5 mẹo mà Mark Manson áp dụng để đọc và tiếp thu 81 cuốn sách mỗi năm

 “Có một lý do mà việc đọc sách đã tồn tại hơn 5.000 năm. Đó là bởi sách thực sự hiệu quả.” Bạn có thể đã biết điều này. Nhưng điều bạn không biết là: Ai đã nói những lời ấy? Đó chính là Mark Manson – một người giải thích tâm lý học, khoa học thần kinh và triết học trên blog của mình. Với cách thể hiện đầy khôi hài, blog của anh đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo độc giả. Hơn thế nữa, anh cũng là tác giả của 2 cuốn sách bán chạy tới 13 triệu bản trên khắp thế giới. 

Vì một phần công việc của Mark là ngồi xuống và đọc, anh ấy chắc chắn phải có một vài bí kíp nào đó để không những đọc nhanh, mà còn hiểu được nội dung sách. Dưới đây là 5 mẹo mà Mark Manson đã áp dụng trong quá trình đọc của mình. 

 

1/ Đừng để tiếng nói nội tại ảnh hưởng tới bạn

 

Khi đọc sách, chúng ta thường đọc thầm. Lúc này, giọng đọc sẽ vang lên thành tiếng “ở trong đầu” của chúng ta. Trông bề ngoài có vẻ như bạn đang im lặng nhưng giọng nói bên trong vẫn tiếp tục vang lên. Đó, bạn có nghe thấy không? Nếu có thì bạn không đơn độc đâu vì hầu hết chúng ta đều gặp tình trạng này và điều này cũng có mặt trái của nó. Vớ Mark Manson, anh thấy rằng: “Nó khiến tôi đọc chậm lại rất nhiều!” Do đó, nếu muốn đọc nhanh hơn, đòi hỏi bạn phải “tắt” giọng nói bên trong của mình. Sau đây là hướng dẫn cho bạn. 

Hãy hình dung từ ngữ dưới dạng ký hiệu hoặc hình ảnh thay vì âm thanh. Ban đầu, điều này nghe có vẻ khó vì bạn sẽ bị phân tâm giữa hai việc: Một là đảm bảo rằng bạn đã tắt giọng nói; Hai là lướt qua văn bản trước mặt. Vì vậy, để luyện tập thì đòi hỏi bạn phải có sự kiên nhẫn. 

Ghi chú: Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học về thói quen đọc cho thấy rằng việc tắt giọng nói bên trong sẽ làm tăng tốc độ đọc, nhưng đổi lại, bạn lại ít hiểu về nội dung hơn. Bạn càng tăng tốc, bạn càng hiểu ít hơn. Vậy bây giờ bạn nên làm gì? 

Bạn có thể tắt tiếng nói bên trong của mình khi xem qua phần sơ lược của cuốn sách hoặc một bài báo. Nhưng khi 

 

2/ Sử dụng ngón tay khi đọc

 

Khi lướt ngón tay theo những từ đang đọc, bạn sẽ giúp mắt luôn tập trung vào đúng vị trí đang đọc, tránh được những phiền nhiều bên ngoài, chẳng hạn như con mèo nhảy lên cuốn sách chẳng hạn. 

Việc này sẽ khiến bạn trông giống một đứa nhóc sáu tuổi; tay bạn bận di chuyển trên trang sách nên bạn cũng không thể vừa ăn vặt vừa đọc sách. Nhưng điều này thực sự cải thiện tốc độ đọc của bạn thì cần gì quan tâm đến điều gì khác cơ chứ?

Ghi chú: Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thủ thuật này nhưng có những thông tin liên quan. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trò chơi điện tử giúp cải thiện sự tập trung. Khoan, dừng khoảng chừng là 2 giây, điều này thì có liên quan gì đến việc đọc cơ chứ? 

Trò chơi điện tử cải thiện khả năng chú ý thị giác của bạn vì chúng rèn luyện mắt của bạn để theo dõi các đối tượng chuyển động – giống như bạn đang theo dõi ngón tay mình lướt trên những trang sách.

Thị giác tập trung tốt hơn, việc đọc sẽ tốt hơn. 

 

3/ Ngừng đọc những thứ mà bạn không thích đi!

 

Bạn có thể bỏ ngang bữa ăn dở ẹc, cũng như một bộ phim chán chết. Vậy tại sao bạn lại cố gắng đọc từng từ của một cuốn sách mình không thích?

Vậy nên hãy bỏ qua!

Bỏ qua những đoạn văn nhàm chán, lật qua những trang nội dung đã quá quen thuộc và bạn có thể đặt toàn bộ cuốn sách xuống nếu nghĩ rằng mình đã hiểu được ý tưởng của nó, hoặc nếu ý tưởng đó nghe có vẻ chả thú vị gì. Đúng vậy! Đừng ngần ngại mà bỏ qua!

Ghi chú: Việc bỏ qua này sẽ khác nhau giữa sách có nội dung hư cấu và phi hư cấu. Với sách hư cấu, việc này đơn giản thôi: tất cả hoặc không gì cả. Còn với sách phi hư cấu, mẹo này có mục đích là tối ưu hóa thời gian đọc của bạn. Trong những cuốn sách này, sự lặp lại rất phổ biến, đặc biệt là việc liệt kê các nghiên cứu được thực hiện. 

Do đó, Mark Manson cho rằng: “Nếu bạn đang đọc từng từ của các cuốn sách phi hư cấu, thì bạn đang làm sai.” 

 

4/ Lên lịch cho thời gian đọc

 

Ý tưởng ở đây không phải là mở rộng danh sách việc cần làm của bạn, mà đúng hơn là khai thác thời gian ngừng hoạt động trong ngày của bạn. 

Giả sử bạn cần 30 phút để chìm vào giấc ngủ ban đêm và 15 phút để nhâm nhi tách cà phê buổi sáng. Thêm 15 phút để lướt Tik Tok hay Twitter nữa. 

Vậy tổng cộng là 1 tiếng đồng hồ. 

Người bình thường có thể mất 2 phút cho việc đọc một trang sách. Nếu bạn sử dụng 1 tiếng đồng hồ đó để đọc, bạn sẽ hoàn thành được 30 trang mỗi ngày, có nghĩa là bạn có thể đọc 36 cuốn sách/ năm.

Trên thực tế, bạn có thể đọc được nhiều hơn vì bạn sẽ học được cách đọc nhanh hơn và bỏ qua những gì bạn không thích. Ngoài ra, hãy nhớ rằng, những kết quả này chỉ có được khi bạn bỏ ra 60 phút mỗi ngày để đọc sách. 

Mark Manson đã hoàn thành 81 cuốn sách vào năm 2020 vì anh ấy dành thời gian đọc trung bình là 2 tiếng/ ngày. 

Ghi chú: Ngắt quãng 10 – 20 ngày cũng không sao. Miễn là bạn trở lại và tiếp tục hành trình đọc của mình. Ngay cả khi trong năm đầu, bạn chỉ đọc được 9 cuốn sách. Nhưng điều đó vẫn tốt hơn là không có cuốn nào.

 

5/ Đọc nhiều cuốn cùng một lúc

 

Giống như ăn trưa vậy. Bạn sẽ nhanh cảm thấy chán nản khi ăn đi ăn lại cùng 1 món. Do đó, mẹo cuối cùng của Mark là chọn 2 hoặc 3 cuốn sách thuộc các thể loại khác nhau để đọc cùng một lúc. 

Ví dụ, bạn có thể đọc một cuốn sách marketing phục vụ cho công việc, trong khi đó, bạn cũng có thể đọc một cuốn tâm lý học về việc phát triển bản thân, và một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng để giải trí. Khi bạn thấy mình đọc quá nhiều một thể loại nào rồi, bạn có thể chuyển sang loại khác. 

Ghi chú: Ý tưởng của mẹo này là giúp cho quá trình đọc không bị nhàm chán. Nhưng nếu bạn đang rất rất thích một cuốn sách hay một cuốn tiểu thuyết nào đó thì đừng ép mình dừng lại. Hãy đọc tiếp. 

 

Vậy làm thế nào để nhớ những gì bạn đã đọc?

 

Câu trả lời rất ngắn gọn: Thay vì những tờ ghi chú dán chằng chịt, hay những dòng highlight loằng ngoằng, bạn hãy sử dụng nội dung của sách. Nếu bạn chưa nắm được thì hãy cố gắng đọc nốt những dòng dưới đây. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các kĩ thuật phổ biến như tô sáng, đọc lại và ghi chú có hiệu quả lưu trữ thấp. Có nghĩa là: các phương pháp phổ biến này rất khó để khiến bạn ghi nhớ mọi thứ. 

Ngược lại, não của bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ những thứ bạn sử dụng trong cuộc sống.

Vậy thì làm thế nào để bạn sử dụng những ý tưởng trừu tượng được viết trong một cuốn sách? Nghiên cứu tương tự khuyên bạn nên thảo luận về chúng trong một cuộc trò chuyện hoặc viết về chúng. Dù bằng cách nào, quá trình này cũng giống như việc dạy ý tưởng của bạn cho người khác, và có thể bạn không biết rằng: dạy lại là cách tốt nhất để ghi nhớ. 

Mark cũng khuyên bạn không nên ép mình phải nhớ từng chi tiết. Thay vào đó, bạn nên nhớ nơi có thể tìm lại những chi tiết ấy. 

Ví dụ, thay vì ghi nhớ mọi thứ trong bài viết này, bạn có thể lưu lại hoặc chụp ảnh màn hình. Khi quyết định triển khai các mẹo đọc, bạn có thể quay lại và tìm thấy điều mình cần. 

– Biên dịch từ bài viết của Nabil Alouani. Đọc bài viết gốc tại đây! – 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *