ĐI TÌM “LÝ DO THỨC DẬY VÀO BUỔI SÁNG” Ở “NHỮNG VÙNG ĐẤT TRƯỜNG THỌ” 

Người Okinawa gọi nó là ikigai, và người Nicoya gọi nó là plan de vida, nhưng ở cả hai nền văn hóa, cụm từ này về cơ bản được hiểu là “lý do thức dậy vào buổi sáng”. Ý thức mạnh mẽ về mục đích của những người Okinawa lớn tuổi có thể hoạt động như một bộ đệm chống lại căng thẳng và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, viêm khớp và đột quỵ.

Tiến sĩ Robert Butler và các cộng sự đã dẫn đầu một nghiên cứu do NIH tài trợ nhằm xem xét mối tương quan giữa việc sống có mục đích và tuổi thọ. Nghiên cứu kéo dài 11 năm này đã theo dõi những người vẫn còn khả năng hoạt động tốt trong độ tuổi từ 65 đến 92 và phát hiện ra rằng họ đều có một mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống – điều gì đó để thức dậy vào buổi sáng, điều gì đó đã tạo ra sự khác biệt – sống lâu hơn và nhạy bén hơn những người không có mục đích. Người ta cũng báo cáo rằng ngay sau ngày 31 tháng 12 năm 1999, các nhà nhân khẩu học đã thấy sự tăng đột biến số người lớn tuổi qua đời. Nói cách khác, những người lớn tuổi này có thể đã có ý muốn sống sót cho đến thiên niên kỷ mới.

Ý thức về mục đích có thể đến từ một điều gì đó đơn giản như thấy con hoặc cháu lớn lên khỏe mạnh. Mục đích có thể xuất phát từ công việc hoặc sở thích, đặc biệt khi bạn có thể đắm mình hoàn toàn vào nó. Nhà tâm lý học thuộc Đại học Claremont, Tiến sĩ Mihály Csíkszentmihályi mô tả cảm giác này rõ nhất trong cuốn sách của mình, Flow: The Psychology of Optimal Experience (Dòng chảy: Tâm lý học của những trải nghiệm tối ưu). Ông định nghĩa dòng chảy là một trạng thái hòa hợp giống như thiền mà bạn cảm thấy hoàn toàn đắm chìm vào việc mình đang làm. Nó được đặc trưng bởi cảm giác tự do, thích thú, thỏa mãn và khéo léo và khi bạn ở trong trạng thái đó, những mối bận tâm nhất thời (thời gian, đồ ăn, bản ngã/bản thân…) thường bị bỏ qua. Nếu bạn có thể xác định hoạt động mang lại cho mình cảm giác về dòng chảy này và biến nó thành trọng tâm của công việc hoặc sở thích của mình, nó cũng có thể trở thành ý thức về mục đích của bạn.

Một hoạt động mới cũng có thể mang lại cho bạn mục đích. Học nhạc cụ hoặc ngôn ngữ mới sẽ mang lại cho bạn phần thưởng gấp đôi, vì cả hai đều đã được chứng minh là giúp giữ cho não bộ nhạy bén hơn trong thời gian lâu hơn. Tiến sĩ Thomas Perls thuộc Trường Y khoa Đại học Boston cho biết: “Tập luyện não bộ là việc quan trọng. Hãy làm những việc mới lạ và phức tạp. Một khi đã thành thạo và việc đó không còn mới lạ nữa, hãy chuyển sang một việc khác. Như vậy là bạn đang tập luyện sức mạnh cho não bộ và điều đó đã được chứng minh là làm giảm tốc độ mất trí nhớ và thậm chí có thể làm giảm tốc độ phát triển bệnh Alzheimer.”

Bài viết là một trong những chia sẻ, bài học được rút ra từ “Những vùng đất trường thọ” – cuốn sách ghi chép lại những “bí mật” của tuổi thọ thông qua những câu chuyện về các chuyến đi của Dan Buettner. “Những vùng đất trường thọ” – 9 bài học từ những người sống lâu nhất hành tinh nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của New York Times. Thông qua chuyến đi tới những Vùng Xanh (những vùng đất trường thọ) như Costa Rica, Ikaria (Hy Lạp), Sardinia (Italia) rồi Okinawa (Nhật Bản), Dan Buettner sẽ dẫn dắt bạn khám phá bí mật, công thức cho sự trường thọ của từng vùng đất. Dù mỗi nơi có những cách gọi khác nhau, nhưng nhìn chung, công thức cho sự trường thọ thường gắn bó sâu sắc với cộng đồng, lối sống và tâm linh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *