Ý nghĩa của việc viết

Một trong những vấn đề lớn nhất của tôi hiện tại là việc mất kết nối với thế giới con người xung quanh. Mà việc kết nối ấy dựa vào một yếu tố quan trọng đấy là sự cho đi và nhận lại.

Nguyên nhân của sự việc là do nhiều năm trước, tôi có may mắn kiếm được một khoản tiền lớn, và khoản tiền ấy đã khiến thế giới loài người nhìn tôi theo một hướng hoàn toàn khác so với con người thực sự của tôi. Họ cho rằng tôi đã thoát khỏi mọi vấn đề, và họ bám vào tôi, ai ai cũng có những vấn đề từ nhỏ đến lớn, ai ai cũng lười biếng không chịu vận động để tìm ra lời giải cho mình, ai cũng lôi cái tình của tôi với họ ra để đánh cược lấy một giải pháp nào đấy cho bản thân mình. Dần dần tôi chán, và dần dần tôi mất đi những sự kết nối tự nhiên với con người: tôi sợ cho đi, cho đi như thế nào mới là đúng, liệu mình có thất vọng nếu cho đi quá nhiều hay không… và sợ luôn cả sự nhận lại, nhận là nợ, mà nợ thì kiểu gì cũng phải trả, nhận là hạ cái tôi, nhận là mất bớt đi giá trị của con người. Tôi lại còn không phải đi làm nữa, khoản thu nhập thụ động hàng tháng làm tôi có rất nhiều thời gian rảnh. Thời gian rảnh không biết làm gì sinh ra chán nản, cộng với việc mất kết nối với loài người, tôi đâm ra hoài nghi mọi thứ trên đời này, tôi không còn tin bất kỳ cái gì cả. À, tôi tin vào chủ nghĩa hư vô, và cũng cho rằng mình đang khủng hoảng hiện sinh nữa.

Sự chán nản không hẳn là không có giá trị, tôi đã gạt con người sang một bên và lao vào tìm hiểu nghệ thuật, tôi tin rằng, với nghệ thuật, tôi sẽ nhìn thế giới, nhìn loài người và nhìn những vấn đề của bản thân theo một hướng hoàn toàn khác. Tôi tin rằng, với nghệ thuật, tôi có thể nhìn sâu hơn vào bản thể của chính mình, giúp tôi nhận ra ý nghĩa sau cùng của cuộc nhân sinh, và đạt đến trạng thái mà đại triết gia Socrate đã nói “Hiểu chính mình”. Những cuốn sách về Thiền cũng củng cố cho tôi luận điểm ấy, những trà nhân Nhật Bản, những người sống chết với nghề kiếm và những nhà thơ Basho, nhiều người trong số họ khi đi đến tận cùng của sự nghiệp, đã đạt đến trạng thái đốn ngộ (satori). Tôi cho rằng bản thân phải hiểu chính mình trước đã, hoàn toàn hiểu chính mình trước khi có thể quay lại với những vấn đề hỷ nộ ái ố với xã hội loài người xung quanh.

Nhưng mọi thứ vẫn khó hơn tôi tưởng tượng rất nhiều, một đích đến trừu tượng (satori) dường như là thứ trái ngược với chính nó bởi satori không phải là một đích đến, không phải là một mục tiêu để đạt được, nó phải là cái gì đó cao vượt lên mọi phân biệt, cao vượt lên khỏi trí năng cũng như sự tưởng tượng của tôi, một thứ trừu tượng không thể hiểu nổi với cái trí óc vẫn đang bám chặt với những vấn đề bình thường. Vậy nên tôi đã chán nản với những gì tôi học: vẽ tranh, tập đàn, viết lách hay là đọc sách, mọi thứ đều trở nên chán ngắt sau một thời gian. Tôi để mọi thứ cho trạng thái cảm xúc quyết định. Cảm xúc lên thì tôi tập luyện, cảm xúc xuống thì tôi không làm gì. Và vấn đề về con người vẫn luôn là một thứ gì đấy ám ảnh tôi, vẫn là một thứ gì đấy tôi chưa thể tìm ra cho mình lời giải.

Để có thể kết nối với con người, tôi không chỉ là dám cho đi, mà còn phải dám nhận lại nữa, nhưng tôi đang muốn nhận lại cái gì nhỉ? Tôi không biết, và tôi đang muốn cho đi cái gì nhỉ? Tôi cũng không biết luôn. Một con người đang khủng hoảng hiện sinh thì có cái gì để mà cho đi được nhỉ, một con người đang tin vào chủ nghĩa hư vô thì cũng đâu muốn nhận lại thứ gì.

Rồi đột nhiên trong một ngày Hà Nội u ám, thời tiết nồm ẩm làm cho mọi thứ trở nên chán đời hơn mọi khi, và tâm trạng tôi cũng thế. Một cô gái đã nhắn tin cho tôi những lời khuyên mà tôi đã nghe đi nghe lại, đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Cảm giác không muốn nhận lại, cộng với việc đã quá no nê những lý thuyết làm cho tôi có chút bất đồng. Tôi comment cho cô ấy “…Hình như bạn hiểu sai vấn đề rồi, tớ viết ra câu chuyện chứ có câu nào hỏi lời khuyên đâu :3…” và…

Và tự nhiên trong khi đang viết cái comment ấy, tôi thấy một cách nhìn nhận vấn đề khác nảy ra trong đầu tôi, rằng tôi thấy hay, tôi thấy câu chuyện của mình có ý nghĩa khi có thể trở thành chủ đề cho một bài viết của người khác, bỏ qua chuyện lý thuyết trong bài viết ấy có đúng đến đâu, nhưng việc trở thành cảm hứng cho một sáng tác làm tôi thấy mình nhớ lại một thứ gì đấy mà tôi đã quên đi từ lâu.

Đầu tôi lóe lên một ý tưởng, rằng tôi sẽ lao vào học nghệ thuật trở lại, rằng tôi sẽ dùng nghệ thuật để giúp người khác. Vì người khác nhiều khi cũng như tôi vậy, họ đã no nê với những lý thuyết, nhưng nếu vấn đề của họ có thể trở thành chủ đề cho một tác phẩm nghệ thuật ở bất kỳ thể loại gì: hội họa, âm nhạc hay văn học, có thể họ sẽ thấy tốt lên rất nhiều. Họ sẽ có thể vượt lên trên và nhìn ra bản chất của những những vấn đề của họ, họ sẽ thấy rằng câu chuyện của họ, những vấn đề tưởng chừng như không thể giải quyết lại có thể trở nên thật đẹp, thật nghệ thuật, thật ý nghĩa dưới một góc nhìn khác. Và biết đâu chính điều ấy mới là thứ họ thực sự muốn nhận thì sao. Và tôi nữa, tôi cũng nhận được nhiều, tôi nhận được những chủ đề hay, tôi nhận được động lực và quan trọng nhất, tôi nhận được những sự kết nối tự nhiên hơn, chân thực hơn với con người. “Hmmm, một ý tưởng thật hay, thật đẹp và

Và cũng thật ảo tưởng nữa. Cái sự u ám đã tồn tại quá lâu trong con người của tôi không cho phép bất kỳ ý gì hay và đẹp được tạo nên những kỳ vọng thái quá. Tôi đã quá quen với một nhịp điệu của hy vọng rồi lại thất vọng, của những đêm mất ngủ vì một ý tưởng hay rồi đến sáng thì vụt tắt, của những lúc đảo chiều không lường trước được của trạng thái tinh thần. Không biết lần này sẽ ra sao nhỉ? Không biết ý tưởng này sẽ đi đến đâu đây? Tôi viết tiếp “…có thể trở thành chủ đề cho cậu viết bài, thì tớ cũng thấy câu chuyện của mình có ý nghĩa rồi”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *