Nói đến đây chắc nhiều người sẽ nghĩ đến Cuộc diệt chủng Armenia ở Đế quốc Ottoman quá nổi tiếng. Nhưng vì vậy mà nó sẽ không cần thiết phải đề cập ở bài viết này. Bài viết này nhằm vào một sự kiện tương tự với quy mô nhỏ hơn, diễn ra ở Azerbaijan – quốc gia thù địch số một của Armenia ở vùng Kavkaz. Nhưng trước hết, hãy tìm hiểu về lực lượng tình nguyện người Armenia trong Thế chiến 1.
1/ Lính tình nguyện Armenia.
Thế chiến 1 diễn ra giữa các Cường quốc châu Âu, nhưng những dân tộc nhỏ chiến đấu cho các quốc gia này không phải chuyện hiếm. Nếu như các nước phía Tây như Anh, Pháp, Bỉ,… sử dụng quân lính từ các thuộc địa khắp nơi, thì ở phía Đông, Đế quốc Nga thường có được sự ủng hộ từ các dân tộc nhỏ ở Đông Âu, Kavkaz. Trường hợp nổi tiếng nhất ở đây không thể khác chính là ”Quân đoàn Tiệp Khắc” lừng lẫy với cuộc hành quân thần thánh xuyên nước Nga sau Cách mạng 1917. Quân đoàn Tiệp Khắc có thành phần là những binh sĩ dân tộc Czech và Slovak trong Đế quốc Áo-Hung đã gia nhập quân đội các nước Nga, Pháp, Ý,… với hy vọng sau khi đánh bại Áo-Hung, họ sẽ được trao độc lập.
Ngoài Tiệp Khắc, còn rất nhiều các lực lượng tình nguyện từ Serbia, Hy Lạp, Romania, Ba Lan, Armenia,… cũng chiến đấu bên cạnh quân đội Nga. Ở đây, đề cập đến tình nguyện viên từ Armenia.
Armenia là một vùng đất ở khu vực Kavkaz, cùng với 2 dân tộc lớn khác là Azerbaijan và Georgia. Dân tộc Armenia theo Chính thống Giáo giống người Nga, và có một lịch sử thù nghịch với dân tộc Azerbaijan theo Hồi giáo. Nhưng do kết quả của hàng trăm năm chiến tranh lấn qua lấn lại giữa 2 đế quốc Nga và Ottoman, cho đến trước Thế chiến 1 khu vực Kavkaz có tình thế khá ”khó đỡ” – dân tộc theo Hồi giáo như Azerbaijan thì nằm trong Đế quốc Nga, trong khi dân tộc theo Chính thống giáo như Armenia thì nằm trong tay người Thổ.
Và cũng cần phải biết, ở khu vực Kavkaz thì thành phố quan trọng nhất là thành phố Baku của Azerbaijan – nơi sản xuất một nửa lượng dầu thế giới. Chính vì vậy mà khi thế chiến 1 bùng nổ, Baku trở thành mục tiêu cao nhất của các bên. Không chỉ Nga-Ottoman, các lực lượng Đức lẫn Anh-Pháp đều có tham vọng với thành phố này.
Năm 1914, sau khi Nga tuyên chiến với Đức, hàng chục nghìn tình nguyện viên Armenia ở vùng Kavkaz đã xin gia nhập quân đội Đế quốc Nga. Mục tiêu của họ cũng như nhiều dân tộc khác: mong muốn được trao cho một quốc gia độc lập sau khi đánh bại Đế quốc Ottoman. Với con số ban đầu khoảng 20.000 người, cho đến khi Thế chiến 1 kết thúc, đã có khoảng 200.000 người Armenia lên đường chiến đấu trên khắp các mặt trận của Thế chiến 1. Phần lớn trong số này, khoảng 150.000 người, là chiến đấu cho Đế quốc Nga trên mặt trận Kavkaz đánh nhau với quân Thổ. Số còn lại gia nhập quân đội Anh-Pháp chiến đấu ở các mặt trận Ai Cập, Arab, Ba Tư,… nhằm bao vây đế quốc Ottoman từ nhiều phía. Tuy vậy, cũng có 4 vạn người Armenia đã chiến đấu cho đế quốc Ottoman, với tên gọi ”quân fedayi”.
Trong khi ở mặt trận Nga-Thổ ở Kavkaz giằng co khốc liệt, ở các mặt trận khác từ Ba Tư, Iraq, Jordan,… liên minh giữa Anh và Armenia lại khá hiệu quả, đánh bại Đế quốc Ottoman từng mảng một. Chính người Anh đã thừa nhận, quân tình nguyện Armenia là đồng minh quan trọng thứ 2 của họ ở mặt trận Trung Đông, chỉ sau cuộc nổi dậy vĩ đại của người Arab. Với những thắng lợi ở mặt trận Trung Đông, năm 1917 đế quốc Anh đã mở ra hy vọng đánh thẳng vào đế quốc Ottoman từ phía Đông Nam.
Tuy nhiên, giữa lúc đang chiếm lợi thế, biến cố ập đến khi Cách mạng Nga năm 1917 lật đổ Nga Hoàng. Cuộc cách mạng làm rối loạn quân đội Nga tại mặt trận Kavkaz. Từ 70 vạn quân đối đầu với Thổ, đến cuối năm 1917 phần lớn quân Nga ở Kavkaz đã bỏ về Nga để đối phó tình hình trong nước, bỏ ngỏ mặt trận Kavkaz cho quân Thổ. Lúc này, nỗi lo lớn nhất là quân Thổ lợi dụng để chiếm thành phố Baku nhiều dầu mỏ, tạo lợi thế cho phe Trung tâm. Để ngăn chặn điều này, cuối năm 1917 quân đội Anh quyết định phái tướng Lionel Dunsterville mang 5.000 quân Anh và các nước đồng minh Úc, New Zealand, Ấn Độ,…hành quân từ Arab qua lãnh thổ Ba Tư để đến Kavkaz để giữ Baku, không cho quân Thổ chiếm lại.
Nhưng tướng Lionel Dunsterville cũng nhìn ra một cơ hội khác trong kế hoạch này. Lúc này Đế quốc Nga đã sụp đổ, và có tin chính quyền Bolshevik sẽ ký hiệp ước từ bỏ nhiều đất đai. Điều này có thể gần với mục tiêu thành lập các quốc gia độc lập vùng Kavkaz. Chính vì vậy mà khi được lệnh hành quân đến Baku, tướng Lionel Dunsterville đã quyết định mang theo hàng vạn tình nguyện viên Armenia và gia đình họ đi theo, để tiện đường trở về Armenia chuẩn bị cho quốc gia mới sắp thành lập. Điều này được những tình nguyện viên Armenia hết lòng ủng hộ, nhưng không biết rằng, sau đó là bi kịch.
2/ Bạo lực sắc tộc tháng 3 năm 1918.
Bi kịch thứ nhất là khi Đế quốc Ottoman trả thù tàn khốc giết hại 1 triệu người Armenia nhất là sau khi Đế quốc Nga sụp đổ. Bi kịch thứ 2 lại là do những người Armenia gây ra dù không hẳn là họ cố ý.
Số là kế hoạch của tướng Lionel Dunsterville mang quân Armenia đến thành phố Baku – biểu tượng của người Azerbaijan gây lo ngại sẽ thổi bùng căng thẳng sắc tộc ở đó. Vì vậy khi hành quân đến Baku, Lionel Dunsterville đã ra lệnh cho quân đội Anh lẫn người Armenia không tiến vào mà đóng ở của ngõ thành phố. Chính điều này đã tạo điều kiện cho đầu năm 1918, những người ủng hộ Bolshevik ở Baku đã thừa cơ chiếm lấy thành phố, thành lập ”Công xã Baku”.
Tuy nhiên, tính toán của Lionel Dunsterville đã phá sản do không tính diện. Vì quân đội Armenia không chỉ hành quân qua Baku, mà còn qua các vùng khác của lãnh thổ Azerbaijan, và đa phần những vùng đó không có quân đội Anh đi cùng. Ở những vùng vắng mặt quân Anh, bạo lực thường bùng nổ giữa dân thường Azerbaijan và binh lính Armenia. Với vũ khí trong tay, các cuộc bạo lực này thường kết thúc với việc quân đội Armenia nổ súng vào người Azerbaijan, chôn họ trong các hố tập thể. Sau khi quân đội Armenia đi qua, lần lượt các hố tập thể được tìm thấy, nhiều nhất là ở tỉnh Guba.
Còn với Baku, dù không cho quân đội Anh tiến vào để né căng thẳng thì rốt cuộc người Bolshevik đã làm thay họ. Do các chính sách của những người Bolshevik như tịch thu của hàng, dẹp bỏ nhà thờ, trường học Hồi giáo,… những người Hồi giáo đã phản đối và nổi lên chống lại. Để dẹp các sự phản đối này, lực lượng Bolshevik đã sử dụng ”bàn tay sắt”, nổ súng đàn áp dân thường Azerbaijan khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Những sự kiện trên chủ yếu diễn ra vào tháng 3 năm 1918, để sau này người Azerbaijan gọi sự kiện này với cái tên ”Mart soyqırımı” diệt chủng tháng 3. Cuộc thảm sát này giảm dần và kết thúc khi các đoàn quân người Armenia hành quân xong qua lãnh thổ Azerbaijan. Còn như ở Baku, thì người Armenia được chính quyền Bolshevik sắp xếp cho rời khỏi thành phố bằng bến tàu thủy qua biển Caspi để đến Nga, sau đó tiếp tục hành quân về quê nhà Armenia.
Các điều tra sau này đã thống kê hơn 20.000 người Azerbaijan đã bị sát hại trên toàn quốc. Mặc dù vậy, các ấn phẩm báo chí quốc tế năm đó, như New York Times đề cập các sự kiện này thường chỉ con số 12.000. Trong khi đó, các số liệu Azerbaijan cũng thừa nhận khoảng 2.500 người Armenia cũng bị sát hại trong tháng 3 này.
3/ Bạo lực sắc tộc tháng 9 năm 1918.
Một phần giận dữ vì các cuộc thảm sát người Azerbaijan tháng 3/1918, mùa hè năm đó 15.000 quân Ottoman thành lập lực lượng tình nguyện đến Azerbaijan theo lời kêu gọi của dân tộc anh em, sẵn sàng trục xuất các lực lượng nước ngoài đang chiếm đóng nước này.
Vào tháng 7 năm 1918, một liên minh những người Menshevik (thiểu số – ngược với Bolshevik là đa số) cùng người Armenia và người Anh đã làm đảo chính lật đổ chính quyền Bolshevik ở Baku. Cuộc đảo chính diễn ra thành công bất ngờ, quân đội bảo vệ Bolshevik đã hạ vũ khí ngay từ đầu. Người dân Baku cũng ủng hộ cuộc đảo chính chống Bolshevik. Từ đó, quân Anh, Armenia và một số lực lượng Nga kiểm soát Baku, chuẩn bị đối đầu quân Thổ.
Tuy vậy, vào tháng 9 năm 1918, quân Ottoman do tướng Nuri Pasha sau nhiều tháng chiến đấu ác liệt, đã đánh bại quân Anh-Nga-Armenia ở Baku. Quân Anh của tướng Lionel Dunsterville phải rút về Baghdad (Iraq). Trong những ngày cuối cùng trước khi rơi vào tay quân Thổ, thành phố Baku ngập trong hỗn loạn và bạo lực. Không còn quân Anh, người dân Azerbaijan đã tấn công vào quân Armenia và gia đình họ trong thành phố Baku. Cuộc di tản ở bến cảng Baku đưa người Nga và Armenia rời khỏi thành phố bị quá tải, dẫn đến sự chen lấn chết chóc khiến nhiều người Armenia thiệt mạng. Trên đường phố, người Azerbaijan tràn ra giết hại, cướp bóc, hãm hiếp người Armenia với cớ ”trả thù cho thảm sát tháng 3”.
Số nạn nhân Armenia chết không bao giờ được phía Azerbaijan công bố. Phía Armenia ước tính số người chết từ 10.000 đến 30.000 người Armenia. Theo một ủy ban đặc biệt được thành lập bởi Hội đồng Quốc gia Armenia (ANC), tổng cộng 8988 người Armenia bị thảm sát, trong đó có 5248 người Armenia ở Baku, 1.500 người Armenia ở các vùng khác của Azerbaijan, và 2.240 người Armenia mất tích không thể tìm thấy, có thể là những người đã chìm xuống đáy biển ở cảng Baku.
4/ Vấn đề sắc tộc sau đó.
Cả 3 quốc gia Kavkaz đều bị Liên Xô sáp nhập sau năm 1922. Kể từ đó, trong Liên bang Xô Viết, căng thẳng sắc tộc ở đây giảm bớt. Tuy nhiên, cách thức để giảm bớt căng thẳng sắc tộc lại không hề êm đẹp.
Cụ thể, dưới thời Stalin, khu vực Kavkaz đã chứng kiến các cuộc trục xuất lớn các dân tộc ở đây. Cụ thể như người ở những khu vực xen kẽ giữa 2 dân tộc, người Azerbaijan thường bị cưỡng bức đưa về Azerbaijan, tương tự với người Armenia. Các vùng đất bỏ lại thường để cho người Nga và các dân tộc khác bị trục xuất đến đây như Đức, Ba Lan, Ukraine, Baltic,… Thường thì người Azerbaijan bị đối xử tệ hơn Armenia, do họ theo Hồi giáo. Trong khi Armenia thường chỉ bị di chuyển trong khu vực Kavkaz, hoặc đôi khi đến Đông Âu (như vùng Moldavia chiếm của Romania năm 1940 có sự di cư của người Armenia đến đây), thì người Azerbaijan có khi bị đưa đến tận Trung Á (Kazakhstan, Uzbekistan,…). Thậm chí năm 1946, Stalin còn có ý định tạo ra một quốc gia mới cho người Azerbaijan, bằng cách sáp nhập các vùng đất chiếm đóng của Iran trong thế chiến 2. Vụ việc bị phản đối dữ dội và phải từ bỏ, được biết tới là ”Khủng hoảng Iran 1946”.
Các chính sách tái bố trí dân cư của Liên Xô ở Kavkaz, dù giảm bớt trên thực tế xung đột sắc tộc, nhưng chỉ là tạm thời. Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, những hậu quả của chính sách này đã bùng nổ và trở thành ”quả bom khó gỡ” ở đây. Tiêu biểu nhất và cũng nổi tiếng nhất ai cũng biết, là vấn đề Nagorno-Karabakh. Đây là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan, nhưng dân cư lại chủ yếu là người Armenia. Đó là do một phần hậu quả từ chính sách trục xuất người Azerbaijan dưới thời Liên Xô.
Ảnh: trang phục một lính tình nguyện Armenia trong quân đội Anh.