Có nên chạy trốn trước mọi sự khổ đau: Điều gì làm cho hạnh phúc thực sự có ý nghĩa?

Cách đây mới khoảng một trăm năm trước, một vài nhà thơ và một vài nhà tư tưởng bắt đầu tuyên bố, đời sống là đau khổ.

Điều dạy dỗ này cũ rích và đáng ngạc nhiên. Những kẻ đầu tiên nêu vấn đề: Byron, Leconte de Lisle, Schopenhauer, Poe, Kierkegaard, Baudelaire nhắc lại những gì người Trung Hoa cổ, người Ấn, người Ai Cập, người Hy Lạp, người Thiên Chúa giáo cổ đã nói.

Điều dạy dỗ này nhanh chóng lan truyền, xé rách tả tơi cái quan niệm đời là niềm vui. Ngày nay, phần lớn mọi người đều rõ, chẳng có lý do gì để ta tin rằng cuộc đời là sự thật, là cái đẹp, cái tốt, cái thánh thiện, là niềm vui.

Sự việc không phải ở chỗ, các nếp nhăn xuất hiện trên mặt ta như của người Trung Hoa cách đây 5 nghìn năm; cũng không phải ở chỗ ta đã bị hạnh phúc hành hạ; mắt ta mờ, trí óc ta mệt mỏi, lưng ta còng xuống, và ta bắt đầu chán chường, buông thả rồi chết, như những người Hy Lạp, người Ấn, người Thiên Chúa giáo cổ.

Bàn tay của bà cụ già xương xẩu, chai sạn, khô héo run rẩy không phải vì lao động nhiều. Đấy là bàn tay giơ về phía niềm vui. Khuôn mặt chưa bao giờ tỏ ra chân thành một cách cảm động đến thế. Nhìn bàn tay ấy thực thể lạc quan nhất của cõi nhân gian cũng phải giật mình.

Suy cho cùng, bàn tay của chúng ta đều sẽ trở thành thế, một bàn tay già nua tội nghiệp, buồn bã, mệt mỏi, cô đơn. Không cách nào giúp, thay đổi cũng không. Điều duy nhất con người có thể làm như Dostoyevsky, phủ phục và rên rỉ: không phải trước ngươi, mà trước toàn bộ sự đau khổ của nhân loại!

Khi cách đây một trăm năm, một lần nữa người ta nhận ra cuộc đời là đau khổ, nhưng không nghĩ thêm ra điều gì khác ngoài bàn tay của bà cụ già. Và tình thế từ bấy đến nay chỉ thay đổi ở chỗ, một bộ phận nhân loại khăng khăng bám vào chủ nghĩa lạc quan. Họ cố gắng tin vào ảo ảnh cuộc sống là niềm vui.

Bộ phận nhỏ bé khác của loài người – khi nhìn thấy bàn tay cụ già – chợt hiểu ra sự thật thời cổ đại, hiểu ra tư tưởng của triết học Ấn Độ, của bi kịch Hy Lạp, của tôn giáo Ai Cập, của tinh thần Thiên Chúa giáo.

Số phận của con người lơ lửng như một sợi tóc trước vực thẳm đáng sợ và đầy rẫy những vấn đề đen tối, đời sống quả là một sự khủng khiếp. Những kẻ phủ nhận đau khổ của đời sống bằng lời, đành lấy hành động của họ ra để chứng minh. Bằng cách, dùng toàn bộ sức lực của mình chiến thắng sự đau khổ. Xét về phương diện cá nhân con người có thể tự bò ra khỏi sự đau khổ. Không nhất thiết phải nghĩ đến việc theo thời gian người ta đã nghĩ ra bao nhiêu công cụ để chống lại sự đau khổ, và người ta bảo vệ nhau như thế nào để có thể cào cấu được chút ít niềm vui.

Một trong những công cụ như thế trước hết là nền kinh tế. Ở đây có đủ chủng loại và giới tính của sự hưởng thụ. Rồi đến các loại nhân sinh quan khác nhau để con người có thể ru ngủ mình trong ảo tưởng một cách dễ chịu. Toàn bộ những sự vật sự việc này đều ở mức độ thấp, thông thường và tầm phào.

Nhưng có những phương cách cao hơn và khó hơn, khi con người tự rút mình ra khỏi nỗi đau khổ và tìm cách chống đỡ lại nó. Một số nhánh nhất định của Yoga phương Đông làm được điều này.

Nếu một kẻ nào đấy tích lũy kinh tế, hoặc thả mình vào các dạng hưởng thụ, hoặc xây dựng một ẩn náu thế giới quan, kẻ đó thử một cách vô thức tránh né sự đau khổ.

Còn các dạng Yoga khác nhau lại trực tiếp tránh đau khổ một cách có ý thức. Bằng cách: với thứ kỷ luật thường xuyên bứt khỏi bản thân mình những thứ làm mình đau. Nhưng cho dù phương pháp tầm thường và vô thức, hay phương pháp cao cấp và có ý thức, kết quả vẫn chỉ là một: con người nâng mình lên khỏi sự sống đau khổ và đạt tới trạng thái hạnh phúc. Ai cũng biết, điều này không phải không làm được. Và ai cũng biết, ta tự do làm điều đó. Nhưng một trong những nỗi nguy hiểm của sự việc này không phải ở đoạn cuối mà chính ở đoạn giữa các tình huống.

Truyền thuyết kể rằng có bốn nhà thông thái cầu nguyện đến chừng nào xảy ra điều họ mong thỏa mãn thì thôi: lên thiên đường cùng những kẻ đã được cứu rỗi. Họ có thể ở cả ngày với những kẻ hạnh phúc, từ lúc bình minh lên đến khi mặt trời lặn họ có thể nếm trải mùi vị thiên đường.

Kẻ thông thái đầu tiên không chịu được trạng thái này và lăn ra chết; kẻ thứ hai mắc chứng rối loạn tâm thần; kẻ thứ ba khóa trái ấn tượng này vào bản thân và giữ độc quyền niềm hạnh phúc đã giành giật được cho đến hết đời. Chỉ kẻ thông thái thứ tư bỏ đi một cách lành lặn khi sử dụng những gì có được giúp đỡ những kẻ tìm đến mình.

Từ vòng tròn của đau khổ ai nấy đều tự do bước ra, như họ muốn, và tìm cách đạt được hạnh phúc. Nhưng ai từng kiểm chứng thế giới được cứu rỗi, một phần tư trong số họ không chịu nổi ấn tượng này và bị nó tiêu diệt. Ngày nào ta cũng nhìn thấy một kẻ gục ngã và chết ngay ngưỡng cửa thiên đường. Một phần tư khác tâm thần vất vưởng. Đầy rẫy những kẻ nửa điên khùng như vậy. Còn một phần tư thứ ba khóa hạnh phúc vào bản thân mình, chỉ dành cho riêng mình, và không bao giờ cho ai khác.

Chỉ nhà thông thái thứ tư chịu được niềm hạnh phúc.

Bởi kinh tế, niềm vui, tri thức, tài năng có thể tự do thu lượm, nhưng thật khốn khổ cho kẻ nào không đủ mạnh đối với những thứ đó. Hoặc sẽ có kẻ chết, hoặc có kẻ phát điên, hoặc bo bo giữ lấy chỉ cho mình. Ánh sáng của vườn thiên đường trong những thứ đó sẽ biến thành bóng tối. Kẻ chịu được niềm hạnh phúc là kẻ biết phân phát. Ánh sáng chỉ biến thành sự phù hộ với kẻ đem cho người khác.

Bởi khi đưa tiễn chúng ta, ĐẤNG QUYỀN LỰC tiễn ta lên đường và bảo: ta giao từng con người cho con, con hãy giúp đỡ họ, hãy cho họ ăn, cho họ quần áo, hãy chăm sóc họ như chăm sóc bản thân con, đừng để họ rơi vào bóng tối. Cái con kiếm được, cái con đạt đến, cái con biết, cái con trải qua, hãy chia sẻ.

Cả thế gian là của con. Con tự do lựa chọn từ từng viên đá đến tận bầu khí quyển. Hãy nhận thức, hãy chinh phục, không ai cấm đoán con, nhưng thật khốn khổ, nếu con chỉ giữ cho riêng mình. Cái con không chia sẻ cho người khác, nếu là vàng sẽ biến thành bùn, nếu là ánh sáng thiên thần sẽ biến thành lời nguyền rủa, nếu là nỗi say mê sẽ biến thành cái chết.
Ta tha thứ cho con như với tất cả mọi người: con chịu trách nhiệm về tất cả những ai sống cùng con, con phải trang trải từng đồng xu nhỏ con đã tiêu cho mình, trang trải toàn bộ niềm vui con đã dành riêng cho mình, trang trải toàn bộ những khoảnh khắc hạnh phúc con dành riêng cho bản thân, thôi, con hãy lên đường, hãy sống, bởi toàn bộ thế gian là của con.

Trích đoạn sách Câu chuyện vô hình và đảo — Hamvas Béla
Nguyễn Hồng Nhung dịch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *