Di sản của Friedrich List: Hệ thống Tái Sản xuất Mở rộng và Lịch sử Công nghiệp hóa của Anh, Đức, Nhật, Hàn.

Tóm tắt

Nghiên cứu này xem xét lại lý thuyết của Friedrich List từ quan điểm toàn diện và hiện đại hơn cũng như áp dụng nó vào lịch sử công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Mặc dù List nổi tiếng là học giả kiên định việc bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ, nhưng lập luận của ông về chủ nghĩa bảo hộ là một phần của bức tranh rộng lớn hơn được mô tả trong cuốn Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia The National System of Political Economy. Nghiên cứu này dựa trên di sản về lý thuyết của ông trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Mặc dù chúng ta có thể thấy rằng lý thuyết của ông có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu như hệ thống đổi mới quốc gia (national innovation system), khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia (national competitiveness) và lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state), nhưng các nghiên cứu này đã không lĩnh hội được tất cả các lập luận của List. Ngoài ra, các mô hình nghiên cứu [chịu ảnh hưởng từ lý thuyết của List] chú trọng việc giải thích các hiện tượng phát triển có tính lịch sử và khu vực mà không cung cấp các nguyên tắc chung của sự phát triển kinh tế đằng sau các hiện tượng đó. Vì thế, nghiên cứu này nhằm mục đích khuyến nghị hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS) như là một phiên bản tổng quát và hiện đại của lý thuyết của List cũng như đưa ra ví dụ minh họa về nó thông qua lịch sử công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Vì thế, chúng tôi cho rằng Hàn Quốc đã đạt được sự phát triển kinh tế thông qua việc áp dụng lý thuyết của List vào thực tiễn.

  1. Dẫn nhập

Friedrich List nổi tiếng với những ý tưởng bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ. Tuy nhiên, lập luận của ông về bảo hộ chỉ là một phần của một loạt các ý tưởng rộng lớn hơn của ông liên quan đến hệ thống kinh tế quốc gia. Thật vậy, Henderson (1983) đã đúng khi chỉ ra rằng việc mô tả List chỉ đơn giản như một “người theo chủ nghĩa bảo hộ” không thể bao quát đầy đủ phạm vi đóng góp rộng lớn của ông.

Công trình chính của List với tư cách là một nhà kinh tế chính là cuốn Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia (1841). Chính trong chuyên khảo này, List đã nêu rõ những ý tưởng quan trọng về học thuyết kinh tế quốc gia, giới thiệu sức mạnh sản xuất và lý thuyết về các giai đoạn phát triển. Từ các lý thuyết này, ông đã khuyến nghị hàm ý chính sách cho đất nước của ông – nước Đức – đang ở giai đoạn đầu của tiến trình công nghiệp hóa vốn tụt hậu so với nước Anh đương thời. Chính sách khuyến nghị của ông cho nước Đức bao gồm bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ vừa như một phương cách thúc đẩy sức mạnh sản xuất của quốc gia vừa như một phần của chương trình hành động khác trong bối cảnh lịch sử [đương thời] của nước Đức để giúp kích thích giai đoạn phát triển của đất nước. Vì thế, điều quan trọng đối với các độc giả [thời nay] là việc nghiên cứu lý thuyết của ông với quan điểm toàn diện hơn, thay vì tập trung hạn hẹp vào các khuyến nghị của ông cho kế hoạch hành động của nước Đức.

Ngoài ra, các điều kiện chính trị và kinh tế hiện tại không tính đến việc áp dụng đơn giản hàm ý chính sách do ông khuyến nghị, cụ thể là về bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ. Bởi vì đặc trưng của thế kỷ 21 là các xã hội công nghiệp tiên tiến cùng với xu hướng toàn cầu hóa, nên chính sách công nghiệp chủ trương bảo hộ của ông – đã phát triển trong kỷ nguyên công nghiệp hóa đầu tiên – không thể được áp dụng giản đơn mà không có sự hiểu biết toàn diện hơn về lý thuyết của ông (Soete, Verspagen và Weel 2010). Hơn nữa, do mức độ phức tạp cao về công nghệ và khoa học của thế kỷ 21, việc bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ – chính sách được xem là đóng góp đặc trưng của List – không còn đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, và cũng không làm cho một quốc gia [theo sau] “bắt kịp” với các quốc gia dẫn đầu về công nghiệp.

Vì thế, việc nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện hơn về lý thuyết của List, thay vì chỉ là kế hoạch hành động chính sách của ông được thiết kế dành riêng cho nước Đức vào giữa thế kỷ 19, sẽ cung cấp một bức tranh hữu ích hơn nhiều có thể áp dụng cho nền kinh tế hiện tại. Nghiên cứu này giới thiệu lý thuyết của ông với quan điểm toàn diện và hiện đại hơn và sau đó cố gắng nắm bắt bức tranh rộng lớn của lý thuyết đó. Chúng tôi khảo sát di sản lý thuyết của ông trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Mặc dù chúng ta có thể tìm thấy ảnh hưởng về mặt lý thuyết của ông trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như hệ thống đổi mới quốc gia, khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia và lý thuyết về nhà nước kiến tạo phát triển, nhưng các nghiên cứu này đều không lĩnh hội được tất cả các lập luận của List. Ngoài ra, các mô hình nghiên cứu [chịu ảnh hưởng từ lý thuyết của List] chú trọng việc giải thích các hiện tượng phát triển có tính lịch sử và khu vực mà không cung cấp các nguyên tắc chung của sự phát triển kinh tế đằng sau các hiện tượng này. Vì thế, nghiên cứu này nhằm mục đích khuyến nghị hệ thống tái sản xuất mở rộng (ERS – expansive reproduction system) là một phiên bản tổng quát và hiện đại của lý thuyết của List cũng như để đưa ra ví dụ minh họa của nó thông qua lịch sử công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Cuối cùng, chúng tôi cho rằng Hàn Quốc đã đạt được sự phát triển kinh tế thông qua việc áp dụng lý thuyết của List vào thực tiễn.

Phần còn lại của bài nghiên cứu này được trình bày như sau. Trong phần 2, chúng tôi tóm tắt và diễn giải lại lý thuyết của List từ góc độ toàn diện. Phần 3 trình bày các cơ sở lý thuyết liên quan chịu ảnh hưởng của List. Phần 4 giới thiệu một mô hình mới bao trùm toàn bộ bức tranh của List và Phần 5 cung cấp một ví dụ về mô hình thông qua lịch sử phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Phần 6 rút ra nhận xét kết luận.

  1. Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia

a) Phương pháp Hệ thống Động

Adam Smith (1723-1790)

Như tiêu đề cuốn sách của ông chỉ ra, lập luận và lý thuyết của List dựa trên cách tiếp cận hệ thống động. Hàm mục tiêu của ông là sự phát triển của hệ thống, thay vì tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng hay lợi nhuận ngắn hạn của công ty. Trong chương đầu tiên của cuốn Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia (1841), List đã xác định phạm vi của hệ thống là nền kinh tế quốc gia, chỉ trích phạm vi của hệ thống của Adam slà nền kinh tế thế giới. Vì thế, hàm mục tiêu của ông là sự phát triển của hệ thống kinh tế chính trị của “quốc gia”. Mục tiêu này một lần nữa được khẳng định rõ ràng khi List giải thích khái niệm sức mạnh sản xuất, nhấn mạnh rằng quốc gia hay cá nhân nên hy sinh, hay thậm chí từ bỏ, tài sản vật chất trước mắt của họ để nền kinh tế quốc gia phát triển hơn trong tương lai. (List 1885, trang 370)

List cũng giải thích rằng sức mạnh sản xuất – một khái niệm trọng yếu trong lý thuyết của ông sẽ được giải thích chi tiết hơn nữa trong bài viết này – là có tính động. Đối với câu hỏi, “sức mạnh [sản xuất] quan trọng hơn của cải. Và tại sao?”. List đã trả lời, “chỉ đơn giản là vì sức mạnh quốc gia là một NGUỒN LỰC CÓ TÍNH ĐỘNG (DYNAMIC FORCE) mà nhờ đó các nguồn lực sản xuất mới được mở ra, và vì nguồn lực sản xuất là thân cây mà trên nó sinh ra của cải và vì cây sinh trái có giá trị hơn chính bản thân trái” (List 1885, trang 46).

Theo quan điểm động này, việc nghiên cứu về lịch sử – vốn xem xét tiến trình phát triển của một quốc gia – vì thế trở nên quan trọng. List tin rằng tri ​​thức – đóng vai trò quan trọng đối với của cải quốc gia – đã được tích lũy theo thời gian và rằng “tình trạng hiện tại của các quốc gia là kết quả của sự tích lũy của tất cả các phát minh, cải tiến, hoàn thiện và nỗ lực phát triển của tất cả các thế hệ đi trước.” (List 1885, trang 140) Theo nghĩa này, việc hiểu được sự phát triển của các quốc gia cũng đòi hỏi một nghiên cứu về lịch sử. Theo đó, List đã cố gắng kết hợp nghiên cứu lịch sử vào công trình của mình.

Khi trình bày cách tiếp cận hệ thống, List cho rằng của cải của một quốc gia không được quyết định bởi một yếu tố đơn lẻ. Thay vào đó, sự phát triển quốc gia là kết quả của các tương tác phức tạp giữa các yếu tố kinh tế, thể chế và chính trị. List nhấn mạnh chu kỳ phản hồi giữa các cá nhân, thể chế xã hội và môi trường kinh tế. “Các cá nhân có được phần lớn sức mạnh sản xuất từ các thể chế xã hội và các hoàn cảnh mà họ được đặt vào đó”, ông viết, thêm vào đó “các sức mạnh sản xuất – và vì thế của cải của các cá nhân – tăng theo tỷ lệ với các quyền tự do do mức độ hoàn hảo của thể chế chính trị và xã hội mang lại, trong khi đó, mặt khác, các quyền tự do này mang lại vật chất và tác nhân kích thích để các cá nhân cải thiện hơn nữa từ sự gia tăng của cải vật chất và sức mạnh sản xuất của các cá nhân.” (List 1885, trang 107)

Phương pháp tiếp cận hệ thống động của List được thể hiện rõ trong lý thuyết về các giai đoạn phát triển của ông. Quan điểm động và có hệ thống của ông chắc chắn đã giới thiệu đặc điểm phân cấp của các cấp độ phát triển giữa các quốc gia. Điều này rất quan trọng, bởi nếu các nhà hoạch định chính sách hay các nhà kinh tế không xem xét sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các quốc gia, thì chính sách của họ vốn phù hợp với các quốc gia công nghiệp hóa hoàn toàn cũng có thể bị xem như một giải pháp cho một quốc gia nông nghiệp. Vì thế, lý thuyết của List có một thành phần dọc, hay ngầm chứa biến nhà nước biểu thị trình độ phát triển của nền kinh tế quốc gia. List cho rằng biến nhà nước này nên được xem xét khi một chính sách được thực thi, đặc biệt là so sánh trường hợp của nước Anh và của nước Đức. Hơn nữa, List nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia đều hướng đến việc leo lên các giai đoạn phát triển cao hơn, thay vì giữ nguyên hiện trạng của cải hiện tại.

b) Sức mạnh sản xuất

List khẳng định rằng để một quốc gia đạt được trình độ phát triển cao hơn, thì quốc gia ấy cần phải tăng cường sức mạnh sản xuất. Mặc dù List không đưa ra một định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ “sức mạnh sản xuất” (productive power), nhưng khái niệm này có thể được hiểu thông qua các giải thích mô tả của ông. Thuật ngữ này, về sau, cho phép chúng ta hiểu toàn diện hơn về ý tưởng của ông.

Theo Henderson (1983), sức mạnh sản xuất, theo nghĩa rộng, “bao gồm các thể chế chính trị, hành chính và xã hội, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực, cơ sở kinh tế công nghiệp và các công trình công cộng” (Henderson 1983, trang 160). Levi-faur (1997) cũng tóm tắt khái niệm sức mạnh sản xuất, giải thích rằng sức mạnh sản xuất bao gồm ba loại vốn: vốn thiên nhiên, vốn vật chất và vốn tinh thần. Tương tác giữa ba loại vốn này tạo nên của cải của các quốc gia.

List tin rằng sức mạnh sản xuất không chỉ chịu tác động bởi một yếu tố, như các lý thuyết tăng trưởng hiện nay nhấn mạnh, mà là kết quả của [yếu tố] hệ thống hoạt động tốt và [yếu tố] động lực phát triển hệ thống hơn nữa. Theo hiểu biết của ông, miễn là hệ thống tiếp tục kích thích sức mạnh sản xuất và các chính sách đã giúp hệ thống tiếp tục làm như vậy, thì “sức mạnh làm gia tăng sức mạnh và nguồn lực sản xuất làm gia tăng nguồn lực sản xuất.” (List 1885, trang 46). Đây là cách ông giải thích cho sự thành công của nền kinh tế Anh. Ông còn cho rằng một khi một quốc gia mất đi sức mạnh sản xuất, nó trở nên nghèo nàn và khốn khổ. Lấy ví dụ về sự suy yếu trong lịch sử của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các thành phố Hanseatic và các quốc gia-thành phố (city-state) của Ý, ông kết luận rằng “sức mạnh của việc sản xuất ra của cải vì thế chắc chắn quan trọng hơn so với chính bản thân của cải.” (List 1885, trang 133)

Vậy thì, làm thế nào mà một quốc gia có thể xây dựng sức mạnh sản xuất của nó? List đã đưa ra không chỉ một, mà là một số yếu tố có thể xây dựng nên sức mạnh này, từ việc phát triển văn hóa cho đến việc thực thi các chính sách phù hợp. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính phủ/chính sách trong việc mang lại các yếu tố này và khuyến nghị rằng việc bảo hộ ngành công nghiệp non trẻ, và nhiều yếu tố bao gồm hệ thống có thể phát triển trong tương tác với nhau. Khi thúc đẩy sự tương tác tích cực giữa các thành phần, các ý tưởng của ông liên quan đến tiến bộ công nghệ, giáo dục và tái đầu tư của cải là nổi bật nhất, đặc biệt là trong mắt của một nhà kinh tế thời nay.

c) Tiến bộ công nghệ và giáo dục

Jean Baptiste Say (1767−1832)

List là một trong những học giả đầu tiên nhận ra năng suất của công trình trí tuệ, mối liên hệ giữa công trình hữu hình với công trình vô hình cũng như “sự tương tác có hệ thống giữa khoa học, công nghệ và kỹ năng trong tiến trình tăng trưởng [kinh tế] của quốc gia” (Wendler 2014; Soete, Verspagen và Weel 2010). Ông đã chỉ trích Adam Smith và Jean Baptiste Say vì không phân biệt vốn tinh thần – bao gồm kỹ năng, quá trình đào tạo và chí tiến thủ – ra khỏi vốn vật chất, mà ông hiểu đây chỉ là máy móc, nguyên liệu thô và dụng cụ. Theo thuật ngữ hiện đại, chúng ta có thể nói rằng List đã tập trung chú ý đến vai trò quan trọng của công nghệ, khoa học và thể chế trong việc thúc đẩy sức mạnh sản xuất của một quốc gia và cuối cùng là sự phát triển kinh tế.

Hơn nữa, theo Soete, Verspagen và Weel (2010), List có thể là nhà kinh tế đầu tiên khẳng định rằng có tồn tại mối tương quan giữa khoa học/công nghệ, giáo dục với công nghiệp. Nếu không có mối liên hệ cụ thể giữa khoa học và công nghệ – ông tin như thế – thì ngành công nghiệp không thể hưởng lợi được từ các cải tiến trong quá trình sản xuất và từ các sản phẩm do quá trình sản xuất đó tạo ra. Vì thế, sức mạnh về khoa học và công nghệ là điều kiện cần thiết để thiết lập các ngành công nghiệp hùng mạnh trong một quốc gia.

Để xây dựng sức mạnh về khoa học và công nghệ, List cũng lập luận về tầm quan trọng của giáo dục và vốn con người. Levi-faur (1997) chỉ ra rằng List là một trong những nhà kinh tế đầu tiên tập trung vào vốn con người và chính sách nhằm tăng cường vốn con người. List xem giáo dục như một yếu tố sản sinh ra những con người tạo ra vốn tinh thần. List chỉ trích mạnh mẽ Adam Smith và Jean Baptiste Say vì họ xem một người nuôi lợn là người có ích lợi, trong khi xem những người như giáo viên, quản trị viên, luật sư hay thậm chí là những người trí thức như Newton hay Watt chẳng có ích lợi bằng một con lừa về giá trị trao đổi. List cho rằng mặc dù những người này không thể tạo ra giá trị trao đổi ngay lập tức, nhưng họ đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy sức mạnh sản xuất của một quốc gia. Thật vậy, một trục quan trọng trong lý thuyết của List về sức mạnh sản xuất chính là vốn con người và sự đầu tư vào giáo dục nhằm khuyến khích và tăng cường hơn nữa vốn con người. Ông giải thích: “Tất cả các khoản chi tiêu dành cho việc đào tạo thế hệ trẻ, thúc đẩy công lý, tăng cường quốc phòng đều là một sự tiêu thụ giá trị hiện tại vì lợi ích của sức mạnh sản xuất”. “Phần lớn nhất trong tiêu dùng quốc gia được sử dụng cho giáo dục thế hệ tương lai, nhằm thúc đẩy và nuôi dưỡng sức mạnh sản xuất quốc gia trong tương lai.” (List 1885, trang 139)

Robert Fulton (1765-1815)

Các kỹ sư – những người có kỹ năng và công nghệ – cùng với các thương nhân, đều là những chủ thể quan trọng trong lý thuyết của List. Khi nghiên cứu sự suy yếu của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, ông chỉ ra rằng sự kiện trục xuất những người Do Thái và người Moors ra khỏi bán đảo Iberia là một trong những lý do khiến Tây Ban Nha suy yếu vào cuối thế kỷ 15 và 16. List xem sự kiện trục xuất này như một sự tống cổ sức mạnh sản xuất ra khỏi ​​Tây Ban Nha. Ông cũng giải thích rằng quá trình công nghiệp hóa của nước Anh gắn liền với phong trào lao động có kỹ năng và tư bản. Vào thế kỷ 15, List giải thích, nước Anh đã mời lao động có kỹ năng trong ngành sợi len để thúc đẩy khu vực sản xuất chế tạo của họ. Đồng thời, vì cuộc Cải cách ở châu Âu lục địa, nhiều người lao động có kỹ năng và người có tư bản tích lũy cũng chuyển đến nước Anh. Những người này cùng nhau trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của nước Anh. Theo Wendler (2014), các kỹ sư, nhà khoa học và lao động có kỹ năng, như Robert Fulton và Justus von Liebig, là “những người hùng của kỉ nguyên mới” (trang 188) đối với Friedrich List. List cảnh báo rằng quốc gia nào bỏ bê việc giáo dục thế hệ trẻ, hay không thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy mới thì không có hy vọng phát triển. List nhấn mạnh rằng trong tiến trình phát triển của một quốc gia, vai trò của những người có học và kỹ sư là rất cần thiết.

d) Hình thành thị trường vững chắc: xây dựng đường sắt và nền tảng của Zollverein

Trong cuốn Hệ thống Kinh tế Chính trị Quốc gia (1841), List nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng là nền tảng cho sự phát triển quốc gia, và một thị trường vững chắc được phát triển trên nền tảng đó. Thậm chí ông đã nỗ lực áp dụng lý thuyết của mình vào thực tiễn bằng việc trở thành ‘người tiên phong trong lĩnh vực đường sắt’, chủ động tham gia vào chiến dịch thành lập Zollverein [Liên minh Thuế quan Đức]. List đã hỗ trợ không ngừng cho sự hình thành của Zollverein. Ông nhấn mạnh rằng, “Zollverein phải áp dụng mức thuế bảo hộ để đảm bảo thị trường nội địa cho các nhà sản xuất Đức.” (Henderson 1983, trang 100)

Theo Henderson (1983), List nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng đường sắt khi ông đến thăm các bang New England và Pennsylvania [Hoa Kỳ] vào năm 1824. Ở bang New England, ông đã thấy việc xây dựng đường sắt có tác động lớn đến sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương. Ông cũng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt ở một vùng khai thác than của bang Pennsylvania.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, List đã xuất bản một bài báo trên tờ tuần báo của Đức Reading Adler, nói rằng cơ sở hạ tầng giao thông như kênh đào và đường sắt dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Một lần nữa trong cuốn Hệ thống [Kinh tế Chính trị] Quốc gia của ông, List chỉ ra rằng cơ sở hạ tầng giao thông được thiết lập tốt là gốc rễ của sự thành công của nền kinh tế của người Anh. Ông lập luận rằng, vai trò của giao thông là rất quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh sản xuất (Henderson 1983).

Do đó, trong lý thuyết của List về sự phát triển của quốc gia, một thị trường vững chắc là do cơ sở hạ tầng giao thông được trang bị tốt, vì thế chúng chiếm một vị trí quan trọng, bằng chứng là sự tham gia tích cực và ủng hộ nhiệt tình của ông dành cho các công trình đường sắt và Zollverein.

e) Tái đầu tư của cải

List đã làm rõ trong lý thuyết phát triển quốc gia của ông rằng hướng của dòng tư bản là một thành phần quan trọng. Bằng cách này, ông không nói đến tích lũy của cải ngay lập tức, mà là nói đến việc tăng cường sức mạnh sản xuất thông qua việc tái đầu tư tư bản tích lũy. Trong nghiên cứu về sự suy yếu của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, List giải thích rằng việc một lượng lớn kim loại quý hiếm được nhập khẩu vào các quốc gia này đã được chi tiêu ngay lập tức để mua các hàng hóa do nước ngoài sản xuất chế tạo hay mua các mặt hàng xa xỉ, thay vì được sử dụng để xây dựng sức mạnh sản xuất. List không tập trung vào của cải tích lũy, mà vào nơi mà của cải tích lũy được đổ vào. List tin rằng để hướng đến một quốc gia phát triển, thì của cải và các nguồn lực phải được tái đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và các yếu tố khác có thể góp phần tăng cường sức mạnh sản xuất quốc gia.

g) Vai trò của chính sách

Chủ đề chung luôn có mặt trong các lập luận của List là vai trò cơ bản của chính phủ trong việc tăng cường sức mạnh sản xuất của một quốc gia và phát triển hệ thống [kinh tế chính trị] quốc gia. Cụ thể hơn, List khẳng định rằng sự kích thích từ chính phủ là rất quan trọng trong việc chuyển đổi một quốc gia tiến lên một giai đoạn phát triển cao hơn, ví dụ từ nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, ông tuyên bố, chính phủ phải cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, khuyến khích nhà đầu tư, tìm thấy các trường đào tạo và các trường đại học, thực hiện trợ cấp cho ngoại thương, và tạo ra những cơ sở tín dụng cho các doanh nhân để giúp chuyển đổi quốc gia sang giai đoạn phát triển hơn.

Khi xem xét trường hợp của nước Đức về các hàm ý chính sách cụ thể, List chỉ ra rằng vì Đức chưa được công nghiệp hóa hoàn toàn và bị tụt hậu so với nước Anh, nên phải thực thi các công cụ đặc biệt và thích đáng nhằm phát triển và cạnh tranh với nền kinh tế của nước Anh. Những công cụ được hiểu là các chính sách. Bởi vì nước Anh ở giai đoạn phát triển cao nhất, nó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà không cần sự bảo hộ của chính phủ. Trên thực tế, người Anh được hưởng lợi từ thương mại tự do. Để bắt kịp “uy quyền tối cao” của người Anh, List cho rằng, các quốc gia theo sau như Đức nên áp dụng các chính sách nhằm bù đắp cho tình trạng lạc hậu của mình trong cuộc cạnh tranh. Tóm lại, do trình độ phát triển khác nhau giữa các quốc gia, nên List đã nhìn thấy vai trò bắt buộc của chính phủ trong phát triển quốc gia.
Nguồn: Các bài tham luận của Đại học Hohenheim về Kinh doanh, Kinh tế và Khoa học Xã hội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *