Trung Quốc đang có hết thảy ‘thiên thời’ để phát động chiến tranh với Đài Loan (phần 1)

Chuyên cơ mang số hiệu SPAR19 chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chính thức hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, Đài Loan vào 22:45 phút tối thứ Ba (02/08). Chuyến thăm lịch sử này bất chấp mọi đe dọa trước đó của Trung Quốc về triển khai quân đội, vũ khí nhắm vào chuyến phi cơ của Bà Pelosi. Thậm chí Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không ngần ngại khi cảnh báo Tổng thống Biden rằng Mỹ đang đùa với lửa ở Đài Loan trong một cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ vài ngày trước chuyến thăm của bà Pelosi. Tất cả sự kiện này có thể cắt đứt quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Chỉ một tuần trước, cuối tháng 7/2022, Cố vấn an ninh quốc gia của Vương Quốc Anh, Stephen Lovegrove, cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc đang gia tăng trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng mở rộng kho vũ khí hạt nhân mà không quan tâm đến các cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng, nguy cơ bùng nổ xung đột hạt nhân ngày nay có thể còn lớn hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Lạc quan hơn đồng minh, Vào ngày 20/7 vừa qua, Giám đốc CIA Mỹ William Burns cho rằng Trung Quốc sẽ không xâm lược Đài Loan ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên đánh giá thấp quyết tâm của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong việc tiếp quản Đài Loan. Ám chỉ của Giám đốc CIA Mỹ rằng cuộc chiến có thể không diễn ra trong ngắn hạn nhưng không có nghĩa là nó không diễn ra.

Và có ngày càng nhiều những nhận định chiến tranh như thế. Và quả thực, những nhận định này dựa trên bản đồ địa chiến lược chính trị toàn cầu đang nghiêng lợi thế về Trung Quốc. Đáng buồn là những lợi thế này do chính quyền mới của Hoa Kỳ dâng tặng Bắc Kinh, đối thủ an ninh số một của Hoa Kỳ, một cách đầy tình nguyện. Mối quan hệ giữa Nga – Trung, dù bề ngoài có vẻ cùng ý thức hệ, nhưng bên trong vốn chứa đầy mâu thuẫn, bất bình thậm chí đầy thù địch. Dù vậy, Nga luôn là nỗi cay đắng, là con gấu phía bắc mà Trung Quốc không dám động đến. Nhưng NATO và chính quyền ông Biden đã trao tặng một món quà tuyệt vời cho Trung quốc: tình bạn, liên minh lợi ích với con gấu Nga.

Trải dài trên lãnh thổ Á – Âu, liên kết Trung – Nga từ lâu đã được xem là nhân tố đáng kể chống lại phương Tây về kinh tế, chính trị, quân sự. Trong lịch sử, dù cùng xuất sinh từ một ý thức hệ, song sự bất tuân của Mao với Stalin đã biến mối quan hệ từng là đồng minh trở thành kẻ thù trong thời Chiến tranh lạnh. Quan hệ giữa hai nước đã từng có lúc căng thẳng tại bờ vực chiến tranh hạt nhân, Liên Xô (thời Chiến tranh lạnh) có thể đánh phủ đầu Trung Quốc nhờ sở hữu vũ khí hạt nhân. Ở phía còn lại, Trung Quốc được cho là đã từng bước chuẩn bị chiến tranh hạt nhân với Liên Xô vào năm 1969, khi đó, các bộ của nước này đã dời đi các tỉnh và chỉ còn Chu và Mao ở lại Bắc Kinh.

Sau Chiến tranh lạnh, Liên Xô tan rã, quan hệ Nga – Trung trở nên nồng ấm dần dần, biên giới bớt căng thẳng, trao đổi mua bán vũ khí tấp nập trở lại. Từ những năm 1950 đến cuối những năm 1980, Liên Xô và Trung Quốc đã có tranh chấp biên giới và tranh giành quyền lãnh đạo phe cộng sản trong Chiến tranh Lạnh. Vào những năm 1970, sự bất hòa sâu sắc trong quan hệ Trung – Xô đã giúp thúc đẩy Trung Quốc liên kết với Mỹ, trong lúc xung đột biên giới giữa hai nước xảy ra trầm trọng năm 1969. Vào năm 1972, mối quan hệ giữa hai cường quốc cộng sản trở lên xấu đi, chuyển từ lạnh nhạt sang đóng băng hoàn toàn, khi Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đến thăm Trung Quốc. Sau khi Liên Xô tan rã, mối quan hệ Nga – Trung vẫn không được cải thiện là bao. Tuy nhiên, cơ hội Nga thân Mỹ, trở thành một quốc gia dân chủ hơn lần lượt bị các đời Tổng thống Mỹ từ chối. Bằng cách liên tiếp mở rộng NATO về phía sườn đông nước Nga, Mỹ và NATO áp dụng cả một chiến lược truyền thông, ngoại giao, an ninh xem Nga như kẻ thù. Nga không còn cách nào khác là tăng cường quan hệ đồng minh với Trung Quốc và các nhà nước khủng bố bị Mỹ hắt hủi để tránh rơi vào tình trạng bị cô lập cũng như bán vũ khí nhiều hơn.

Mối quan hệ Trung – Nga thực sự chỉ nồng ấm sau 2014, khi Nga chiếm Crimea, một vị trí chiến lược với an ninh quốc gia của Nga, nơi có cảng nước ấm, thứ không thể thiếu cho hải quân Nga mà vị trí địa lý không cho phép Nga có. Để tránh bị cô lập, mối quan hệ với Trung Quốc nồng ấm trở lại, nhưng vẫn đầy nghi kỵ và bất đồng. Thời kỳ Tổng thống Donald Trump tại vị, mối quan hệ này không thắt chặt thêm, bản thân Mỹ cũng không tiếp tục dồn ép Nga vào thế thù địch. Mối quan hệ Nga – Trung chỉ được nâng cấp lên toàn diện khi NATO muốn sáp nhập thêm Ukraine bất chấp các cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin; tất cả diễn ra chỉ 20 ngày trước khi Nga đưa quân vào xâm lược quốc gia láng giềng này. Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã ra một tuyên bố chung vào tháng 3/2022 rằng “Hợp tác Trung – Nga không có giới hạn”. Tuyên bố này là một lời hứa sẽ hợp tác nhiều hơn để chống lại phương Tây, dường như đang diễn ra.

Trước khi có mối quan hệ toàn diện được Trung Quốc hết lời ca ngợi như hiện nay, Trung Quốc luôn phải e ngại trước Nga. Việc Việt Nam nhờ doanh nghiệp nhà nước Nga khai thác dầu khí để bảo vệ Biển Đông là một minh chứng rõ ràng. Theo tin từ BBC, vào tháng 6/2020, dẫn một nguồn thạo tin trong ngành dầu khí nói với BBC rằng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã đồng ý trả tiền cho Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho các thỏa thuận ‘chấm dứt’ và ‘bồi thường’ vì các hãng này không thể khai thác dầu thô trên Biển Đông trước sự quấy phá của Trung Quốc. Áp lực từ Trung Quốc khiến Việt Nam phải đền bù khoảng trên 1 tỷ USD. Sau vụ việc, Việt Nam phải nhờ cậy tới “anh cả” Nga. Các hãng dầu khí nhà nước Nga vào cuộc và Trung Quốc buộc phải thoả hiệp. Việc đưa Nga tham gia vào lợi ích trên Biển Đông, trở thành một lực lượng kìm hãm sự hung hăng của Bắc Kinh thực sự là bước đi rất hiệu quả và khôn ngoan của Việt Nam. Nga sau đó đã tăng cường hỗ trợ Việt Nam liên quan đến thăm dò năng lượng ở Biển Đông và có lẽ đáng ngại hơn theo quan điểm của Trung Quốc, trong việc mua bán vũ khí và hợp tác quốc phòng.

Trên bản đồ địa chính trị toàn cầu, Nga luôn xứng là một cường quốc, kẻ định hình và cân bằng các thế lực chính trị, quân sự. Một khi Nga không hài lòng với Trung Quốc, sự trỗi dậy của Trung Quốc bị hạn chế ít nhiều; vấn đề Biển Đông và các dàn khoan trên biển của Việt Nam là một ví dụ điển hình. Trong lịch sử, ngoài cơ hội mà Tổng thống Nixon trao cho Trung Quốc hồi năm 1972, thì mối quan hệ toàn diện Nga – Trung lần này là cơ hội vàng cho Trung Quốc thực thi tham vọng của mình. Rốt cuộc, một liên minh trải dài Á – Âu rộng lớn, có sức mạnh quân sự đáng gờm, đầy dã tâm và khát khao soán ngôi thống trị Mỹ đã hình thành nhờ vào sai lầm chiến lược của Mỹ: ưu ái, che chở cho Trung Quốc phát triển bất chấp các vấn đề nhân quyền tồi tệ và buộc Nga phải trở thành kẻ thù số một của nước Mỹ. Bằng cách này, Mỹ đã thành công dâng tặng một cường quốc vũ khí, đầy dã tâm cho đối thủ số một của họ: Trung Quốc. Thế giới đã thay đổi không thể đảo ngược với việc Trung Đông hình thành tâm chấn của những thay đổi kiến tạo trong trật tự địa chính trị mới. Khi UAE, Mỹ và Israel đã ra Tuyên bố chung nhấn mạnh về việc “bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất”, đồng thời, một trục do Trung Quốc hậu thuẫn bao gồm các quốc gia như Pakistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Palestine cũng đã hình thành.

Trung Quốc đang cho thấy ý định định hình cục diện quân sự và khu vực của Trung Đông thông qua các mối quan hệ thương mại với các quốc gia trong khu vực cũng như thông qua việc dự báo sức mạnh quân sự của chính họ. Trục liên minh khu vực Trung Đông của Trung Quốc từng suy yếu trong suốt 4 năm ông Trump tại vị nhờ sự ủng hộ của Mỹ với Israel, cắt đứt tài trợ tài chính và trừng phạt kinh tế với các đồng minh của Trung Quốc. Mọi sự đã thay đổi khi thế cờ vây ông Trump để lại cho khu vực Trung Đông bị phá bỏ bởi chính quyền kế nhiệm. Đồng minh của Trung Quốc ở khu vực này đang mạnh, hung hăng hơn và ngày càng coi thường sức mạnh của Mỹ.

Chính quyền Biden đã không thể thúc đẩy một chiến lược chặt chẽ để đối phó với Iran mà lại tập trung vào việc khơi dậy thỏa thuận hạt nhân được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Obama trong khi Iran gia tăng vũ khí hạt nhân và viện trợ cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Hôm 14/7, ông Biden tái khẳng định cam kết quay trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015 với Iran – thỏa thuận chứng kiến chính phủ Obama gửi 100 tỷ USD cho Iran, trong đó có một chiếc C-130 Hercules chở 400 triệu USD tiền mặt vào ngày 16/1/2016, CNN đưa tin. Sau đó, Iran đã sử dụng số tiền đó để hỗ trợcác nhóm ở Yemen, Lebanon, Iraq, Gaza và khắp nơi trên thế giới, gây mất ổn định hàng loạt trên thế giới. “Theo thỏa thuận, Iran nhận được một gói tài chính trị giá lên tới 275 tỷ USD trong năm đầu tiên và 800 tỷ USD trong 5 năm tiếp theo”, Richard Goldberg, cố vấn cấp cao tại Foundation for Defense of Democracies nói. “Với một nghìn tỷ USD sẵn có vào năm 2030 cho chương trình tên lửa của Iran, tài trợ cho các nhóm ở Trung Đông và Lực lượng Vệ binh Cách mạng, thỏa thuận này cho phép Tehran đốt thêm hàng chục đám cháy xung quanh Trung Đông, buộc Mỹ phải đáp trả để bảo vệ công dân, đại sứ quán và đồng minh của Mỹ. Và cuối cùng, thỏa thuận không yêu cầu tính toán đầy đủ các hoạt động hạt nhân của Iran hay phá hủy một máy ly tâm duy nhất và sẽ hết hạn nhưng đảm bảo Iran sẽ vẫn vượt qua ngưỡng hạt nhân vào một thời điểm mà họ lựa chọn trong tương lai. Chắc chắn, Nga và Trung Quốc không muốn gì hơn là chứng kiến một nước Mỹ sa lầy bởi hành động tống tiền và leo thang hạt nhân không hồi kết của Iran. Đó là lý do tại sao họ là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất thỏa thuận hạt nhân với Iran. Họ biết rằng Iran càng có nhiều tiền, thì thời gian và nguồn lực của Mỹ sẽ liên tục được chuyển hướng khỏi châu Á và châu Âu”.

Ảrập Xêút bán khoảng 1/4 tổng lượng dầu xuất khẩu của mình sang Trung Quốc. Trong hai tháng đầu năm nay, họ đã vượt qua Nga trở thành quốc gia gửi nhiều dầu nhất tới đó. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị xung quanh cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra của Nga và khi thế giới đứng về hai phía của cuộc xung đột, tin tức này đã làm dấy lên lo ngại rằng Ảrập Xêút có thể sẽ đứng về phía Nga. Việc cho phép thanh toán dầu bằng đồng CNY có thể giúp tạo ra một hệ thống song song cho thanh toán quốc tế, nơi CNY của Trung Quốc trở nên quan trọng như USD. Đổi lại, điều này sẽ giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt vì quốc gia xâm lược này sau đó cũng có thể sử dụng CNY. Mối quan hệ giữa Ảrập Xêút và Trung Quốc đã trở nên sâu sắc hơn trong vài năm nay. Năm 2020, Ảrập Xêút là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, với kim ngạch xuất nhập khẩu trên 67 tỷ USD (60,6 tỷ Euro).

Hầu hết, các mối quan hệ này dựa trên mối quan hệ kinh tế cùng có lợi, một mối quan hệ làm nổi bật sự hợp lực giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá nghìn tỷ của Trung Quốc và dự án hiện đại hóa của riêng Ảrập Xêút, tầm nhìn 2030. Một phần của Tầm nhìn 2030 là về việc chuẩn bị cho Ảrập Xêút một tương lai khi dầu mỏ ít quan trọng hơn, một khía cạnh là thúc đẩy tiềm năng của Ảrập Xêút như một trung tâm hậu cần ở Trung Đông. Sáng kiến Vành đai và Con đường phù hợp với điều này, Trung Quốc và Ảrập Xêút có mối quan hệ được gọi là “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” – mặc dù các chuyên gia như Cinzia Bianco, một chuyên gia về khu vực vùng Vịnh, thận trọng không gọi hai quốc gia là “đồng minh”.

Roie Yellinek, một học giả không thường trú tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, nhận xét rằng : “Thực tế là việc các bộ trưởng ngoại giao đến Trung Quốc, chứ không phải là những người đồng cấp của họ ở các bộ thương mại hoặc kinh tế, điều này cho thấy sự thay đổi trọng tâm. Sau nhiều năm quan hệ theo định hướng kinh tế … các sự kiện gần đây đã cho thấy rõ rằng một kỷ nguyên mới đã bắt đầu với sự tập trung nhiều hơn vào địa chính trị”.

Quan hệ của Trung Quốc – Ảrập Xêút trong lĩnh vực quân sự đã ngày càng tăng. Từ năm 2016 đến năm 2020, chuyển giao vũ khí của Trung Quốc cho Ảrập Xêút đã tăng 386%, theo Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức trong một bài báo nghiên cứu hồi tháng 2/2022. Đầu tiên Trung Quốc bán tên lửa đạn đạo cho Ảrập Xêút, sau đó bắt đầu hỗ trợ họ sản xuất ở Ảrập Xêút.

Cũng cần lưu ý: Người Trung Quốc thường giao dịch với các nhà lãnh đạo trong khi người Mỹ thì không. Như các nhà phân tích tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) giải thích trong cuộc họp tóm tắt chính sách năm 2019 của họ: “Mô hình chủ nghĩa tư bản độc tài của Trung Quốc đã thu hút nhiều chế độ Trung Đông vốn coi hợp tác với Trung Quốc là phương tiện để chống lại áp lực của phương Tây trong việc theo đuổi cải cách quản trị và trách nhiệm giải trình nhân quyền”.

Thật vậy, các nhà lãnh đạo của Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã không nghe điện thoại khi Tổng thống Biden cố gắng gọi điện cho họ để thảo luận về việc thúc đẩy xuất khẩu dầu để bù đắp việc tăng giá liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman và Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan của UAE đã từ chối nỗ lực tiếp cận của ông Biden, Wall Street Journal đưa tin. Quyết định giữ sản lượng dầu ở mức thấp của nước này đối với yêu cầu tương tự trước đó của ông Biden vào tháng 8/2021 cũng không được chú ý.

Tờ The Intercept nhận xét rằng việc Ảrập Xêút giữ nguyên sản lượng có thể dẫn đến giá xăng dầu cao trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng ở Mỹ. Bất chấp những nỗ lực nhằm điều chỉnh lại quan hệ với Riyadh, động thái này có thể có tác động tiêu cực đến đảng Dân chủ, những người có thể bị cử tri đổ lỗi vì giá cả tăng vọt.

Không có gì bí mật khi Thái tử Mohammed bin Salman ủng hộ chính quyền Trump khi tuyên bố có con rể của ông Trump và trợ lý hàng đầu Jared Kushner “rất thân thiết với ông ấy”. Khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu tăng sản lượng dầu ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 và sau đó là giảm sản lượng dầu để bảo vệ ngành công nghiệp đá phiến trong nước, Thái tử Mohammed bin Salman đã tuân thủ.

Trong khi Trung Quốc kết nạp được người bạn mơ ước là cường quốc Nga, các đồng minh gây bất ổn khu vực và Mỹ ở Trung Đông đang trỗi dậy, Mỹ ngày một suy nhược. Trung Quốc không ngần ngại bày tỏ sự miệt thị với sức mạnh của Mỹ bằng phong cách ngoại giao sói chiến.

Nỗi ám ảnh của chính quyền Biden với thỏa thuận xanh mới đã đặt nước Mỹ vào một vị trí có thể không bao giờ hồi phục và đã đặt kẻ thù của họ vào vào vị trí cầm lái.

Một hoặc hai ngày đầu tiên nhận chức, chính quyền ông Biden đã hủy Keystone XL Pipeline, nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Đường ống Nord Stream 2, đây là một tín hiệu rõ ràng cho Putin rằng nước Mỹ sẽ yếu đi và cơ hội của Nga đang đến.

Chính quyền ông Biden không khuyến khích đầu tư vào mỏ dầu. Việc hủy bỏ đường ống và đẩy năng lượng tái tạo trở lên đắt đỏ đã làm giảm sản lượng năng lượng của nước Mỹ và củng cố quyền kiểm soát của Nga và OPEC đối với giá dầu.

Nước Mỹ đã từ chỗ là nhà xuất khẩu ròng dầu mỏ và chỉ trả dưới 2 USD một gallon cho khí đốt, trở thành việc phải nhập khẩu gần 40% nhu cầu năng lượng từ OPEC, và tệ hơn là từ Nga! Chính quyền Biden trả cho Nga hàng tỷ đô-la cho một sản phẩm mà một năm trước họ đã sản xuất nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Putin, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Triều Tiên và Iran, cảm thấy bây giờ là cơ hội của họ. Họ chứng kiến cảnh Biden vượt qua một cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan, điều này làm lộ rõ khả năng phán đoán tồi và sự yếu kém của tổng tư lệnh của nước Mỹ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *