BẤT LỢI CỦA MỘT KẺ HỌC ĐỀU CÁC MÔN THỜI CẤP 3…

✍️ Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày mình tốt nghiệp cấp 3 và bước chân lên một hành trình mới. Nhân một ngày tình cờ tìm thấy cuốn học bạ trong đống sách vở, tự nhiên mình muốn viết. Mình vẫn không thể tin được số điểm tổng kết mà mình nhận được trong những trang học bạ này. Có những môn mình được tận 9.9 điểm nhưng từ khi lên Đại học, mình chẳng dùng đến chút kiến thức nào hồi cấp 3 cả. Mình mắc “hội chứng học đều” từ thời cấp 2 và duy trì đến hết năm cấp 3. Mình không đầu tư thời gian cho tất cả, nhưng môn nào mình cũng cố gắng hết sức để đạt được một số điểm tốt nhất bằng cách chăm chú nghe giảng trên lớp, chỗ nào chưa hiểu thì mình hỏi luôn thầy cô (đương nhiên mình có gian lận khi kiểm tra). Mình rất ít khi đợi về nhà để nghiên cứu tiếp hay để dành hỏi bạn bè vì thường thì họ cũng không giải đáp được.

✍️ Kết quả sau 3 năm “môn nào cũng cố” là một bảng điểm rất đẹp, nhưng mặt khác, mình đã KHÔNG XÁC ĐỊNH được mình thích gì hay giỏi gì. Năm mình học lớp 12, lúc sắp sửa phải chọn ngành, chọn trường, mình đã vô cùng hoang mang. Và rồi theo dòng đời xô đẩy, người ta chọn Kinh tế thì mình cũng chọn Kinh tế, người ta bảo con gái nên học trường F thì mình cũng đăng kí trường F. Mình chọn trường với lí do chính là trường F có môi trường năng động, sáng tạo hợp với mấy đứa hướng ngoại, nên mình nghĩ nếu không hợp với cái ngành thì ít ra cũng hợp được với môi trường. Thế nhưng không, lên năm nhất mình đã tạch hết các CLB trong trường, đó cũng là cú sốc đầu đời của mình. Nhưng đúng thật là khi cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Mình đã tìm được một Mái nhà và gắn bó cho đến giờ.

✍️ Về việc học đều và không tìm ra được đam mê, sở trường, mình nghĩ đó là một vấn đề nhức nhối không chỉ của mình mà còn là của nhiều người khác. Khoảng thời gian vừa rồi của mình có thể nói là rất chán đời, mình không có một chút động lực nào để đi học trên lớp. Đến kì thi các bạn đua nhau ôn bài này, bài kia, còn mình thì thấy việc thi là một chuyện rất bình thường. Nó chỉ là một cái gợn trong chuỗi ngày lênh đênh của mình thôi. Người ta dành 1 tháng, 1 tuần để ôn còn mình thì chỉ dành 1 ngày, 1 đêm hoặc thậm chí là chẳng đêm nào. Trước kia thì nghỉ học là một chuyện rất to tát, phải suy nghĩ rất nhiều nhưng giờ thì mình nghỉ học như cơm bữa. Thay vì dành mấy tiếng đồng hồ để nghe giảng về Kinh tế, mình thích ngồi một mình xem youtube, đọc sách, đọc blog hoặc đi đây đi đó hơn. Bởi nó cho mình cảm hứng, cho mình hiểu biết về con đường mình muốn đi, còn việc đi học trên lớp có vẻ không phù hợp với mình lắm.

✍️ Thỉnh thoảng mình có hỏi các bạn của mình về những dự định trong tương lai thì mình nhận được khá nhiều câu trả lời: “Tao cũng chưa biết nữa.” Vì các bạn cũng chưa biết mình thích hay giỏi ở lĩnh vực nào, nên ngoài việc đi học rồi về nhà thì các bạn cũng không biết làm gì nữa. Thậm chí mình còn quen một chị sinh viên năm 3 ở cùng quê, học cùng trường, nhưng chị cũng chưa biết sau này sẽ làm gì, cũng hoang mang không kém gì một đứa năm hai như mình luôn.

✍️ Theo mình, với những người học đều ở cấp phổ thông và chưa có định hướng rõ ràng, thì cách tốt nhất là đưa mình vào thế giới của trải nghiệm bởi “cứ đi rồi sẽ thành đường” thôi mà. Nếu ngành đang học không phải đam mê, sở trường của mình thì có thể tìm kiếm một ngành học khác. Chúng ta có thể tìm mình qua những trang sách, qua sự trải nghiệm, qua sự chỉ dẫn của những vị thầy và trưởng thành nhờ nhóm bạn cùng tiến. Đó cũng là những điều mà mình đã và đang làm để vượt qua quãng thời gian khủng hoảng, tìm ra con đường phù hợp cho mình trong tương lai.

? Bắt đầu thay đổi chưa bao giờ là quá muộn, quan trọng là mình có nhận ra vấn đề để bắt đầu thay đổi hay không, có dám buông cái cành cây đang sâu mục ra không hay vẫn cố bám vào nó để một ngày đẹp trời cành cây bị gãy rồi ngã lúc nào không biết. Còn bạn thì sao, bạn có phải một kẻ học đều và bạn đã tìm được đam mê, sở trường của mình chưa? Cmt ở dưới nhé!

P/s: Có thể mình chưa tìm được một đam mê lớn nhưng trước mắt thì mình đã có đam mê nho nhỏ là viết lách và chia sẻ rùi nè.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *