THỊ TRƯỜNG ÂM NHẠC TRUNG QUỐC XUỐNG DỐC

Hiện tại, show âm nhạc của Trung Quốc không thu hút khán giả. Bảng xếp hạng doanh thu nhạc số chứng kiến sự thống trị của ca sĩ thần tượng. Song, bài hát của họ ít người biết tới.

Thập niên 1970-1990, nhạc Hoa là một “đế chế” tại châu Á. Những bộ phim truyền hình Hàn thời gian này cũng phải mượn giai điệu Ánh trăng nói hộ lòng tôi của Đặng Lệ Quân làm ca khúc chủ đề. Tại Việt Nam còn nở rộ trào lưu những bài hát nhạc Hoa lời Việt.

Tuy nhiên hiện tại, Trung Quốc không có nghệ sĩ ảnh hưởng quốc tế. Trong khi đó, thị trường âm nhạc Kpop vươn lên nhanh chóng.

Theo trang 163, hiện tại thị trường âm nhạc Trung Quốc có phần chững lại, không tìm được các nhân tố mới với tài năng vượt trội. Một số mảng như show âm nhạc không thu hút khán giả, bảng xếp hạng ca khúc bị chi phối bởi fan cuồng, các buổi biểu diễn đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

163 cho biết thêm hiện tại trên truyền hình Trung Quốc có nhiều show âm nhạc đủ các nội dung về nhảy, hát, rap như Trung Quốc hảo âm thanh, The Voice China, Ca ca vượt mọi chông gai, Street dance of China 4, Born To Dance, Stage Boom… Đối tượng tham gia từ rapper, các thần tượng trẻ đến nghệ sĩ đã qua thời kỳ đỉnh cao, muốn lấy lại danh tiếng.

Các show âm nhạc bùng nổ từ năm 2018, song đến nay sức hút với khán giả ngày một giảm. Như show Street dance of China từng đứng nhất bảng chỉ số truyền thông, nhưng hiện tại, ở mùa 4, có ngày show chỉ đạt điểm số 25/100 điểm sức nóng, xếp gần cuối bảng đo lường của Vlinkage.

Định dạng chương trình ca nhạc dành cho các ngôi sao từng vang bóng một thời như Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng, cũng chỉ gây sốt mùa đầu. Với các mùa tiếp theo hoặc phiên bản nam, không tạo tiếng vang như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) cũng yêu cầu dừng các chương trình tuyển chọn thần tượng như Thanh xuân có bạn hay Sáng tạo doanh. Những show này bùng nổ từ năm 2018, thu hút sự theo dõi của hàng triệu khán giả, mỗi năm giúp hàng chục thần tượng nhanh chóng trở thành ngôi sao danh tiếng.

Không chỉ các chương trình âm nhạc kém thu hút, các bảng xếp hạng cũng bị đánh giá là không phản ánh được sự phát triển của thị trường âm nhạc trong nước.

Hiện tại, các bảng xếp hạng doanh thu nhạc số cao nhất thuộc về Vương Nhất Bác, Thái Từ Khôn, Trương Nghệ Hưng, Lưu Vũ Hân, Mạnh Mỹ Kỳ… những thần tượng trẻ nổi tiếng. Tuy nhiên, bài hát của họ chỉ nổi tiếng với nhóm người hâm mộ, chất lượng không cao. QQ cho biết tiêu chí quan trọng để đánh giá ca khúc thành công là phổ biến với khán giả đại chúng, điều này khó có ai trong nhóm thần tượng trên đạt được.

Việc họ dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu âm nhạc chỉ thể hiện sức chi của người hâm mộ. Thậm chí, nhiều nhóm fan còn đặt chỉ tiêu cho từng người, phải mua bao nhiêu bản nhạc số. Hành vi này bị các cơ quan quản lý nghệ thuật đánh giá là bòn rút tiền của người hâm mộ, mới đây đã bị ra lệnh cấm.

VÌ SAO THỊ TRƯỜNG ÂM NHẠC TRUNG QUỐC XUỐNG DỐC?

Theo QQ, tháng 8, Châu Kiệt Luân – ông hoàng nhạc Trung Quốc ra bài hát mới, song lần trở lại này của nam ca sĩ không được đón nhận.

QQ đánh giá giai điệu trong bài hát mới của ngôi sao 42 tuổi khá bắt tai, nhưng không có sự mới lạ, bị lỗi thời so với phong cách hòa âm được sử dụng ở Âu – Mỹ cách đây 10 năm. MV tối giản, thiếu điểm nhấn dù được đầu tư quay ngoại cảnh. Trong video, sao nam xuất hiện với bộ trang phục đơn giản, dạo chơi giữa thiên nhiên.

Trên mạng xã hội Weibo, không ít ý kiến cho rằng Châu Kiệt Luân đã cạn kiệt ý tưởng sau hàng chục năm thống trị làng nhạc Hoa ngữ. Tại Đêm hội 818 mới đây, Thiên vương gây thất vọng với giọng hát xuống cấp.

Nhiều ca sĩ thành danh đã lâu cũng rơi vào tình trạng xuống sức như Châu Kiệt Luân. Tuy nhiên, làng nhạc Trung Quốc lại không tìm được giọng ca mới xuất sắc, đủ sức khiến khán giả thế giới phải hát theo.

Hiện tại, tên tuổi trẻ gây chú ý như Châu Thâm, Mao Bất Dịch, Tát Đỉnh Đỉnh chủ yếu hát nhạc phim, hơn nữa khả năng trình diễn sân khấu không được đánh giá cao. Nhóm ca sĩ thần tượng có thể nhảy, biểu diễn đẹp mắt như Vương Nhất Bác, Dịch Dương Thiên Tỉ, Thái Từ Khôn, Mạnh Mỹ Kỳ… thì giọng ca bình thường, không có ca khúc nổi bật.

Các nhà quản lý văn hóa Trung Quốc thừa nhận, họ thiếu hụt về nhân sự trong lĩnh vực âm nhạc. 10 năm trở lại đây chưa có một ngôi sao thực sự xuất hiện thay thế cho những Châu Kiệt Luân, Thái Y Lâm, Twins hay Vương Lực Hoành.

Những nghệ sĩ mới được ca tụng hết mực như Lý Vũ Xuân hay Đặng Tử Kỳ, Châu Bút Sướng lại chưa vượt khỏi biên giới quốc gia.

Thêm vào đó, ca sĩ Trung Quốc thiếu thốn sân khấu biểu diễn. Họ không có chương trình âm nhạc hàng tuần hay các buổi giới thiệu ca khúc mới trên radio.

Một hạn chế lớn khác là kênh để ca sĩ Trung Quốc tương tác với khán giả rất ít ỏi. Nếu nghệ sĩ Hàn Quốc sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội để giao lưu cùng người hâm mộ, ca sĩ Hoa ngữ lại chỉ xuất hiện trên mạng xã hội riêng Weibo.

Do đó, các sản phẩm âm nhạc của ca sĩ khó đến được với khán giả quốc tế. Người hâm mộ muốn giao lưu nghệ sĩ thường phải mở tài khoản Weibo bằng tiếng Hoa. Sự tiếp cận thông tin mới về âm nhạc của sao Hoa ngữ cũng bị chậm một nhịp.

Ngoài ra, nghệ sĩ Trung Quốc muốn ghi điểm ở mảng phim ảnh hơn là âm nhạc. Nhóm TFBoys là nhóm nhạc Trung Quốc được đào tạo từ nhỏ, được khán giả đại chúng biết tới, song hiện tại hai trong số ba thành viên miệt mài tại phim trường. Các ca sĩ thần tượng bước ra từ chương trình tuyển chọn như Phạm Thừa Thừa, Chu Chính Đình, Dương Siêu Việt, Ngô Tuyên Nghi cũng chuyển sang làm diễn viên.

Dịch bệnh Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường âm nhạc Trung Quốc ảm đạm. Hai năm qua, nhiều nghệ sĩ phải hoãn lại các tour diễn. Các chương trình ca nhạc biểu diễn trong tình trạng không khán giả.

nguồn:https://zingnews.vn/thi-truong-am-nhac-trung-quoc-xuong-doc-post1271223

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *