Quần thể lăng mộ giữa lòng Seoul

[Có thể bạn chưa biết] Ở giữa thủ đô Seoul Hàn Quốc, ngay trung tâm quận Kang Nam sầm uất có một quần thể lăng mộ được phục dựng và gìn giữ cẩn thận.

[Mình có chia nhỏ nội dung bài vào từng ảnh, mọi người có thể bấm vào ảnh để dễ hiểu nội dung hơn nhé]

===

3 lăng mộ gồm Tuyên Lăng, Tĩnh Lăng và mộ của Trinh Hiển vương hậu thuộc cùng một quần thể và toạ lạc ngay giữa quận Kang Nam phồn hoa.

Tuyên Lăng là lăng mộ của vua Thành Tông – vị vua Triề u Tiên đời thứ 9.

Trinh Hiển vương hậu là vị vương hậu thứ 3 của vua Thành Tông.

Tĩnh Lăng là mộ của vua Trung Tông – vị vua Triều Tiên đời thứ 11, đồng thời là con trai của vua Thành Tông và Trinh Hiển vương hậu.

Về cấu trúc, quần thể mộ được chia làm 2 nửa.

Bên trái là cụm hai ngôi mộ cùng hướng về một đình thờ chung. Cách bài trí này được gọi là đồng nguyên nhị cương lăng. Trong đó ngoài cùng bên trái là mộ của vua Thành Tông, tiếp đến là mộ của Trinh Hiển hoàng hậu. Theo giải thích của nhân viên hướng dẫn thì trong văn hoá truyền thống có khái niệm “Tây Phương cực lạc” để chỉ một thế giới của thần tiên linh thiêng. Do đó trong nghi lễ thờ cúng thì bài vị và lăng mộ của người có quyền lực cao nhất sẽ đặt ở phía tây, sau đó lần lượt tới từng người thấp hơn. Tương tự ở đây vua Thành Tông là người có địa vị cao nhất nên mộ của ông được đặt ở phía tây – tức ngoài cùng bên trái.

Đứng lẻ ngoài cùng bên phải là mộ của vua Trung Tông, được xây theo hình thức một mộ kèm với một đình thờ.

[Mình có vẽ sơ đồ phả hệ, mọi người bấm vào để dễ hình dung hơn nhé]

  • Vua Thành Tông là vị vua thứ 9 của Triều Tiên. Vua Thành Tông có công trong việc xây dựng và ban bố hệ thống luật pháp nhất quán dựa trên nền tảng Nho giáo, coi trọng người tài, nỗ lực ổn định triều chính và giảm thiểu tập trung quyền lực vào tay của các dòng tộc công thần.
  • Vua Thành Tông có 3 vị vương hậu. Cần chú ý là mỗi thời điểm chỉ được có một vương hậu (nếu người trước vì lí do nào đó không còn giữ được tước vị thì mới sắc phong vị vương hậu mới)
  • Cung Huệ vương hậu là vương hậu đầu tiên của Vua Thành Tông nhưng bà không có được sự sủng ái của nhà vua. Dù vậy có nhiều ghi chép cho thấy bà đối xử rất tốt với các vị hậu cung khác và hay ban thưởng nhiều áo váy trang sức cho họ. Cung Huệ vương hậu mất sớm khi chỉ mới 19 tuổi và không có con với vua. Sử quan gọi bà là Hiền phi.
  • Sau khi Cung Huệ vương hậu qua đời, Doãn thục phi được tấn phong lên vị trí Vương hậu, sau đó sinh ra Yên Sơn Quân – người được chọn để kế thừa ngôi vua. Bà được lịch sử ghi lại là có nhan sắc diễm lệ và được sủng ái, nhưng lại có tính ghen tuông đố kị, đánh mất phẩm giá nên bị phế truất chỉ 3 năm sau khi được tấn phong. Có một số tài liệu nhắc đến việc bà tìm cách hãm hại các phi tần khác. Dù Doãn thục phi bị phế truất nhưng Yên Sơn quân vẫn giữ được tước vị thế tử. Tuy nhiên, vua Trung Tông và quần thần lo sợ rằng nếu Yên Sơn Quân lên ngôi, Doãn thục phi sẽ gây hại cho xã tắc với vai trò mẹ ruột của vị vua mới. Do đó 3 năm sau khi bị phế truất (tức năm 1482), Doãn thục phi được ban chết bằng thuốc độc.

Tới năm 1504, con trai bà là Yên Sơn Quân (vị vua thứ 10 của Triều Tiên) đã khôi phục thân phận của Doãn thục phi và truy phong bà là Tề Hiến hoàng hậu, và cho người tu sửa ngôi mộ của bà theo đúng quy cách hoàng lăng.

  • Vị vương hậu thứ ba của vua thành tông là Trinh Hiển vương hậu, được tấn phong lên ngôi vương hậu sau khi Doãn thục phi bị phế truất. Trinh Hiển vương hậu nhìn thấy kết cục bi thảm của Doãn thục Phi nên bà đối xử rất rộng lượng với vua Thành Tông, tới mức nhà vua đã nói rằng “Thật may vì có vương hậu, ta cảm thấy thật an lòng”. Bà sinh ra vị vua thứ 11 của Triều Tiên là vua Trung Tông

Sau khi Doãn thục phi chết, Trinh Hiển vương hậu đã nuôi dạy Yên Sơn Quân (khi đó mới 6 tuổi) như con ruột. Yên Sơn Quân cũng nghĩ rằng bà là mẹ đẻ của mình mà lớn lên.

  • Năm 1494, vua Thành Tông qua đời, Yên Sơn Quân kế thừa ngôi vua. Ban đầu, Yên Sơn Quân được xem là một người anh minh hoà nhã nhưng sau đó trở thành một vị bạo quân. Lí do vì trong quá trình xây lăng mộ cho cha mình là vua Thành Tông, Yên Sơn Quân có đọc được ghi chép về công lao của vua Thành Tông và biết được sự thật về Doãn thục phi mẹ mình cũng như toàn bộ quá trình bị phế truất và ban thuốc độc. Từ đó Yên Sơn quân bắt đầu một loạt các cuộc tranh trừng giết hại những vị đại thần và hậu cung dưới thời cha ông mà đã tham gia vào phế truất và bức tử mẹ ruột của ông. Cụ thể, có ghi chép kể lại Yên Sơn quân đã cho người đánh chết hai vị quý nhân có liên quan đến cái chết Doãn thục phi, sau đó cầm kiếm đi tới cung của Trinh Hiển vương hậu và ra lệnh cho bà bước ra ngoài. Tuy nhiên ông đã không làm hại vương hậu. Và mặc dù cha của Trinh Hiển vương hậu đã đứng đầu trong việc phản đối khôi phục thân phận cho Doãn thục phi thì Yên Sơn Quân vẫn không hề đánh mất sự trọng đãi với Trinh Hiển vương hậu. Tới năm 1504, Yên Sơn Quân truy phong cho Doãn phế phi làm Tề Hiến vương hậu.

Năm 1506, các đại thần phản đối chính sách tàn bạo của Yên Sơn Quân đã tiến hành cuộc “Trung Tông phản chính”, phế truất Yên Sơn Quân và đưa Trung Tông (con trai của Trinh Hiển vương hậu, em cùng cha khác mẹ với Yên Sơn Quân) lên ngôi vua, đồng thời hạ cấp bậc lăng mộ của Doãn thục phi và chuyển ngôi mộ này tới thành phố Goyang (cách Seoul 40km). Yên Sơn Quân bị lưu đày và mất tháng 11 năm 1506 (thọ 29 tuổi). Kết cục thì mộ của Doãn phế phi có kiến trúc tinh xảo và hoành tráng theo cấp bậc hoàng lăng (do Yên Sơn Quân tu bổ), còn mộ của Yên Sơn quân thì rất giản dị sơ sài. Yên Sơn Quân (cùng với Quang Hải Quân) cũng là một trong 2 vị vua của Triều Tiên không được thờ ở từ đường hoàng tộc cũng như không được lịch sử và đời sau gọi là vua (mặc dù họ có thời gian cai trị nhưng họ chỉ được sử sách gọi bằng tước vị Quân – tức tước vị khi còn là thái tử chưa lên ngôi vua).

Trung Tông là con trai của vua Thành Tông với Trinh Hiển vương hậu, và là em cùng cha khác mẹ với Yên Sơn quân. Sau khi quần thần tiến hành phản chính phế truất vị bạo quân Yên Sơn Quân, Trung Tông chính thức lên ngôi vua thứ 11 của Triều Tiên. Ông đã cố gắng sửa đổi nền chính trị sai lầm của Yên Sơn Quân và thực hiện một nền chính trị lí tưởng mới. Vua Trung Tông đã trọng dụng Triệu Quang Tổ – một người theo đuổi cải cách chính trị, hạn chế tập trung quyền lực vào tay những người đã đưa vua lên ngôi, coi trọng những hiền tài xuất thân từ khoa cử. Tuy nhiên những chính sách cấp tiến như loại bỏ lễ tế Đạo giáo, xoá bỏ tình trạng làm giả thành tích đã dẫn đến cuộc phản loạn lớn và Kỉ Mão sĩ hoạ (do những tác động và ảnh hưởng của phái quan lại bảo thủ từng góp phần đưa Trung Tông lên ngai vàng mà Trung Tông đã xử tội và lưu đày Triệu Quang Tổ cùng những người theo phái cải cách cấp tiến). Tuy nhiên với việc thực thi “hương ước”(quy ước, điều lệ của một cộng đồng sống tại một khu vực) trên phạm vi toàn quốc thì đã thiết lập được trật tự nông thôn theo kiểu Nho giáo, phát triển nghề in, biên soạn được nhiều thư tịch. Về kinh tế, ông có nhiều cố gắng như khuyến khích sử dụng tiền xu và thống nhất đơn vị đo lường, cấm xa hoa hoang phí. Đặc biệt, Trung Tông chính là người đã bổ nhiệm Dae Jang Geum làm ngự y nữ đầu tiên cho nhà vua. Vua Trung Tông hưởng thọ 56 tuổi. Nhìn chung ông được đánh giá là một nhà vua lãnh đạo tốt, nỗ lực cải cách nhưng ông bị chi phối và hạn chế nhiều bởi những người đã đưa ông lên ngôi.

  • Vua Trung Tông lần lượt có 3 vị vương hậu. Nhưng cuối cùng ông vẫn không được chôn cất gần những vị vương hậu của mình.
  • Đoan Kính vương hậu là vị vương hậu đầu tiên của vua Trung Tông. Bà là thanh mai trúc mã lớn hơn vua Trung Tông 1 tuổi. Bà được gả cho Trung Tông khi vẫn chưa lên ngôi vua. Sau “Trung Tông phản chính”, bà được lên làm vương hậu nhưng đã bị phế truất chỉ 7 ngày sau đó. Do cô ruột của bà là vợ của Yên Sơn Quân, còn cha ruột của bà là cận thần theo phe Yên Sơn Quân và đã bị giết trong đêm phản chính. Nên các công thần đã buộc nhà vua phải phế bỏ và trục xuất bà. Phải đến hơn 200 năm sau, ở đời vua Triều Tiên thứ 21 bà mới được truy phong lại thành Đoan Kính vương hậu.
  • Sau khi Đoan Kính vương hậu bị phế truất, Chương Kính vương hậu được tấn phong. Sau khi sinh ra người kế thừa ngôi vị thứ 12(vua Nhân Tông sau này) thì bà bị hậu sản và mất ở tuổi 25.
  • Tiếp đó, Văn Định vương hậu được sắc phong. Bà là mẹ ruột của vị vua Triều Tiên đời thứ 13 – vua Minh Tông (vua Nhân Tông trị vì được 8 tháng thì mất sớm vì bệnh nên em trai cùng cha khác mẹ là Minh Tông kế thừa ngôi vị).

Ban đầu, mộ của vua Trung Tông (gọi là Tĩnh Lăng) được đặt ở Tây Tam Lăng nơi có mộ của vị vương hậu thứ hai là Chương Kính vương hậu(thuộc địa phận thành phố Goyang cách Seoul 40km). Tuy nhiên do Văn Định vương hậu (vị vương hậu thứ 3) muốn sau này khi chết đi sẽ được chôn cùng vua nên bà đã cho dời mộ vua Trung Tông về Seoul. Song khu mộ vua Trung Tông có địa thế thấp, thường xuyên xảy ra ngập lụt, nên cuối cùng Văn Định vương hậu đã không được mai táng ở cạnh vua Trung Tông như mong muốn của bà. Mộ của bà được đặt ở phía Bắc thành phố Seoul, cách mộ vua Trung Tông khoảng 20km. Vậy là cuối cùng, vua Trung Tông có 3 bị vương hậu nhưng Tĩnh Lăng của ông lại được đặt một mình, không ở cạnh người vợ nào.

Hai vị đích tử của ông là vua Nhân Tông và vua Minh Tông cũng lần lượt qua đời ở độ tuổi 30 mà không có người nối dõi. Do đó đại thần trong triều đã chọn con của một vị vương tử khác để lên ngôi vua (Tức là vị vương tử kia cùng vai về với Nhân Tông và Minh Tông nhưng do phi tần sinh ra. Người này có một con trai. Và người con trai đó – tức cháu của Trung Tông đã được chọn để trở thành vị vua kế tiếp). Đây là lần đầu tiên người kế vị Triều Tiên không phải là vương tử do Vương hậu sinh ra.

===

Ps:

Nguồn bài viết 70% mình dịch và tổng hợp từ tài liệu tiếng Hàn của Ban quản lý cố cung và lăng tẩm Hàn Quốc.

30% từ wikipedia.

Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *