google. Có lần anh ta hỏi Google: “Mario Costeja González là ai?” Và nó đã mở đường cho cuộc chiến pháp lý kéo dài 5 năm ở EU và sự ra đời của khái niệm “Quyền được lãng quên” trong pháp luật về quyền riêng tư của Châu Âu.

Mario Costeja González có nét giống đến kỳ lạ với nhân vật chính của bộ phim truyền hình Breaking Bad, Walter White.

Người đàn ông Tây Ban Nha đến từ Catalonia, một quốc gia tự trị của Tây Ban Nha nơi có câu lạc bộ bóng đá Barcelona và nổi tiếng với xu hướng ly khai, anh ta đã xuất hiện trên các mục báo trên khắp Châu Âu vào tháng 5 năm 2014 vì cuộc chiến pháp lý kéo dài 5 năm chống lại nhà cung cấp công cụ tìm kiếm lớn mạnh lúc đó là Google.

Anh ta từng vi phạm pháp luật 17 năm trước, sau đó anh ấy đã phải chịu đựng khá nhiều chuyện tồi tệ về mặt tài chính và nợ, nhà thì bị trưng dụng bởi chính quyền địa phương và họ đã đề một thông báo rằng căn nhà của anh sẽ bị bán đấu giá trên một tờ báo được bán chạy lúc đó là Van-Guardia. Căn nhà sau này bị bán đấu giá bởi chính quyền địa phương để trả cho số nợ bảo hiểm xã hội của Mario.

Mười năm kể từ ngày đấu giá ngôi nhà, trong một lần tìm kiếm trên Google cái tên Mario Costeja González, Google đã cho hiện lên kết quả là thông báo đấu giá từng được đăng trên tờ Van-Guardia vào năm 1998. Điều này đã kích động Mario chống lại Google trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài 5 năm, phối hợp với Mario còn có Agencia Española de Protección de Datos’- cơ quan quản lý quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu của Tây Ban Nha. Năm 2014, Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu (CJEU) đã ra phán quyết có lợi cho Mario, rằng anh ấy có ‘Quyền được lãng quên’ khỏi kết quả của công cụ tìm kiếm, được viết tắt là ‘RTBF’. Các thẩm phán của tòa án Liên minh Châu Âu đã ra phán quyết rằng theo pháp luật bảo vệ dữ liệu hiện hành của EU, Google phải xóa các liên kết đến hai trang trên trang web của La Vanguardia khỏi kết quả tìm kiếm nếu tên của Mario được đưa vào công cụ tìm kiếm này.

Internet không bao giờ quên, hoặc ít nhất đó là cách người ta vẫn luôn nhìn nhận cho tới năm 2014 với phán quyết mang tính bước ngoặt của CJEU, giờ đây người ta hiểu rằng Internet ít nhất sẽ phải gác lại quá khứ và tiếp tục cuộc sống thường ngày cho tới khi chúng ta tìm ra được một lỗ hổng pháp lý.

Phán quyết của CJEU trong vụ tranh chấp **Google Spain SL v. Agencia Española de Protección de Datos **trở thành nỗi bất ngờ đối với nhiều người, đồng thời nó cũng khiến Google “sốc” khi biết rằng kết quả tìm kiếm trên Google giờ đây cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Chỉ thị số 95/46/EC về bảo vệ dữ liệu EU và Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) [Lúc này GDPR chưa có hiệu lực, nay đã thay thế Chỉ thị 95/46/EC], vốn được ban hành để thống nhất các quy định pháp luật bảo vệ dữ liệu của EU về một mối. Phán quyết này cho rằng về mặt kỹ thuật, một công cụ tìm kiếm như Google được coi là “đơn vị kiểm soát dữ liệu” [data controller] theo luật bảo vệ dữ liệu ở các quốc gia EU nơi họ thành lập chi nhánh để quảng bá và bán quảng cáo.

Các luật sư của Google đã làm hết sức mình để tuân thủ theo phán quyết, và hàng triệu người Châu Âu đã yêu cầu Google gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm liên quan đến họ mà họ cảm thấy không còn phù hợp nữa, sau đó Google đành phải xóa những thông tin này khỏi kết quả tìm kiếm nhưng chúng vốn vẫn nằm lại ở link gốc. Chẳng hạn, thông báo đấu giá nhà của Mario sẽ vẫn ở trên trang web của La-Vanguardia, nhưng Google sẽ không còn hiển thị trên kết quả tìm kiếm nữa.

Nhưng điều mà Google thực sự đã làm là họ chỉ xóa dữ liệu liên quan đến Mario khỏi các trang web google với tên miền châu Âu, trong khi nó vẫn tồn tại trên trang web ‘google.com’, vốn là tên miền và trang web của công ty này ở Hoa Kỳ.

Để đưa ra ví dụ, đối với yêu cầu của Mario về việc xóa thủ tục đấu giá căn nhà của anh ta, Google đã xóa các thông tin này khỏi trang web tiếng Tây Ban Nha của họ chứ không phải từ Google.com. Tương tự, các kết quả tìm kiếm cũng bị xóa khỏi Google.fr của nước Pháp và Google.de của Đức, còn ở Google.com thì hoàn toàn không. Nếu bạn đang đọc nội dung này từ Ấn Độ, hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn sử dụng Google.in. Giờ thì bạn hiểu rồi đấy.

Lúc này cuộc tấn công pháp lý thứ hai ập tới đến từ vị trí người Pháp. Cơ quan hành pháp bảo vệ dữ liệu của Pháp CNIL (Ủy ban Quốc gia về Thông tin và Tự do) đã gửi cho Google một yêu cầu gỡ kết quả tìm kiếm không chỉ ở trang web Google.fr mà còn cả ở trang web ở Hoa Kỳ là Google.com. CNIL yêu cầu Google xóa toàn bộ quá trình xử lý dữ liệu và ở cả các tiện ích mở rộng của công cụ tìm kiếm này.

Vụ việc quả thật rất ầm ĩ trong giới những gã khổng lồ công nghệ. Vấn đề nằm ở chỗ: thẩm quyền về lãnh thổ của CNIL và sự khác biệt giữa pháp luật khu vực, pháp luật quốc gia và pháp luật điều chỉnh mạng toàn cầu.

Cố vấn pháp lý về quyền riêng tư của Google đã tuyên bố trên blog của mình rằng: “Mặc dù quyền được lãng quên hiện được quy định trong pháp luật ở Châu Âu, nhưng nó không được quy định ở mọi nơi trên thế giới”.

Cú ngoặt thật sự trong câu chuyện trên đó là: thực tế cơ quan hành pháp của Pháp đã yêu cầu Google gỡ kết quả tìm kiếm trên trang web của Hoa Kỳ CHỈ KHI Chính phủ Mỹ yêu cầu Google làm vậy, nhưng điều đó lại vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, trong đó cấm việc ban hành bất kỳ quy định nào tước quyền tự do ngôn luận hay xâm phạm quyền tự do báo chí. Nói đơn giản, yêu cầu các nhà hành pháp của Pháp được xem như ngăn cản nguời Mỹ sử dụng công cụ tìm kiếm của Mỹ để xem các nội dung vốn là hợp pháp trên đất Mỹ.

Google sau đó đã từ chối làm theo yêu cầu này, và nó sẽ trở thành một cuộc tranh cãi pháp lý ở Pháp vì pháp luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu của quốc gia này (được soạn thảo vào những năm 1950) không hề có giới hạn về lãnh thổ.

Mỉa mai thay, nhiều người ủng hộ tự do ngôn luận lại đứng về phía Google chống lại yêu cầu của cơ quan hành pháp của Pháp.

Jimmy Wales, người sáng lập bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia, cho biết: “Nếu chúng ta yêu cầu Google tuân thủ mọi phiên bản của họ trên toàn thế giới, thì rất khó để nói chúng ta muốn Google vạch ra ranh giới ở đâu” Khi đó Wikipedia đã nhận tới khoảng 100 yêu cầu gỡ link của họ khỏi các công cụ tìm kiếm ở Châu Âu.

Chắc chắn theo luật của EU, quyền được lãng quên là một quy định bắt buộc, nhưng liệu các nhà làm luật và người dân ở Mỹ có đồng ý gỡ bỏ các thông tin vốn được bảo vệ theo pháp luật Mỹ hay không, là một câu hỏi khiến mọi thứ quay trở lại vị trí ban đầu.

Hãy để tôi kết thúc câu trả lời này bằng một trích dẫn khác từ cùng một bộ phim, khá phù hợp với chủ đề quyền được lãng quên trên Internet:

Hãy nhớ, hãy nhớ lấy ngày mùng 5 tháng 11, Vụ mưu phản Thuốc súng, không có lý do gì vụ mưu phản thuốc súng ấy lại có thể bị lãng quên… Nhưng còn người đàn ông? Ta biết tên ông ta là Guy Fawkes và ta biết, năm 1605 ông ta đã định cho n.ổ t.u.n.g Tòa nhà Quốc hội. Nhưng ông ta thật ra là ai? Ông ta là kẻ như nào? Chúng ta được bảo rằng hãy nhớ lấy lý tưởng chứ không phải con người, bởi vì con người có thể thất bại. Ông ta có thể bị bắt, bị g.i.ế.t và bị lãng quên, nhưng 400 năm sau một lý tưởng vẫn có thể thay đổi thế giới. Tôi đã tận mắt chứng kiến sức mạnh của lý tưởng, người ta g.i.ế.t chóc và chết để bảo vệ chúng. Nhưng bạn không thể hôn một lý tưởng, ôm lấy hay chạm vào nó. Lý tưởng không thể chảy máu, chúng không biết đau, chúng không biết yêu… Nhưng thứ tôi nhớ không phải một ý tưởng, mà là một người đàn ông… Một người đàn ông khiến tôi nhớ đến ngày mùng 5 tháng 11. Một người đàn ông mà tôi sẽ không bao giờ quên.”

Theo: Phong Anh Đặng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *