“Game changers”, theo định nghĩa, là những kẻ làm thay đổi cuộc chơi, có thể là những tay chơi cũ nhưng phần lớn là các tay chơi mới.
Khi chúng tham gia cuộc chơi, luật lệ sẽ thay đổi, giá cả và dịch vụ sẽ thay đổi… Người được lợi dự đoán là người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, Viettel từng làm thế với ngành viễn thông và có thể ở mức độ nào đó, Công ty Thegioididong đã làm thế với ngành phân phối điện thoại. Xa hơn, ở nước Mỹ và cả thế giới, Amazon đã làm thay đổi ngành bán sách trước đây và bây giờ cùng với Google, Facebook.
Amazon rồi sẽ làm thay đổi ngành xuất bản, như Google từng làm với ngành quảng cáo… khi đưa ra gói dịch vụ thuê bao đọc sách “Kindle không giới hạn” (Kindle Unlimited) cho phép người sử dụng truy cập đọc tất cả sách điện tử trong kho sách của hãng với mức thuê bao hằng tháng chưa đầy 10 USD.
Trong ngành xuất bản ở Việt Nam, khi “những tay chơi cũ” là các nhà xuất bản trở nên cũ kỹ, lạc hậu và chậm chạp trong một môi trường tẻ nhạt và nhàm chán với cách tư duy cũ kỹ và sáo mòn thì Game changers dường như là những tay chơi mới lạ lẫm và có khi chỉ vài năm trước chẳng liên quan gì đến ngành đã bước vào thị trường và làm thay đổi nó.
Đây chẳng còn là một tiên đoán nữa, nếu nhìn vào cuộc tụ họp lớn tuần rồi của ngành xuất bản, khi gần 200 người quan trọng nhất của ngành xuất bản hầu như chẳng mang lại ý tưởng mới và thông tin mới nào.
Trong bối cảnh đang rất bế tắc của ngành xuất bản ở Việt Nam, khi ta vẫn lẹt đẹt ở mức 1 cuốn sách/1 người dân, nhà xuất bản nào cũng cất lời than vãn, hẳn phải có, phải xuất hiện được những yếu tố, nhân vật và doanh nghiệp mới với tư duy khác biệt mới có thể làm thay đổi được tình hình.
Ngành xuất bản ở Việt Nam hiện nay đang rất cần những Game changers mới. Ai sẽ thay thế hệ thống thư viện đã bị tan vỡ? Ai sẽ thay thế hệ thống phát hành đã bị tan vỡ? Phải chăng là hệ thống cũ? Ấy vậy mà, một số doanh nghiệp ngoài ngành xuất bản lại chính là những nơi đang có những nỗ lực thay đổi và có đủ năng lực làm thay đổi ngành.
Đó có thể sẽ là Samsung, là Viettel, là FPT, thậm chí là VNG hay có thể là cả Amazon, là Google, là Facebook… trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động của các tập đoàn Amazon, Google, Samsung, Facebook chắc chắn sẽ chạm đến Việt Nam một cách mạnh mẽ.
Cuộc chơi mới và quy tắc mới sẽ được thiết lập không phải bằng sự áp đặt, không phải do mệnh lệnh hành chính, cũng chẳng do sự thân hữu và lời kêu gào tình cảm… Đó sẽ là cuộc chơi được thiết lập trên những nguyên tắc rất khác, là những đổi mới sáng tạo đi cùng với công nghệ để làm ra những nội dung giúp con người trở nên có trí tuệ hơn, hiểu biết hơn và thành công hơn.
Những cấu trúc cũ đã và đang tan vỡ để mở đường cho một cấu trúc mới được định hình và phát triển. Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng ngày càng phải có nhiều kiến thức hơn, ngày càng phải đọc nhiều hơn, hiểu biết hơn.
Một nền kinh tế tri thức nhất định phải đồng hành với một đất nước phát triển, đồng hành với quá trình văn minh và hiện đại hóa mà trong đó giáo dục, xuất bản là một phần thiết yếu. Hãy để các Game changers bước vào.
Nguyễn Cảnh Bình