Tha thứ nghĩa là chúng ta đã cắt đứt mầm rễ của lòng thù hận. Tha thứ là món quà dành tặng mọi người và cũng để trao tặng chính mình.
Một nhà báo thể thao nổi tiếng ở Boston mất cách đây không lâu. Đáng buồn là người bạn thân nhất của ông đã lánh mặt trong tang lễ. Trước khi nhà báo này qua đời, vì bất đồng ý kiến, hai người đã cãi vã và chia rẽ nhau. Giống như cỏ dại, niềm căm phẫn đâm chồi mọc rễ và phát triển rất nhanh. Chẳng bao lâu, tình bằng hữu ngày nào đã thành mối hận thù. Kết cục thật đáng tiếc: một người đã mất trước khi họ cùng tìm ra giải pháp để tha thứ và hàn gắn.
Một hành động dẫn đến oán giận sẽ giết chết nhiệt tình và niềm tin. Tình thân hữu biến thành lòng thù hận. Tất cả đều thất bại. Thật là buồn bã, sai lầm và lãng phí.
Nhà báo ấy và người bạn của ông có mất mát gì đâu để cùng nhau tìm được tiếng nói chung? Câu hỏi này luôn ám ảnh và giày vò tôi, để rồi tôi bắt đầu nghiên cứu và viết nên quyển sách này. Chúng ta mất gì khi làm lành với người đã từng có hiềm khích? Tha thứ sao mà khó khăn đến thế? Ngay cả khi chúng ta biết rằng mình có thể tha thứ, thế mà vẫn không thực hiện được.
Vậy thì, làm thế nào một người bình thường có thể thực hiện được sự tha thứ?
Tha thứ là phương thuốc chúng ta ít khi dùng tới. Một cuộc cãi vã rất có khả năng nhen nhóm lòng hận thù, mối thù hận sẽ nhanh chóng dẫn đến sự phân ly. Chúng ta phải chịu đau khổ một cách không cần thiết.
Thế nhưng, rất nhiều người trong chúng ta thà chịu mất đi một người bạn còn hơn là thử áp dụng phương cách tha thứ, đặc biệt khi tổn thương quá nặng nề và lâu dài. Có lẽ, bạn cũng rút ra được kết luận: Tha thứ cho tội ác là không thể thực hiện được, đặc biệt khi cuộc sống tốt đẹp của bạn bị người khác phá hủy.
Nhưng tha thứ chưa bao giờ là điều không thể thực hiện được. Nếu bạn cố gắng mở lòng mình, sống bao dung, cuộc đời sẽ dẫn dắt bạn đến một chân trời mới.
Tuy nhiên, chúng ta có khuynh hướng không bao giờ muốn tha thứ. Thế giới hiện đại lắm ganh đua, đầy hiềm khích này là nơi chúng ta bị uốn nắn để rồi đánh mất một phần tốt đẹp trong bản chất của mình. Sau cuộc xung đột, thay vì làm lành và hòa giải, chúng ta lại tìm cách bào chữa cho mình, luôn cho mình là đúng và đổ hết mọi sai trái, xấu xa cho đối phương, mặc cho cách đây vài ngày, thậm chí hàng chục năm trước, cả hai đã từng thân thiết, yêu thương nhau.
Con người vốn dĩ cố chấp, bướng bỉnh, luôn cho mình là đúng. Đối với phần đông chúng ta, cố biện hộ để giành phần thắng quan trọng hơn việc hòa giải. Chúng ta hao công, tổn sức để phỉ báng người khác, kể cả người mà ta từng quý trọng như người thân. Chúng ta được gì khi cố chấp như thế? Chắc chắn chẳng được gì.
Chúng ta được sinh ra và lớn lên để tha thứ. Khi ta còn nhỏ, không ai dạy ta tha thứ, thậm thứ chỉ là một trong những việc nên làm, mà chúng ta đã từng được khuyên răn. Chăng hạn: “…Con nên bỏ qua cho em con… Con nên tha lỗi cho bạn con… ”. Nhưng cũng vì không ai chỉ bảo ta cách tha thứ nên ta chỉ chờ nó xuất hiện như một phép lạ.
Khi cha mẹ, thầy cô, các chuyên gia tâm lý… khuyên chúng ta nên tha thứ, chúng ta không thể không nghe. Nhưng trên thực tế, không ít lần chúng ta chứng kiến nhiều người trong số họ lại không thực hành tha thứ. Vì thế, chúng ta quay sang thực hiện hành vi khác – hành vi đến với chúng ta một cách tự nhiên và khiến ta thỏa mãn hơn nhiều: chất chứa hằn học và tìm cách trả đũa. Kể từ đó, tôi khám phá ra rằng học cách tha thứ là hành động chính đáng, và nó không đến một cách tự nhiên.
Tha thứ cũng đồng nghĩa chúng ta tự giải thoát khỏi những ràng buộc.
Về mặt sinh học, tha thứ là một điều rất tốt cho bạn, tốt hơn nhiều so với việc chất chứa hiềm khích và tìm cách trả đũa. Học cách tha thứ là hành động thực tế để cải thiện cuộc sống của chúng ta, cả về thể chất lẫn tinh thần. Hơn thế nữa, khi tha thứ, ta chẳng mất gì. Tha thứ cũng đồng nghĩa chúng ta tự giải thoát khỏi những ràng buộc. Chúng ta sẽ được hưởng nhiều điều tích cực: huyết áp, nhịp tim giảm, hệ miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn, tỷ lệ đau tim, đột quỵ, nhức đầu, đau lưng…. giảm hẳn; tần suất sử dụng và liều lượng thuốc cũng giảm dần trong khi khả năng tình dục lại tăng lên. Đó là những lợi ích ta nhận được khi biết tha thứ.\
Về mặt tinh thần, tha thứ giúp con người phấn chấn, cao thượng, vui vẻ và suy nghĩ tích cực hơn, tránh được ưu phiền và đau khổ.
So với những phương pháp mà con người sử dụng để cải thiện cuộc sống thì ít nhất, tha thứ cũng tốt như việc giảm cân, ngủ đủ giờ, uống đủ liều lượng vitamin và đeo dây an toàn khi lái xe. Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần trên, học cách tha thứ không phải dễ và vì thế, chúng ta cần sự giúp đỡ.
Nếu sẵn lòng học hỏi, chúng ta có thể học được cách tha thứ. Suy cho cùng, nó cũng chỉ là một kỹ năng mà bất cứ ai cũng có thể sở hữu.
“Trước khi bắt đầu trả thù, bạn hãy đào hai nấm mồ”
Hầu hết chúng ta không thích tha thứ. Tôi cũng chưa từng gặp người nào thích tha thứ. Thật không dễ tha thứ chút nào. Tha thứ cũng khó như thực hiện một cuộc giải phẫu lên chính mình. Cả hai đều đau như nhau. Chỉ nghĩ đến việc tha thứ thôi, chúng ta cũng đã cau mày nhăn mặt mà rằng: “Không bao giờ!”. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, tôi khuyến khích bạn thực hiện điều đó.
Trong quyển sách này, bằng ngôn từ của mình, tôi sẽ cố gắng giải thích lý do vì sao chúng ta nên tha thứ và tha thứ bằng cách nào. Có lẽ, bạn sẽ cho rằng trường hợp của mình là đặc biệt, nỗi oán giận trong bạn thật kinh khủng, phức tạp đến mức không có lời khuyên nào có thể giải thoát được. Chất chứa lòng thù hận càng lâu, nó càng bám chặt trong tâm, rồi sẽ phát triển mạnh mẽ và làm tổn hại sức khỏe chúng ta. Lâu dần, chúng ta bị biến thành một sinh vật hung dữ như chính sự thù hận. Mỗi lần nhớ lại những sự việc khiến ta giận dữ là thêm một lần ta khơi gợi nỗi đau, giúp nó tái diễn, để rồi nó sẽ tác động ngược lên ta, khiến ta càng tìm cách trả thù tinh vi hơn. Và thế là chúng ta đã tự mình đánh mất niềm vui cuộc sống.
Để kết thúc thù hận, cần một biện pháp triệt để diệt bỏ tận gốc lòng thù hận đã in sâu trong tim mỗi người. Tha thứ chính là liệu pháp duy nhất.
Tha thứ nghĩa là chúng ta đã cắt đứt mầm rễ của lòng thù hận. Tha thứ là món quà dành tặng mọi người và cũng để trao tặng chính mình.
Hãy tự sửa sai khi phạm sai lầm. Hãy nói thật. Hãy đặt mình trong tình huống của đối phương khi bạn không đồng quan điểm. Đừng bỏ qua những vướng mắc. Đừng bao giờ luôn cho mình là đúng. Những cuộc tranh luận trở nên gay gắt chính là khi hai bên đều khẳng định mình “đúng”.