DẪN NHẬP
Chào mọi người,
Mình thấy nhiều bạn mình quen chưa biết quyết toán thuế có lợi ích gì và quy trình quyết toán thuế ra sao, nên mình viết note này để giải thích và hướng dẫn một cách rất cơ bản những việc cần làm, dựa trên kinh nghiệm n lần đi nộp hồ sơ. Thời buổi kinh tế khó khăn, được đồng nào hay đồng nấy, hi vọng note này sẽ giúp các bạn hoàn thuế thành công!
Nội dung note được trình bày thành hai phần:
1. Lý do nên quyết toán thuế
Phần này giải thích tại sao cần quyết toán thuế, quy định khấu trừ các khoản trong thu nhập. Bạn nào muốn hiểu thêm thì đọc, còn không thì cứ bỏ qua, đọc sang phần Quy trình. Nói chứ hiểu phần này thì các bạn có thể nhẩm sơ sơ số tiền mình được hoàn thuế, coi có đủ nhiều để mình tốn công đi nộp hồ sơ không.
2. Quy trình quyết toán thuế
Phần này hướng dẫn quy trình quyết toán thuế, từ bước thu thập giấy tờ cho đến nộp hồ sơ online và nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan.
Disclaimer: Bài viết này dựa trên cơ sở một nhân viên lãnh lương hàng tháng từ công ty, không áp dụng cho các bạn làm freelancer hoặc có thu nhập khác từ nước ngoài. Bài viết chắc chắn không tránh khỏi sai sót, mọi người thấy phần nào chưa chính xác thì cứ nói mình biết nhé. Mình đã ghi ra gần như tất cả những gì mình biết, nên nếu các bạn muốn hỏi gì thì liên hệ kế toán hay bạn làm C&B bên HR tốt hơn hỏi mình ah.
Disclaimer 2: Mình xem lại note trên app Facebook for Android thì thấy những phần mới edit chưa hiện ra, còn web Facebook trên Chrome thì bị lỗi dấu khi mở, nên chắc ăn nhất là các bạn xem note trên Firefox để đảm bảo đầy đủ nội dung và dễ đọc nhé.
NỘI DUNG CHÍNH
1. Lý do nên quyết toán thuế
Đóng thuế là nghĩa vụ của công dân để góp phần xây dựng đất nước, điều này đúng ở tất cả quốc gia. Tuy nhiên nếu giàu nghèo thu nhập cao thấp khác nhau mà đóng thuế như nhau thì không được công bằng. Hiện nay Nhà nước quy định: nếu thu nhập chịu thuế trong năm (tức là thu nhập sau khi trừ bảo hiểm bắt buộc và một số khoản giảm trừ khác) lớn hơn 108 triệu thì người lao động sẽ bắt đầu đóng thuế theo hạn mức.
Dĩ nhiên Nhà nước không thể chờ hết 1 năm mới xem thu nhập trong năm của bạn là bao nhiêu rồi trừ thuế được, như vậy có thể phát sinh rất nhiều rủi ro. Do đó, Nhà nước chia khoản 108 triệu (gọi là “Giảm trừ gia cảnh bản thân”) ra theo 12 tháng, mỗi tháng 9 triệu đồng
=> Trong một tháng, thu nhập sau khi trừ bảo hiểm bắt buộc và một số khoản giảm trừ khác của người lao động mà lớn hơn 9 triệu đồng, thì người lao động sẽ bắt đầu đóng thuế theo hạn mức lũy tiến. Quy định thì tính theo năm, thực tế thì tính theo tháng (nên phần thuế trừ theo tháng được gọi là “tạm trừ thuế”), do đó sẽ xảy ra ít nhất 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Số thuế phải đóng trong năm > Tổng thuế đã đóng theo tháng => Người lao động đóng thiếu tiền thuế, phải nộp bổ sung trước ngày 31/03 nếu không sẽ bị phạt. Nói chung nếu công ty khai thuế đầy đủ và các bạn không có thu nhập ngoài luồng quá khủng thì chuyện này hầu như ít xảy ra. Với lại có xảy ra thì Cơ quan thuế sẽ chủ động tới đòi bạn, yên tâm đi lấy tiền Nhà nước không dễ đâu.
Trường hợp 2: Số thuế phải đóng trong năm < Tổng thuế đã đóng theo tháng => Người lao động đóng dư tiền thuế, có thể làm hồ sơ để yêu cầu Cơ quan thuế trả lại số thuế đã đóng dư cho mình. Đây cũng chính là nội dung chính mình muốn nói đến trong bài này.
(Còn trường hợp hai bên bằng nhau nữa nhưng thôi kệ đi bằng rồi nói làm gì)
Mình tạm thời không đi sâu vào phần hạn mức tính thuế theo lũy tiến để tránh phức tạp vấn đề. Cũng cần đề cập đến bảo hiểm bắt buộc và các khoản giảm trừ khác trong thu nhập là gì, đó là:
- Bảo hiểm xã hội: 8% (Để sau này lãnh lương hưu)
- Bảo hiểm y tế: 1.5% (Dùng khi vào bệnh viện nơi đăng ký khám chữa bệnh trên thẻ)
- Bảo hiểm thất nghiệp: 1% (Nếu bạn đã đi làm lâu thì phần BHTN này sẽ rất có giá trị, còn mới đi làm < 3 năm thì thôi đừng đụng đến nó chẳng được bao nhiêu đâu)
- Các khoản giảm trừ khác: Phổ biến nhất là “Giảm trừ người phụ thuộc”, tức là bạn chứng minh được thu nhập của bạn dùng để nuôi những người chưa đến tuổi lao động (trẻ em) hoặc đã qua tuổi lao động và không có việc làm (người già, người đã nghỉ hưu). Phần này thì mình không rõ lắm, do không có người phụ thuộc. Các bạn nên hỏi thêm kế toán cho chắc.
Bây giờ lấy ví dụ cho dễ hiểu nha:
Case Study: Lương bạn Việt mỗi tháng là 15 triệu VND, các khoản khấu trừ thu nhập được trình bày chi tiết trong bảng sau:
Như vậy, mỗi tháng Việt đóng 1.575.000đ tiền bảo hiểm bắt buộc và 221.250đ tiền thuế cá nhân. Nếu Việt đi làm cả năm đủ 12 tháng thì không có gì để nói, nhưng nếu trong năm:
- Tháng 01 năm 2019, Việt bắt đầu làm ở công ty A. Trong thời gian 2 tháng thử việc, công ty có quyền không đóng bảo hiểm cho Việt nhưng vẫn sẽ trích 10% thu nhập để nộp thuế theo quy định (này là con số quy định rồi, đừng hỏi mình tại sao). Sau khi ký hợp đồng chính thức, công ty bắt đầu đóng bảo hiểm đầy đủ cho Việt trên mức lương 15 triệu, cũng như trừ thuế theo đúng mức lũy tiến.
- Sau khi làm ở công ty A được 8 tháng thì Việt thấy không phù hợp nên xin nghỉ, từ đó đến cuối năm Việt không làm ở công ty nào nữa. Vậy là năm 2019, Việt đi làm 10 tháng thôi.
Tổng các khoản khấu trừ ĐÃ ĐÓNG trong năm của Việt được trình bày trong bảng sau:
Bây giờ là năm 2020, mình bắt đầu tính tổng thu nhập và số tiền thuế mà Việt PHẢI ĐÓNG theo quy định trong năm 2019 nhé:
– Tổng thu nhập trong năm: 15 triệu x 10 tháng = 150 triệu
– Tổng số tiền bảo hiểm đã đóng: 12,600,000
=> Thu nhập chịu thuế: 137.400.000đ > 108.000.000đ
Phần thu nhập chịu thuế sau khi giảm trừ gia cảnh bản thân:
137.400.000 – 108.000.000 = 29.400.000đ
So sánh với mức lũy tiến trong bảng sau, 29.4 triệu < 60 triệu (đang tính theo năm nên cứ nhìn cột Phần thu nhập tính thuế/năm thôi nhé)
=> Phần thuế PHẢI ĐÓNG trong năm: 29.400.000đ x 5% = 1.470.000đ
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc thì Việt ĐÃ ĐÓNG (chính xác là Công ty khấu trừ trước) số tiền thuế đến 4.770.000đ rồi.
=> Việt đóng dư và có thể được yêu cầu hoàn lại 3.300.000đ tiền thuế.
Tá đa! Các bạn thấy Việt được hoàn thuế cũng kha khá đúng không? Lý do mình lấy ví dụ hơi phức tạp như vậy là để dẫn ra một số trường hợp có thể được hoàn thuế khá nhiều, đó là:
- Không đi làm ở công ty tổ chức nào từ 1 tháng trở lên
- Công ty không đóng bảo hiểm trong thời gian thử việc nhưng vẫn trich 10% thu nhập để đóng thuế, (trong khi với mức lương của bạn thì chỉ phải đóng 5% thôi), bạn thử việc ở 2 công ty trong cùng 1 năm là được kha khá rồi đó.
- Có thay đổi giảm trừ người phụ thuộc trong năm
- Thu nhập có thay đổi lớn trong năm, vượt ra khỏi mức lũy tiến cũ
Thường chúng ta chỉ quan tâm khi nào tiền về tài khoản chứ ít khi ngó qua file payslip mà HR gửi hàng tháng, hoặc ít khi tính lại coi số tiền thực lãnh của mình có đúng như hợp đồng thỏa thuận không. Thật ra nếu bạn làm ở một công ty trọn vẹn cả năm thì rất ít khi đóng dư thuế, còn nếu bạn rơi vào một trong những trường hợp kể trên thì nên xem lại mấy file payslip và thu nhập trong cả năm, để tính sơ sơ số thuế mà mình có thể được hoàn, có thể khá nhiều đó nếu thu nhập của bạn tương đối cao.
TL;DR: Tóm tắt cách tính mình có đóng dư thuế hay không
Bạn tính mấy số sau đây, có bao nhiêu công ty thì cộng lại hết để ra tổng số
- Tổng thu nhập trong năm (A): Lương gross (lương trước thuế, trước bảo hiểm, lương trên hợp đồng), thưởng (lương tháng 13, thưởng năm tài chính, commission, incentives, etc.)
- Tổng số tiền bảo hiểm bắt buộc Công ty đã đóng (B): BHXH, BHYT, BHTN
- Tổng số tiền thuế Công ty đã đóng (X): thuế đóng mỗi tháng, thuế của tiền thưởng cuối năm, nói chung khoản thu nhập nào bị tính thuế thì phần thuế đó cộng vô đây hết.
Đầu tiên lấy A – B = C (Thu nhập chịu thuế trước giảm trừ).
Lấy C – 108 triệu – Giảm trừ người phụ thuộc nếu có = D (Thu nhập chịu thuế sau giảm trừ)
Lấy D so sánh với khung hạn mức trong bảng lũy tiến. Ở đây mình giải thích luôn thế nào là lũy tiến. Ví dụ D = 50 triệu thì ta lấy (50 triệu x 5%) ra số thuế phải đóng (do 50 triệu < 60 triệu). Nhưng khi D = 72 triệu thì sao? Không phải cứ lấy 72 x 10% nha, tính vậy ai chơi, phải là (60 x 5%) + (12 x 10%), tức là chỉ lấy phần hơn 60 triệu để áp dụng vô khung mới, chứ không phải là toàn bộ số D. Nói chứ khi bạn giàu cỡ đó rồi thì thuê mình đi mình làm hoàn thuế cho, service charge 10% thôi à.
Bây giờ so sánh D với X. Nếu X > D thì chúc mừng, trong năm qua bạn đã đóng thuế nhiều hơn số thuế cần phải đóng và có thể tự tin làm hồ sơ claim hoàn thuế được rồi. Yeah yeah!
Phần này mình gõ vậy mà các bạn vẫn không hiểu lắm thì thôi nhảy qua phần sau làm luôn đi.
2. Quy trình quyết toán thuế
Tóm tắt quy trình quyết toán thuế nó như này:
Bước 1: Thu thập tất cả giấy tờ chứng minh thu nhập
Bước 2: Điền và gửi Tờ khai thuế online
Bước 3: Nộp hard copy các giấy tờ hồ sơ tại Cơ quan thuế
Giờ mình đi vào chi tiết nhé
BƯỚC MỘT
Nếu bạn chỉ làm 1 công ty trong năm thì quá khỏe, còn nếu bạn làm nhiều công ty, kể cả chỉ làm trong thời gian ngắn, nhưng hễ có phát sinh thu nhập và công ty có đóng thuế, đóng bảo hiểm cho bạn thì bạn phải lấy được giấy tờ hóa đơn xác minh thu nhập từ công ty.
Cung cấp giấy tờ hóa đơn xác minh thu nhập là trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động, nên bạn chỉ cần gọi hoặc gửi email về cho bộ phận phụ trách của công ty (HR hoặc Kế Toán), nội dung có thể như email mình đã viết:
“Subject: Hóa đơn thu nhập quyết toán thuế 2019
Dear Hà Hồ,
Mình là Lê Duy Khang, mình có làm việc tại ABC từ ngày dd/mm/yyyy đến ngày dd/mm/yyyy với vị trí XYZ. Mình gửi email này để nhờ Hà xuất hóa đơn thu nhập cá nhân của mình trong năm 2019. Thông tin của mình như sau:
Số CMND:
Ngày cấp:
Nơi cấp:
Số điện thoại:
Cần thêm thông tin gì Hà cứ nhắn mình nhé.
Cám ơn Hà nhiều, (Mong Hà mau ra bài hát mới)
Khang.”
Công ty sẽ cần những thông tin trên CMND và số điện thoại của bạn để ghi vào hóa đơn, đúng là họ có thể tự dò ra trong file thông tin nhân viên nhưng bạn không phải là người duy nhất yêu cầu mấy giấy tờ này đâu. Be nice and precise!
Nếu thuận lợi thì sau khoảng 1 tuần bạn sẽ nhận được các thể loại giấy tờ có liên quan. Bạn phải trực tiếp lên nhận nhé vì cần ký xác nhận, trừ khi bạn rất thân với Công ty cũ. Hồi đó mình làm quận 12 chạy về công ty cũ bao xa luôn oe oe.
Thường sẽ có 2 loại giấy tờ trong phong bì bạn nhận từ Công ty:
1 là Hóa đơn thu nhập (nhìn giống y chang như hóa đơn đỏ): trong đây có ghi Tổng thu nhập phát sinh tại Công ty và Tổng số tiền thuế Công ty đã đóng cho bạn.
2 là Thư xác nhận thu nhập (mẫu tùy công ty, miễn sao có dấu mộc công ty và chữ ký người đại diện): trong đây có ghi Tổng thu nhập phát sinh tại Công ty và Tổng số tiền bảo hiểm Công ty đã đóng cho bạn.
Nói chung khi có đầy đủ giấy tờ từ tất cả các công ty mà bạn làm việc trong năm thì bạn có thể tự tính được số thuế mình sẽ được hoàn lại rồi.
BƯỚC HAI
Có hơi nhiều bước, mình chỉ có kinh nghiệm với các bạn làm Công ty ở TP.HCM thôi nha.
– Truy cập website: https://thuedientu.gdt.gov.vn/
– Chọn mục Cá Nhân nằm bên phải. Giao diện ra như thế này
– Chọn tiếp mục Tra cứu thông tin NNT (NNT = Người nộp thuế)
– Nhập số CMND để kiểm tra thông tin, ghi nhớ MST, Ngày cấp MST, và Cơ quan thuế đăng ký ở quận huyện tỉnh thành nào.
Đây là thông tin của mình, tài khoản Thuế mở tại Cục Thuế TPHCM
Đây là thông tin của bạn mình, bạn mình cũng làm ở TPHCM nhưng lúc mở tài khoản đóng thuế thì Công ty đăng ký ở Hanoi, Cục Thuế quản lý ở quận Đống Đa.
– Chọn mục Đăng nhập phía trên bên phải, nhập MST và chọn Tiếp tục
– Nhập đầy đủ các thông tin MST, Ngày cấp, Cơ quan thuế Tỉnh/Thành phố và Cơ quan thuế quản lý theo đúng như thông tin đã tra cứu.
Mình thì đơn giản rồi, chọn cả hai đều là Cục Thuế TPHCM
Còn trường hợp của bạn mình sẽ chọn như sau
Sau khi đăng nhập, giao diện sẽ trông như thế này
Chọn tiếp Quyết toán thuế => Kê khai trực tuyến => Điền đầy đủ thông tin
Tên người gửi: Điền tên đầy đủ, có dấu
Địa chỉ liên hệ: Điền địa chỉ liên hệ ở Saigon cũng được, không cần phải là địa chỉ trên hộ khẩu thường trú.
Điện thoại liên lạc và Địa chỉ email: Điền chính xác dùm
Chọn tờ khai: Chọn tờ 02/QTT-TNCN
CHỌN CƠ QUAN QUYẾT TOÁN THUẾ: Phần này quan trọng, đây là phần quyết định bạn sẽ xách hồ sơ đi nộp ở đâu.
Chọn: “Tích vào ô này nếu người nộp thuế không trực tiếp khai thuế trong năm (đã khấu trừ tại nguồn). Sau đó khai thông tin về việc thay đổi nơi làm việc”. Lý do chọn: công ty đã khấu trừ thuế tại nguồn, tức là đã đóng thuế trước khi thu nhập về đến tay bạn rồi.
Tiếp theo: Trong năm khai thuế (ví dụ năm 2019) bạn có thay đổi nơi làm việc không? Nếu bạn chỉ làm 1 công ty và đã nghỉ công ty đó trong năm 2019 thì vẫn tính là không có thay đổi nơi làm việc. Còn nếu trong năm bạn làm từ 2 công ty trở lên thì chọn CÓ thay đổi nơi làm việc trong năm khai thuế.
- Trường hợp CÓ thay đổi nơi làm việc trong năm 2019:
Tại thời điểm quyết toán, tức là thời điểm làm cái hồ sơ này nè, có đang đi làm ở đâu không?
Nếu có thì nhập MST của công ty, tổ chức mà mình đang làm việc vô ô trống số 1
Nếu không thì chọn Cơ quan thuế ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trong hai ô trống số 2. (Lưu ý chỗ này chọn theo hộ khẩu tạm trú vẫn được nhé, nếu bạn có giấy tờ tạm trú tại địa phương đó, mang theo giấy tạm trú bản sao có công chứng lúc đi nộp hồ sơ). Ví dụ bạn Việt quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thì chọn trong hai ô: tỉnh Tiền Giang – Huyện Cái Bè.
- Trường hợp KHÔNG CÓ thay đổi nơi làm việc trong năm 2019
Hỏi tương tự, tại thời điểm quyết toán, tức là thời điểm làm cái hồ sơ này nè, còn đang làm ở công ty đó không?
Nếu có thì nhập MST của công ty, tổ chức mà mình vẫn làm từ năm ngoái tới bây giờ vô ô trống số 3
Nếu không thì chọn Cơ quan thuế ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.
Quay lại với bạn Việt, với những dữ kiện như trên, nếu tại thời điểm quyết toán (tháng 03 năm 2020), Việt không làm ở một công ty nào khác, thì Việt sẽ chọn lần lượt các mục: “ĐÃ khấu trừ tại nguồn – KHÔNG thay đổi nơi làm việc – Nhập thông tin Cơ quan thuế tại NƠI ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ HOẶC TẠM TRÚ”.
Còn nếu trong năm 2019 Việt đi làm ở hai công ty, hiện nay vẫn còn làm ở công ty thứ hai thì Việt chọn: “ĐÃ khấu trừ tại nguồn – CÓ thay đổi nơi làm việc – Nhập MST Công ty hiện tại.”
NHẮC LẠI: Nhớ chọn chỗ này cho đúng, vì đây là chỗ bạn sẽ nộp hồ sơ bản cứng luôn. Kinh nghiệm của mình là nếu không gấp thì có thể đợi đến khi có việc mới rồi nộp, như vậy bạn có thể mang lên nộp cho Cục Thuế thành phố HCM ở đường Vũ Tông Phan Quận 2 luôn. Chứ nộp về địa phương thì hơi cực đó do địa phương (có vẻ) không quen xử lý những hồ sơ của công ty ở TPHCM. Nếu bạn chọn sai và hồ sơ bị từ chối thì phải về làm lại bước nộp online tới đúng CQT theo quy định và in ra nộp lại cho CQT đó.
Sau khi chọn Tiếp tục thì bạn sẽ thấy một TỜ KHAI THUẾ gồm khoảng 49 mục, yên tâm đi không cần điền hết 49 mục đâu, chỉ cần chú ý những mục sau:
[4] [5]: Kiểm tra họ tên và MST coi đúng không
[6][7][8]: Điền theo hộ khẩu thường trú trong trường hợp bạn về Cơ quan thuế địa phương để nộp. Còn nếu bạn đang làm ở một công ty ở TPHCM rồi thì chỗ này điền địa chỉ ở Saigon cũng được.
[9][11]: Điền cho đúng
[12][13]: Chú ý điền cho đúng nha, sai không nhận được tiền ráng chịu à, mục [11] nên ghi đủ cả” Tên NH – Chi nhánh – Thành phố”, ví dụ như mình ghi TPBank – CN Quận 4 – HCM
CHÚ Ý PHẦN DƯỚI ĐÂY LÀ HƯỚNG DẪN CHO NGƯỜI CHỈ CÓ MỘT NGUỒN THU NHẬP HÀNG THÁNG TỪ CÔNG TY VÀ KHÔNG CÓ NGUỒN THU KHÁC TỪ NƯỚC NGOÀI HOẶC FREELANCE KHÔNG KHAI THUẾ
[23]: Điền Tổng TNCT phát sinh tại Việt Nam, làm bao nhiêu công ty thì lấy bấy nhiêu cộng lại ra tổng. Việt sẽ điền chỗ này là 150.000.000
[32]: Điền Tổng số tiền bảo hiểm bắt buộc mà Công ty đã đóng, trong thư xác nhận thu nhập có ghi số này, bao nhiêu tờ thì cộng bấy nhiêu. Việt sẽ điền chỗ này là 12.600.000
Giờ mục [34] sẽ tự nhảy ra thu nhập chịu thuế và chỗ [35] sẽ tự nhảy ra số thuế phải đóng trong năm. Đó là mình làm xong phần THUẾ PHẢI ĐÓNG TRONG NĂM nha.
Giờ tới phần THUẾ ĐÃ ĐÓNG (Hay phần thuế mà Công ty đã khấu trừ trước trong thời gian làm việc)
[37]: Điền Tổng số tiền thuế Công ty đã khấu trừ. Việt sẽ điền chỗ này là 4.770.000
Giờ ở mục [45][46] sẽ tự nhảy ra số tiền thuế đã đóng dư của năm 2019.
Tới đây có một bước RẤT QUAN TRỌNG, đó là các bạn nhập y chang số tiền ở mục [46] vào mục [47] để yêu cầu số thuế này hoàn vào tài khoản NH của bạn, nếu không thì tiền không về đâu nha.
Vậy là xong phần điền thông tin rồi đó, dĩ nhiên là trong trường hợp bạn có người phụ thuộc hay có thu nhập phát sinh ở nước ngoài thì vui lòng hỏi thêm kế toán hoặc chị phụ trách C&B bên HR để điền cho đủ nha.
Sau khi điền xong xuôi rồi thì chọn Hoàn thành kê khai, nó sẽ ra một bản đầy đủ để bạn kiểm tra lại lần cuối.
Kéo xuống cuối trang, chọn Kết xuất XML để tải file về nhưng yên tâm là máy bình thường không có đọc được file này đâu, nên sau khi tải xong thì nhấn Ctrl+P để in trang này ra PDF, chọn in hai mặt cho đẹp.
Bước cuối cùng là chọn Nộp tờ khai rồi gõ thêm một lượt CAPTCHA.
Vậy là xong rồi đó yeah yeah!
BƯỚC BA
Bạn chuẩn bị các giấy tờ sau đây, mang lên Cơ quan thuế mà bạn đã chọn ở trên để nộp (Tới đó người ta hỏi đi đâu thì nói đi Quyết toán thuế cá nhân nha)
- Bản Photo CMND
2. Bản Photo không cần công chứng + bản gốc hóa đơn thu nhập
3. Bản Photo không cần công chứng + bản gốc Thư xác nhận thu nhập
4. Tờ khai thuế theo mẫu, là cái bản mà bạn vừa điền ở trên đấy, in nó ra.
5. Bản sao sổ hộ khẩu nếu nộp tại địa phương / Bản sao giấy tờ tạm trú nếu nộp tại địa phương tạm trú
6. Các giấy tờ chứng minh người phụ thuộc (cái này mình không rành lắm, bạn nào có người phụ thuộc nên hỏi thêm)
Rồi tới đây nếu bạn ăn ở tốt thì nộp cái là được, còn nếu xui rủi thì… người ta nói bạn còn thiếu còn sai cái gì thì về nhà bổ sung đem nộp lại hén. Một số Công ty có hỗ trợ nhân viên quyết toán thuế, một số thì không, bạn nên hỏi công ty có quyết toán thuế cho bạn không nhé. Hoặc bạn đang nghỉ không làm công ty nào thì phải tự đi quyết toán thôi. Bạn có quen biết ai làm Kế toán hay C&B thì đưa cho người ta coi một cái trước khi nộp nha để tránh mất tiền không đáng.
Lời cuối cùng mình muốn nói là: mình lấy một ví dụ rất điển hình cho các bạn thấy tiền hoàn thuế có thể khá nhiều, nhưng trên thực tế không phải ai cũng “đóng dư” nhiều vậy, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, nên lời khuyên của mình là hãy để ý thu nhập và các khoản khấu trừ hàng tháng của mình, sau đó nhẩm thử mình có được hoàn thuế nhiều hay không theo mấy phép tính trong phần 01. Nếu bạn đóng thiếu thì CQT sẽ tới đòi, còn nếu bạn đóng dư thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán để được hoàn thuế là 5 năm, nên tranh thủ làm tầm tháng 03, tháng 04 vì lúc đó các Công ty có đợt chốt sổ sách, họ có thể issue ra hóa đơn thu nhập cho bạn ngay.
Gõ tới đây mệt muốn xỉu, tự thấy mình có tâm quá trời quá đất, hi vọng là mình hiểu đúng để viết cho đúng. Đây chỉ là tài liệu tham khảo thôi, nguồn đáng tin nhất vẫn là team Kế toán và team C&B của Công ty. Các bạn có thắc mắc gì về quy trình thì google số điện thoại của CQT chọn Ext Line Hỗ trợ người nộp thuế để hỏi thêm nhé.
Chúc các bạn may mắn và hoàn thuế được nhiều tiền hehe ^^
https://www.facebook.com/notes/khang-duy-l%C3%AA/h%C3%A0nh-tr%C3%ACnh-quy%E1%BA%BFt-to%C3%A1n-thu%E1%BA%BF-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-%C4%91%E1%BB%93ng-n%C3%A0o-hay-%C4%91%E1%BB%93ng-%C4%91%C3%B3/718154298925174/