Văn học Đông Nam Á: Những mảnh đời riêng trong lịch sử rối ren

Văn học Đông Nam Á: Những mảnh đời riêng trong lịch sử rối ren

 Nhà nghiên cứu châu Á Benedict Anderson từng băn khoăn, suốt hơn 110 năm qua, khu vực Đông Nam Á chưa bao giờ có một nhà văn nào được nhận giải Nobel, trong khi các khu vực khác lần lượt đều có người đạt giải. 

Dẫu chưa được biết đến rộng rãi ở phương Tây, văn chương hiện đại của Đông Nam Á đã sản sinh ra những tác phẩm xuất sắc, động chạm đến những chủ đề lớn lao của nhân loại. Vốn cực kỳ đa dạng và khác biệt về lịch sử, chính trị, ngôn ngữ, văn hóa, các nước trong khu vực này này ít nhiều chia sẻ những đặc điểm cốt lõi của thế kỷ 20: là thuộc địa của hàng loạt thực dân Phương Tây, như Hà Lan, Pháp, Anh, bị Nhật chiếm đóng trong Đệ nhị thế chiến, trải qua cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển sau đó. Đọc văn chương hiện đại của ba nước lớn trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia, và Singapore, độc được trải nghiệm lại cả lịch sử đầy biến động, phóng chiếu từ số phận của mỗi nhân vật, nơi các nhà văn triển khai những âm hưởng của di sản dân tộc để trình hiện lại cái thế giới hậu thực dân đầy đau thương.

 

“Beauty is a Wound” (“Đẹp là thương đau”) của Eka Kurniawan – Cái đẹp trong thế giới đầy tao loạn

 

Eka Kurniawan, nhà văn Indonesia đầu tiên được đề cử giải thưởng Man Booker International Prize, là người được mệnh danh đã khiến cả thế giới chú ý đến văn học đương đại nước mình. Tác phẩm đầu tay của nhà văn này, “Beauty is a Wound” được dịch sang tiếng Anh vào năm 2015, đón nhận hàng loạt phê bình đầy ngợi khen.

“Beauty is a Wound” kể về số phận 4 thế hệ trong gia đình cô gái điếm xinh đẹp Dewi Ayu ở Halimunda, một thành phố cảng hư cấu ở miền Nam. Là tiểu thuyết mang tầm vóc sử thi đồ sộ, nó phơi bày lịch sử hiện đại của Indonesia đầy rẫy bạo lực, về tình dục, thể chất, tinh thần, và chính trị, kéo dài suốt từ những năm 1920 đến tận cuối thế kỷ 20, mạnh dạn đề cập đến cả cuộc thảm sát Cộng sản năm 1965. Ngay từ câu mở đầu, độc giả đã bị đẩy vào một cú sốc kỳ lạ, bởi sự tưng tửng của giọng văn: “Một chiều cuối tuần tháng Ba, Dewi Ayu đội mồ dậy sau khi chết đã hai mươi mốt năm.” Và Kurniawan đảm bảo để cú sốc này được duy trì suốt thiên truyện gần 500 trang, bằng một xê ri những yếu tố loạn luân, giết chóc gói bọc trong không khí đẫm chất kỳ ảo.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là Dewi Ayu, được sinh ra từ mối tình giữa hai anh em ruột cùng cha khác mẹ, bị vứt bỏ cho ông bà nuôi từ lúc lọt lòng. Bà ngoại của Dewi Ayu vốn là một cô gái bản địa bị chính ông nội là chủ người Hà Lan bắt về làm thiếp. Cuộc sống an nhàn của gia đình thực dân Dewi Ayu bắt đầu bị đảo lộn khi Đệ nhị thế chiến kết thúc, với sự suy sụp của chính quyền cai trị Hà Lan, và sự xâm chiếm của Nhật Bản. Dewi Ayu lúc đó mới 15 tuổi, cùng các phụ nữ ngoại quốc khác, đồng loạt bị quân đội Nhật bắt giam trong rừng, rồi đẩy vào con đường làm điếm phục vụ quân nhân. Từ đó trở đi, Dewi Ayu chọn cho mình nghề bán thân, trở thành ả điếm được yêu thích và trân quý nhất Indonesia, và sinh 4 đứa con gái với 4 người đàn ông khác nhau.

Bên cạnh chuyện đời Dewi Ayu, “Beauty is a Wound” còn là một tập hợp các câu chuyện khác, về các cô con gái sắc đẹp lộng lẫy của bà, là cô con gái cả Alamanda bị cưỡng hôn với tướng lĩnh quân đội Shodancho, hay cô con gái thứ ba Maya Dewi được gả chồng khi mới 12 tuổi, lấy chính người tình của mẹ mình… Các mối quan hệ của “Beauty is a Wound” chằng chéo, phi đạo đức, nơi không chỉ con rể có quan hệ với mẹ vợ, mà chồng thường xuyên hiếp vợ, và em họ giết và vứt xác chị họ.
Số phận của Dewi Ayu, cùng với con cái, gắn liền với số phận đất nước Indonesia: phải trải qua bao giày xéo, cướp bóc, chịu đựng bao di chứng của chiến tranh. Nhưng chính họ lại luôn bộc lộ ý chí đấu tranh để được làm chủ đời mình. Dù trải qua bao cực hình, Dewi Ayu vẫn giữ được tính hài hước trường tồn, thái độ sống tích cực thích nghi với mọi hoàn cảnh, mà thưởng ngoạn cuộc đời.

Là một sự lai tạp của nhiều thể loại, tiểu thuyết lịch sử, chuyện ma, tiểu thuyết võ hiệp, hòa trộn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của văn hóa dân gian bản địa, nơi lợn biến thành người, phụ nữ mang thai nhưng chỉ đẻ ra gió với không khí, lại được kể bằng giọng văn hài hước, “Beauty is a Wound” khiến độc giả liên tưởng đến “Trăm năm cô đơn” của Gabriel García Márquez, và là đối sánh không thua kém gì “Những đứa con của nửa đêm” của Salman Rushdie.

 

“The Garden of Evening Mists” (“Vườn sương đêm”) của Tan Twan Eng –Hành trình làm hòa với nỗi đau trong ký ức

 

Viết về chủ đề tương tự như nhà văn Indonesia, nhưng Tan Twan Eng của Malaysia lại chọn cách khắc họa lịch sự theo một lối khác hẳn trong “The Garden of Evening Mists,” tiểu thuyết được trao giải Man Asian Literary Prize năm 2012: ông đi sâu phân tích những di sản mất mát mà con người bình thường phải đương đầu trong và sau giai đoạn Nhật chiếm đóng Malaya.

“The Garden of Evening Mists” kể về cuộc đời của nữ quan tòa Teoh Yun Ling đang bị chứng bệnh aphasia sẽ khiến bà mất dần ngôn ngữ, khả năng giao tiếp cũng như trí nhớ. Được phân ra làm ba giai đoạn khác nhau, câu chuyện tập trung vào hai năm 1941-1942 khi hai chị em Yun Ling cùng chị gái Yun Hong bị quân Nhật giam trong rừng, giai đoạn những năm đầu 1950 khi Yun Ling đi học làm vườn, và hiện tại, khi bà nghỉ hưu vào cuối những năm 1980.

Tiểu thuyết của Tan là quá trình mà Yun Ling, bị phức cảm tội lỗi của kẻ duy nhất sống sót, ghi chép lại trước khi ký ức hoàn toàn biến mất, quay về lại thời kỳ khi Yun Ling còn trẻ đã tìm đến Aritomo, một nghệ nhân làm vườn của Nhật hoàng sống trên cao nguyên Cameron, để đề nghị ông xây một ngôi vườn Nhật nhằm tưởng nhớ chị gái mình. Aritomo từ chối, song lại đề nghị nhận cô làm học trò. Thế là Yun Ling, ở lại cao nguyên, cùng với Aritomo hàng ngày học cách làm vườn, và dần trở thành tri kỷ của người nghệ sĩ đa tài đầy bí ẩn này.

Độc giả dần được hé lộ quá khứ đầy kinh hoàng mà hai chị em đã trải qua khi ở trại tập trung, bị tách rời nhau, chị Yun Hong bị bắt làm điếm, còn Yun Ling vì một lần ăn trộm thức ăn đã bị cắt cụt hai ngón tay. Chính nhờ vào hành động xây đắp khu vườn Nhật trong tưởng tượng mà hai chị em sống sót được qua mọi khổ sở. Để rồi khi sống cùng Aritomo, Yun Ling, giờ đây lại học cách làm khu vườn Yurigi (Sương đêm), trong thực tế, và từng bước một giải tỏa những căm hận ẩn sâu khôn kham.

Tiểu thuyết của Tan minh họa cho ý tưởng Milan Kundera, rằng chúng ta bị ngăn cách với quá khứ bởi hai thế lực, khi quên là xóa đi ký ức, còn nhớ, làm thay đổi nó. Malaya vốn là một đất nước yên bình, hiếm khi phải trải qua đau thương như giai đoạn bị Nhật chiếm đóng, vì thế với nhà văn đây một sự kiện lớn, đầy bạo lực và tàn khốc. Tan muốn độc giả đương đại ý thức đến giai đoạn lịch sử ấy, và bằng tiểu thuyết này, khám phá cách con người diễn giải, nhớ, và sửa chữa ký ức.

Câu đầu tiên của “The Garden of Evening Mists” như tiếng chuông ngân vang, kéo dài cả cuốn sách, “Trên một ngọn núi trên những tầng mây có một người đàn ông vốn là thợ làm vườn cho Nhật hoàng từng sống.” Tiểu thuyết của Tan Twan Eng là một áng thơ chậm rãi nhịp nhàng, thấm đẫm tinh thần của thiền, im lặng nhưng đầy âm vang sâu lắng, nơi sương núi buông trên không gian cô quạnh của những đồn điền trà, và hòa vào cái không gian u tịch ấy là những con người với những nỗi đau riêng.

 

“Spider Boys” (“Những thằng bé chơi đấu nhện”) của Ming Cher – Một Singapore hòa trộn giữa làng lớn và băng đảng đường phố

 

Cũng miêu tả giai đoạn tiền độc lập của đất nước, nhưng bối cảnh lịch sử lại chỉ làm nền mờ nhạt, là tiểu thuyết được xếp vào hàng kinh điển của văn học Singapore, “Spider Boys” của Ming Cher. Vốn được Penguin New Zealand xuất bản vào năm 1995, thành công vang dội trên thế giới, nhưng mãi đến tận năm 2012 trong nước mới có ấn bản riêng lần đầu tiên.

Ming Cher là một nhà văn đặc biệt: chỉ đi học đến năm 13 tuổi, ông ra đời sớm, sinh sống bằng nhiều loại nghề, từ quản đốc công trường ở miền Nam Việt Nam, đến thủy thủ tàu viễn dương. Ông thành thạo nhiều ngoại ngữ, tiếng Hoa Phúc Kiến, tiếng Hoa Phổ thông, tiếng Quảng Đông, tiếng Malaysia, tiếng Indonesia, và cả tiếng Việt. Là đứa trẻ lớn lên ở đường phố, Ming Cher có trực tiếp tiếp xúc với băng đảng, và muốn thâu tóm lại những trải nghiệm tuổi thơ ấy trong một Singapore vô cùng khác biệt với hiện tại mà dồn vào tiểu thuyết của mình, bằng những nhân vật vốn lấy hình mẫu từ bạn bè của chính ông ngoài đời.

“Spider Boys” lấy bối cảnh là một đất nước Singapore năm 1955 kể về cuộc đời một nhóm trẻ sinh sống ở khu Ho Swee Hill chuyên đi bắt nhện, đào tạo chúng, để tấn công đối thủ trong các cuộc thi đấu nhện với các băng nhóm khác nhằm cá độ kiếm tiền. Tuổi thơ lùng sục các ngóc ngách bắt nhện trong những ngôi nhà lợp mái thiếc, dưới những gốc cây đa, trong một làng lớn, nơi người dân nghèo khổ chuyên làm thuê làm mướn, xách nước từ giếng, nghe kể chuyện ở Chùa vào đêm rằm, được tái hiện qua câu chuyện về nhân vật chính là Kwang 14 tuổi, thủ lĩnh nhóm trai chuyên đấu nhện, Kim, bạn gái hàng xóm, Chinatown Yeow, Big Mole, Sachee.

Đối thủ lớn của Kwang chính là Chai, và kề cạnh hai thủ lĩnh luôn có các phó thủ lĩnh Ah Seow và San. “Spider Boys” lần theo các lần đụng độ giữa hai phe phái, và dần dần Kwang vươn lên làm tay trùm sò vô địch trong cuộc thi Đấu nhện Olympic toàn Singapore. Ming Cher khéo léo sắp xếp để Kwang gặp Chinatown Yeow, một thủ lĩnh băng nhóm từng lăn lóc giang hồ. Yeow muốn thâu tóm và thu phục cả Kwang và Chai để làm phó cho mình, và mâu thuẫn nảy sinh càng dồn dập, khi Yeow lại dòm ngó chính bạn gái của Kwang là Kim.

Ming Cher tạo ra một thế giới đầy kỳ lạ, không chỉ với độc giả ngoại quốc, mà cả độc giả Singapore đương đại. Trong gần 60 năm kể từ bối cảnh câu chuyện, Singapore đã trải qua một cuộc lột xác hoàn toàn với đô thị hóa và hiện đại hóa. Độc giả ngày nay cơ hồ không còn tìm thấy chút dấu vết nào của một Singapore lai tạp giữa một ngôi làng lớn và những băng đảng đường phố, nơi các tập tục sinh sống của dân nghèo ngày xưa còn được thực hành, nơi thanh thiếu niên bước đầu vào đời mải mê khám phá tự do và nhục dục.

“Spider Boys” được viết bằng một thứ tiếng Anh đường phố pha trộn nhịp nhàng các ngôn ngữ khác, tạo ra một thế giới hư cấu độc đáo vô song, lại đẫm chất thơ. Ngôn ngữ đầy phóng khoáng của Ming Cher là sản phẩm của một bậc thầy sáng tạo, khắc họa và đồng điệu tài tình cái tuổi mới lớn, với khát khao thoát khỏi lễ giáo bằng những cú chống đối ác liệt của tuổi trẻ.

Bài viết thuộc Zzz Review

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *