Mấy tên cướp biển đều nuôi vẹt hết hả?
A: Vivian Leese, Nghệ sĩ thị giác, Thiết kế trang sức
Cướp biển có nuôi vẹt thật đó. Không phải chuyện hư cấu đâu nha. Những tên cướp biển, Râu Đen chẳng hạn, chơi cùng bé vẹt cưng với chung lý do tại sao mình nuôi vẹt ngày nay ấy. Những chuyến vượt biển dài ngày sẽ thoải mái hơn hẳn khi được chung thuyền với một bé vẹt sặc sỡ hay nói lảm nhảm ha.
Tên cướp biển khét tiếng, Râu Đen, (Edward Teach), đã từng là người chỉ huy tàu lùng (Privateer: tàu của tư nhân được chính phủ giao nhiệm vụ chuyên đi bắt tàu buôn địch) trước khi bước chân vào nghề cướp biển đang phát triển mạnh. (T/N: đang hot lúc bấy giờ ). Ông xuất thân từ một gia đình thượng lưu và khá giả ở Anh quốc. Phạm vi hoạt động của ông ở quanh vùng Tây Ấn và bờ biển phía Đông của các thuộc địa châu Mỹ.
Những chuyến đi biển ở vùng Caribbean và Nam Mỹ đã cho tên cướp biển khét tiếng này cơ duyên chạm mặt với những chú chim sặc sỡ thích tò mò này – loài vật ông chưa từng thấy bao giờ. Những chú chim tráng lệ này thật sự đã khiến tên Râu Đen khét tiếng khát máu, người làm cả vùng biển chung khiếp sợ, rơi vào lưới tình ái với loài vẹt.
Chú vẹt đặc biệt thuộc loài Umbrella Cockatoo này đã chiếm lấy trái tim của Râu Đen vào cuối thu năm 1717, ở Martinique. Ông đặt tên chú là Pepe. Trước lúc tiến đến cướp bóc thành phố Charleston, Nam Carolina, có người nói rằng còn có thêm 3 con vẹt nữa ở tàu La Concorde, tàu chở nô lệ Pháp được Râu Đen đổi tên và giữ lại như kỳ hạm của mình, ‘Queen Anne’s Revenge’. Hai em Scarlet Macaw và một em Yellow Naped Amazon sống trên con tàu khét tiếng ấy và cùng nhau tranh sủng của Râu Đen, gây nên bao nỗi buồn bực cho bé Pepe tội nghiệp.
Nhưng than ôi, vào năm 1718, Râu Đen chấm dứt kiếp này và mất đầu dưới tay những thủy thủ người Anh gần đảo Ocracoke. Tên cướp biển đểu cáng này không ngờ lại được ghi công vì đã mang chú vẹt đầu tiên đến miền đất mà ngày nay là đất Mỹ. Chỉ có thể đoán là cả bốn chú vẹt yêu dấu của Râu Đen đều đã hóa kiếp cùng chủ luôn rồi.
______________________
A: David M. Prus, Tôi có bằng liên kết chuyên ngành Lịch sử, cũng như học bổng sịn
Hình ảnh đặc trưng về cướp biển đến từ nhà văn Robert Louis Stevenson, người đã cho nhân vật Long John Silver của mình một bé vẹt tên Captain Flint.
Thật sự là có tiền lệ lịch sử cho vụ này đó nha. Trong khi chó và mèo là thú cưng thường gặp ở trên thuyền để đuổi chuột, người ta nuôi vẹt như là một biểu tượng cho địa vị xã hội vậy. Hãy thử nghĩ đến cách ăn mặc của cướp biển mà đài cáp hay chiếu xem, đặc biệt là thuyền trưởng ấy. Thuyền trưởng sẽ thể hiện sự giàu có của mình, khoe ra mớ trang sức (bling bling) cướp được trên người. Ổng muốn tỏa sáng lắm. Coi ổng lấp la lấp lánh chưa kìa.
Điều này cũng áp được vào mấy con vẹt luôn: Vẹt là đồ xa xỉ. Hãy nghĩ đến những thú cưng độc lạ ngày nay đi, mạng lưới trao đổi thú cưng độc lạ đã khiến bao loài vẹt rơi vào cảnh tuyệt chủng rồi. Tại vì sao? Bởi vì con người muốn những thứ thật ngầu để có thể khoe khoang và thể hiện với bạn bè. Người nào sở hữu một em vẹt hay một giống chim hiếm đều sẽ là trung tâm của sự chú ý hết (vào thế kỷ 19, bồ câu được lai giống dành riêng cho việc trưng trong lồng mạ vàng như vật trang trí trung tâm trong phòng).
Vậy nên cướp biển cùng một em vẹt thể hiện rằng họ mới cướp được từ một tay nhà giàu và chiếm được của cải nhà hắn.