Hãy ăn cắp như một nghệ sĩ: 3 điều bọn sáng tạo chưa bao giờ nói với bạn

Từ tác giả 2 cuốn sách Best-seller về sáng tạo: Nghệ Thuật PR Bản Thân và Ai Cũng Là Nghệ Sĩ

 

1. Nghệ sĩ là phải biết ăn cắp

Mỗi một nghệ sĩ thường bị hỏi, “Mày lấy những ý tưởng từ đâu ra đấy?” Thằng nào trung thực sẽ trả lời, “Tớ ăn cắp chúng.”

Tôi biết, bạn sẽ nghĩ đi ăn trộm thì sao là sáng tạo được. Sơn Tùng MTP, nếu anh đạo Chúng ta không thuộc về nhau từ We don’t talk anymore, thì đừng có gọi mình là nhạc sỹ. Nhưng đây là lời khẳng định của Austin Kleon trong cuốn sách best-seller toàn cầu của ông về sáng tạo “Không có gì là độc đáo 100%”. Hay như danh họa Pablo Picasso nói “Nghệ thuật là sự ăn cắp.”

Hãy thử một ví dụ. Bạn vừa xem một quảng cáo Tết Sum Vầy của Coca hay Đi tìm Dory của Pixar và trầm trồ trước những bộ óc tài năng: “Làm thế quái nào mà họ nghĩ được những thứ này?” Câu trả lời là họ ăn cắp đấy. Ấy, không phải theo nghĩa bê nguyên xi, mà ý tưởng của họ được nhào nặn từ hàng trăm-nghìn-triệu ý tưởng, ăn cắp từ 2,000 năm lịch sử hội họa học trên trường, từ các giáo sư đại học, từ đồng nghiệp, từ đối thủ…Và sau khi hàng triệu ý tưởng “không rõ xuất xứ” này “quan hệ” với nhau, sản phẩm sáng tạo mà bạn ngưỡng mộ đã được sinh ra.

Như nhà văn Jonathan Lethem đã nói, “khi dân tình gọi thứ gì là độc đáo, khả năng 9/10 chỉ là họ không biết danh mục tham khảo hay nguồn tư liệu nguyên thủy liên quan”. Hay như nhà văn André Gide người Pháp phán, “Mọi chuyện cần được nói ra đã nói cả rồi. Nhưng chỉ có điều là, chẳng bố nào thèm nghe, nên mọi thứ lại phải nói đi nói lại.”

Vậy nên, bạn cần bỏ ngay cái định kiến về nghệ sĩ, kiểu như “Anh ta, 1 mình 1 căn phòng trống, với một quyển sổ và cây bút trên tay. Và bụp, bóng đèn lóe sáng. Anh viết như điên trên giấy. DING! Một bài hát hay điên đảo đã được hạ sinh”. Thay vào đó, bạn cần ghi nhớ đi ăn cắp thật nhiều ý tưởng. Vấn đề làm sao để thành siêu đạo chích thì có nhiều cách.

Một, vây quanh mình thật nhiều cuốn sách: ra thư viện, tự xây thư viện ở nhà, kết thân với những thằng mọt sách, lên Trạm đọc thật nhiều bài Review, bạn làm gì thì làm. Như tôi, cứ đầu tháng, tôi sẽ ra hiệu sách vơ 20 cuốn sách hay vừa mới ra lò. Bạn sẽ bảo: “Làm sao đọc hết được mà mua”. Tất nhiên, tôi chỉ đọc được 10 cuốn là nhiều, nhưng cảm giác được những “hồn ma” vĩ đại nhất thế giới bao quanh mình cũng đủ làm tôi bắt đầu nổi máu tiếp tục con đường “ăn cắp”

Đừng bao giờ ngừng sự học

Hai, chọn cho mình một thần tượng sáng tạo và đọc tất tần tật mọi tác phẩm của ông/cô ta. Ba, đừng ngừng sự học khi đã tốt nghiệp. Google mọi thứ. Đừng bao giờ hỏi người khác nếu chưa Google, vì họ sẽ chỉ cho bạn một câu trả lời, còn Google sẽ bạn hàng trăm đường link. Bốn, luôn mang theo mình một cuốn sổ ghi chép. Để làm gì? Ăn Cắp. Chép lại mọi ý tưởng, từ ngữ, lời văn, ý thơ…bất cứ thứ gì bạn thấy đáng để ăn cắp.

 

2. Đừng chờ cho đến khi bạn biết mình thực sự muốn gì

 

Trong thế giới nghệ sĩ, có hai loại kẻ Trộm: Trộm tốt và Trộm tồi. Trộm tồi chỉ trộm từ một nguồn và bắt chước lại hoàn toàn, Trộm tốt trộm từ nhiều nguồn và biết cách “Remix”. Trộm tồi ngồi nghĩ và đợt đến khi “quả táo sáng tạo” rụng, Trộm tốt học cách chôm chỉa ngay từ khi vào nghề.

Tôi đã nghe hàng ngàn lời than phiền rằng “Nhưng, em không biết đam mê của mình”, “Nhưng, em vẫn chưa (bao giờ) vẽ ra được một ý tưởng tốt”. Nhưng “Sự thật là, đứa nào cũng như em vậy hết. Thử đi hỏi bất cứ nghệ sĩ tạo ra những sản phẩm thực sự sáng tạo, và họ sẽ nói em sự thật: Họ không biết những ý tưởng hay ho đó đến từ đâu. Họ chỉ biết lao đầu vào làm việc. Mỗi ngày.”

Sự khác biệt giữa trộm tốt và trộm tồi

Vậy nên, “Fake it till you make it”. Nếu bạn muốn làm diễn viên, hãy cứ nhận vai đóng thế. Nếu bạn muốn làm ca sỹ, cứ lên Youtube hát nhạc Cover. Nếu bạn muốn viết điểm sách, cứ viết Tóm tắt sách trước đi. Hãy cứ giả vờ làm một nghệ sĩ. Ai đấu tố bạn đâu. Chẳng phải nếu mỗi ngày bạn viết 1 trang tiểu thuyết, thì sau 365 ngày, bạn đã có một cuốn sách đủ dày để làm vũ khí rồi sao. Như Salvador Dalí, danh họa đại tài xứ Catalonia, Tây Ban Nha nói: “Những ai không biết bắt chước, chẳng tạo ra thứ gì sất.”

Có hai lưu ý khi bạn bắt đầu bắt chước: Một, bạn sẽ chôm chỉa của ai. Hai, bạn bắt chước cái gì. Câu số 1 thì dễ, bạn thần tượng người nào thì hãy mô phỏng lại người đó. Giả dụ hãy học cách: trắng và thơ ngây như Ngọc Trinh, mắng đàn ông “duyên dáng” như chị Trang Hạ, diễn hài giỏi như Hoài Linh. Nếu được, cứ thẳng thừng sao chép 99% “DNA” của họ. Như Paulo Coelho, tác giả của Nhà Giả Kim nói: “Bạn phải trở thành người mình chưa bao giờ có can đảm mơ ước tới. Dần dần, bạn sẽ khám phá ra rằng mình cũng có thể vươn tới tầm cao như họ, nhưng cho tới khi đó, hãy cứ bắt chước và tập sáng tạo.”

Câu hỏi số 2 khó nhằn hơn. Bởi suy cho cùng, nếu giống 100% người bạn hâm hộ, thì Chúa còn cần tạo ra bạn làm gì cho chật Trái Đất. Đây là điểm khác biệt giữa một tên Trộm giỏi và Trộm tồi. Một tên cả đời sẽ mãi đi chép, còn một tên, sau khi có một số chỗ cố mãi không chép được, sẽ tự biết sáng tạo để vượt vũ môn hóa rồng, tìm ra tiếng nói riêng, phong cách riêng. Như Austin Kleon nói “Hãy đóng góp thứ gì đó cho thế giới mà chỉ mình bạn mới làm được.”

 

3. Hãy viết cuốn sách mà bạn muốn đọc

 

Có một câu truyện về thành viên Bradford Cox, thuộc ban nhạc Rock Deerhunter nổi tiếng của Mỹ. Anh nói rằng: “Khi còn nhỏ, anh không có Internet, và vì vậy anh buộc phải đợi cho đến ngày ra mắt album của nhóm nhạc mình yêu thích nhất. Vậy nên anh chơi một trò: anh sẽ ngồi và thu âm lại bản album “fake”. Rồi khi nó chính thức xuất hiện, anh sẽ so sánh các bài hát mình viết với các bài chính thức. Và bạn biết không, rất nhiều những bài “fake” này cuối cùng lại trở thành những ca khúc của nhóm Deerhunter.”

Nếu có một điều thế giới này không cần thì đó là sự phàn nàn. Kết cục của Chúa Nhẫn dở tệ? Ca khúc mới của Linkin Park không chất như xưa? Tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh quá sến. Thay vì ngồi thất vọng và chê bai, tại sao bạn không chuyển năng lượng đó thành một sản phẩm. Đừng nghĩ sáng tạo, mà hãy làm sáng tạo. Không thích đoạn điệp khúc này, viết đoạn mà bạn cho là hay. Không thích phần kết, hãy tự viết một “fan fiction”. Chẳng phải làm vậy thế giới này sẽ bớt chút phiền muộn và thú vị hơn sao.

Tóm lại tuyên ngôn của Đảng Sáng Tạo cần được in trước mọi cánh cửa nhà vệ sinh tại các Agency là: “Hãy vẽ bức tranh mà bạn muốn ngắm, hãy kinh doanh thứ bạn muốn mua, hãy chơi bản nhạc bạn muốn nghe, hãy viết cuốn sách bạn muốn đọc, hãy xây dựng sản phẩm bạn muốn dùng – và hãy làm công việc bạn muốn nó thành công.”

Nếu bạn thích Austin Kleon, hãy tìm đọc thêm cuốn Nghệ Thuật PR Bản Thân, đọc vui và nuột như một cuốn truyện tranh, hoặc xem bài Review của Trạm tại ĐÂY. Cuốn truyện này của Austin bật mí 10 điều về dân sáng tạo, nhưng tôi chỉ ăn cắp có 3. 7 phần còn lại cũng chứa rất nhiều chi tiết thú vị như:

9/ Hãy là một đứa tẻ nhạt: “Tôi [Austin Kleon] là anh chàng tẻ nhạt, với công việc sáng đi-tối về, sống trong một khu phố yên bình với vợ mình và chú chó. Những hình ảnh lãng mạn mà bạn vẫn hay coi trên TV về những thiên tài sáng tạo, thường phê cỏ và ngủ với mọi cô gái chỉ là chuyện trên phim. Chỉ có siêu nhân và những người muốn chết trẻ mới làm thế. Điểm chính yếu là: Cần rất nhiều năng lượng để có thể sáng tạo. Bạn sẽ không làm việc được nếu bạn lãng phí chúng vào những thứ khác…Thế nên, tốt nhất hãy ăn sáng, chống đẩy, đi bộ và nhớ ngủ đủ.”

4/ Hãy dùng tay, đừng chỉ dùng chuột: Austin mua 2 chiếc bàn: 1 để máy tính và công cụ vẽ kĩ thuật số, 1 để giấy, bút, thước, màu… và anh khuyên bạn cũng nên làm thế. Bạn nên sử dụng cả cơ thể mình, di chuyển, sờ, nắm, chạm vào những thứ “thực” để sáng tạo, chứ đừng chỉ ngồi trước chiếc màn hình máy tính.

Nghệ thuật chỉ đến từ đầu thì có vẻ dởm

3/ Đừng từ bỏ những sở thích cá nhân của mình: “Dân sáng tạo cần thời gian để không làm gì. Tôi kiếm một vài ý tưởng hay nhất của mình khi tôi chán, đó là lý do mà tôi không bao giờ đem quần áo của mình đi giặt hiệu. Tôi yêu tự ủi quần áo của mình – việc nhà này thật chán nhưng thật tốt để khởi sinh ý tưởng. Nếu bạn đang cạn kiệt sáng kiến, hãy đi rửa bát. Hay đi bộ thật xa. Hay nhìn vào một điểm trên tường bao lâu bạn thích. Như nghệ sĩ Maira Kalman nói, “Trốn tránh công việc là cách để tôi tập trung suy nghĩ”

Còn rất nhiều những câu chuyện thú vị từ cuốn sách best-seller toàn cầu về nghề sáng tạo này. Còn giờ, tôi đã ăn cắp xong. Còn bạn, ngừng đọc thôi và bắt đầu sự nghiệp “ăn cắp như một nghệ sĩ” của mình nào.

Ngộ Không, Trạm Đọc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *