Mình đã bỏ ra cả ngày dài để đọc về thuyết tiến hóa, chẳng phải vì yêu bộ môn Sinh học hay là hào hứng về cuộc đời & sự nghiệp của Charles Darwin. Chỉ có một thứ làm mình thắc mắc: vì sao tiến hóa vẫn còn gây tranh cãi?
Với sự ra đời của thuyết Tiến hóa Tổng hợp Hiện đại (bản vá lỗi của thuyết Tiến hóa Darwin), quan điểm về nguồn gốc của sự sống đã không còn gây tranh cãi lớn trong giới khoa học. Các nhà khoa học giờ đây hầu như chỉ cố gắng hoàn thiện nó, chứ không phải là phản biện nó. Tuy vậy tiến hóa vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm, được giảng dạy hạn chế ở chương trình phổ thông một số nước, được đem ra thảo luận và phản biện nảy lửa trên Internet. Cụ thể hơn, một phần không nhỏ dân số thế giới vẫn không tin vào tiến hóa (đặc biệt là ở Mỹ, qua khảo sát). Mình nghĩ điều này có sự ảnh hưởng lớn bởi tôn giáo (như thường lệ), những người theo tôn giáo độc Thần quan niệm rằng: Chúa trời tạo ra sự sống, những vẻ đẹp tinh tế của thế giới tự nhiên đều do ngài sắp đặt.
Mình không có quan điểm chỉ trích tôn giáo. Ngay cả Einstein vẫn tin vào Chúa trời, và Chúa thì còn hiện diện trong cả Thuyết Tương Đối lẫn Cơ Học Lượng Tử. Mà thôi, hãy tạm gác tôn giáo qua một bên, nó là một chủ đề nhạy cảm mà một người thông minh phải hiểu rằng nên hạn chế bàn đến trong tình huống này.
Trở lại với thuyết Tiến hóa, như những người yêu khoa học khác, mình hoàn toàn tin vào tiến hóa. Nhưng một phần không nhỏ nhân loại vẫn không tin, vẫn phản biện, vẫn lập luận để “chống tiến hóa”. Ngay lần đầu đọc được những tranh cãi xoay quanh tiến hóa, mình đã nghĩ ngay đến một lý thuyết khác, một trụ cột của ngành Vật lý lý thuyết: thuyết Big Bang (vụ nổ lớn). Thuyết Big bang có thể xem như một thuyết Tiến hóa của Vật lý, hoặc ngược lại, thuyết Tiến hóa chính là thuyết Big bang của Sinh học. Điều khiến mình thắc mắc là: sao chẳng mấy ai tranh cãi về Big bang?
Trước khi thuyết Big bang ra đời, lý thuyết được chấp nhận rộng rãi trong giới khoa học về sự hình thành của Vũ trụ là thuyết Vũ trụ tĩnh. Điều này rất giống với câu chuyện của thuyết Tiến hóa. Trước khi Darwin ra đời ý tưởng về sự tiến hóa, loài người vẫn đang nghĩ rằng tự nhiên và các sinh vật vốn dĩ từ khai sinh đã là như thế, không có chuyện một loài là tổ tiên của một loài khác. Còn trong Vật lý, thuyết Vũ trụ tĩnh cho rằng Vũ trụ là bất biến, được lấp đầy bởi một vật chất vô hình là Ete. Vũ trụ từ thuở khai sinh đã như vậy và qua thời gian chỉ có những vận động nội tại nhỏ diễn ra chứ bản chất Vũ trụ không có sự biến đổi. Lý thuyết này bắt đầu bị nghi ngờ khi Edwin Hubble phát hiện ra rằng các Thiên hà đang ngày càng xa nhau, tức là vũ trụ đang giãn nở. Cùng với những khẳng định của Einstein về tốc độ tuyệt đối của ánh sáng trong chân không (thuyết tương đối hẹp), xóa bỏ ý tưởng về vật chất đặc biệt mang tên Ete lấp đầy vũ trụ, thuyết Vũ trụ tĩnh bị ném vào sọt rác, thuyết Big bang ra đời.
Thuyết Big bang cho rằng, vũ trụ hình thành từ một “điểm kì dị” có kích thước vô cùng nhỏ và khối lượng vô cùng lớn. Khi vụ nổ lớn (big bang) tại điểm đó xảy ra, vũ trụ được hình thành và không ngừng giãn nở về không gian cho đến tận ngày nay. (ảnh minh họa bên dưới).
Thuyết Big bang và thuyết Tiến hóa có hai điểm chung cơ bản. Thứ nhất là khẳng định rằng tự nhiên có sự phát triển từ sơ khai cho đến hoàn thiện, tự nhiên vốn dĩ không đẹp và tinh tế như thế này ở 1 triệu hay 1 tỉ năm trước. Điểm chung thứ hai, đó là cả 2 lý thuyết đều không xóa bỏ sự tồn tại của Chúa trời. Thuyết Big bang chưa thể giải thích được điều gì đã xảy ra trước Big bang, thuyết Tiến hóa chưa thể giải thích hết được sự kì diệu và tinh tế của quá trình tiến hóa. Những điều chưa giải thích được đấy tạm thời xem như do bàn tay của Chúa nhúng vào.
Thuyết Big bang sau hàng chục năm phát triển và hoàn thiện, đã được chấp nhận rộng rãi và được củng cố bằng những thực nghiệm vô cùng tinh vi và chính xác (tiêu biểu là phát hiện hạt Higgs – Nobel Vật lý 2013). Không ai tranh cãi về Big bang nữa cả, nhưng tại sao họ vẫn nghi ngờ tiến hóa?
Nói dài dòng đến thế mà mình vẫn chưa trả lời câu hỏi ở đầu bài, chắc bạn đọc sốt ruột lắm rồi. Thực ra thì trả lời câu hỏi ở tiêu đề không phải mục đích chính của bài viết này. Nhưng để bài viết kết thúc một cách có hậu, mình sẽ đưa ra hai lý do chính khiến người ta vẫn tranh cãi về thuyết Tiến hóa nhưng lại chẳng thèm đụng đến thuyết Big bang.
Một là, có rất ít người ngoài giới khoa học biết đến và hiểu thuyết Big bang, nó không phải là một kiến thức giáo dục phổ thông như thuyết Tiến hóa. Đó cũng là lý do mà ở bài viết này, mình phải dành ra một đoạn khá dài để miêu tả về Big bang. Một kiến thức không phải là phổ thông thì dĩ nhiên sẽ ít được nhắc đến, ít được đem ra bàn cãi. Nói nôm na là: Big bang quá khó hiểu để có thể phản biện.
Hai là, những bằng chứng bảo vệ thuyết Tiến hóa rất dễ gây tranh cãi. Bằng chứng tiêu biểu nhất để chứng minh quá trình tiến hóa đó là những hóa thạch chuyển tiếp. Ví dụ để chứng minh rằng loài người được tiến hóa từ loài vượn, người ta phải tìm thấy một lượng lớn hóa thạch của những loài chuyển tiếp: tức là loài vượn-người hoặc người-vượn. Tuy nhiên, khi tìm thấy những hóa thạch như vậy, rất dễ để những người chống tiến hóa lập luận rằng đây thực chất là hóa thạch của vượn (hoặc người) không hoàn thiện (hóa thạch hàng triệu năm tuổi thì không thể nào còn đủ 100% bộ xương). Hoặc họ sẽ cho rằng đó là hóa thạch của một loài hoàn toàn khác, ngẫu nhiên có những đặc tính chung của vượn và người (nghe hơi ngang ngược nhưng cũng khó có thể cãi được). Ngày nay, các nhà sinh vật học đã dùng những kĩ thuật phân tích gen hiện đại để bảo vệ thuyết tiến hóa một cách vững chãi hơn. Tuy nhiên, bằng những cách nào đó, những người chống tiến hóa vẫn phản biện được.
Nguồn: Visible Infrared
Nguồn ảnh: Bức vẽ nổi tiếng mang tên The March Of Progress mô tả quá trình tiến hóa của con người