LAM CHƯỚNG NƯỚC NAM

LAM CHƯỚNG NƯỚC NAM?
Từ lâu nước Nam ta đã nổi danh là đất dữ, có nhiều khí lam chướng nhưng dân ta lại tìm ra được phương thuốc để trị khí độc. Khi các sứ giả Trung Hoa sang cũng hào phóng mời dùng chứ không giấu giếm.
———————————————-
~Chuyện xảy ra vào những năm thời Đường.Toàn thư chép:
Mậu Tý, [628], (Đường Thái Tông Thế Dân, Trinh Quán năm thứ 2). Tông thất nhà Đường là Lý Thọ làm Đô đốc Giao Châu tham ô phải tội. Vua Đường thấy Thứ sử Doanh Châu là Lư Tổ Thượng có tài gồm văn võ, gọi vào triều, dụ rằng: “Giao Châu đã lâu không được người giỏi, các đô đốc trước sau đều không xứng chức. Khanh có tài lược dẹp yên biên giới, hãy vì ta sang trấn đất ấy, chớ lấy đường xa mà từ chối”. Tổ Thượng lạy tạ, rồi lại hối, lấy cớ đau ốm mà từ chối. Vua Đường sai Đỗ Như Hối bảo cho Tổ Thượng biết ý vua. Tổ Thượng vẫn cố từ. Lại sai Chu Phạm là anh vợ của Tổ Thượng đến dụ rằng: “Người thường đã hứa với nhau còn biết giữ chữ tín, khanh đã hứa trước mặt trẫm, há trái lời hay sao? Nên sớm lên đường, sau ba năm tất gọi về, trẫm không nuốt lời”. Tổ Thượng trả lời rằng: “Đất Lĩnh Nam lam chướng, dịch lệ, đó là cái lẽ đã ra đi thì không trở về”. Vua Đường tức giận nói: “Ta sai người không đi, còn làm chính lệnh thế nào được nữa”. Sai chém ngay ở triều đường. Sau hối lại, cho khôi phục quan tước và ấm phong.
Ất Mùi, [635], (Đường Trinh Quán năm thứ 9). Tông thất nhà Đường là Lý Đạo Hưng làm Đô đốc Giao Châu vì bệnh chướng khí chết ở nơi làm quan.
———————————————-
Trong An Nam Chí Lược cũng có ghi các mẩu chuyện có nhắc đến khí lam chướng:
Năm 134 TCN vua Vũ đế nhà Tây Hán muốn xuất quân đánh đất Việt thì có Hoài Nam Vương Lưu An dâng sớ khuyên can:
“Phát quân vào đất Việt là vấn-đề quan trọng, phải đi kiệu qua núi, chèo đò vào sông; đi vài trăm ngàn dặm toàn là tiếp giáp rừng sâu, tre rậm, dòng nước trên dưới đều vấp phải đá, trong rừng lại nhiều rắn độc, cọp dữ, đến mùa hè, trời nắng, thi sinh ra chứng thổ tả, hoắc loạn, gian-nan, vất vả và tật bệnh tiếp nối với nhau. Quân lính chưa từng cầm gươm giao chiến, nhưng người từ trần và bị thương chắc đã đông. Tôi lại nghe sau khi đánh giặc, ắt bị mất mùa, vì dân mọi người đầy khí sầu khổ, làm cho âm dương mất điều-hoà và ảnh-hưởng tới trời đất, do đó mà sanh ra tai hại.”
Năm 138 thời vua Thuận đế nhà Đông Hán, vua Hán họp bàn muốn xuất 4 vạn quân đi đánh Khu Liên(Lâm ấp sau này là Chăm Pa) thì có quan Lý Cổ bác đi, nói rằng “…Nam Châu thì trời nắng nực, ẩm thấp lại thêm lam chướng dịch lệ, 10 phần phải chết đến 4, 5 phần. Đường xa muôn dặm, quân lính mỏi mệt, đến lúc tới Lĩnh Nam thì đã không kham nổi chiến đấu…”
Đặc biệt thời Tống thì đến cả vua cũng lo sợ:
Quan Trị-Biên An-Vũ-Sứ Thiệu Diệp dâng một bức học-đồ, chỉ rõ đường thuỷ-lục từ Ung-Châu đến Giao-Châu. Vua Chân-Tông đưa cho cận-thần xem và nói rằng: “Giao-Châu lam chướng độc địa, nếu ra binh đánh dẹp, tử-thương ắt nhiều, vả lại tổ-tông mở mang bờ cõi, rộng lớn nhường ấy, chúng ta chỉ nên giữ gìn cẩn thận mà thôi, hà tất nhọc dân động chúng, …”
———————————————-
Vậy phương thuốc kì diệu nào giúp dân ta chống chọi lại khí lam chướng?
Khí lam chướng rất độc, nhân-dân xứ Lĩnh-Nam tìm phương thuốc có ba vị: vôi hàu là vỏ con hàu dưới biển nấu thành vôi, quét vào lá trầu rồi nhập với miếng cau mà ăn thì trừ hết khí độc, khỏi sốt rét; khi nào có khách tới nhà thì đãi ăn cau trầu. Nếu người chủ nhà hậu tình hơn nữa thì rót rượu cay, mời thuốc hút, đều là những vị trừ khí độc và gió độc.
Quan đi sứ Trung Hoa cũng nhắc lại việc được mời trầu trong các bản trình tấu lên:
Trong chuyến đi sứ năm 980 của nhà Tống thì có chép: “…Hoàn dừng ngựa nghiêng mình, hỏi thăm sức-khoẻ của Hoàng-đế, xong cùng chúng tôi đi ngựa về, thỉnh-thoảng mời ăn cau trầu,ngồi trên lưng ngựa mà ăn, đây là theo phong-tục tỏ ý hậu đãi khách của xứ ấy vậy…” tống sử
Trong chuyến đi sứ năm 1291 thời nhà Nguyên có ghi lại “..Đủ các thức rượu, đồ trái quí lạ và các món ăn rất quí như cá thịt cùng các hải-vị dọn đến tám bàn. Thỉnh-thoảng, mời ăn cau trầu têm với vôi hàu. Vua An-nam tiếp chuyện vui vẻ luôn luôn và làm thơ để tặng Thiên-Sứ…”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *