Tôi năm nay 25 tuổi, sinh ra và lớn lên tại 1 ngôi làng vẫn có tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề và bố mẹ tôi cũng vậy. Từ nhỏ chị em tôi đã được nhồi nhét vào đầu rằng “Chúng con là lũ vịt giời, bé thì ăn hại, lớn thì bay đi”. Trong làng, nhà nào không sinh được con trai sẽ bị cả làng khinh thường. Do đó, bố mẹ tôi vẫn quyết tâm sinh con trai sau khi có 4 đứa “vịt giời” là chúng tôi chào đời. Tôi vẫn nhớ nét mặt vui sướng của bố tôi lúc đó, khác 1 trời 1 vực so với khi em gái chào đời. Bố tôi lại là một người đàn ông gia trưởng, nghiện rượu và hay nghe lời đàm tiếu nên động tay động chân, mắng ch,ửi mẹ tôi và các con như cơm bữa. Đối với bố tôi, con trai là trên hết, đàn ông có mọi quyền hành, đàn bà con gái “chẳng là cái thá gì”. Trong môi trường như vậy, tôi đã hạ quyết tâm sẽ học thật giỏi để chứng minh cho bố mẹ và mọi người thấy rằng: con gái có thể giỏi hơn con trai.
Những tháng năm đi học, so với bạn bè đồng trang lứa trong làng, tôi luôn là đứa có thành tích học tập nổi trội, luôn được học sinh giỏi và đứng trong top của niên khóa. Nhưng định kiến về con gái ở làng tôi vẫn chẳng xê dịch 1 chút nào. Ngày tôi nhận được giấy báo đỗ Đại học, hẳn là đỗ thủ khoa của khoa tôi theo học, cũng là trường lấy điểm cao nhưng những lời tôi nhận được lại là: “Con gái học cao để làm gì, sau cũng phải về nhà chồng” hay “Nuôi con gái học Đại học thì thà nuôi con lợn, vỗ béo rồi bán đi lấy tiền còn hơn”. Thời gian học Đại học, tôi luôn cố gắng nỗ lực học tập, giành học bổng và đi làm thêm để tự trang trải học phí, sinh hoạt phí, thậm chí gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Có khoảng thời gian chỉ kịp ăn bữa sáng rồi lại chạy đi học, đi làm thêm xen kẽ đến tối muộn mới về mà không có khoảng nghỉ. Những lúc đó chỉ mong nhận được lời hỏi han ân cần từ bố mẹ rằng “con có mệt không, đừng cố quá” nhưng những gì tôi nhận được chỉ là: “có đi làm thêm không, mỗi tháng được bao nhiêu tiền”, “không đi làm thì lấy tiền đâu ra…”. Thấm thoát 4 năm trôi qua, bằng số tiền học bổng và đi làm thêm, tôi tiết kiệm được khoảng 100tr và tự cho bố mẹ 1 chuyến đi chơi xa trong lúc chờ bằng và chờ đi làm. Và rồi tốt nghiệp đi làm, đi làm rồi gánh nặng cũng nhiều hơn và gia đình tôi cũng trở nên ỷ lại hơn. Em gái học Đại học không chịu đi làm thêm, bố cũng không muốn đi làm, bảo ở nhà con gái nuôi, con gái lo tất, chị gái thì xin tiền, anh rể thì nợ nần vay tiền để trả nợ…Và tôi cũng khám phá ra một số sự thật đau lòng. Có những số tiền tôi gửi về nhà thông qua chị gái để mua đồ đạc trong nhà, mua xe cho em gái nhưng trên thực tế số tiền đó đều được gắn tên chị gái. Hay đi làm tôi gửi tiền về nhà, mẹ tôi đều giấu bố để rồi mỗi khi tôi trở về nhà (đi làm xa nhà) đều đối mặt với chất vấn: đi làm không gửi đồng nào về nhà. Tiền học 3 đứa em (1 đứa học Đại học), tiền mua sắm đồ đạc, tiền chữa bệnh cho cả nhà đợt dịch Covid, tiền phẫu thuật cho mẹ, tiền thuê cấy, thuê gặt… toàn số tiền chục triệu chứ đâu ít. Và áp lực lớn nhất tôi được “giao phó” là: chị Hai xây nhà cho bố mẹ. Xây nhà?? Nói nghe đơn giản thật, mà phải nhà to, nhà cao, cửa rộng, sương sương có khoảng 1 tỷ thôi à. Tôi từng hỏi bố mẹ: “Bố mẹ có từng nghĩ cho con không? Con đi làm quần quật, Tết cũng làm xuyên Tết để cày tiền, giờ bảo con 1 mình xây nhà, con lấy tiền đâu ra? Rồi cuộc sống sau này của con, con cũng có những dự định cho tương lai, rồi sau này con lấy chồng cũng phải có tiền tích cóp chứ?”. Bố mẹ không quan tâm đến chuyện đó, chỉ phán 1 câu: “Xây nhà xong thích làm gì thì làm, nhưng phải xây xong nhà mới được có người yêu, mới được lấy chồng”. Nhưng câu khiến tôi đau lòng nhất: “Xây nhà để em trai sau này lấy vợ, bố mẹ đưa sổ đỏ cho nó, sau này các chị về nhà mà không vừa ý nó, nó đuổi”. Vâng, tôi xây nhà, bằng tiền của tôi, công sức của tôi nhưng căn nhà đó lại là dành cho em trai sau này lấy vợ. Tôi chọn làm xa nhà để tự do, gia đình chỉ liên lạc khi cần tiền. Và giờ nhà xây xong rồi và tôi phải trả nợ dần dần. Vấn đề lại phát sinh khi gia đình lại có tư tưởng mới: nhà to thì mọi thứ cũng phải to, phải xịn. Nhưng khi hỏi tiền đâu ra thì…tiền từ tôi mà ra. Cứ thế tiền tôi làm quần quật tích cóp được, chẳng chi tiêu cho bản thân được gì mà cứ bay đi hết. Từ 1 đứa tiết kiệm được mấy trăm triệu, giờ thành trắng tay và phải gánh thêm nợ. Nhiều lúc tự hỏi đối với gia đình tôi là gì? Chỉ đơn giản là một cây ATM tự động thôi hay sao. Cuộc sống mệt mỏi, gia đình áp lực, đi làm stress, tình yêu trắc trở, có lúc thật muốn gục ngã nhưng vẫn phải cố gắng đứng dậy, vì biết rằng nếu bản thân gục ngã thì chẳng có ai đỡ cả.