Có hai dạng tật nguyền, một là tật nguyền về tinh thần và dạng còn lại là tật nguyền về thể chất. Loại sau không quấy rầy ta quá nhiều một khi ta sở hữu trí óc kiên cường và lành mạnh, dù có thể nó vẫn đang tiềm ẩn và chưa được mở mang.
Có hai dạng tật nguyền, một là tật nguyền về tinh thần và dạng còn lại là tật nguyền về thể chất. Loại sau không quấy rầy ta quá nhiều một khi ta sở hữu trí óc kiên cường và lành mạnh, dù có thể nó vẫn đang tiềm ẩn và chưa được mở mang.
Trong chuyến diễn thuyết gần đây ngang qua một thung lũng miền Tây, tôi gặp được một người đàn ông rất đáng để làm quen. Tôi đã ngồi cùng xe với ông qua hàng dặm đường và trò chuyện với nhau gần ba tiếng đồng hồ, trước khi tôi phát hiện ra ông bị mù. Ngoài việc đeo kính đen ra, không có gì trong cách nói năng hay cử chỉ của ông biểu thị ông bị mù cả.
Nhưng ông hoàn toàn không bị khuyết tật về tinh thần. Ông là một trong những người nói năng lưu loát nhất tôi từng được nghe, và ông sở hữu một khả năng rất hiếm hoi, có thể nói về những vấn đề khiến người ta phải suy nghĩ, phân tích rồi kết luận.
Người mà tôi đang nhắc đến chính là Reverend Wilmore Kendall, mục sư của Nhà thờ Giám lý ở Lawton, bang Oklahoma.
Tiến sĩ Kendall mất đi thị lực khi tuổi còn rất nhỏ. Vài năm trước ông đã trình diện tại Đại học Northwestern ở Chicago vì đã trúng tuyển vào đó. Họ ngạc nhiên nhìn ông, và khi ông nói mình chỉ có đúng 35 đô-la để đóng toàn bộ tiền học phí, họ bắt đầu nghĩ ông có vấn đề!
Thật tiếc làm sao khi “vấn đề” ấy lại không xuất hiện ở nhiều người. Trường đại học từ chối cho phép ông nhập học. Ông dạo quanh tòa nhà một, hai lần, trong đầu vạch ra một kế hoạch, sau đó quay trở lại và xin họ cho ông được học thử trong ba tháng, kèm theo điều kiện nếu ông không xoay xở tốt, họ có thể loại ông.
Đa phần họ đồng ý vì lòng thương cảm, nhưng dĩ nhiên không hề trông mong ông có thể làm được và bám trụ lại.
Nhưng ông đã cho họ một vố!
Ông vượt qua được học kỳ đó và cả những học kỳ về sau cho đến khi lấy được bằng tốt nghiệp. Và bạn nghĩ ông đã xoay xở bằng cách nào để trả được tiền học phí đây?
Hãy vịn chắc tay ghế và chuẩn bị ngạc nhiên đi, hỡi những người bạn luôn kêu khóc, than van và nhiếc móc số phận đã không cho bạn cơ hội. Ông ấy đã kiếm tiền đóng học phí cho mình bằng cách ghi chép các bài giảng, sao chép chúng lại, rồi bán cho các sinh viên khác.
Sẽ luôn luôn xuất hiện một cá nhân mà mọi người còn lại trong chúng ta nên noi theo. Nếu chúng ta cũng có sự tự tin, quyết đoán, khả năng tập trung và quyết chí như người đàn ông đó, ta có thể vươn tới bất kỳ địa vị nào mình nhắm đến trong đời, và ta có thể sở hữu chúng theo cách hệt như cách ông ấy đã giành được cho mình.
Tiếp theo là mẩu tin trích từ một tờ nhật báo, kể về một trường hợp khác với khuyết tật thân thể nhưng chẳng bao giờ để bị cản bước đến thành công.
Nhiều năm về trước, một cậu bé mười lăm tuổi ở vùng Cooper đã ngã xuống đường tàu hỏa đang chạy. Khi xuất viện, cậu đã không còn gì trên người. Phần chân dưới đầu gối đã mất, cánh tay trái cũng tương tự, bàn tay phải cũng đã cụt. Cậu dường như chẳng còn nơi nào để đi ngoài khu tế bần; chẳng còn gì để trông mong ngoài một nấm mồ giữa nghĩa trang dành cho những kẻ tứ cố vô thân.
Không ai có thể mang niềm tin tuyệt đối vào Chúa nhưng lại thiếu niềm tin vào chính mình. Sự thật này sẽ ngày một sáng rõ theo thời gian, và trí óc con người sẽ bắt đầu tự bộc lộ.
Michael J. Dowling, chủ tịch của Hiệp hội Giám đốc Ngân hàng Minnesota, ứng cử viên cho vị trí thống đốc bang, đã kể lại câu chuyện cậu bé tàn tật nọ đã tránh được cả trại tế bần lẫn nghĩa trang dành cho người tứ cố vô thân kia như thế nào. Bởi ngài Dowling chính là cậu bé tàn tật đó, nay đã lớn – và vô cùng thành đạt. Với sự hỗ trợ của đôi chân giả và cánh tay trái nhân tạo, ông đã trình bày quan điểm của mình tới Hiệp hội Thương mại trong buổi tiệc trưa ở khách sạn La Salle:
“Dạng tật nguyền duy nhất vĩnh viễn và vô vọng chính là người có một cái đầu bị tê liệt. Và qua những chuyến đi, tôi đã chứng kiến những người tật nguyền vĩnh viễn trong khi cơ thể vẫn còn lành lặn. Người mất tay, chân hay mắt vẫn có thể là một thành viên hữu ích cho cộng đồng nếu anh ta được trao cơ hội điều chỉnh bản thân cho phù hợp với công việc. Rõ ràng, khuyết tật về cơ thể không ngăn cản được anh ta làm việc. Và không lý do gì một người như thế không nên kết hôn và trở thành trụ cột cho một gia đình hạnh phúc. Tay và chân gỗ không phải là của thừa hưởng – chỉ có cái đầu gỗ mới được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà thôi. Tôi có ba cô con gái và cơ thể chúng không có chỗ nào làm bằng gỗ. Tôi đã thành công một cách thích đáng. Không có lý do gì khiến những người tật nguyền nhưng tâm và đầu óc sáng suốt lại không thể thành công cả.”
Ngài Dowling nói hoàn toàn chính xác – dạng tật nguyền vĩnh viễn vô vọng duy nhất chính là người có một cái đầu bị tê liệt. Tôi không biết phương thuốc nào có thể chữa trị điều này. Nhưng rất nhiều người phải gánh chịu khiếm khuyết về trí tuệ vẫn có thể thành công nếu học cách khám phá ra những khả năng nằm trong trí não của mình.
Nếu bạn mất một hoặc cả hai cánh tay, hay thậm chí toàn bộ tay chân, vẫn có rất nhiều chuyện bạn có thể thực hiện trong đời, nếu bạn không đánh mất niềm tin vào bản thân.
Tôi kiên quyết với quan điểm rằng mình vẫn có thể sống tốt dù không có chân, tay hay thậm chí cả đôi mắt, nếu trí óc tôi vẫn nguyên vẹn và lưỡi tôi vẫn còn có thể tự do nói chuyện với máy ghi đọc Edi.
Tôi thấy vô cùng hổ thẹn khi nghĩ về Reverend Kendall ở Lawton, Oklahoma. Dù đôi mắt không nhìn thấy được, nhưng ông đã và đang tạo dựng rất nhiều điều tốt đẹp trên thế giới. Còn với đôi mắt khỏe mạnh và mọi năng lực thân thể toàn vẹn, tôi lại có thành tựu quá nhỏ bé.
Khi bạn cảm thấy có ý thương tiếc cho bản thân, hãy ra ngoài và nhìn những người như Kendall, và nhận lấy mũi tiêm kích thích hữu ích từ những người ấy. Điều đó sẽ giúp ích cho bạn.