TỔNG QUAN VỀ CÁC THÁNH TIẾN SĨ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

1.KHÁI NIỆM SƠ LƯỢC VỀ CÁC THÁNH TIẾN SĨ HỘI THÁNH

Trong tiếng Latin, từ ‘doctor’ gắn liền với động từ ‘docere’, nghĩa là dạy dỗ. Khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương, người ta dùng từ ‘tiến sĩ’ để dịch danh từ ‘docteur’, tuy rằng hai từ ngữ không hoàn toàn tương đương với nhau, xét vì một đàng, từ ‘docteur’ có thể dịch là ‘tiến sĩ’ hay ‘bác sĩ’, đàng khác, bằng docteur gắn với khung cảnh đại học. Thành thực mà nói, ngày nay bằng docteur được cấp như văn bằng cao cấp của đại học, nhưng vào thời Trung cổ, tức là lúc các đại học mới ra đời, thì bằng này chỉ được trao cho ai được bổ làm giáo sư. Chính trong khung cảnh này mà nảy sinh danh hiệu “Tiến sĩ Hội Thánh”.

Danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh trong Hội Thánh Công Giáo Rôma dành cho các vị thánh mà các tác phẩm thiêng liêng được toàn thể Hội Thánh công nhận là có ảnh hưởng và lợi ích lớn, cũng như “sự hiểu biết nổi bật” và “sự thánh thiện rộng lớn” của các ngài đã được tuyên bố minh nhiên bởi một Giáo hoàng hoặc một Công đồng đại kết. Khi tôn phong một vị nào làm Tiến sĩ Hội Thánh, Giáo hội không có ý tỏ lòng khâm phục tài trí sâu sắc của họ cho bằng nhìn nhận họ đáng làm thầy dạy dỗ Dân Chúa. Dĩ nhiên tất cả các thánh đều đáng làm thầy dạy gương nhân đức, đáng cho chúng ta bắt chước. Nhưng đối với thánh Tiến sĩ, họ còn làm thầy theo nghĩa là họ để lại một học thuyết, một đạo lý qua các tác phẩm của họ. Nói cách khác, họ làm thầy Dân Chúa bằng cả cuộc đời và học thuyết của họ.

  1. SỰ HÌNH THÀNH HÀNG NGŨ CÁC THÁNH TIẾN SĨ HỘI THÁNH Từ thế kỷ V, Hội Thánh đã nhìn nhận một vài giám mục hay linh mục làm “thầy” của mình, tuy rằng dưới một danh xưng khác, tức là Giáo phụ (Patres Ecclesiae). Danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh ra đời muộn hơn. Năm 1295, Đức Giáo Hoàng Bonifacius VIII trao tặng danh hiệu này cho bốn Giáo phụ Tây phương: Ambrosius, Hieronymus, Augustinus Hipponensis, Gregorius Cả. Điều này có nghĩa là từ đó, bên cạnh các thánh Tông đồ và Tử đạo, đã có thêm một “hàng ngũ” mới trong Phụng vụ, với bài lễ và kinh nguyện riêng.

Sau Công đồng Tridentinum, vào năm 1567, danh hiệu này cũng được Đức Giáo Hoàng Pius V trao cho thánh Tommaso d’Aquino, OP, xét vì ảnh hưởng đạo lý của thánh nhân trong toàn thể Giáo hội, đặc biệt nơi các văn kiện của Công đồng Tridentinum vừa bế mạc. Khi xếp thánh Tommaso d’Aquino vào hàng Tiến sĩ, xem ra Đức Giáo Hoàng Pius V muốn coi vị thánh này ngang hàng với bốn Giáo phụ vừa kể, tuy rằng tước hiệu Giáo phụ chỉ được áp dụng cho các thánh sống trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Năm 1568, Đức Giáo Hoàng Pius V cũng trao tặng tước hiệu ấy cho bốn Giáo phụ Đông phương: Athanasios Alexandreias, Gregorios Nazianzenos, Basileios Cả và Iohannes Kim Khẩu. Hai mươi năm sau, đến lượt Đức Giáo Hoàng Sixtus V cũng tôn phong Tiến sĩ cho thánh Bonaventura, người anh em cùng dòng.

Sau một thế kỷ XVII im lặng, các cuộc tôn phong Tiến sĩ được tiếp tục trong các thế kỷ sau đó. Thế kỷ XVIII có bốn vị: thánh Anselm Canterbury (do Đức Giáo Hoàng Clemens XI tôn phong năm 1720), thánh Isidore Séville (Innocens III, 1722), thánh Petrus Kim Ngôn (Benedictus XIII, 1729), thánh Leo cả (Benedictus XIV, 1754).

Thế kỷ XIX có chín vị: thánh Pietro Damiani (Leo XII, 1828), thánh Bernard Clairvaux (Pius VIII, 1830), thánh Hilarius Pictaviensis (Pius IX, 1851), thánh Alfonso María de Ligorio (Pius IX, 1871), thánh François de Sales (Pius IX, 1877), thánh Kyrillos Ierosolymon, thánh Kyrillos Alexandreias và thánh Ioannes Damaskenos (Leo XIII, 1882), thánh Bede Khả Kính (Leo XIII, 1899).

Thế kỷ XX có mười vị: thánh Ephraim Syros (Benedictus XV, 1920), thánh Petrus Canisius (Pius XI, 1925), thánh Juan Thánh Giá (Pius XI, 1926), thánh Roberto Bellarmino và thánh Albert Cả (Pius XI, 1931), thánh Antonio Padova (Pius XII, 1946), thánh Lorenzo Brindisi (Iohannes XXIII, 1959), thánh Teresa Ávila và thánh Catarina Siena (Paulus VI, 1970), thánh Thérèse Lisieux (Iohannes Paulus II, 1997).

Thế kỷ XXI hiện có bốn vị: thánh Juan Ávila và thánh Hildegard Bingen (Benedictus XVI, 2012), thánh Grigor Narekatsi (Franciscus, 2015), thánh Irenaeus Lugdunum (Franciscus, 2022).

3.CÁC NGOẠI HIỆU CỦA MỘT SỐ THÁNH TIẾN SĨ

Ngoài danh hiệu chính thức khi đứng chung với nhau trong hàng ngũ Tiến sĩ Hội Thánh, theo dòng thời gian, một số vị còn được các tín hữu và các nhà thần học ưu ái tặng ban các ngoại hiệu, căn cứ vào các học thuyết nổi bật của các ngài. Thánh Augustinus Hipponensis là Tiến sĩ Ân sủng Doctor gratiae, thánh Anselm Canterbury là Tiến sĩ Tráng lệ Doctor magnificus hay Tiến sĩ Thánh mẫu học Doctor Marianus, thánh Bernard Clairvaux là Tiến sĩ Mật ngọt Doctor mellifluus, thánh Antonio Padova là Tiến sĩ Phúc âm Doctor evangelicus, thánh Albert Cả là Tiến sĩ Bách khoa Doctor universalis, thánh Tommaso d’Aquino là Tiến sĩ Thiên thần Doctor angelicus hay Tiến sĩ Toàn năng Doctor communis, thánh Bonaventura là Tiến sĩ Sốt mến Doctor seraphicus, thánh Juan Thánh Giá là Tiến sĩ Thần bí Doctor mysticus, thánh Lorenzo Brindisi là Tiến sĩ Tông đồ Doctor apostolicus, thánh François de Sales là Tiến sĩ Đức Ái Doctor caritatis, thánh Alfonso María de Ligorio là Tiến sĩ Nhiệt thành Doctor zelantissimus.

Tài năng và thành quả thể hiện qua tên tuổi để lại trên đời của các vị, quả thực là trăm hồng ngàn tía, khiến lắm kẻ hậu sinh phải trầm trồ ngẩn ngơ. Vậy, giữa những khác biệt về nhân đức, đạo hạnh, học thức và tài năng của các vị hiển thánh, Hội Thánh đã đặt ra những tiêu chuẩn khó khăn nào khiến suốt 2000 năm qua, chỉ có 37 vị được ghi vào bảng vàng Tiến Sĩ Hội Thánh?

4.CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC PHONG TIẾN SĨ HỘI THÁNH

Trên nguyên tắc cần phải có ba điều kiện để một người tín hữu Công giáo được nhìn nhận là một Tiến sĩ Hội Thánh:
-Thứ nhất, đó phải là một vị đã được phong Hiển thánh. Do đó, cho dù là một học giả hết sức nổi tiếng nhưng chỉ mới được phong Chân phước, thì chưa thể tiến hành hồ sơ tặng danh hiệu Tiến sĩ.
-Thứ hai, vị thánh ấy phải thực sự đã để lại một học thuyết lỗi lạc có ảnh hưởng đến đời sống của Hội Thánh.
-Thứ ba, danh hiệu Tiến sĩ của vị thánh ấy cần phải được Đức Giáo Hoàng hay Công đồng hoàn vũ tuyên bố, nghĩa là phải có thẩm quyền tối cao của Hội Thánh công bố, chứ không để mặc cho công luận định đoạt.

Hẳn nhiên, cộng đồng Dân Chúa có quyền đệ đơn thỉnh nguyện lên Tòa thánh để xin trao danh hiệu Tiến sĩ cho một vị thánh nào đó, nhưng thẩm quyền quyết định hoàn toàn dành cho Tòa thánh. Thánh bộ Phong thánh sẽ điều tra sự thánh thiện của người được đề cử, còn Thánh bộ Giáo lý Đức tin quyết định về giáo huấn của của vị đó. Với sự chuẩn nhận của hai Thánh bộ này, Đức Giáo Hoàng sẽ tuyên bố một người nào đó là Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài cũng ban cho Giáo Hội hoàn vũ sử dụng một Thánh lễ và Kinh phụng vụ cho vị thánh được ban tước Tiến sĩ.

Xem xét lại bộ điều kiện, ta thấy điều kiện thứ nhất và thứ ba không có gì khó hiểu. Vấn đề khó khăn hệ tại điều kiện thứ hai. Khi nào một vị thánh được công nhận là có một học thuyết lỗi lạc? Khó có thể đưa ra một tiêu chuẩn cố định. Trong Hội Thánh, bên cạnh những vị thánh “giáo sư” như thánh Tommaso d’Aquino, có những vị thánh “mục vụ” như thánh Petrus Canisius, hoặc “huyền bí” như Juan Thánh Giá. Hơn thế nữa, sự “lỗi lạc” không chỉ dựa vào kiến thức uyên thâm, nhưng còn dựa theo ảnh hưởng đối với đời sống đạo của Dân Chúa. Các ngài không những đã nên thánh mà còn đào tạo cho nhiều thế hệ tín hữu nên thánh. Điều này giải thích vì sao thánh Thérèse Lisieux được tôn phong Tiến sĩ mặc dù đã không để lại nhiều tác phẩm.

Quả thực, như một vườn hoa rực rỡ của Thánh Linh, gia tài thiêng liêng của các vị Tiến sĩ, kể cả nhìn ở chiều kích thiêng liêng, mục vụ hay học thuật đều thực sự rất đa dạng và phong phú. Thánh Iohannes Kim Khẩu, Petrus Kim Ngôn, Antonio Padova để lại các bài giảng. Hai thánh Giáo hoàng Gregorius Cả và Leo cả viết nhiều thư, bài giảng và những tiểu luận. Thánh Thérèse Lisieux viết chỉ một cuốn sách – cuốn tự truyện – cùng với vài bài thơ và thư từ cá nhân. Thánh Hieronymus là học giả Kinh Thánh đầu tiên, dịch Kinh Thánh sang tiếng Latin và viết chú giải về các sách trong Kinh Thánh. Thánh Augustinus Hipponensis viết nhiều bộ sách bàn đến những chủ đề lớn của thần học. Thánh Roberto Bellarmino bảo vệ Giáo hội chống lại sự công kích của lạc giáo. Hai vị thánh ở thành Ávila, Tây Ban Nha, đều là những nhà thần bí: Juan Ávila và Teresa Ávila. Các vị thánh Juan Thánh Giá, Ephraim Syros và Grigor Narekatsi là những nhà sáng tác thánh thi sáng giá. Lịch sử dân tộc Anh của thánh Bede Khả Kính cho chúng ta biết về nước Anh thời Trung cổ. Những nhà thần học hệ thống như các thánh Anselm Canterbury, Albert Cả, Tommaso d’Aquino và Bonaventura đều thể hiện sự khôn ngoan sâu sắc trong tương quan giữa kiến thức nhân loại với mạc khải của Thiên Chúa.

Khi nhìn vào danh sách các vị Tiến sĩ, tưởng chừng như ta cảm giác các vị Giáo Hoàng cũng đã có tính đến yếu tố quốc tịch hoặc dòng tu của các vị (liệu có một sự cân bằng nào đó?), cả yếu tố thích hợp với thời đại (tại sao có những vị thánh cổ thời nhưng mãi đến gần đây mới được phong Tiến sĩ?). Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua một vài thống kê và phân loại sau đây để nhìn rõ hơn mọi chuyện.

5.CÁC NHÓM THÁNH TIẾN SĨ HỘI THÁNH

A.Sắp xếp theo thứ tự niên đại
Nếu xắp xếp theo thứ tự niên đại, chúng ta sẽ có được danh sách như sau:

-18 vị thánh sống trước cuộc Đại Ly giáo 1054, nên được tôn kính ở cả Giáo Hội Công giáo Tây phương và Giáo Hội Chính thống Đông phương: Irenaeus Lugdunum (130-202), Athanasios Alexandreias (296-373), Ephraim Syros (306-373), Hilarius Pictaviensis (315-368), Kyrillos Ierosolymon (315-386), Gregorios Nazianzenos (329-390), Basileios Cả (330-379), Ambrosius (339-397), Iohannes Kim Khẩu (347-407), Hieronymus (347-420), Augustinus Hipponensis (354-430), Kyrillos Alexandreias (376-444), Leo Cả (400-461), Petrus Kim Ngôn (406-450), Gregorius Cả (540-604), Isidore Séville (560-636), Bede Khả Kính (673-735), Ioannes Damaskenos (676-749), Grigor Narekatsi (951-1003);

-9 vị thánh thời Trung đại: Pietro Damiani (1007-1072), Anselm Canterbury (1033-1109), Bernard Clairvaux (1090-1153), Hildegard Bingen (1098-1179), Antonio Padova (1195-1231), Albert Cả (1206-1280), Bonaventura (1221-1274), Tommaso d’Aquino (1225-1274), Catarina Siena (1347-1380);

-9 vị thánh thời Cận đại và Hiện đại: Juan Ávila (1499-1569), Teresa Ávila (1515-1582), Petrus Canisius (1521-1597), Juan Thánh Giá (1542-1591), Roberto Bellarmino (1542-1621), Lorenzo Brindisi (1559-1619), François de Sales (1567-1622), Alfonso María de Ligorio (1696-1787), Thérèse Lisieux (1873-1897).

B.Sắp xếp theo vị trí địa lý
Trong số 37 vị thánh Tiến sĩ, chúng ta có 9 vị thuộc Đông phương (Athanasios Alexandreias, Ephraim Syros, Kyrillos Ierosolymon, Basileios Cả, Gregorios Nazianzenos, Iohannes Kim Khẩu, Kyrillos Alexandreias, Ioannes Damaskenos, Grigor Narekatsi) và 27 vị còn lại thuộc Tây phương. Xét về vị trí địa lý của sinh quán các Tiến sĩ, do lẽ các vị sinh ra vào các thời đại khác nhau và thuộc các dân tộc và thực thể chính trị có thể đã tiêu tan từ lâu, nên để các bạn dễ theo dõi, chúng tôi sẽ xếp sinh quán của các vị theo các đơn vị chính trị hiện đại như sau:

-10 Italia: Petrus Kim Ngôn, Leo Cả, Gregorius Cả, Pietro Damiani, Tommaso d’Aquino, Bonaventura, Catarina Siena, Roberto Bellarmino, Lorenzo Brindisi, Alfonso María de Ligorio;
-6 Pháp: Irenaeus Lugdunum, Hilarius Pictaviensis, Anselm Canterbury, Bernard Clairvaux, François de Sales, Thérèse Lisieux;
-4 Tây Ban Nha: Isidore Séville, Juan Ávila, Teresa Ávila, Juan Thánh Giá;
-3 Đức: Ambrosius, Hildegard Bingen, Albert Cả;
-2 Ai Cập: Athanasios Alexandreias, Kyrillos Alexandreias;
-2 Thổ Nhĩ Kì: Basileios Cả, Gregorios Nazianzenos;
-2 Syria: Iohannes Kim Khẩu, Ioannes Damaskenos;
-1 Iraq: Ephraim Syros;
-1 Israel: Kyrillos Ierosolymon;
-1 Balkan: Hieronymus;
-1 Algeria: Augustinus Hipponensis;
-1Anh: Bede Khả Kính;
-1 Armenia: Grigor Narekatsi;
-1 Bồ Đào Nha: Antonio Padova;
-1 Hà Lan: Petrus Canisius.

C.Sắp xếp theo chức vụ và dòng tu trong Hội Thánh

Thánh Tông đồ Phaolo đã nói rằng: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận”. Quả vậy, chúng ta thấy rõ điều này ngay trong hàng ngũ các thánh Tiến sĩ. Có rất nhiều thành phần Dân Chúa khác nhau trong các vị, từ vị thủ lãnh tối cao nhưng chỉ dám xưng là “Tôi tớ của các tôi tớ Chúa” cho đến vị nữ tu bé nhỏ ở Lisieux:

-hai vị Giáo Hoàng: Leo Cả và Gregorius Cả;
-ba vị hồng y: Pietro Damiani, Bonaventura, Roberto Bellarmino;
-mười sáu vị giám mục: Irenaeus Lugdunum, Athanasios Alexandreias, Hilarius Pictaviensis, Kyrillos Ierosolymon , Gregorios Nazianzenos, Basileios Cả, Ambrosius, Iohannes Kim Khẩu, Augustinus Hipponensis , Kyrillos Alexandreias, Petrus Kim Ngôn, Isidore Séville, Anselm Canterbury, Albert Cả, François de Sales, Alfonso María de Ligorio;
-mười một vị linh mục: Hieronymus, Bede Khả Kính, Ioannes Damaskenos, Grigor Narekatsi, Bernard Clairvaux, Tommaso d’Aquino, Antonio Padova, Juan Ávila, Petrus Canisius, Juan Thánh Giá, Lorenzo Brindisi;
-một vị phó tế: Ephraim Syros;
-một vị viện mẫu: Hildegard Bingen;
-hai vị nữ đan sĩ: Teresa Ávila, Thérèse Lisieux;
-một vị giáo dân tận hiến: Catarina Siena.

Xét theo các dòng tu, có tám dòng tu sau đây được vinh dự có các vị thánh Tiến sĩ:
-Dòng Biển Đức 5 vị: Gregorius Cả (Giáo hoàng), Bede Khả Kính, Pietro Damiani (hồng y), Anselm Canterbury (giám mục), Hildegard Bingen;
-Dòng Đaminh 3 vị: Albert Cả (giám mục), Tommaso d’Aquino, Catarina Siena;
-Dòng Cát Minh 3 vị: Teresa Ávila, Juan Thánh Giá, Thérèse Lisieux;
-Dòng Phanxicô 2 vị: Antonio Padova, Bonaventura (hồng y);
-Dòng Tên 2 vị: Petrus Canisius, Roberto Bellarmino (hồng y);
-Dòng Xitô 1 vị: Bernard Clairvaux;
-Dòng Phanxicô Capuchinô 1 vị: Lorenzo Brindisi;
-Dòng Chúa Cứu Thế 1 vị: Alfonso María de Ligorio (giám mục).

6.HỮU XẠ, LƯU HƯƠNG

Hội Thánh không hề vội vàng khi có ý định tuyên bố vị thánh nào đó được kể thêm vào danh sách các Tiến sĩ Hội thánh. Khoảng thời gian giữa thời điểm qua đời của vị thánh và lúc ngài được công bố là Tiến sĩ, trung bình là hơn 800 năm. Khoảng thời gian ngắn nhất thuộc về thánh Alfonso María de Ligorio (1696-1787), được tuyên Tiến sĩ Hội thánh chỉ 84 năm sau khi chết. Xếp thứ hai là thánh Thérèse Lisieux (1873-1897), chỉ 100 năm. Các vị thánh sơ thời như thánh Ephraim Syros (306-373) và thánh Hilarius Pictaviensis (315-368), có khoảng cách thời gian giữa cái chết và lúc được công bố Tiến sĩ Hội thánh lần lượt là 1547 năm và 1484 năm. Vị thánh phải chờ lâu nhất để gia nhập hàng ngũ Tiến sĩ chính là Irenaeus Lugdunum (130-202): 1820 năm.

Một điều cần lưu ý là tất cả các thánh sống trước thế kỉ XI đều được giáo dân tuyên thánh ngay sau khi chết, nhưng từ thế kỉ XI, toà thánh sở hữu độc quyền công việc quan trọng đó. Điều này dẫn đến thời gian sau này xảy ra một hiện tượng trái ngược với cổ thời: thay vì nhiều vị được công nhận là Hiển thánh trong một thời gian rất lâu rồi mới được tặng danh hiệu Tiến sĩ, nhiều vị thánh Cận-Hiện đại lại được tuyên Hiển thánh và Tiến sĩ trong khoảng thời gian rất gần nhau. Có thể kể đến những trường hợp như thánh Petrus Canisius (1521-1597) được tuyên Hiển thánh và Tiến sĩ trong cùng năm 1925, thánh Roberto Bellarmino (1542-1621) tuyên Hiển thánh năm 1930 và Tiến sĩ năm 1931.

Không phải tất cả vị Tiến sĩ đều có sự khôn ngoan nhờ tuổi thọ cao niên. Sống thọ nhất trong các vị Tiến sĩ này là thánh Alfonso María de Ligorio (1696-1787), qua đời lúc 91 tuổi. Người có tuổi đời ngắn nhất là thánh Thérèse Lisieux (1873-1897), chỉ 24 tuổi, tiếp theo là thánh Catarina Siena (1347-1380), chỉ 33 tuổi, và thánh Antonio Padova (1195-1231), chỉ 36 tuổi.

Lạc Vũ Thái Bình – Trần Gia Hân
Huế – Sài Gòn, 3-2023

Tham khảo
-36 thánh Tiến sĩ – Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
-Bài viết “Khám phá các vị Tiến Sĩ Hội Thánh” của Lm. Ray Ryland
-Bài viết “Tiến sĩ Hội Thánh” đăng trên trang Học viện thánh Giuse, Dòng Tên Việt Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *