Anomie: Thế hệ không biết mình muốn gì vùng vẫy trong một thế giới vô chuẩn mực

 Anomie, nghĩa đen là “không luật lệ” trong tiếng Đức và tiếng Pháp, được Durkheim định nghĩa là một trạng thái “vô chuẩn mực”. Durkheim cho rằng trong thời kỳ xã hội thay đổi và liên tục biến động, các tiêu chuẩn xã hội và kỳ vọng đối với cá nhân biến mất. Nếu không có “các quy tắc, chuẩn mực hoặc tiêu chuẩn giá trị rõ ràng”, mọi người cảm thấy bồn chồn, không biết bấu víu vào đâu, bối rối và thậm chí muốn tự sát.

Có bao giờ bạn cảm thấy dường như bạn đã mất đi niềm đam mê với mọi thứ trong cuộc sống? Không gì có thể khơi gợi hứng thú trong bạn và cuộc sống dường như trống rỗng? Có thể ai đó sẽ khuyên bạn nên đi khám tâm lý hoặc tâm thần. Lời khuyên đó có thể sẽ có ích cho một số người, nhưng nó cũng đang giả định rằng những cảm xúc như vậy luôn bắt nguồn từ bản thân mỗi cá nhân. Có điều gì không ổn trong tâm trí của họ và họ cần thuốc hoặc những liệu pháp chữa trị.

Nhưng có thật là như vậy không? Biết đâu cảm giác trống rỗng ấy là do một luồng văn hóa lớn hơn nhiều gây ra?

Anomie là gì?

Vào đầu thế kỷ 20, nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim quan tâm đến vấn đề tương tự. Tự sát thường được cho là kết quả của những vấn đề cá nhân nghiêm trọng, nhưng Durkheim muốn biết liệu hành động đó có bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa lớn hơn hay không. Ông nghiên cứu về thời tiết, tôn giáo và kinh tế của các quốc gia, tìm kiếm những yếu tố có thể ảnh hướng một cách tích cực hoặc tiêu cực đến việc tự sát. Những gì ông kết luận trong tác phẩm được xuất bản vào năm 1897 của mình là tỉ lệ tự sát bị ảnh hưởng rất nhiều bởi một sự hiện diện trong xã hội mà ông gọi là anomie.

Anomie, nghĩa đen là “không luật lệ” trong tiếng Đức và tiếng Pháp, được Durkheim định nghĩa là một trạng thái “vô chuẩn mực”. Durkheim cho rằng trong thời kỳ xã hội thay đổi và liên tục biến động, các tiêu chuẩn xã hội và kỳ vọng đối với cá nhân biến mất. Nếu không có “các quy tắc, chuẩn mực hoặc tiêu chuẩn giá trị rõ ràng”, mọi người cảm thấy bồn chồn, không biết bấu víu vào đâu, bối rối và thậm chí muốn tự sát. Cuộc sống trong một thời đại anomie thường mang lại cảm giác trống rỗng và vô nghĩa.

Hướng đến một xã hội không chuẩn mực

Một trong những lý do khiến chúng ta đôi khi cảm thấy hoài niệm về “thời hoàng kim” vì đó là thời kỳ với những kỳ vọng rõ ràng, có các giá trị, quy tắc và chuẩn mực văn hóa được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng.

Đúng là nhiều người cảm thấy bị trói buộc. Không phải ai cũng thích ngồi trong chiếc hộp. Vì thế xã hội vứt bỏ những quy tắc cũ để theo đuổi một thế giới được thống trị bởi sự tự do cá nhân, một thế giới mà quy tắc duy nhất là “sống vã hãy sống”.

Thế hệ Thế chiến thứ hai tìm thấy ý nghĩa và mục đích từ những chuẩn mực chi phối đời sống của họ. Thế hệ Boomer tìm thấy ý nghĩa và mục đích từ việc chống lại những chuẩn mực đó.

Nhưng giờ đây chúng ta không có chuẩn mực xã hội, cũng không có bất cứ thứ gì để nổi dậy và chống lại.

Những gì ta có là một xã hội “vô chuẩn mực”. Vẫn có một số kỳ vọng tồn tại nhưng tôn chỉ chung vẫn là “sống và hãy sống”. Bạn có thể kết hôn ở tuổi 20 hoặc 40 hoặc ở giá đến cuối đời. Bạn có thể sống với ai đó cả đời mà không cần hôn thú, có 9 đứa con hoặc không có đứa nào, mặc bất kỳ thứ gì bạn thích mà không ai ý kiến, hẹn hò với một người không cùng sắc tộc, xỏ khuyên bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, có một đứa con ngoài giá thú mà không bị xa lánh, đi làm, không đi làm, hoặc bắt đầu học đại học ở tuổi 50. Bạn gần như có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, miễn là không vi phạm pháp luật và tuân theo một số quy tắc xã hội tối thiểu.

Quyền tự do cá nhân không bị ràng buộc có những khía cạnh rất tích cực, nó cho phép bạn trở thành bất kỳ ai bạn muốn. Nhưng món quà này đi kèm với một lời nguyền. Khi bạn có thể làm bất kỳ điều gì và mọi thứ bạn muốn, làm sao để xác định được bạn thật sự muốn gì và cảm thấy thỏa mãn khi làm điều đó?

Mặt trái của tự do cá nhân

Tự do cá nhân mà không có bất kỳ ràng buộc nào là công thức cho sự lo lắng, bồn chồn và bất hạnh. Các nhà tâm lý học và xã hội học đã thảo luận về vấn đề này. Tự do cá nhân mà không có bất kỳ hướng dẫn, tiêu chuẩn hay kỳ vọng nào giống như cảm giác bị trôi dạt trong một không gian vô định. Sự phi trọng lượng có thể gây phấn khích lúc ban đầu đấy, nhưng bạn không có hệ quy chiếu nào để xác định bạn đang ở đâu, trái phải hay trên dưới đều vô nghĩa.

Ảnh: Clive smith artist

Khi nhìn những người đàn ông của năm 1950, có thể ta sẽ nghĩ: “Thật là tội nghiệp. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài kết hôn ngay lập tức, có 3 đứa con, sống ở vùng ngoại ô và làm ở một công ty suốt 50 năm. Một cuộc sống ngột ngạt.

Nhưng thời đại của chúng ta có những vấn đề riêng. Những người đàn ông năm 1950 có thể có một cuộc sống khó khăn, nhưng họ cũng có những chỉ số rất rõ ràng để đánh giá xem họ đã đạt được thành công và hạnh phúc hay chưa. Họ có ý niệm rõ ràng về những gì họ tích lũy được. Giờ đây, thành công và hạnh phúc có thể là một triệu thứ khác nhau và không ai chắc chắn rằng mình đạt được điều đó. Với quá nhiều lựa chọn, chúng ta luôn băn khoăn không biết theo đuổi con đường nào và liệu con đường mà ta chọn có thật sự là con đường đúng đắn hay không.

Tôi có một người bạn không ngừng than thở rằng anh ấy muốn mình sống một cuộc đời “thật phi thường”. Nhưng khi tôi hỏi anh ta “phi thường” là như thế nào, anh lắc đầu và nói: “Tôi không biết. Chỉ là cảm giác này cứ ám ảnh tôi.”

Danh sách việc cần làm của thế hệ đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Chúng ta là những sinh vật mang tính xã hội cao. Trong hơn trăm nghìn năm lịch sử của loài người, con người sống trong những bộ lạc và cuộc sống của họ bị chi phối bởi quy tắc của bộ lạc và những mối quan hệ xã hội chặt chẽ. Chỉ mới gần đây thôi chúng ta mới tách bộ lạc của mình thành những gia đình hạt nhân và những cá nhân riêng lẻ – những bộ lạc siêu nhỏ trong ngôi nhà biệt lập. (Xin lưu ý thêm, người ta thường nói phụ nữ ở nhà làm mẹ là điều tự nhiên nhất, nhưng không có điều gì phi văn hóa hơn một người phụ nữ xa cách gia đình và bạn bè, cô đơn với con mình từ ngày này qua ngày khác).

Là một bộ lạc vi mô, chúng ta có nhiệm vụ tạo ra các quy tắc, giá trị và kỳ vọng của riêng mình. Tuy nhiên, đó lại là nhiệm vụ khó khiến ta cảm thấy hài lòng. Nó giống như việc tạo ra một loại ngôn ngữ cá nhân. Nó là của riêng ta và ta không thể dùng nó để giao tiếp với bất kỳ ai khác. Niềm tin cá nhân của ta tồn tại trong một khoảng không. Vì không có tiêu chuẩn và thể chế xã hội để cung cấp khung cấu trúc, chúng không có bối cảnh để đặt vào và do đó không có ý nghĩa.

Tuần trước, tôi quyết định xem lại vài tập của một chương trình tên “The Buried Life” (Cuộc sống bị chôn vùi) của đài MTV. Không biết có dàn dựng hay không, bốn chàng trai tuổi 20 quyết định “thoát khỏi nhịp sống tầm thường” và lái một chiếc xe buýt màu tím vòng quanh đất nước để hoàn thành những việc trong danh sách “muốn làm trước khi chết” của họ. Mỗi khi họ hoàn thành một việc, họ sẽ giúp một người lạ làm một chuyện mà người đó muốn làm.

Đó là một chương trình ấm áp và truyền cảm hứng, nhưng tôi không thể không nhận thấy một vài điều. Một, khi những chàng trai hỏi người khác xem họ muốn làm gì trước khi chết, họ có xu hướng lựa chọn những người có thu nhập thấp hoặc thuộc nhóm thiểu số – những người có những mong muốn có ý nghĩa – ví dụ như “đoàn tụ cùng đứa con trai mà tôi đã không gặp 20 năm nay” hoặc “thăm mộ của mẹ tôi ở một tiểu bang khác”.

Còn những việc mà bốn chàng trai – những người da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu và có vẻ như đã sống một cuộc đời suôn sẻ – muốn làm trước khi chết lại khá hời hợt: nâng ly chúc mừng trong đám cưới của một người lạ, tổ chức một bữa tiệc hoành tráng, đột nhập vào dinh thự Playboy, hẹn hò cùng Megan Fox,…

Tôi không có ý kiến gì với việc viết ra một danh sách những điều bạn muốn làm trước khi chết, tôi còn khuyến khích mọi người tự viết ra nữa kìa. Nhưng xem tập phim truyền hình ấy khiến tôi nhận ra những chàng trai trong thế hệ của tôi khao khát tìm ý nghĩa cuộc sống đến mức nào và thật khó khăn để tìm ra con đường đúng đắn để làm điều đó. Trong một thế giới không có chuẩn mực, một thế giới rất thoải mái và việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người dường như không gặp khó khăn, chúng ta buộc phải lập nên một danh sách với các đầu mục ngẫu nhiên với hy vọng chúng sẽ dẫn ta đến một cuộc sống trọn vẹn hơn. Nhưng những thử thách ta chọn cho chính mình lại không bao giờ thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm một điều có ý nghĩa và trọn vẹn. Ý nghĩa của thử thách nằm ở chỗ chúng bị ràng buộc bởi một điều gì đó cao cả hơn cá nhân: gia đình, đất nước, thậm chí là thần thánh. Bạn có thể nâng ly chúc mừng trong đám cưới của một người lạ, cảm thấy sự mới mẻ, nhưng cảm giác thỏa mãn sẽ không tồn tại lâu bởi vì “thành tựu” ấy không có bất kỳ ảnh hưởng lên bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai ngoài chính bạn.

Nhiệm vụ phía trước

Tôi biết bài viết này có vẻ bi quan, nhưng tôi không có ý bi lụy hay luyến tiếc quá khứ. Mọi người có thể bàn về việc hồi sinh các giá trị truyền thống cho đến khi cạn hơi, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ thấy những chuẩn mực xã hội khắt khe ngày xưa trở lại. Không ai muốn từ bỏ quyền tự do cá nhân.

Bài viết này chỉ là một chuyện mà tôi hay nghĩ đến gần đây, và nó không phải một vấn đề mà tôi có thể khắc phục bằng cách nghĩ ra vài gạch đầu dòng. Đây là một vấn đề phức tạp mà chúng ta cần suy nghĩ cẩn trọng. Điều quan trọng là phải hiểu những gì bạn đang đối phó trong cuộc sống. Nếu đôi khi bạn cảm thấy cuộc sống trống rỗng khủng khiếp, hãy biết rằng bạn không đơn độc và nó có lý do của nó. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ. Mặc dù xã hội có thể sẽ không bao giờ có lại những chuẩn mực chung nữa, nó không có nghĩa là ta không thể phấn đấu để ngày càng hoàn thiện bản thân. Hoặc cuộc đời chúng ta đã được định sẵn là vô nghĩa. Mỗi thế hệ, mỗi thời đại đều có những thách thức riêng. Thách thức của chúng ta là tìm ra ý nghĩa và mục đích thật sự trong thời đại anomie. Bạn nghĩ chúng ta cần làm gì để vượt qua thách thức này?

Vũ | The Art of Manliness

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *