Hồi cấp 1, trong lớp đứa nào có bố mẹ làm giáo viên, bác sĩ là hãnh diện lắm. Tại tụi nhỏ quê mình ngưỡng mộ. Bố mẹ các bạn ấy mặc đồ đẹp, đi giày xịn, xe sang. Bố mẹ mình đi ủng, tay chân lấm bùn, xe bám bụi.
Lần đầu tiên điền thông tin sơ yếu lý lịch, mình bỏ trống ô nghề nghiệp của bố mẹ. Mình cố chấp không tin bố mẹ làm ruộng. Nhưng dù hỏi thế nào, bố mẹ mình vẫn khẳng định chắc nịch “ghi làm ruộng đi con”.
Suốt một khoảng thời gian, mình luôn né tránh câu hỏi “Bố mẹ con làm nghề gì?”. Vì mình sợ các bạn chê cười.
Mình tìm kiếm những trang văn nói về nghề làm nông, rằng nghề nông là một nghề cao quý. Nhưng mình chẳng tìm thấy.
Lên lớp, bọn mình được dạy, học để thành cô giáo, bác sĩ, công an. Học để ngồi phòng máy lạnh, ai lại về bám bùn bám đất. Dĩ nhiên đứa trẻ nào trả lời làm nông lâm ngư là bị cười vào mặt. Có lẽ, lúc đó quá nhỏ để nhận ra điều gì. Đến bây giờ, bỏ phố về quê đã dần được mọi người chấp nhận hơn. Nhưng ngày đó thì không dễ vậy.
Năm lớp 5, chương trình SGK có bài thơ Hạt gạo làng ta. Đó là lần đầu tiên mình nghe cô giáo nói về nghề của bố mẹ. Mình yêu bài thơ của Trần Đăng Khoa. Mình yêu lấy lời, yêu cái cách trân trọng mà ông dành cho những người nông dân.
Ngày lớn hơn, mình tự hào khi nhắc về nghề nghiệp của bố mẹ. Học đại học, đi phỏng vấn tìm việc, mình tự tin trả lời rõ ràng “bố mẹ em là nông dân”.
Thế đó, câu chữ mà mình viết, bài toán mà mình giải, chúng đều tích góp từ nghề nông.
Mình tự hào vì điều đó.
P/s: Nguồn ảnh ở hình. Cảm ơn tác giả vì bức ảnh chân thật và đẹp vậy ạ^^